Điều gì khiến David Ginola trở thành 1 biểu tượng tinh túy của nước Pháp? Ở Ginola, thế giới nhận ra một cầu thủ có lối đá khác biệt, ngoại hình điển trai và tính cách khôn ngoan, nhiều mưu mẹo khiến ông vừa được yêu lại vừa bị ghét.
Phần 1: David Ginola: Tội đồ nước Pháp, thần tượng ở sân cỏ Anh (P1)
Phần 2:
Vậy điều gì khiến David Ginola trở thành 1 biểu tượng tinh túy của nước Pháp? Ở Ginola, thế giới nhận ra một cầu thủ có lối đá khác biệt, ngoại hình điển trai và tính cách khôn ngoan, nhiều mưu mẹo khiến ông vừa được yêu lại vừa bị ghét. Ông là vật tế thế thần cho cả đất nước sau một quyết định ngây thơ khiến đội tuyển phải trả giá.
Cầu thủ bóng đá không sợ những lời chỉ trích. Thực tế, các cầu thủ xây dựng cả sự nghiệp của họ bằng cách sống trên những sự chỉ trích đó. Ginola như một cầu thủ đang có tất cả: kỹ năng chơi bóng, cơ hội và cá tính đặc biệt để rồi trong một khoảnh khắc quyết định, ông đã mở chiếc hộp Pandora và giải phóng một loạt những sự hung bạo của nhân gian này, trong đó có những lời chỉ trích. Mọi tội lỗi và vấn đề của cả một đội tuyển bỗng nhiên đổ dồn lên vai một cầu thủ duy nhất.
Những thăng trầm ở trong lẫn ngoài sân cỏ Pháp là yếu tố khiến Ginola quyết định rời quê hương để tìm chân trời mới. Truyền thông Tây Ban Nha gọi ông là “El Magnifico” (Đẹp tuyệt diệu) và họ đồn đại về một cuộc chuyển nhượng tới 1 trong 2 gã khổng lồ Real Madrid hoặc Barcelona. Sau đó tới lượt Juventus và Bayern Munich tham gia vào cuộc đua. Tuy nhiên Ginola lựa chọn vượt eo biển Manche để tới Newcastle được dẫn dắt bởi HLV Kevin Keegan.
2,5 triệu bảng là số tiền chuyển nhượng để đưa David Ginola từ Paris tới Newcastle. Đây có thể xem là một quyết định lạ lùng của ngôi sao người Pháp tuy nhiên sự xuất hiện của ông ở Tyneside đã mang tới một khởi đầu mới cho ông. Ginola đại diện cho một sự mới mẻ, cái gì đó mang yếu tố nước ngoài tại đội bóng này. Khi đó, ông vẫn còn là ẩn số trong mắt nhiều cổ động viên Newcastle.
Trong suốt mùa giải 1995/1996, màn trình diễn của Ginola có thể phân thành hai phần là thất vọng và chói sáng. Tại Newcastle, ông thi đấu như một tiền vệ sáng tạo, có thể biến một trận đấu trở thành thứ gì đó kỳ diệu nếu muốn. Sau khi để Manchester United cuỗm mất chức vô địch tưởng đã trong tầm tay mùa giải ấy, Newcastle củng cố sức mạnh đội hình bằng cách đưa về Alan Shearer ở mùa tiếp theo.
Trong khi đó, Ginola tuy ghi ít bàn thắng hơn nhưng nhiều bàn trong số đó là những pha lập công đẹp nhất kỷ nguyên Premier League, thậm chí cho đến ngày nay nhiều người vẫn phải trầm trồ. Việc chuyển từ người ghi bàn xuất sắc sang người ghi những bàn thắng đẹp có lẽ cũng là hợp lý với tiền vệ người Pháp. Tung hoành ở hành lang cánh rồi sau đó bó vào giữa vẫn là những hình ảnh tiêu biểu của Ginola ở Newcastle.
Sau khi Keegan rời đội bóng ở giữa mùa giải thứ hai của tiền vệ người Pháp tại “Chích chòe” và đội bóng của ông tiếp tục về nhì ở mùa giải 1996/1997, tiền vệ với mái tóc bạch kim này muốn ra đi vì không thích thi đấu cho HLV Kenny Dalglish, tân thuyền trưởng Newcastle thời điểm đó. “Bạn có thể nói chuyện với Keegan. Tôi không có ý định nói chuyện với Dalglish. Tôi đến Newcaslte không phải để thi đấu cho ông ấy. Tôi gia nhập đội bóng này vì một người: Keegan. Ông ấy rời đi và giờ tôi là đứa trẻ mồ côi”, Ginola cương quyết.
Là 1 trong những nhân vật mang tính giải trí lớn nhất, Ginola được yêu mến cùng một tập thể Newcastle thi đấu bùng nổ. Và một trong những màn trình diễn đẹp và hoàn hảo nhất của ông cho “Chích chòe” là chiến thắng 5-0 trước Manchester United tại sân St James' Park, tháng 10/1996.
Đó cũng được xem là 1 trong những trận đấu mãn nhãn và mang tính giải trí nhất của kỷ nguyên Premier League. Trong cuộc thư hùng ấy, Ginola đã khiến Gary Neville phải vô cùng khổ sở, bên cạnh đó là cú dứt điểm tuyệt hạng từ ngoài vòng cấm khiến thủ thành Peter Schmeichel bất lực nhìn bóng bay vào góc chết. Có một câu hỏi sẽ mãi không lời giải đáp, là Newcastle sẽ ra sao nếu họ không thua Manchester United trong cuộc đua vô địch Premier League trong 2 năm 1995 và 1996. Nhưng dù thế nào thì khi Keegan rời đi, Ginola cũng quyết dứt áo để tìm kiếm thử thách mới.
Năm 1997, tuy đã 30 tuổi nhưng Ginola vẫn sung sức. Ông gia nhập Tottenham với phí chuyển nhượng 2,5 triệu bảng. Trong 3 mùa giải tại sân White Hart Lane, ông vẫn giữ được phong độ cũng như những gì đã khiến người hâm mộ Newcastle mê đắm.
Tuy nhiên, điều khiến các cổ động viên Spurs yêu mến ông chính là vì ông sẵn sàng phá cách. “Gà trống thành London” có Ginola đã giành được League Cup sau khi đánh bại Leicester City trong trận chung kết. Trận đấu ấy không chỉ tượng trưng cho sự trở lại của Tottenham mà còn với cả Ginola dưới thời HLV George Graham.
Sự ngưỡng mộ mà công chúng dành cho tiền vệ người Pháp càng tăng lên sau khi ông nhận 2 danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất năm”, một do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) và một do Hiệp hội cây viết bóng đá Anh (FWA) bầu chọn. Đáng chú ý, ông làm được điều này trong năm mà Manchester United dành cú ăn ba lịch sử. Điều đó cũng có nghĩa những màn trình diễn của Ginola cho Tottenham có sức ảnh hưởng và xuất sắc tới nỗi ông vượt qua cả những Beckham, Giggs, Scholes, Yorke, Cole và Keane để giành danh hiệu cá nhân. Và quả thực ông xứng đáng.
Sau một giai đoạn thành công tại Tottenham, Ginola sau đó chuyển tới thi đấu cho Aston Villa và Everton. Tuy nhiên, quãng thời gian khoác áo 2 đội bóng này không thể nào sánh được với khi ông còn thi đấu cho Newcastle hay Tottenham được. Và Everton cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến phiêu lưu mang tên Premier League.
Trong thời đại của mình, Ginola là một cầu thủ có một không hai. Khả năng làm chủ trái bóng, tầm nhìn, kỹ năng chuyền bóng thuận lợi cho đồng đội, những đường kiến tạo vào vòng cấm và sự tinh quái đã trở thành thương hiệu của tiền vệ hào hoa người Pháp. Người hâm mộ nước Anh sẽ không bao giờ quên một chàng lãng tử với mái tóc tung bay mỗi khi tăng tốc cùng trái bóng. Còn ở nước Pháp quê hương, đó là một kẻ tội đồ chưa bao giờ hoàn toàn được tha thứ.
Dịch từ bài viết “David Ginola” trong ấn phẩm France của These Football Times
CG (TTVN)