Ngày 30 tháng 6 năm 1998, một cú vung chân nhẹ trong lúc nóng giận đã thay đổi cuộc đời chàng tiền vệ lúc đó khoác áo Manchester United. Tấm thẻ đỏ trong trận đấu với Argentina đã gây nên làn sóng phẫn nộ khắp nước Anh. Đúng, ở khắp mọi nơi, ngoại trừ Old Trafford…
David Beckham nhìn ra ngoài cửa sổ và chỉ vào một người đàn ông cũng đang nhìn anh. Đó là một ngày khi trời đã về khuya và Beckham ở một mình trong ngôi nhà tại Greater Manchester. Anh đang ngủ say thì một tiếng động ồn ào bên ngoài khiến anh cáu giận và lũ chó sủa ầm ĩ.
Người đàn ông đứng bên ngoài căn nhà: hai tay gập lại, bất động và không cảm xúc. Beckham nhìn anh ta và anh ta nhìn lại – trong 5 phút. “Anh muốn gì?” Cuối cùng Beckham phải hô lên. Nhưng không hề có sự hồi đáp, người đàn ông ấy vẫn tiếp tục nhìn chằm chằm. Đó là thời điểm năm 1998, Beckham khi ấy là người bị ghét nhất nước Anh. Thậm chí ngay trong chính căn nhà của mình, anh cũng không hề được đảm bảo an toàn.
Vài tuần trước đó, cầu thủ lúc đấy 23 tuổi đã trở thành tội đồ trong thất bại của đội tuyển Anh ở World Cup trước Argentina. Anh đứng ở bãi đỗ xe bên ngoài sân Geoffroy-Guichard, khóc nức nở trong vòng tay người cha khi đội tuyển Argentina rời xe buýt của họ, cầm chiếc áo thi đấu và xoay trên đầu để ăn mừng.
Với Argentina, điều chờ đợi phía trước là trận tứ kết World Cup gặp Hà Lan. Còn với Beckham là 12 tháng đầy thử thách trước mặt. Anh phải trải qua chiến dịch tẩy chay lớn nhất mà chưa từng cầu thủ người Anh nào gặp phải.
Khi chuyện này xảy ra, nó trở thành một trải nghiệm giúp Beckham định hình nên con người mình. Trong vòng 1 năm, anh đã thay đổi từ một nhân vật bị khinh bỉ nhất nước thành chủ nhân của cú ăn ba lịch sử.
GÁNH XIẾC VÀ CƠN BÃO
Một ngày trước khi diễn ra trận đấu thuộc vòng 16 đội với Argentina, Beckham ngồi trong phòng vệ sinh của khu huấn luyện đội tuyển Anh và nhảy nhót vui sướng. Trên đường bước ra sân Saint-Etienne, anh đã chui vào phòng vệ sinh để gọi điện cho vị hôn thê Victoria, cô đang mang thai đứa con đầu lòng của hai người. Mọi thứ dường như bớt căng thẳng hơn sau khởi đầu khó khăn tại World Cup.
Tiền vệ của Manchester United bước vào giải đấu với vị thế là nhân vật trung tâm của đội tuyển Anh – Adidas đã chiếu khuôn mặt anh trên Vách đá Trắng của Dover kèm dòng chữ “Niềm hy vọng của nước Anh”. Phong độ ở câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia cộng thêm hôn ước với một thành viên Spice Girl đã biến anh thành một siêu sao. Thậm chí, chính anh cũng không hiểu được tại sao lại như vậy.
“Một ngày, tôi ở nhà của Victoria và người đưa thư bấm chuông để chuyển cái gì đó,” Beckham chia sẻ với FourFourTwo về khoảng thời gian không lâu trước kỳ World Cup đó. “Tôi mở cửa và anh ta há hốc miệng. Người đó nói, ‘Ôi, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ được gặp một huyền hoại vào buổi sáng sớm thế này’. Đó là đùa thôi – tôi có phải huyền thoại gì đâu. Không thể nào tin được.”
Beckham thu hút nhiều sự chú ý nhiều hơn khoảng 1 tuần trước World Cup khi anh đi nghỉ với Victoria ở nhà của Elton John trên bờ biển French Riviera và đi ra ngoài với chỉ một chiếc quần sarong – do Jean-Paul Gaultier thiết kế.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh Glenn Hoddle càng ngày càng khó chịu với gánh xiếc truyền thông xung quanh cầu thủ ngôi sao của mình. Beckham là cầu thủ duy nhất xuất hiện ở tất cả các trận đấu vòng loại nhưng khi Hoddle điền tên đội hình cho trận đấu mở màn World Cup trước Tusinia, ông đã gây một “vụ nổ” lớn. Tiền vệ của Manchester United phải ngồi dự bị.
“Tôi nghĩ cậu không tập trung,” Hoddle nói với một Beckham đang hết sức bất ngờ. “Ông nghĩ như thế nào về điều đó?” Beckham đáp và khẳng định sự nổi tiếng của mình không làm anh phân tâm nhiệm vụ bóng đá.
Beckham càng bối rối hơn nữa khi anh được yêu cầu tham dự cuộc họp báo trước trận, thời điểm mà đội hình xuất phát vẫn là một bí mật.
“Ai cũng thấy anh ấy không hề vui vẻ,” Stuart Mathieson, người đến World Cup với tư cách phóng viên về Manchester United cho Manchester Evening News, nhớ lại. “Tôi biết anh ấy khá rõ. Tour du đấu trước mùa giải đầu tiên tôi đồng hành là năm 1995 và David Beckham cũng góp mặt – Khi đó tôi không biết nhiều về anh ấy. Anh ấy chỉ là một chàng trai trẻ vui vẻ mà tôi ngồi cạnh khi ăn sáng trong khách sạn của đội.
Mùa giải sau, anh ấy ở khách sạn Midland ở Manchester để nhận một giải thưởng. Tôi vào toilet và một phút sau anh ấy đã đứng cạnh tôi hỏi ‘Tôi sẽ phải nói gì đây Stuart?’. Tôi đáp: ‘À, chỉ cần cảm ơn mọi người đã giúp đỡ anh thôi.’ Giờ đây bất cứ khi nào tôi gặp anh ấy, trong tất cả những bài phát biểu mà anh nói và công ty mà anh tham gia, so với thời điểm đó thì thực sự rất tốt – anh ấy đã tiến bộ hơn tôi nghĩ nhiều!
Tôi nghĩ David đã kiềm chế bản thân rất tốt khi chúng tôi ngồi với anh ấy trong buổi họp báo ở Pháp nhưng tôi biết Alex Ferguson khá khó chịu khi ông thấy cậu học trò phải ngồi trước truyền thông trong tình huống đó.”
Một vài ngày sau, vị “lãnh tụ” của Quỷ đỏ đã sử dụng một cột báo để đáp trả lại người đồng nghiệp ở đội tuyển Anh.
“CẬU CÓ THỂ MẠNH MẼ HƠN NỮA…”
Beckham tiếp tục phải ngồi trên băng ghế dự bị trước Romania nhưng đã được đá chính trong cuộc đối đầu với Colombia – với một cú đá phạt rất cuộn giúp đội tuyển Anh thoát cảnh phải chia tay sớm. Beckham được ca ngợi như một người hùng sau khi báo chí yêu cầu HLV Hoddle phải đưa anh quay trở lại đội hình chính.
Thế rồi trận đấu với Argentina ở Saint-Etienne đã thay đổi tất cả. Đoạn quảng cáo trước trận của Adidas kèm theo hình ảnh Beckham được xem như một lời tiên tri nhưng theo một cách khác những gì mà họ dự định. “Sau tối nay, trận đấu Anh vs Argentina sẽ được nhớ tới vì những gì một cầu thủ đã làm bằng đôi chân của mình,” nội dung đoạn quảng cáo chia sẻ ám chỉ tới Bàn tay của Chúa của Diego Maradona năm 1986.
Đáng buồn thay là họ đã đúng, nhưng như đã nói là theo cách không ai mong muốn. 2 phút là khoảng thời gian từ cú huých sau của Diego Simeone đến pha vung chân nhẹ của Beckham khiến anh phải nhận thẻ đỏ và trở thành nỗi xấu hổ của nước Anh. “Tôi không thể kiểm soát những gì xảy ra trên sân – đó là cách mà tôi chơi bóng kể từ năm 12 tuổi,” Beckham chia sẻ với FourFourTwo, nói về chuỗi những sự nóng giận mà Hoddle và nhiều người khác đã cảnh báo anh.
Lần này anh ngay lập tức đã phải hối hận khi bước vào phòng thay đồ, tìm kiếm sự an ủi bằng cách gọi điện cho Victoria lúc đó đang theo dõi trận đấu trong một quán bar ở New York khi Spice Girls đang có tour lưu diễn toàn thế giới. Anh đứng ở cửa đường hầm khi đội tuyển Anh bị loại khỏi World Cup trên chấm luân lưu. Nếu còn ở trên sân, anh sẽ là một trong 5 người thực hiện cú đá cho Tam Sư.
Khi các đồng đội quay trở lại phòng thay đồ, Beckham được chào đón bằng những sự im lặng bối rối. Chỉ có hai đồng đội đang thi đấu ở Manchester United là Gary Neville và Paul Scholes nói một vài lời ngắn gọn. Sau đó, Tony Adams đặt tay lên vai anh. “Dù bất cứ chuyện gì xảy ra ở đây, cậu cũng là một cầu thủ trẻ xuất sắc,” Adams nói. “Cậu có thể mạnh mẽ hơn nữa.”
Anh cần phải như thế. Trong phòng họp báo sau khi đội tuyển Anh bị loại, bầu không khí cực kì căng thẳng.
“Bạn có thể cảm nhận thấy một làn sóng những người muốn nói ‘Hãy chỉ trích anh ta đi,’” Mathieson nhớ lại. “Những giải đấu như thế này rất tuyệt để bao quát và bạn sẽ muốn một trận chung kết World Cup của đội tuyển Anh trong CV báo chí của bạn. Mọi người bị cuốn đi. Rất nhiều phóng viên Anh nghĩ phần còn lại của giải đấu đã bị anh ấy phá hỏng. Là phóng viên của Manchester Evening News, tôi sẽ viết những điều mang tính cân bằng hơn – Tôi không nghĩ đó là một lời chia tay. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu tôi làm công việc khác, tôi cũng sẽ suy nghĩ giống như biết bao người. Bạn luôn có xu hướng tìm kiếm một vật tế thần và anh ấy là một mục tiêu dễ dàng.
Tôi nhớ đã đứng ở khu phỏng vấn nhanh (mixed zone) khi chờ anh ấy đi qua. Gary Neville chia sẻ với tôi vài điều và nói rằng anh không nghĩ David sẽ dừng lại để nói chuyện. Khi David đi tới, anh ấy đúng là không dừng lại và điều đó có thể hiểu được. Đôi mắt anh ấy đỏ ngầu và rõ ràng là anh đã khóc.”
CHIẾN DỊCH CĂM THÙ
Tiêu đề trang nhất các tờ báo cũng không khiến anh cảm thấy khá hơn chút nào. “10 chú sư tử anh hùng, 1 thằng nhóc ngu ngốc,” là cách mà Daily Mirror giật title. 2 ngày sau, họ xuất bản nguyên 1 trang “tấm bia David Beckham” với Beckham là điểm giữa, xung quanh là các nhân vật bị ghét khác bao gồm nhà lãnh đạo Argentina trong cuộc chiến tranh Falklands, trọng tài Kim Milton Nielsen... và Jeremy Beadle.
Beckham dành chưa đến 1 giờ đồng hồ ở Anh sau khi từ Pháp trở về. Anh bay trên chiếc Concorde tới gặp Victoria ở New York. Khoảng thời gian chưa đến 1 tiếng đồng hồ đó là cảnh tượng mà anh sẽ còn gặp nhiều lần sau này: bị truyền thông đuổi theo tới tận sân bay Heathrow. “Cảm xúc của anh thế nào khi khiến đất nước mình thất vọng?”, “Anh có nhận thức được mình đã làm gì không?”,… các phóng viên đặt câu hỏi. Beckham chỉ im lặng và bước đi.
Trong khi đó, các paparazzi cũng đã chờ sẵn để “chào đón” khi anh vừa đặt chân tới nước Mỹ. “Tôi nghĩ: ‘Đây là New York, điều này đáng lẽ không nên xảy ra’,” sau này anh viết trong cuốn hồi ký “My Side”. Trước đó, Beckham vẫn có thể tới Mỹ một cách yên bình. Giờ thì không còn chuyện đó nữa.
Do 11 ngày tiếp theo Spice Girls có tour diễn khắp Bắc Mỹ, David Beckham đã đến thẳng Madison Square Garden nơi Victoria đang chuẩn bị cho một buổi biểu diễn. Vài phút sau khi đến, anh đã gặp Nữ hoàng nhạc Pop Madonna. Cuộc sống của Becks không bao giờ nhàm chán.
Thế nhưng anh cũng biết rằng khi trở về quê nhà, chiến dịch căm thù sẽ không biến mất.
"Chúa tha tội cho David Beckham" - Dòng chữ bên ngoài nhà thờ
Tại quán rượu Pleasant Pheasant ở Đông Nam London, các khách hàng yêu cầu một con linh vật cho giải đấu – một con bù nhìn kích thước bằng người thật mặc một chiếc sarong và chiếc áo tuyển Anh in “Beckham 7” ở lưng. Ban đầu nó thể hiện sự ngưỡng mộ với ngôi sao của Manchester United nhưng mọi thứ trở thành tiêu cực sau khi Beckham bị đuổi khỏi sân trong cuộc đối đầu Argentina. Các khách hàng quen thì quyết quyết định treo mannequin 400 bảng lên giàn giáo bên ngoài quán như một lời mỉa mai ác ý. “Khách hàng chỉ làm những gì mà mọi người ở Anh cảm nhận mà thôi,” chủ quán bày tỏ.
Dù cảnh sát đã nhanh chóng dẹp mấy cái hình đó đi tuy nhiên những thứ này chính là hình ảnh đại diện của mùa hè năm đó – biểu tượng của một chiến dịch được các phương tiện truyền thông khuấy động và lúc này đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Báo chí “cắm chốt” bên ngoài nhà bố mẹ Beckham suốt nhiều ngày – thậm chí họ còn kê bàn ghế trên vỉa hè để ngồi uống trà và cà phê.
Khi Beckham quay trở lại Heathrow vào giữa tháng 7, gần 10 cảnh sát đã đứng đợi sẵn để bảo vệ. Trong khi tour diễn của Victoria vẫn tiếp tục, cảnh sát đã khuyên cha mẹ Beckham nên sống cùng với anh tại Greater Manchester để anh không phải ở nhà một mình. Những sự lo lắng như vậy được chứng minh là không thừa: Beckham nhận được rất nhiều lời đe dọa tính mạng và những viên đạn qua đường bưu điện. Một vài tuần sau, khi cha mẹ trở lại London, một người lạ mặt đã lặng lẽ nhìn chằm chằm từ bên ngoài ngôi nhà của anh. Beckham gọi điện cho cảnh sát nhưng khi họ đến, người đàn ông đó đã biến mất.
Lược dịch từ bài viết “When David Beckham was the most hated man in England – and had the greatest season of his life” của tác giả Chris Flanagan trên FourFourTwo
CG (TTVN)