Nếu màn dạo đầu của Dennis Bergkamp trên đất Ý là một mùa giải đầy khó khăn, thì mùa giải thứ hai, và cũng là chiến dịch cuối cùng của ông trong màu áo Inter, thậm chí còn khó khăn hơn.
Phần 1: Dennis Bergkamp ở Inter Milan: Cuộc chiến tôn giáo bóng đá của người Ý (P1)
Phần 2:
Dưới sự dẫn dắt của Bagnoli, Inter đã bất ngờ cán đích mùa giải 1992/1993 ở vị trí thứ hai, kém đội đầu bảng – Milan của Fabio Capello – 4 điểm. Bằng động thái mua về Bergkamp và Jonk, cùng với đó là việc bộ ba Hà Lan Bay của Rossoneri vào thời điểm ấy đã mỗi người một ngả sau khi Gullit gia nhập Sampdoria, Rijkaard đầu quân cho Ajax, còn Van Basten thì đang bị hành hạ bởi những chấn thương, Pellegrini cảm thấy rằng sự bổ sung thêm chất ma thuật và hoa mĩ của những người Hà Lan có thể mang đến cho Inter danh hiệu đầu tiên kể từ năm 1989.
Bagnoli, vị kiến trúc sư đã giúp Verona viết nên một câu chuyện cổ tích với vinh quang Scudetto vào năm 1985, đã đưa Inter chiếm đóng vị trí thứ hai với cái khuôn mẫu chiến thuật gắn liền với danh tiếng của nền bóng đá Ý vào thời điểm ấy; phòng ngự lùi sâu và phản công chớp nhoáng. Ông đã sử dụng tốc độ tuyệt đỉnh của Ruben Sosa để đạt được sự hiệu quả cao nhất trong thứ bóng đá đó; Tiền đạo người Uruguay đã có đến 20 pha lập công ở mùa giải 1992/1993.
Những dấu hiệu về một mùa bóng 1993/1994 thảm họa đã xuất hiện từ rất sớm. Bagnoli tuyên bố rằng Pellegrini không hề đưa ra bất kỳ thông điệp nào mang ý nghĩa yêu cầu ông thay đổi hệ thống và thế là mùa giải mới đã bắt đầu với một lối chơi không khác gì so với trước đó. Bergkamp đã hoàn toàn bị cô lập trên sân khi mà ông nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các tiền vệ của Inter. “Chỉ có tôi đứng trên đó cùng Sosa, và trận đấu nào chúng tôi cũng phải đối đầu với 5 hậu vệ.”
Họ bước vào mùa giải mới một cách chệch choạc tại sân chơi quốc nội, nhưng lại có những bước tiến đầy mạnh mẽ ở UEFA Cup, khi Bergkamp đã tỏa sáng rực rỡ tại đấu trường này. Ông đã lập hattrick (bao gồm một pha bay người volley cắt kéo tuyệt đẹp) vào lưới Rapid Bucharest ở vòng một, cũng như đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu của Norwich City tại trời Âu với hai bàn thắng ghi được trong cả hai lượt trận đi và về ở vòng ba.
Còn ở cái thế giới thực dụng đến tột cùng của Serie A, cả Bergkamp lẫn Inter đều đang vô cùng chật vật trong thứ hệ thống phòng ngự phản công mà Bagnoli triển khai, và tiền đạo người Hà Lan tin rằng, ông sẽ không thể đạt được bất kỳ thành công nào dưới những chiến thuật đầy cứng nhắc của nhà cầm quân này. “Chỉ có tôi đứng trên đó cùng Sosa và thỉnh thoảng thì có thêm 2 tiền vệ nữa dâng lên để tham gia tấn công … Tôi nhìn về phía sau chỉ để thấy tất cả các tiền vệ và hậu vệ đồng đội đều đang ở sâu bên phần sân nhà! Giữa chúng tôi là một khoảng trống mênh mông, và đó là một khoảng không gian chết! Thứ bóng đá ấy đã giết chết tôi, giết chết cả đội.”
Như thể nhiêu đó vấn đề vẫn chưa đủ tồi tệ, cuộc sống bên ngoài sân cỏ cũng không hề sáng sủa hơn đối với Bergkamp, vì là một người hướng nội, việc hòa nhập với các đồng đội trong phòng thay đồ đã trở nên vô cùng khó khăn đối với tiền đạo người Hà Lan. Khi được phỏng vấn về khoảng thời gian của Bergkamp tại Inter, cả Bergomi và Ferri đều chỉ trích việc ông đã không hề cởi mở với các đồng đội. Ferri là người phê bình gay gắt nhất, “cậu ta quá lạnh lùng. Tất cả mọi người trong đội đều đã cố gắng kết bạn với cậu ta, nhưng cậu ta lúc nào cũng xa cách, lạnh nhạt.” Còn Bergomi thì nhận xét một cách nhẹ nhàng, mang tính “nói giảm nói tránh” hơn, “Dennis đáng lẽ ra đã nên nỗ lực hơn để hòa nhập, để trở nên ‘Ý’ hơn.”
Mối quan hệ đối tác trên hàng công giữa ông và Sosa, thứ vốn đã không hề hoạt động hiệu quả, cũng trở nên ngày càng tệ hơn khi cầu thủ người Uruguay mô tả Bergkamp với cánh truyền thông Ý là “một gã kì quặc và cô độc” và rằng ông “không mấy khi cười, cũng chả nói năng gì nhiều, tôi sẽ không đời nào chuyền bóng cho hắn đâu”.
Nếu tốc độ bá đạo và cái phong cách cắm đầu đi bóng của tiền đạo nhỏ con người Uruguay đã phù hợp một cách hoàn hảo với chiến thuật của Bagnoli, thì nhãn quan tuyệt đỉnh của Bergkamp lại không được như vậy. Nếu Bergkamp phải cần đến một người cộng sự ăn ý để tỏa sáng, thì Sosa chắc chắn là một “nghệ sĩ độc tấu”; mối quan hệ đối tác của họ hoàn toàn là một sự thất bại.
Bagnoli đã phải nhận trát sa thải sau trận thua với tỷ số 2-1 ngay trên sân nhà của Inter trước Lazio vào tháng 2 năm 1994, và được thay thế bởi Giampiero Marini, người cũng chỉ có thể dẫn dắt họ giành được vỏn vẹn 2 chiến thắng trong 12 trận còn lại của mùa giải, để rồi cán đích ở một vị trí cách nhóm xuống hạng duy nhất 1 điểm. Tuy nhiên, chiến dịch năm ấy cũng có thể gọi là đã kết thúc trong vinh quang, khi họ đánh bại Casino Salzburg trong cả hai lượt trận để giành chức vô địch UEFA Cup, và Bergkamp chính là cây săn bàn hàng đầu của giải đấu với 8 pha lập công.
Nếu màn dạo đầu của Bergkamp trên đất Ý là một mùa giải đầy khó khăn, thì mùa giải thứ hai, và cũng là chiến dịch cuối cùng của ông trong màu áo Inter, thậm chí còn khó khăn hơn. Người được Pellegrini giao cho trọng trách lèo lái Inter trong mùa giải ấy là vị cựu huấn luyện viên trưởng của Napoli, Ottavio Bianchi, một người mà theo như lời kể của Bergkamp, là sẽ khoe khoang chuyện mình từng dẫn dắt Diego Maradona khoảng “vài lần … mỗi tiếng”. Một thói quen mà theo như tiền đạo người Hà Lan cảm nhận, là thiếu tôn trọng với những cầu thủ hiện tại của ông ta.
Bergkamp đã kể về một lần Bianchi đi chơi tennis với người trợ lý của ông ta trong thời gian giải lao giữa các buổi tập. Để đến sân tennis, họ sẽ phải đi bộ qua sân tập, vượt qua dãy phòng thay đồ và thêm hai sân bóng nữa, khi ấy, Bergkamp đã nhìn thấy Bianchi thoải mái bước đi phía trước với chỉ một chiếc điện thoại trên tay, còn người trợ lý lớn hơn ông ta vài tuổi thì phải tay xách nách mang cả hai cây vợt, bốn chai nước và một cái túi. Đối với Bergkamp, đó là một hành động không thể nào chấp nhận được, và mất sạch sự tôn trọng đối với Bianchi kể từ ngày hôm ấy.
Tuy nhiên, khác với Bagnoli, Bianchi đã cố gắng thay đổi phong cách thi đấu của Inter. Ông đã thi triển đấu pháp pressing trong hai trận giao hữu tiền mùa giải, nhưng rốt cuộc thì cũng phải mau chóng quay về với lối chơi cũ. Nhận thấy rằng thứ chiến thuật ấy không thể hoạt động hiệu quả tại đội bóng này.
Chịu đựng những chấn thương và kiệt sức sau USA’94, Bergkamp đã phải trải qua thêm một mùa giải thảm họa khác, chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn trên mọi đấu trường; trớ trêu thay, bàn thắng cuối cùng của ông trong màu áo Nerazzurri là trên sân San Paolo – nơi mà Bianchi đã được tận hưởng khoảng thời gian ngọt ngào nhất trong sự nghiệp cầm quân của mình, đồng thời cũng là nguồn gốc của sự bất đồng giữa ông và tiền đạo người Hà Lan.
Như thể chỉ riêng chuyện “cơm không lành canh không ngọt” với Bianchi là chưa đủ tồi tệ, mối quan hệ giữa Bergkamp và cánh truyền thông nước Ý giờ đây cũng đã trở thành thù địch; bởi hành động đổ thêm dầu vào lửa của họ khi rêu rao rằng tiền đạo người Hà Lan đang phải trải qua những vấn đề trầm trọng về tâm lý và dẫn đến “chứng rụng tóc.”
Vào tháng 6 năm 1995, Bergkamp đã cử người đại diện của ông đến nói chuyện với chủ sở hữu mới của Inter, Massimo Moratti, và bắt ông ta phải đưa ra một sự lựa chọn; hoặc Moratti sa thải Bianchi và mang về những cầu thủ mới, hoặc Dennis sẽ ra đi. Moratti, sau khi bị thuyết phục bởi vị trí thứ 6 mà Bianchi giúp Inter chiếm được ở mùa giải trước, đã nói với người đại diện của Bergkamp rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào nhà cầm quân này.
Vài tuần sau đó, tiền đạo người Hà Lan đã gia nhập Arsenal.
Bergkamp, với việc kiên quyết không buông bỏ các nguyên tắc của triết lý bóng đá Hà Lan đã ăn sâu vào máu mình, nhận thức rằng ông sẽ không bao giờ có thể đạt được sự thành công tại Serie A. Trong khi Franco Baresi, Paolo Maldini và các đồng đội đã chấp nhận thích nghi và được hưởng lợi với cái phong cách bóng đá mới mẻ mà Sacchi truyền bá, thì tại Inter, những Bergomi, Battistini và Ferri đã không sẵn lòng, hoặc chỉ đơn giản là không thể thích nghi được với các thay đổi.
Mấu chốt của vấn đề là Bergkamp đã không may bị mắc kẹt giữa cuộc chiến về tôn giáo của nền bóng đá Ý, giữa những người trung thành với truyền thống, có tư duy bảo thủ, cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi, và những người ủng hộ sự đổi mới đang cố gắng đẩy mạnh cuộc cách mạng.
Rốt cuộc, sự mất mát của Serie A lại chính là thắng lợi của Premier League, nơi mà Bergkamp, cùng với Arsene Wenger, đã thay đổi không chỉ một câu lạc bộ, mà là cả một giải đấu.
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “BERGKAMP, INTER AND ITALIAN RELIGION” của tác giả Emmel Gates, đăng tải trên IBWM.