Khi Bruno Fernandes được hỏi về việc phải điều chỉnh lối chơi của mình sau khi Manchester United bổ nhiệm Erik ten Hag làm HLV trưởng, cầu thủ người Bồ Đào Nha nhanh chóng “xù lông nhím“.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
“Điều chỉnh ư?“, Fernandes hỏi lại phóng viên. “Ý anh ở đây là gì? Dẫu sao thì ông ấy muốn tôi ưu tiên cho các pha kiến tạo, thế nên tôi vẫn sẽ làm điều đó thôi. Tôi không hiểu mấy đòi hỏi kiểu ‘phải giữ bóng‘ hay những thứ đại loại thế.
"Tôi giữ bóng khi tôi nghĩ rằng mình phải giữ nó. Tôi chuyền bóng khi tôi tin rằng mình phải làm thế. Đôi khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, đôi lúc thì không.
"Sai lầm là điều không được phép xảy ra. Tuy nhiên, khi bạn chơi ở vị trí số 10, bạn chỉ có vài giây để suy nghĩ, kiểm soát cũng như chuyền bóng.
"Tôi hiểu rằng mỗi người đều có quan điểm riêng. Nhưng trong 6 tháng đầu tiên ở Old Trafford, số lần mất bóng của tôi cũng tương tự như bây giờ. Cơ mà tôi ghi tới 28 bàn thời điểm đó nên chẳng ai phàn nàn.
"Mùa trước, tôi chỉ ghi được 10 bàn nên mọi người bắt đầu kêu ca. Không vấn đề gì. Tôi luôn cố gắng hết sức, cũng như giúp đỡ các đồng đội. Rõ ràng là tôi sẽ phải làm những gì HLV yêu cầu."
Dễ hiểu khi câu hỏi này được đưa ra. Fernandes nổi tiếng là cầu thủ hay đánh mất quyền kiểm soát bóng. Như chính anh chỉ ra, mong muốn làm nên chuyện khiến anh thường xuyên đưa ra những lựa chọn mạo hiểm với trái bóng. Công bằng mà nói, điều đó đã phát huy hiệu quả nhiều lần.
Kể từ khi Fernandes có trận ra mắt Premier League vào tháng 2/2020, chỉ có Kevin De Bruyne của Manchester City là tạo ra nhiều cơ hội hơn (218 so với 214). Không ai có thể sánh với De Bruyne và Fernandes trong danh sách này.
Nhưng cũng đúng là Fernandes để mất bóng nhiều thật. Vẫn tính từ mốc thời gian đó, chỉ có Trent Alexander-Arnold là để mất quyền kiểm soát bóng nhiều hơn.
Với trường hợp của Alexander-Arnold và những người đứng đầu danh sách khác – đồng đội của cầu thủ này ở Liverpool, Andy Robertson, Dwight McNeil của Burnley và James Ward-Prowse của Southampton – dễ hiểu khi họ để mất bóng nhiều, bởi họ có trách nhiệm thực hiện những quả tạt vào vòng cấm.
Còn với Fernandes, đó là bởi anh luôn cố gắng thực hiện rất nhiều đường chuyền gây sát thương và những pha chọc khe từ trung lộ. Nhiều khi chúng ta có cảm giác cầu thủ sinh năm 1994 luôn cố tạo ra một đường cong ngoạn mục, dù hoàn cảnh chưa hẳn đã cho phép.
Nhưng các số liệu thống kê cũng ủng hộ lập luận của Fernandes, rằng cách tiếp cận trận đấu của cầu thủ này không hề thay đổi từ ngày đầu tiên.
Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của Fernandes trong nửa mùa giải đầu tiên ở Manchester United chỉ là 75,7%, cho dù màn trình diễn của anh giúp Manchester United thu hẹp khoảng cách 14 điểm với Leicester City, giúp đội bóng này giành vé dự Champions League. Mùa trước, con số này thậm chí còn cao hơn (78,3%).
Số liệu cho thấy Fernandes đang mất bóng ít hơn qua mỗi mùa giải. Con số này đã giảm từ 22,9 lần/trận trong mùa giải đầu tiên xuống còn 21 lần/trận trong mùa giải thứ hai và 19,1 lần/trận ở mùa gần nhất.
Nói một cách đơn giản, Fernandes không để mất bóng nhiều như trước. Thứ thay đổi ở đây chỉ là đầu ra.
Tuy nhiên, đó cũng là điều đã được dự báo từ trước. Khả năng tạo cơ hội của Fernandes không giảm đi rõ rệt. Tuyển thủ Bồ Đào Nha đã tạo ra 2,26 cơ hội/trận ở mùa giải đầu tiên của mình. Con số đó đã tăng lên 2,75 trong mùa thứ hai và chỉ giảm (nhưng vẫn là tăng so với mùa đầu) xuống còn 2,56 tại mùa giải 21/22.
Nguyên nhân chính cho sự suy giảm về khả năng sáng tạo của Fernandes lại nằm ở khả năng chớp thời cơ của các đồng đội. Ví dụ, anh đã có 7 pha kiến tạo trong mùa giải đầu tiên của mình, nhưng tỉ lệ kiến tạo dự kiến (xA) của cầu thủ này chỉ ở mức 2,34. Nghĩa là các đồng nghiệp của anh làm rất tốt trong việc đưa được bóng vào lưới đối phương.
Ở mùa giải 20/21 mà Man United là á quân Premier League, Fernandes có 12 pha kiến tạo. Một lần nữa, các đồng đội của anh tỏ ra vượt trội hơn chính họ trong các pha dứt điểm (xA của anh là 9,67).
Mùa trước, số đường kiến tạo của Fernandes giảm xuống còn 6, nhưng xA cho những cơ hội đó lại cao hơn – 6,93. Quả thật, khả năng kiến tạo của cầu thủ này đang ngày càng giảm dần theo thời gian. Nhưng ở mùa giải gần nhất, đó là do các tiền đạo của M.U không còn “hack” chỉ số như hai mùa trước đó.
Có lẽ đó là lý do tại sao Fernandes lạc quan đến mức anh nghĩ rằng mình không cần phải thay đổi cách tiếp cận trận đấu của mình. Phát biểu trong một buổi phỏng vấn độc quyền với Sky Sports, Fernandes đang dần hiểu rõ hơn cách di chuyển của các tiền đạo nhờ giai đoạn tiền mùa giải. Điều đó sẽ có lợi cho anh ta.
Vẫn có ý kiến cho rằng Ten Hag sẽ muốn Fernandes giữ bóng nhiều hơn. Hãy lấy học trò cũ của Ten Hag, Donny van de Beek làm ví dụ. Trong mùa giải cuối cùng của Van de Beek dưới thời Ten Hag tại Ajax Amsterdam, tỷ lệ chuyền bóng chính xác của anh là 82,2% khi chơi ở vị trí số 10.
Nhưng các thống kê cũng chỉ ra rằng Van de Beek tạo ra ít cơ hội từ vị trí đó hơn so với Fernandes tại Manchester United. Đó là rủi ro, nhưng cũng có thể là phần thưởng.
Có lẽ Fernandes đã đúng: Không có dấu hiệu cho thấy anh cần phải điều chỉnh cách chơi của mình.
Lược dịch từ bài viết “Will Bruno Fernandes need to change his style of play under Erik ten Hag? Analysis of his record at Manchester United” của Adam Bate (Sky Sports)