Kevin De Bruyne tự đàm phán để mang về cho mình một bản hợp đồng mới cùng mức lương như mong muốn. Joshua Kimmich chủ động sa thải người đại diện vì muốn tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống và sự nghiệp của mình. Đây có phải là những dấu hiệu cho thấy người đại diện trong bóng đá đang mất dần tiếng nói?
Ảnh: Xsbandinh.com
Tháng 4 vừa qua, Kevin De Bruyne một mình ngồi trong phòng họp với Manchester City. Cha và luật sư của anh kết nối trực tuyến với buổi thương thảo qua facetime nhưng người đại diện lâu năm của anh, Patrick De Koster, thì không. Ông này đã bị tạm giam bởi cảnh sát Bỉ sau vụ tranh chấp tài chính liên quan tới hợp đồng giữa thân chủ của mình và CLB Wolfsburg. Yêu cầu duy nhất của Kevin De Brune trong lần gặp mặt này là để được tăng lương và anh đã đạt được mục đích của mình. Điều thú vị và cũng rất bất ngờ là tuyển thủ người Bỉ đã tự mình giải quyết mọi vấn đề mà không cần đến sự đồng hành của người đại diện.
“Người đại diện” là khái niệm đã không còn xa lạ với bóng đá ngày nay. Họ là những người nhân danh và vì lợi ích của một người khác xác lập thực hiện các giao dịch trong phạm vi thẩm quyền đại diện, bao gồm cả việc thay mặt trong một cuộc đàm phán hoặc đồng ý thỏa thuận với bên thứ ba. Ý tưởng về người đại diện trong bóng đá dù không hoàn toàn mới nhưng cũng chưa thực sự có lịch sử lâu đời. FIFA chỉ chính thức công nhận sự xuất hiện của người đại diện vào năm 1994.
Tính đến năm 2002, số lượng người đại diện được cấp phép vẫn còn tương đối khiêm tốn: 179 người ở Anh, 82 người ở Đức và ở Italy là 54 người. Thế nhưng, vai trò và tầm quan trọng của họ đã thay đổi chóng mặt trong nhiều năm trở lại đây. Đại diện cầu thủ đã trở thành một trong những nhân vật có tiếng nói nhất trong thế giới bóng đá hiện đại.
Phán quyết Bosman năm 1995 đã thay đổi hoàn toàn thị trường chuyển nhượng bóng đá và mở ra một thời kỳ mới cho phí chuyển nhượng và mức lương cầu thủ. Chris Sutton là cầu thủ đầu tiên của Vương quốc Anh nhận 10.000 bảng/tuần vào năm 1994. 7 năm sau, Sol Campbell là ngôi sao đầu tiên ký vào bản hợp đồng với mức lương 100.000 bảng/tuần. Lúc này, việc một cầu thủ được hưởng mức lương tuần vài trăm nghìn bảng là chuyện hết sức bình thường.
Theo tạp chí Forbes, Lionel Messi thậm chí còn nhận được gần 1,2 triệu USD (khoảng 870.000 bảng) mỗi tuần khi chuyển tới chơi cho PSG. Khi những con số liên tục tăng với tốc độ chóng mặt như vậy, sự cần thiết của những người đại diện cầu thủ cũng là lẽ tất yếu.
Người hâm mộ bóng đá có lẽ đã quá quen thuộc với hai cái tên Mino Raiola và Jorge Mendes. Dù phong cách có khác nhau nhưng đây đều là những nhân vật cực kỳ quyền lực (nếu không muốn nói là nhất) trong giới đại diện cầu thủ. Mino Raiola đã quá nổi tiếng với những câu chuyện về Paul Pogba, Erling Haaland, Gianluigi Donnaruma hay trước đó là Mario Balotelli và Zlatan Ibrahimovic. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt những cầu thủ được coi là cá tính đều một mực nghe theo tư vấn của Raiola.
Mino Raiola đã quá nổi tiếng trong thế giới bóng đá khi rất nhiều cầu thủ nổi tiếng đều tìm đến ông. Ảnh: Xsbandinh.com
“Siêu cò” mang hai dòng máu Italy và Hà Lan có thể là “cái gai” trong mắt các CLB nhưng ông lại là sự đảm bảo về lợi ích cho các thân chủ của mình. Đổi lại, Raiola sẽ nhận được số tiền hoa hồng xứng đáng. Theo một nghiên cứu mới đây dựa trên dữ liệu của tạp chí Forbes, Mino Raiola trung bình nhận được 796.000 bảng cho mỗi thương vụ chuyển nhượng thành công.
Trái ngược với Raiola, hình ảnh của một Jorge Mendes lịch thiệp và sang trọng dễ khiến người ta có thiện cảm hơn. Từ một ông chủ hộp đêm ở Lisbon, Jorge Mendes đã trở thành cái tên nổi tiếng bậc nhất. Ông xây dựng mạng lưới quyền lực của riêng mình ở Bồ Đào Nha và nhiều CLB nước ngoài có nòng cốt là cầu thủ Bồ Đào Nha. Năm ngoái, khi các CLB đều thắt chặt chi tiêu vì đại dịch, Mendes vẫn bội thu sau những thương vụ của Ruben Dias (80 triệu USD), Diogo Jota (53 triệu USD) hay Matt Doherty (20 triệu USD).
Trước đó, ông cũng nhận được 35 triệu USD từ việc đưa Joao Felix đến với Atletico Madrid. Ký giả Simon Kuper của tờ Financial Times gọi Jorge Mendes là “bàn tay vô hình trên thị trường chuyển nhượng”, còn Pippo Russo – tác giả của cuốn sách nói về hành trình sự nghiệp của Mendes – đã miêu tả rằng “đế chế của Jorge Mendes hoàn toàn miễn nhiễm với COVID như thể ông ta có trong tay một loại vaccine riêng vậy”.
Nhìn chung, người đại diện chịu trách nhiệm cho gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của một cầu thủ. Từ việc đàm phán hợp đồng, thỏa thuận với nhà tài trợ, xây dựng hình ảnh trước công chúng cho tới những kế hoạch tài chính. Mọi hoạt động thương mại của một cầu thủ cũng đều được thông qua người đại diện. Đổi lại, họ sẽ nhận được từ 5 tới 10% lợi nhuận. Nhiều công ty đại diện còn đưa ra những dịch vụ trọn gói. Họ sẽ lo mọi thứ từ a-z để giúp thân chủ của mình có thể dành tất cả sự tập trung cho việc chơi bóng.
Tháng 9/2020, ông Patrick De Koster - người đại diện lâu năm của Kevin De Bruyne – bị bắt sau khi bị cáo buộc rửa tiền bởi chính thân chủ của mình. Vì thế, De Bruyne đã trở thành cầu thủ không có người đại diện. Để bắt đầu quá trình thương thảo hợp đồng mới với Man City, thay vì tìm đến một trong số những công ty đại diện lớn nhất thế giới, Kevin De Bruyne đã quyết định đại diện cho chính mình.
Kevin De Bruyne tự mình đàm phán hợp đồng với Man City mà không cần người đại diện. Ảnh: Manchester City
Vạn sự khởi đầu nan. Lời đề nghị đầu tiên từ đội chủ sân Etihad sẽ khiến De Bruyne phải giảm lương. Đáp lại, tiền vệ người Bỉ thuê Analytics FC – công ty chuyên thu thập và phân tích dữ liệu – nhằm đưa ra một bản báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của anh trong thành công của Man City. Những con số không bao giờ biết nói dối và nó là lý lẽ đủ thuyết phục để ban lãnh đạo đội bóng chấp nhận yêu cầu tăng lương mà Kevin De Bruyne xứng đáng có được.
Giới đại diện tin rằng khả năng thương thuyết và các mối quan hệ của họ là cách duy nhất để mang lại lợi ích cho thân chủ của mình. De Bruyne đã chứng minh được điều ngược lại. Cuộc đàm phán thành công của Kevin De Bruyne với Man City được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ giữa cầu thủ và người đại diện. Hơn nữa, tiền vệ tài năng người Bỉ còn khiến người ta đặt ra câu hỏi về định nghĩa thực sự của một cầu thủ hiện đại.
Nếu Kevin De Bruyne tự thỏa thuận hợp đồng thì Joshua Kimmich của Bayern Munich cũng đã chủ động sa thải người đại diện. Khi được hỏi về quyết định này, cầu thủ người Đức chia sẻ: “Năm ngoái, tôi đã cân nhắc mọi thứ kỹ càng. Tôi muốn tự đại diện cho giá trị, quan điểm của mình và nhiều hơn thế nữa. Tôi cũng muốn tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình”.
Khi một cầu thủ đứng ra chịu trách nhiệm nhiều hơn tức là anh ta đang đánh giá lại những người cố vấn cho mình. Đồng thời, họ cũng đang xây dựng nên thứ mà người ta gọi là “vòng tròn niềm tin”. Mohammed Salah gần đây đã thay người đại diện cũ bằng Ramy Abbas Issa – luật sư và cũng là người bạn lâu năm của anh. Họ gặp nhau lần đầu tiên khi Abbas còn giữ vai trò phiên dịch cho người đại diện cũ của ngôi sao người Ai Cập. Salah và Abbas nhanh chóng trở nên thân thiết khi cả hai đều nói chung một ngôn ngữ.
Joshua Kimmich sa thải người đại diện vì muốn tự đại diện cho chính giá trị của mình. Ảnh: Getty Images
Khi sự tin tưởng trở thành vấn đề mấu chốt, không ngạc nhiên khi ngày một nhiều cầu thủ lựa chọn bạn bè hoặc người thân làm người đại diện cho mình. Bên cạnh đó, tiền bạc cũng là lý do khiến những công ty đại diện đang dần mất điểm. Tính riêng trong năm 2019, số tiền được tính vào “phí đại diện” lên tới 653 triệu USD. Cầu thủ bắt đầu tự hỏi liệu những kỹ năng trên bàn đàm phán của người đại diện có thực sự xứng đáng để họ chi ra 10 hoặc 15% tiền lương của mình hay không.
“Tôi hạnh phúc ở Manchester. Hiện tại, tôi đang tự mình tham gia vào các cuộc nói chuyện. Tôi muốn được tiếp tục ở lại nên mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Mọi chuyện có lẽ sẽ khác nếu tôi có ý định ra đi nhưng vì tôi muốn gắn bó với Man City nên cũng không có gì quá khó khăn”, Kevin De Bruyne nói về quá trình làm việc với ban lãnh đạo Man City.
Tất nhiên, trường hợp của Kevin De Bruyne hay Joshua Kimmich không phải là dấu hiệu cho thấy người đại diện đã hết thời. Rất nhiều cầu thủ sẽ không thể thành công như ngày hôm nay nếu thiếu đi hình bóng của người đại diện bên cạnh. Dù vậy, đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho giới đại diện cầu thủ về những đòi hỏi ngày một lớn của họ.
FIFA cũng đã đề xuất đạo luật nhằm giới hạn mức phí dành cho người đại diện ở mức 3% lương tuần của cầu thủ và đưa ra hệ thống cấp phép mới nhằm kiểm soát số lượng người đại diện. Nói cách khác, giá trị của người đại diện cần phải được cân đo đong đếm một cách nghiêm túc sao cho phù hợp với khoản tiền khổng lồ mà họ bỏ túi mỗi năm.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.