Thời gian đang trôi dần, chuẩn bị hết phút bù giờ thứ 4. Tất cả cùng nín thở, trên sân những cái bóng áo trắng phá bóng bằng 200% sức lực của mình. Ở bên ngoài sân, có một người đàn ông đang đứng quay mặt vào cabin huấn luyện.
Và trận đấu đã kết thúc, kết quả hoà không bàn thắng trước U23 Syria là đủ để đưa U23 Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tứ kết của một Vòng chung kết U23 châu Á. Người đàn ông đứng quay mặt vào cabin huấn luyện ấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Kết thúc trận đấu, ông nắm tay các cầu thủ, ôm từng người một và cảm ơn các khán giả. Ông là Park Hang-seo, một người Hàn Quốc chẳng mang ngoại hình một soái ca nhưng luôn sẵn sàng làm triệu con tim cảm thấy ấm áp bởi thứ nghệ thuật “đắc nhân tâm” của chính mình.
Ngược trở về cách đây chưa đầy 1 tháng, trong buổi lễ xuất quân của Đội tuyển U23 Việt Nam trước thềm Vòng chung kết U23 châu Á 2018, khi được phóng viên hỏi về cảm xúc việc sẽ được đối đầu với đội tuyển quê hương là U23 Hàn Quốc, huấn luyện viên Park Hang-seo thẳng thắn trả lời:
“Tổ quốc của tôi là Hàn Quốc, đất nước của tôi là Hàn Quốc. Cha mẹ tôi cũng đang sống ở đó và tôi là người yêu nước. Nhưng tôi đang là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia Việt Nam, trên ngực tôi mang quốc kỳ Việt Nam. Và nói một cách thẳng thắn, trong trận đấu với Hàn Quốc tôi muốn thắng họ."
Và trong nghi thức chào cờ trước trận U23 Hàn Quốc gặp U23 Việt Nam, thầy Park đã đặt tay lên tim mình trong phần cử quốc ca của cả hai đội. Hành động này và câu nói trên dường như đã lột tả phần nào một nét tính cách của chiến lược gia sinh năm 1957 này. Ông luôn rạch ròi giữa việc công và việc tư, giữa tình cảm cá nhân (mà ở đây đã trở thành tình cảm với Tổ quốc) với trách nhiệm, sự tôn trọng với nơi mình đang phục vụ.
Nếu ai đã theo dõi toàn bộ quá trình chuẩn bị của Đội tuyển U23 Việt Nam kể từ những ngày đầu hội quân vào đầu tháng 12/2017 cho tới nay, sẽ thấy huấn luyện viên Park Hang-seo luôn biết cách để xích lại gần hơn với những cộng sự xung quanh.
Ông tự tay đeo tấm băng thủ quân cho Lương Xuân Trường trước trận đấu; ông tự tay mình trao tấm huy chương đồng cho người bác sĩ trẻ của đội tuyển tại giải giao hữu M-150 Cup; ông tự tay xoa bóp cho học trò khi chưa có nhân viên massage; ông tự tay chải chuốt lại tóc tai cho trung vệ Tiến Dũng trước cuộc trả lời phỏng vấn thường lệ sau mỗi buổi tập. Và còn rất nhiều những hành động tưởng chừng như rất nhỏ như mua pizza cho học trò khi thua cuộc trong phần thi sút bóng xà ngang hay cho các cầu thủ “xả trại” để nghỉ ngơi trong ngày Giáng sinh,…
Tiền vệ Xuân Trường từng chia sẻ:
"Ngoài buổi tập ra thì HLV trưởng luôn tỏ ra rất thân thiện với tất cả mọi người. Ông luôn trò chuyện và quan tâm tới cầu thủ, hỏi thăm sức khoẻ những ai bị chấn thương. HLV rất thích trò chuyện với cầu thủ.”
Rõ ràng, thầy Park đang ngày càng “đắc nhân tâm” không chỉ của các học trò mà còn là những người quan sát từ bên ngoài. Ông muốn toàn thể đội bóng phải là một khối thống nhất, phải cùng nắm tay nhau vượt qua những thử thách cam go, phải biết dìu nhau dậy khi có người gặp khó khăn.
Trong những ngày vừa qua, người ta nhắc đến Quang Hải như một người hùng với 2 bàn thắng đẹp và cũng không kém phần đẹp mắt. Thế nhưng khi chia sẻ về pha lập công vào lưới U23 Hàn Quốc ở lượt trận đầu tiên, chính tiền vệ này cho biết đó không hoàn toàn chỉ là may mắn mà chính là một mảng miếng tấn công mà U23 Việt Nam đã tập luyện suốt thời vừa qua.
Ở đây, cái tên Park Hang-seo một lần nữa lại hiện lên. Ông kiên trì với lập trường của mình, với lối chơi mình xây dựng, kiên trì với sơ đồ 3-4-3 đầy mới lạ với đời sống bóng đá Việt Nam, kiên trì với việc kéo đội phó Duy Mạnh từ hàng tiền vệ xuống chơi vị trí trung vệ dù phải nhận nhiều chỉ trích vì phong độ của cậu học trò trong giai đoạn đầu. Và cùng với đó, chiến lược gia 60 tuổi kiên trì hay chính xác hơn là kiên quyết yêu cầu các học trò phải tập thể lực một cách nghiêm túc vì bởi chỉ có thể lực mới giúp chiến đấu tới tận những phút cuối cùng.
Thế nhưng như vậy đã đủ hay chưa? Với nhà cầm quân người Hàn Quốc, như vậy là chưa. Theo ông, quan trọng không kém chính là niềm tin. Các cầu thủ phải tin vào chính bản thân mình. Khi chính ta còn không nghĩ mình làm được thì coi như chúng ta đã cầm chắc 50% thất bại. “Chúng tôi luôn tin mình có thể giành chiến thắng ở bất cứ trận đấu nào”, đó là quan điểm của nhà cầm quân này.
Điều này một lần nữa được trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa của Đội tuyển U23 Việt Nam tái khẳng định trong một bài viết trên facebook cá nhân:
"Tâm thế của người bước vào cuộc chơi luôn phải là tự tin chiến thắng, sau trận đấu khi các phóng viên hỏi Huấn luyện viên Park ông có nghĩ rằng hôm nay mình sẽ thắng, ông trả lời: Có thể không biết trước kết quả, nhưng đã chuẩn bị thi đấu thì phải có niềm tin chiến thắng thì hãy làm. Niềm tin của ông đã truyền cho các cầu thủ rằng Hàn Quốc hay Australia cũng chẳng phải là con ngáo ộp gì cả, cứ chơi với tràn đầy niềm tin và sẽ thắng thôi. Thực ra, kể cả trận Hàn Quốc mình cũng xứng đáng được 1 điểm. Các cầu thủ rất tự tin khi vào trận.
Muốn chiến thắng, phải thay đổi quan điểm về tiếp cận. Huấn luyện viên Park đã nhắc đi nhắc lại các cầu thủ rằng về kỹ thuật cá nhân, chúng ta nhanh, bén, nhạy cảm, tốc độ hơn các đội khác, về thể lực, chúng ta cũng không thua đâu, đừng nghĩ mình thua thiệt rồi ngán ngại họ, mạnh dạn va chạm tranh chấp đi thôi, tuyệt đối không cho phép vào trận với tâm lý thiếu tự tin. Các cầu thủ bây giờ đã dám tranh chấp, dám chơi tay đôi, dám biểu diễn kỹ thuật , dám đột phá, đá thẳng đối diện trung lộ. Nếu không tự tin, Hải không dám vuốt bóng và đá như thế được đâu."
Có thể nói đó là ngọn lửa thôi thúc để những Đức Huy, Xuân Trường, Văn Hậu,… lăn xả trên sân trước những đối thủ được xem là mạnh hơn về nhiều mặt.
Huấn luyện viên Park Hang-seo chẳng phải một soái ca, nhưng những hành động của ông lại có sức “truyền lửa” một cách mạnh mẽ. Ngày mới đến Việt Nam bắt đầu cuộc phiêu lưu trong sự nghiệp cầm quân, chẳng ai rõ ông là ai ngoài việc từng là trợ lý cho chiến lược gia Guus Hiddink tại Đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002.
Thậm chí, ông từng bị đặt dấu hỏi về hình ảnh bị xem là “ngủ gật” trên băng ghế huấn luyện. Tất nhiên, đó chỉ là do góc chụp của người cầm máy nhưng cũng khiến chiến lược gia này bị đặt rất nhiều nghi ngờ. Cộng thêm cái mác trợ lý của Guus Hiddink khiến áp lực càng thêm áp lực. Ngay trận đầu cầm quân Đội tuyển Việt Nam đó là cuộc đối đầu với Afghanistan trên sân Mỹ Đình, chúng ta hoà đối thủ 0-0 và giành vé lọt vào vòng chung kết Asian Cup 2009.
Nhưng như thế là chưa đủ. Bởi lẽ những gì dường như khó khăn nhất, những áp lực về tinh thần lớn nhất đè nặng lên đôi chân cầu thủ đã được người tiền nhiệm Mai Đức Chung giải quyết qua 2 chiến thắng trong các cuộc đối đầu Campuchia trước đó. Thời điểm ấy, huấn luyện viên Hữu Thắng vừa từ chức tại Đội tuyển quốc gia và U23 sau một kỳ SEA Games thất bại; huấn luyện viên Mai Đức Chung vừa trở về với tấm huy chương vàng cùng đội tuyển nữ đã ngay lập tức chuyển sang đội tuyển nam với hy vọng níu giữ hy vọng đồng thời đưa con tàu đang có dấu hiệu lạc lối trở lại đúng hướng. Và hai chiến thắng mà ông đem về trước người Campuchia đã làm nhẹ gánh rất nhiều cho thầy Park.
Thế nhưng, với chiến tích giành tấm vé lọt vào vòng tứ kết của Vòng chung kết U23 châu Á này, người đàn ông Hàn Quốc ấy xứng đáng được nhận lời tán dương. Trở về quá khứ, khi Guus Hiddink rời Đội tuyển Hàn Quốc, ông đã để lại một di sản đồ sộ không chỉ thành tích mà còn là một tư duy và tầm nhìn mang tính hệ thống cho nền bóng đá xứ sở kim chi.
Và nay, người trợ lý năm nào của “phù thuỷ Hà Lan” đang mang những tầm nhìn và tư duy ấy áp dụng vào bóng đá Việt Nam. “Hiddink của Việt Nam”, đó là cách mà báo chí tại Hàn Quốc gọi ông Park Hang-seo sau chiến tích đả bại U23 Australia ở lượt trận thứ hai.
Chẳng cần là soái ca, nhưng thầy Park đang khiến nhiều người phải siêu lòng bởi nghệ thuật của chính mình!
(Bài viết có sử dụng tư liệu ảnh của Vnexpress)
CG (TTVN)