20 năm trước, Daniel Levy trở thành một trong những vị chủ tịch trẻ tuổi nhất ở Premier League khi ông chính thức tiếp quản Tottenham Hotspur. Dù hai thập kỷ đã trôi qua nhưng sự thành công của Gà Trống trong thời đại của Levy vẫn là một đề tài được tranh luận nhiều nhất ở xứ sở sương mù.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Ngày 24 tháng Hai năm 2001, Spurs thất bại trước Leeds United và phải chấp nhận vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng. Bốn ngày sau, Enic – công ty có một phần được sở hữu bởi Daniel Levy – đã mua số cổ phần đủ lớn để biến Levy trở thành chủ tịch của Tottenham ở tuổi 38. Những người thân thiết với Daniel Levy khẳng định ông chưa bao giờ có ý định muốn đảm nhiệm vị trí này. Ông không muốn rơi vào hoàn cảnh căng thẳng của người tiền nhiệm David Buchler và HLV trưởng khi ấy là George Graham.
HLV Graham mất việc sau khi bị cựu chủ tịch Buchler tố cáo rằng đã để lộ những thông tin nhạy cảm về tình hình tài chính của đội bóng ra ngoài. Đến tháng Bảy năm 2001, đội trưởng Sol Campbell chuyển từ Tottenham sang khoác áo đại kình địch Arsenal sau khi bản hợp đồng của anh đáo hạn. Cho tới ngày nay, đây vẫn bị coi là vụ chuyển nhượng đáng xấu hổ nhất trong lịch sử CLB.
Trong bộ phim tài liệu mới đây về Tottenham Hotspur có tên “All or Nothing” (Tất cả hoặc không gì cả), chủ tịch Daniel Levy đã lần đầu tiên chia sẻ về công việc của mình sau từng ấy năm lăn lộn. “Làm chủ tịch một CLB bóng đá chính là điều vất vả nhất mà tôi từng trải qua”, ông kết luận.
20 năm sau, Tottenham Hotspur một lần nữa đứng trước một bước ngoặt lớn. Những ngày tháng nặng nề của kỷ nguyên Mauricio Pochettino đã kết thúc. Jose Mourinho là cái tên được lựa chọn để thay thế và “Người đặc biệt” cũng đã dần dần mang đến một bộ mặt mới cho đội bóng của quận lớn nhất phía Bắc thủ đô London. Nhưng Tottenham của Mourinho cũng phải đối mặt với không ít trắc trở. Họ thua tới 5 trong số 7 trận gần nhất tại Premier League.
Không những thế, tương lai của Harry Kane – chân sút chủ lực của đội bóng trong vòng 6 mùa vừa qua – vẫn luôn là một dấu hỏi lớn. Hợp đồng của Kane vẫn còn thời hạn tới 3 năm nhưng khi sắp bước sang tuổi 28, số 10 của Tottenham có suy tính đến một nơi có thể mang về cho anh những danh hiệu lớn thực sự?. Hơn nữa, ngay cả khi Daniel Levy muốn bán Harry Kane, liệu có đội bóng nào sẽ đồng ý bỏ ra không dưới 100 triệu bảng giữa thời điểm kinh tế khó khăn vì đại dịch?
Cổ đông lớn nhất của công ty Enic là Tavistock – tập đoàn có trụ sở tại Bahamas và được rót vốn bởi tỷ phú người Anh Joe Lewis. Công ty này đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các CLB golf ở Mỹ, các chuỗi nhà hàng, các cơ sở nghiên cứu y tế ở Florida, nghiên cứu công nghệ sinh học ở San Diego và một công ty năng lượng của Argentina. Trên giấy tờ, Tottenham Hotspur chỉ là một phần rất nhỏ của Enic. Tuy nhiên, gần như tất cả danh tiếng của Daniel Levy và Joe Lewis đều xuất phát từ CLB này.
Giờ đây, Levy đã là chủ tịch có thời gian tại vị tại một đội bóng dài nhất ở Premier League. Giữ một chức vụ lớn lâu như vậy thì những thị phi dĩ nhiên là điều khó tránh khỏi. Mới nhất chính là vụ việc liên quan đến tài chính và nhân sự thời đại dịch. Khi COVID-19 mới trở nên nghiêm trọng ở Anh, Daniel Levy đã công khai động viên các cầu thủ tự nguyện cắt giảm lương và cho một số lượng nhân công nghỉ việc. Tuy nhiên, cả hai quyết định này đều đã được thay đổi chỉ ít tuần sau đó.
Dưới thời Levy, Tottenham Hotspur đã thay đổi sân nhà (từ White Hart Lane sang Tottenham Hotspur Stadium) và thay đổi cả vị thế của họ ở Ngoại Hạng Anh. Spurs trở thành một phần trong nhóm “Big Six” của giải đấu. Họ cũng trải qua những khoảnh khắc khó quên ở đấu trường Châu Âu (đặc biệt là trận chung kết UEFA Champions League mùa giải 2018/2019) nhưng lại chỉ mang về phòng truyền thống duy nhất một chiếc cúp. Spurs luôn “gục ngã trước cửa thiên đường”, khi cơ hội dường như cũng đang gọi tên họ. Thất vọng là cảm giác mà Tottenham vẫn thường phải trải qua, nhất là khi họ được sở hữu bởi một tỷ phú giàu tham vọng.
Daniel Levy chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ “bơm” tiền cho đội bóng. Thay vào đó, kế hoạch của ông ngay từ những giây phút đầu tiên đó là để CLB tự nuôi sống chính mình. Ban đầu, ông cải thiện chất lượng của đội hình từng hai lần xếp thứ 15 trong những năm 90, sau đó là xây dựng một sân tập và một sân vận động khang trang. Các đối tác của Levy đều khẳng định ông đã hoàn thành xuất sắc hai điều sau, còn điều đầu tiên thì vẫn chưa được đúng như kỳ vọng. Màn trình diễn của các cầu thủ trên sân, dù sao, vẫn là thứ mà một ông chủ khó có thể trực tiếp quyết định và là điều khó kiểm soát nhất.
Levy được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình doanh nhân, bắt đầu từ người ông Abraham. Khởi điểm là một cửa hàng bán mũ ở quận Stratford phía đông London, hai thế hệ sau của nhà Levy (là người cha Barry rồi tới Daniel) dần mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra trang phục cho nam giới nói chung, bao gồm cả thương hiệu Mr Byrite và chuỗi cửa hàng Blue Inc. Một người anh của Daniel Levy là Jonathan Levy cũng tham gia vào công việc điều hành Tottenham Hotspur. Mối quan hệ giữa Daniel Levy và Joe Lewis đã giúp ông có thể đầu tư vào Enic thông qua việc sở hữu Spurs. Ở đây, Levy có giữ khoảng 30% cổ phần của công ty.
Daniel Levy tốt nghiệp đại học Cambridge chuyên ngành Tài chính và kinh tế đất đai. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo dành cho sinh viên, ông cho biết ông bước vào đại học với mục tiêu phát triển sự nghiệp rõ ràng. “Tôi quyết tâm với việc học của mình và tận hưởng cuộc sống ở Cambridge, nhưng tôi cũng nói rằng tôi không phải là một sinh viên kiểu mẫu đâu”, chủ tịch của Tottenham Hotspur chia sẻ.
20 năm sau cái ngày trở thành vị chủ tịch trẻ nhất ở Premier League, Daniel Levy giờ đây đã trở thành một nhân vật danh tiếng đặc biệt của giải đấu. Ông thích được kiểm soát mọi thứ xung quanh một bản hợp đồng với cầu thủ, thậm chí tới cả những điều khoản chi tiết mà thường sẽ được các bộ phận phía dưới giải quyết. Cách đàm phán của ông cũng sẽ gây sốc cho những người đại diện thiếu kinh nghiệm hoặc những “tay mơ” mới có được bản hợp đồng lớn thực sự đầu tiên trong sự nghiệp. Với những người đã có thâm niên trong giới đại diện cầu thủ, họ vẫn nói về Daniel Ley là người sẵn sàng “đâm bạn ngay từ phía trước chứ chưa nói đến sau lưng”. Có điều, Daniel Levy vẫn là người chiến thắng trong hầu hết mọi cuộc thương thảo mà chẳng ai giải thích được tại sao.
Ở thời điểm này, Levy chắc hẳn đang mong muốn và chờ đợi Tottenham trở thành số một ở thủ đô London, cả về bóng đá lẫn địa điểm giải trí. Sân vận động mới được xây dựng bên cạnh vai trò là sân nhà của CLB còn đủ sức tổ chức các trận đấu ở NFL (giải bóng bầu dục của Mỹ) và những sự kiện âm nhạc tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, ngoài những trận đấu của thầy trò HLV Jose Mourinho ra, đến nay sân Tottenham Hotspurs vẫn chưa được sử dụng vào mục đích gì khác. Hơn tất cả, Daniel Levy chỉ muốn tập trung phát triển cho đội bóng của mình.
Daniel Levy của 20 năm trước có lẽ đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của việc đầu tư vào một CLB bóng đá nhưng có lẽ ông cũng khó tưởng tượng được công việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân của ông như vậy. Có ý kiến cho rằng anh chàng sinh viên cần cù nhưng có phần bẽn lẽn ngày nào của trường đại học Cambridge, người đàn ông lao tâm khổ tứ vì công việc buôn bán của gia đình đã cảm thấy thích thú với quyền lực và danh tiếng của một vị chủ tịch đội bóng. Sự nghiệp kinh doanh đã mang đến sự giàu sang (thực tế Daniel Levy là chủ tịch có thu nhập cao nhất ở Ngoại Hạng Anh) nhưng điều đó có lẽ cũng chẳng quan trọng bằng những gì ông vẫn còn ấp ủ cho Tottenham Hotspur.
Lược dịch từ: Daniel Levy has acquired power and profile in 20 years at Tottenham - but his project is still unfulfilled / The Telegraph