Ngày càng có nhiều câu lạc bộ bổ nhiệm các huấn luyện viên cá nhân, nhưng tại sao điều đó lại trở thành một xu hướng và công việc của những vị huấn luyện viên này là gì?
Ngày càng có nhiều câu lạc bộ bổ nhiệm các huấn luyện viên cá nhân, nhưng tại sao điều đó lại trở thành một xu hướng và công việc của những vị huấn luyện viên này là gì? Qua sự chia sẻ của một số cái tên nổi tiếng trong nghề, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vai trò này đòi hỏi những gì, cũng như khám phá một câu chuyện liên quan đến Sir Alex Ferguson và Albert Einstein của thế giới bóng đá …
Có một câu nói của một vị huấn luyện viên bóng đá trẻ người Bỉ được kính trọng bậc nhất thế giới, Bob Browaeys, có thể đưa chúng ta vào thẳng trung tâm của vấn đề: “Bóng đá trẻ không phải là một môn thể thao đồng đội. Đó là một môn thể thao cá nhân.”
Đó là một niềm tin mà giờ đây đã định hình lại tư duy của các câu lạc bộ tại Premier League. Điều hấp dẫn là các yếu tố của cách tiếp cận này cũng đang dần “ngấm” vào đấu trường đỉnh cao của những “người lớn”.
Đã có hàng loạt những chuyên gia huấn luyện cá nhân được bổ nhiệm tại các câu lạc bộ trong thời gian gần đây. Southampton đã tạo ra một chức vụ có tên là “trưởng bộ phận phát triển cầu thủ học viện” (head of academy player development) vào mùa hè năm ngoái, với việc lôi kéo David Hughes rời khỏi chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội U18 của Aston Villa để đảm nhận vai trò đó.
Trong khi đó, Rhys Carr đã được giao cho một vị trí cũng mới được tạo ra là “huấn luyện viên phát triển cá nhân” (individual development coach) tại Sheffield United, với phạm vi công việc được mở rộng hơn lên những cá nhân ở tất cả các đội lớn nhỏ.
“Đảm nhận vai trò này nghĩa là tôi sẽ không làm việc với cả một đội,” Carr nói với Sky Sports. “Tôi sẽ tập trung làm việc với những cầu thủ thực sự giỏi nhất; phát hiện, chỉ dẫn cho họ những điều cần chú ý thêm và các chi tiết bổ sung cần thiết cho sự phát triển của họ.”
“Tôi từng đảm nhận vai trò này cho một đội một trước đây, và có một điều rất hiển nhiên là mặc dù trong một tập thể sẽ có khoảng 20 cầu thủ hoặc nhiều hơn, nhưng chỉ có 11 cái tên trong số đó là sẽ được điền tên vào đội hình xuất phát vào hôm thứ Bảy. Nếu bạn ở trong nhóm những cầu thủ còn trẻ và đang cố gắng tìm đường chen chân vào đội hình chính, thì sự phát triển của bạn nên đến từ đâu?”
“Lịch trình dày đặc, các trận đấu cứ đến liên tiếp, vậy nên việc luyện tập có thể sẽ chỉ mang tính hình thức chứ chẳng đem lại (hoặc rất ít) sự tiến triển thực sự cho các cá nhân, bởi vì bạn sẽ chỉ còn 2 ngày nữa là phải bước vào trận tiếp theo. Bạn sẽ không thể làm được quá nhiều điều khi tập chung với đội. Nhiệm vụ của công việc này là giúp cho các cá nhân đó đạt được những gì mà họ cần.”
“Tôi thường dùng trường hợp của các winger để làm ví dụ. Nhiệm vụ của họ là qua người và tạt bóng vào trong vòng cấm. Nhưng nếu lúc nào cũng chỉ ‘luyện công’ với mấy trận đấu mini (small-sided game) trong các buổi tập, thì liệu họ có thực sự được trải nghiệm và luyện tập những màn đối đầu với một hậu vệ cánh ở khu vực đó của sân bóng hay không? Đương nhiên là không. Nhưng họ có thể sẽ phải làm điều đó vào hôm thứ Bảy, sau khi đã không thi đấu trong 6 tuần. Vậy nên, nhiệm vụ của tôi là làm việc cùng các cầu thủ về những kịch bản kiểu ấy và giúp họ thuần thục cách xử lý chúng.”
“Trọng tâm chính của công việc này là tập trung vào những gì mà họ sẽ cần đến. Vai trò hiện tại của tôi liên quan nhiều hơn đến các cầu thủ học viện, nơi mà chúng tôi đang cố gắng đưa các cầu thủ U18 và U23 lên đội một. Những yếu tố nào sẽ đưa họ vươn đến được cái tầm cao đó? Một hoặc hai yếu tố khiến họ vẫn chưa được chọn vào thời điểm hiện tại là gì? Hãy làm việc với họ và phát triển, cải thiện chúng.”
“Tôi nghĩ đó là một khía cạnh của công tác huấn luyện sẽ càng lúc càng phát triển hơn. Hãy suy ngẫm một chút về nó. Thế này nhé, bây giờ, bạn chỉ cần giúp một cầu thủ đạt đủ điều kiện để được đưa lên đội một và sau đó, cậu ta sẽ có giá hàng chục triệu bảng. Vậy nên công việc của các huấn luyện viên cá nhân cũng có một phần nào đó là mang tính ‘làm kinh tế’, đúng chứ?”
|
Louis Lancaster |
“HÃY CHỈ GIAO CHO TÔI 5 CẦU THỦ GIỎI NHẤT”
Ở một số khía cạnh, thì chỉ có cái chức danh mà công việc này được đặt cho là mới mẻ mà thôi. Các câu lạc bộ vốn từ lâu đã nhận thức được rằng, trong khi có đến hàng trăm cậu bé góp mặt ở hệ thống học viện của họ, thì cũng chỉ có một số ít là sẽ thăng tiến đến đỉnh cao. Chuyện này chẳng có gì là bí mật cả, nhưng lại là một thực tế đôi khi có thể bị lãng quên, bị gạt sang một bên khi các đội trẻ đang cùng nhau ăn mừng những chiếc thắng hoặc được huấn luyện chung trong các nhóm lớn.
Đó là một sự thật phũ phàng mà Louis Lancaster đã nhận ra ở Watford vào năm 2013. Khi ấy, Jadon Sancho là một viên ngọc quý tại học viện của câu lạc bộ này, và – rất lâu trước khi chuyển đến Manchester City ngay trước sinh nhật lần thứ 15 – rõ ràng là anh vốn đã rất nổi bật so với phần còn lại.
Lancaster đã đảm nhận một vai trò mà khi đó vẫn chưa được biết đến với cái chức danh “huấn luyện viên cá nhân” để làm việc riêng với Sancho và một nhóm các cầu thủ trẻ khác được chọn lựa từ học viện của câu lạc bộ. Đối với ông, đó là một ý tưởng bắt nguồn từ tình hình kinh tế khi ấy của Watford. Ông đã nhìn nhận công việc này dưới góc độ “làm kinh tế”.
“Vào một số thời điểm, câu lạc bộ sẽ yêu cầu bạn trình diện cho họ một sản phẩm,” Ông nói với Sky Sports. “Họ không thể cứ mãi rót tiền cho bạn mà chẳng nhận lại thành quả nào. Vì vậy, tôi đã hỏi có bao nhiêu cầu thủ mà học viện này đã sản xuất ra được cho đội một trong 10 năm qua. Câu trả lời mà tôi nhận được là ‘cực kì nhiều’. Điều đó thật tuyệt vời.”
“Nhưng có bao nhiêu người trong số đó đã chơi 50 trận hoặc tạo ra lợi nhuận hơn 1 triệu bảng cho câu lạc bộ? Đó là khi mà con số bạn nhận được sẽ rất thấp. Vì vậy, nếu tôi là một nhà phát triển ưu tú – một người được cho là đang làm việc với những cầu thủ ưu tú, thì hãy chỉ giao cho tôi 5 cầu thủ giỏi nhất của học viện.”
“Vai trò ấy đã thực sự dạy cho tôi sự khác biệt giữa thế giới thể thao dành cho tất cả mọi người và thế giới thể thao dành cho những kẻ xuất chúng nhất. Thật tuyệt khi tôi chỉ cần phải tập trung vào 5 cầu thủ. Tôi hiểu rằng tình thế hoàn toàn có thể thay đổi vì tuổi dậy thì và một cậu cầu thủ nào đó có thể sẽ bất ngờ xuống dốc, tôi hoàn toàn hiểu điều đó và chúng tôi phải giám sát mọi thứ thật tốt, nhưng thật tuyệt khi chỉ cần tập trung vào 5 cầu thủ và gặt hái được những thành quả tốt nhất từ họ.”
“TRỌNG TÂM PHẢI LÀ NẰM Ở NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT”
Những kinh nghiệm tương tự như của Lancaster cũng đã hiện hữu tại Sheffield United. Carr đã hồi tưởng lại lần đầu tiên ông đặt chân đến sân tập của câu lạc bộ này vào mùa hè và nhìn thấy một bức ảnh được treo trên tường để kỷ niệm một thành công gần đây của họ.
“Đó là một trong những thứ đầu tiên mà tôi nhận thấy,” Carr nói. “Hồi ấy tôi đang ở Bristol City, cách đó 200 dặm và không hề biết rằng một vài năm trước Sheffield từng giành chức vô địch tại giải đấu U18 này. Tất cả những gì tôi biết là Kyle Walker, Harry Maguire và rất nhiều ngôi sao lớn khác đã từng ăn tập tại học viện của họ.”
“Chúng tôi phải tự hỏi rằng có những cái tên nào trong đội hình đó hiện tại đang góp mặt ở đội một, và thật đáng buồn khi câu trả lời là chẳng có ai cả. Khi nói đến các học viện, dù cho việc giành những chiến thắng luôn rất quan trọng, nhưng sẽ thật vô nghĩa khi đi khoe khoang về các danh hiệu đã giành được. Khoe khoang về những cái tên đã tốt nghiệp tại đó mới là thực sự đáng tự hào. Trọng tâm phải là nằm ở những người giỏi nhất.”
Cái logic của việc dồn sự tập trung vào một tài năng đặc biệt có thể xoay chuyển số phận của câu lạc bộ trong tương lai, bằng cách này hay cách khác, là rất dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý. Nhưng vai trò của Carr còn nhiều hơn thế, vì người quản lý của học viện, Jack Lester, cần ông làm việc với một số lượng lớn các cầu thủ tại câu lạc bộ.
“Tất cả bắt đầu từ người quản lý của học viện,” Carr giải thích. “Tôi chẳng biết gì về các cầu thủ tại Sheffield khi mới đặt chân đến đây cả, vậy nên hồi ấy, chúng tôi đã tiến hành một quá trình mà tôi phải đi dò hỏi, tìm hiểu ở từng cầu thủ những gì mà họ cần.”
“Về sau thì điều đó đã trở thành một phần rất quan trọng của công việc này, bởi vì khi huấn luyện viên trưởng của đội đang lo lắng về 3 điểm tiếp theo, liệu họ có để tâm để chuyện dành ra thêm thời gian của mình để ‘chăm sóc’ cho một cầu thủ trẻ đang cố gắng tạo ra bước đột phá? Nhất là khi đó là một ‘cậu bé’ tân binh vừa được ký hợp đồng từ nước ngoài, chỉ mới đến định cư tại một đất nước xa lạ, và đang cần đến một chút tư vấn, hỗ trợ thêm ngoài khoảng thời gian làm việc chung cùng đội? Nếu một ai đó có nhu cầu như vậy, tôi sẽ đến và giúp đỡ cá nhân đó.”
Nguồn: Adam Bate, Sky Sports.