Ngay cả khi chấp nhận quay trở lại khoác áo Barca trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp thì cái tên Cesc Fabregas vẫn mãi mãi không bao giờ được thừa nhận bởi những người hâm mộ xứ Catalonia.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Cho tới bây giờ, mỗi khi nhắc đến cái tên Cesc Fabregas, người ta vẫn thường nhớ đến hình ảnh của tiền vệ tài hoa người Tây Ban Nha trong chiếc băng thủ quân Arsenal hay màu áo Chelsea, thay vì giai đoạn đầu quân cho Barca từ năm 2011 đến 2014. Cần phải nói thêm rằng, cầu thủ sinh năm 1987 chính là một trong những tài năng xuất chúng nhất trưởng thành từ lò đào tạo trẻ La Masia, cùng lứa với Lionel Messi và Gerard Pique. Tuy nhiên, số phận của hai cái tên này thì hoàn toàn khác xa Fabregas. Với Messi, là một cuộc đời trọn vẹn cùng sân Nou Camp khi anh từng bước thăng tiến lên đội một và đặt cả thế giới dưới đôi chân thần đồng của mình. Trong khi đó, Pique chỉ mất một giai đoạn “tu nghiệp” ngắn ở Man United trước khi quay trở về Tây Ban Nha và đóng vai trụ cột trong suốt kỷ nguyên đỉnh cao của Barca.
Fabregas thì không hề được như vậy… Anh từng tỏa sáng rực rỡ tại VCK World Cup U17 Thế giới năm 2003 với “cú đúp” danh hiệu Chiếc giày Vàng và Quả bóng Vàng, nhưng rồi cựu ngôi sao Chelsea đã bị vùi lấp trong chính những giấc mơ cống hiến trọn đời cho CLB mà mình yêu quý.
Ở độ tuổi 16, một thương vụ chuyển nhượng tới Arsenal thông qua con mắt nhìn người tinh tường của Giáo sư Arsene Wenger đã sớm tước đi cơ hội để Fabregas trở thành người hùng của Barca trong những năm sau đó. Những người không hiểu thấu mọi chuyện, đều tin rằng Fabregas là một kẻ phản bội, nhưng sự thật là chính chàng trai trẻ người Tây Ban Nha khi ấy cũng không thể nào tự đưa ra được quyết định cho sự nghiệp mới đang ở giai đoạn bắt đầu của mình. Vào thời điểm ấy, Fabregas đơn giản chỉ là một cậu bé mong muốn được ra sân nhiều hơn, được chơi bóng nhiều hơn và thực sự khao khát chinh phục những thử thách mới.
Khoảng thời gian sau đó, Fabregas dần chứng tỏ được năng lực và tìm được chỗ đứng trong đội hình Pháo thủ. Sau khi Patrick Vieira ra đi, vai trò “cầm trịch” tuyến giữa của tiền vệ người Tây Ban Nha lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để rồi, tại sân Highbury, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia gần như đã có tất cả, một chiếc băng thủ quân danh giá, một chỗ đứng không thể thay thế và hơn hết chính là tình yêu cùng sự hâm mộ của các CĐV trung thành nhất. Dẫu vậy thì một kỷ nguyên đáng nhớ với thứ bóng đá hào hoa của Arsenal cũng không thể che mờ đi sự thật rằng, đội bóng thành London vẫn chưa thể chạm tới danh hiệu Premier League. Trớ trêu hơn nữa, khi chạm trán CLB cũ Barca tại chung kết Champions League năm 2006, Fabregas và các đồng đội đã phải đón nhận một thất bại cay đắng.
Đây cũng là cột mốc quan trọng mở ra giai đoạn chứng kiến Pháo thủ thường xuyên sắm một “vai cứng” trong nhóm Big 4 của Ngoại hạng Anh nhưng khó lòng đủ sức vươn tới những danh hiệu. Lần lượt những ngôi sao hàng đầu như Van Persie, Hleb, Arshavin, Nasri… cứ thế đến và đi, bỏ lại phía sau là những người hâm mộ Arsenal trong nỗi khắc khoải về một giấc mộng dang dở. Mùa Hè năm 2011, ban lãnh đạo Barca tuyên bố đón thành công “đứa con lưu lạc” năm xưa trở lại mái nhà Nou Camp bằng một bản hợp đồng trị giá 35 triệu euro. Và thế là cả London quay ra ghét bỏ cái tên Fabregas như một kẻ tội đồ, một kẻ phản bội đã chấp nhận quay lưng lại với gia đình của mình.
Trong nỗi nhớ da diết và tình yêu vĩnh cửu dành cho Barca, cựu đội trưởng Pháo thủ đã bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tếu, thậm chí cả những lời lẽ sỉ nhục nặng nề nhất. Hơn bao giờ hết, Fabregas chỉ muốn cống hiến trọn vẹn đời mình cho sân Nou Camp. Thế nhưng anh không hề hay biết rằng tất cả những hoài bão ấy mãi mãi chỉ là một giấc mộng phù du. Tại Barca, dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, cơ hội để Fabregas cạnh tranh vị trí với bộ ba Xavi - Iniesta - Busquets gần như là bằng không. Chính bởi vậy, anh phải chấp nhận đá cao hơn, lúc thì dạt biên, lúc thì như một “số 9 ảo”, những vị trí vốn dĩ không phải sở trường của ngôi sao sinh năm 1987. Trải qua thời gian, mặc dù thi đấu không đến nỗi thất vọng nhưng Fabregas cũng tự nhận thấy rằng tập thể này chưa bao giờ thực sự có chỗ dành cho mình.
Xuyên suốt ba mùa giải từ năm 2011 đến 2014, hiếm khi nào ngôi sao người Tây Ban Nha duy trì được một “chỗ đứng” ổn định trong màu áo đội bóng xứ Catalonia. Thay vào đó, anh dương như chỉ là một phương án dự phòng hạng sang nhờ khả năng thích ứng linh hoạt ở mọi vị trí. Trong thâm tâm các culé, họ cũng chưa bao giờ thừa nhận Fabregas là một mảnh ghép hoàn hảo tại Nou Camp, giống như Messi, Xavi, Iniesta, Pique hay Busquets…
Kết thúc kỳ World Cup 2014, cựu thủ quân Arsenal quay trở lại London nhưng lần này là để khoác lên mình màu áo xanh của Chelsea. Dưới bàn tay của HLV Jose Mourinho, một lần nữa Fabregas được “tái sinh” ở vị trí tiền vệ trung tâm sở trường. Cầu thủ người Tây Ban Nha không cần phải tham gia phòng ngự quá nhiều, thay vào đó là một vai trò kiến tạo lùi sâu nhằm phát huy tối đa nhãn quan sáng tạo bậc thầy, thứ vũ khí từng làm nên thương hiệu của Fabregas từ cách đó gần một thập kỷ. Dẫu vậy thì thời gian cũng dần lấy đi những gì tinh túy nhất mà Fabregas sở hữu. Anh trở nên chậm chạp hơn, già nua hơn và liên tục gặp khó khăn trước lối chơi nhanh như vũ bão tại Premier League.
Khoảng thời gian sau này, Fabregas lần lượt kinh qua AS Monaco và bây giờ đang đầu quân cho đội bóng tỉnh lẻ Como ở miền bắc nước Ý, nhưng có lẽ những đỉnh cao của tiền vệ sinh năm 1987 này thì đã đọng lại cùng hai đội bóng thủ đô London (Arsenal và Chelsea). Ở một góc độ khác, người ta cũng sẽ luôn nhớ về Cesc Fabregas như một chứng nhân lịch sử quan trọng cho thời kỳ hoàng kim của nền bóng đá Tây Ban Nha với những danh hiệu đỉnh cao là chức vô địch World Cup 2010, EURO 2008 và EURO 2012, giải đấu mà Fabregas được HLV Vicente del Bosque lựa chọn đá chính và liên tục tỏa sáng trong vai trò của một “tiền đạo ảo”. Chỉ đáng tiếc là, ngay cả trong những chương đẹp nhất của sự nghiệp cầu thủ thì cái tên Fabregas vẫn chẳng bao giờ được thừa nhận tại chính quê hương Barcelona của mình và mãi mãi bị chôn vùi bởi một giấc mộng phù du không hồi kết.
-Ole-