“Bố già” Berlusconi: Trong những gam màu đỏ đen của San Siro

Tác giả Frank - Thứ Tư 25/05/2016 22:09(GMT+7)

Zalo

Sau thất bại 1-3 trước Roma trong trận hạ màn mùa giải, HLV Cristian Brocchi bước vào phòng thay đồ của Milan và trút một cơn thịnh nộ lên đầu các học trò. “Các cậu đúng là không có liêm sỉ, toàn một lũ không bi! Roma cứ như thể dạo chơi trên sân và họ đánh bại các cậu mà không tốn một giọt mồ hôi. Các cậu biến tôi thành thằng ngốc, tôi chưa từng thấy một phòng thay đồ nào như thế này. Nào, đáp lại đi chứ, tôi đang muốn tẩn nhau với ai đó đây!”.


Bo gia Berlusconi Trong nhung gam mau do den cua San Siro hinh anh
Sivio Berlusconi Bố già tại San Siro

Một mùa giải vứt đi nữa lại hiển hiện trước mắt AC Milan, và thầy trò Brocchi là những người phải hứng chịu những lời chỉ trích. Nhưng có lẽ tất cả nguồn cơn của sự việc đều bắt nguồn từ một cái tên khác: Silvio Berlusconi.

Vặn ngược kim đồng hồ quay lại đúng 30 năm trước, nửa đỏ đen thành Milan tràn ngập một bầu không khí hân hoan. Những dòng người nô nức tập trung về sân vận động Arena Civica để đón chào ông chủ mới của AC Milan, một người mà các CĐV của Rossoneri không biết nhiều lắm ngoài cái tên Silvio Berlusconi khá có tiếng trong làng truyền thông. Khung cảnh thật hoành tráng, các cầu thủ và nhân vật chóp bu của đội bóng lần lượt bước ra từ máy bay trực thăng, và Berlusconi bước ra sau cùng trong tiếng vỗ tay ngợp trời của người hâm mộ. Không ai có thể tưởng tượng rằng đó là không khí của một đội bóng vừa bị giáng xuống Serie B sau bê bối dàn xếp tỷ số Totonero, đang gánh một khoản nợ khổng lồ trên lưng và mất phương hướng trong sự bất lực của ban lãnh đạo. Berlusconi giống như một vị cứu tinh từ trên trời rơi xuống đúng lúc Milan đang kiệt quệ nhất, và cái ngày 8/7/1986 ấy chính là mốc đánh dấu sự bắt đầu sự phục hưng của đế chế đỏ đen.

Ngay lập tức Berlusconi cùng các cộng sự vạch ra một kế hoạch đưa Milan trở lại thời hoàng kim. Các khán giả của Calcio nói riêng và cả châu Âu nói chung nhấp nhổm khi những đoạn quảng cáo về một Milan mới mẻ và hùng mạnh được chiếu đi chiếu lại trên ti vi, còn nội bộ San Siro cũng có những bước chuyển mình rõ rệt. HLV kỳ cựu Nils Liedholm bị thay thế bằng nhà cầm quân trẻ tuổi Fabio Capello, còn tiền đạo chủ lực Hateley cũng bị đem bán để nhường chỗ cho bộ ba “người Hà Lan bay” Marco Van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard. Dựa vào tiềm lực tài chính dồi dào từ tập đoàn Fininvest và lòng quyết tâm cao độ, Berlusconi đã làm đảo lộn mọi thứ ở San Siro, mạnh tay quét sạch những thứ đã quá cũ kỹ và thay vào đó những nhân tố mới mẻ hơn. Cho đến khi Berlusconi bổ nhiệm Arrigo Sacchi vào vị trí thuyền trưởng của Milan, người ta biết viên gạch cuối cùng trong công cuộc tái thiết của ông đã hoàn tất.

Bo gia Berlusconi Trong nhung gam mau do den cua San Siro hinh anh 2
Berlusconi trong ngày ra mắt trên cương vị chủ tịch Milan

Các Milanista hẳn không thể quên những trang sử vàng cuối thập niên 80 khi Arrigo Sacchi biến Milan trở thành một cỗ máy chiến thắng thực sự. Chính ông là người đi tiên phong trong việc áp dụng lối chơi phòng ngự khu vực với bộ tứ vệ khiến mọi hàng công khiếp đảm: Franco Baresi, Alessandro Costarcurta, Paolo Maldini và Mauro Tassotti. Ở hàng tiền vệ, Milan thường xuyên lấn lướt đối thủ với những cái tên như Frank Rijkaard, Carlo Ancelotti hay Roberto Donadoni. Còn trên hàng tiền đạo, Van Basten và Gullit là những cỗ máy ghi bàn thật sự. Milan thời điểm đó đánh bại cả Napoli của Diego Maradona huyền thoại để vô địch Serie A ngay trong năm đầu tiên Sacchi cầm quyền, hai lần liên tiếp vô địch cúp C1 và được coi là một trong những đội hình mạnh nhất trong lịch sử cúp châu Âu.

Báo chí đến giờ cũng vẫn còn nhắc tới chiến tích lịch sử của Milan trong trận chung kết Champions League năm 1994 với Barcelona. Trong một trận cầu mà tất cả đều nghĩ về chiến thắng cho “Dream Team” của Johan Cruyff, đại diện của nước Ý đã nã tới 4 bàn không gỡ vào lưới đối thủ để tạo nên một câu chuyện thần thoại trên sân Olympic ở Athens. Thậm chí thầy trò HLV Fabio Capello làm nên kỳ tích ấy khi thiếu vắng cả Van Basten, Baresi cũng như Costarcurta trong đội hình. Đó chỉ là một trong những khúc tráng ca của Milan tại đấu trường châu Âu, khi họ giành tới 5 chức vô địch trong 30 năm cầm quyền của Silvio Berlusconi. Juventus được sinh ra để dành cho Serie A, còn Milan được sinh ra là để chinh phục Champions League, người ta đã nói thế khi Rossoneri trở thành lá cờ đầu của nước Ý trên bình diện châu Âu.

Tất cả những thành tích chói lọi đó đều có dấu ấn của Berlusconi. Đã có lúc người ta coi ông như một biểu tượng của đất nước hình chiếc ủng, hào hoa, lịch thiệp và giàu có. Đã có lúc cái tên AC Milan như một điều gì đó đảm bảo chắc chắn về danh tiếng cũng như thành công trong bóng đá. Berlusconi xây dựng lên một đế chế đỏ đen hùng mạnh, và hơn thế nữa, ông coi đó như một gia đình thứ hai của mình.

Có nhiều người nói rằng Silvio chỉ đơn thuần sử dụng Milan như bàn đạp để vươn tới tham vọng chính trị, và những lời nói đãi bôi về tình yêu với Milan cũng chẳng khác nào việc Obama đi ăn bún chả ở Lê Văn Hưu hay gọi chuyến viếng thăm muộn Việt Nam là “Save the best for the last”. Điều đó vừa đúng, mà cũng vừa không đúng. Trên cương vị của một chính khách, Berlusconi dĩ nhiên phải “diễn” để đánh bóng tên tuổi của mình, cũng giống như một câu nói nổi tiếng trong bộ phim House of cards: “Trong số 1000 chính khách thì có 999 người diễn kịch, người còn lại là Arnold Schwarzenegger (một người xuất thân là diễn viên và từng làm thống đốc bang California)”.

Bo gia Berlusconi Trong nhung gam mau do den cua San Siro hinh anh 3
Kỳ tích tại Champions League 1994 của Milan có dấu ấn của Berlusconi

Nhưng ngược lại, sự đầu tư của Berlusconi cho Milan cũng xuất phát từ tình cảm thật sự của một người con sinh ra tại thành phố này. Những buổi gặp mặt các thế hệ cầu thủ của Milan, cái mà Berlusconi gọi là những cuộc hội ngộ gia đình, đem lại cho tất cả những ai đã và đang khoác trên mình chiếc áo đỏ đen một tình cảm mật thiết. Những công thần như Baresi hay Maldini cũng được treo số áo vĩnh viễn như một sự tri ân dành cho sự cống hiến vĩ đại của họ. Berlusconi không phải là người đầu tiên làm những việc ấy, nhưng ông là người làm điều đó một cách khôn khéo và thành công nhất. Đã có lúc, người ta nhắc về Silvio Berlusconi với hình ảnh của một “Bố già” ngoài đời thực, một con người quyền uy nhưng luôn yêu gia đình hết mực với tôn chỉ: “Không bao giờ bàn chuyện công việc trên bàn ăn”.

Thế rồi tất cả những hình ảnh tốt đẹp về người đàn ông ấy cứ bị mai một dần theo những vết trượt trên con đường chính trị của ông. Việc liên tục bị đối thủ Romano Prodi vượt mặt trên chính trường cộng với tuổi tác lên cao khiến cho Berlusconi tự đánh mất chính mình, và đánh mất luôn cả một Milan mà ông hằng yêu dấu. Chức vô địch Champions League năm 2007 hay danh hiệu Scudetto năm 2011 chẳng thể che lấp một thực tế rằng Milan đang ngày một đi xuống sau bê bối Calciopoli. Các Milanista bất bình về cái cách Berlusconi đẩy Andrea Pirlo hay Max Allegri đi, để rồi họ tỏa sáng rực rỡ ở Juventus. Cánh báo chí chê bai ông về những quyết sách vội vàng trên băng ghế chỉ đạo, từ Clarence Seedorf, Fillippo Inzaghi, Sinisa Mihajlovic cho tới Cristian Brocchi. Dư luận chế giễu Milan khi họ chỉ biết đem về những bản hợp đồng miễn phí, những cầu thủ đã hết đát và tìm nơi dưỡng già. Một Milan kiêu hãnh với hàng loạt những danh thủ lừng lẫy trong lịch sử giờ đây bị gọi với cái tên “Free-Lan” đầy mỉa mai. Còn gì chua xót hơn thế?

Năm 2013, những lời phàn nàn của người hâm mộ bắt đầu lên tiếng đòi Berlusconi từ chức ngày một nhiều hơn, điều mà có lẽ chính bản thân ông cũng không thể ngờ tới trong những ngày tháng vinh quang ở San Siro. Rồi người ta thấy ông cải tổ một cách mạnh mẽ như những ngày đầu xuất hiện tại Arena Civica, để lộ ra nắm đấm sắt bên trong chiếc găng tay nhung. Ở cái tuổi 76 hay tự ái và dễ dỗi hờn vì những chuyện không đâu, Berlusconi đe dọa sa thải tất cả ban huấn luyện và cả Phó chủ tịch Galliani, người thân cận nhất với “Bố già” Silvio. Milan thất bại. 90 triệu euro được đổ vào TTCN đầu mùa hè năm nay, con số ấn tượng nếu không muốn nói là kỷ lục của một Milan vốn chỉ ưa hàng miễn phí. Milan vẫn thất bại. Và cho tới lúc đó, Berlusconi thừa nhận rằng có lẽ ông đã quá già để điều hành đội bóng này.

Bo gia Berlusconi Trong nhung gam mau do den cua San Siro hinh anh 4
Thất bại bạc nhược trước Roma khép lại mùa giải đáng quên của Milan

Người Milan đã từng hy vọng rằng đế chế Berlusconi sẽ trở lại sau những tuyên bố đầy mạnh mẽ, hay khi cô con gái Barbara manh nha ý tưởng tiếp quản đội bóng. Nhưng cuối cùng tình hình của đội bóng cũng chẳng thể khá khẩm lên được. Nó cũng giống như khuôn mặt của Berlusconi hiện tại, khuôn mặt được kéo căng bằng phẫu thuật thẩm mỹ để che đi sự già cỗi bên trong. Cuối tháng 4 vừa rồi, Berlusconi đánh dấu 30 năm ngày lên nắm quyền tại Milan. Cũng chỉ 4 ngày trước thôi, ai đó còn nhắc tới dấu ấn 27 năm trước, khi Milan giành chiếc cúp C1 đầu tiên dưới thời vị chủ tịch đáng kính. Nhưng không có một lễ kỷ niệm hoành tránh nào cả, tất cả những gì người ta nhắc tới vào lúc này là việc Berlusconi sắp bán Milan cho một tập đoàn Trung Quốc. San Siro sẽ đón chào chiếc cúp Champions League vào ngày 28/5 tới đây, nhưng là để hai đội bóng thành Madrid tranh tài. Các Milanista đau đớn, nhưng có lẽ họ cũng chẳng thể làm gì hơn khi “Bố già” của họ đã đi đến buổi hoàng hôn trong sự nghiệp của mình.

30 năm là một quãng thời gian đủ dài cho một đời người, và cũng đủ để người ta yêu một thứ gì đó sâu đậm. Silvio Berlusconi có thể là một con buôn lọc lõi hay một chính trị gia đầy toan tính, nhưng trên tất cả ông vẫn yêu Milan tha thiết để gắn bó với đội bóng ấy trong 3 thập kỷ. Cựu chủ tịch Parma, Tanzi đã có một câu nói nổi tiếng rằng: “Ở trên đời có 2 chuyện còn khó hơn chinh phục đỉnh Everest, đó là vô địch Serie A và yêu cầu Berlusconi từ nhiệm tại AC Milan”. Nhưng có lẽ giờ là lúc để Berlusconi kết thúc mối tình của mình.

Dù thế nào đi nữa, các Milanista vẫn sẽ nhớ đến ông như một con người vĩ đại đã làm nên những trang sử vàng ở San Siro. Một hình ảnh “Bố già” với hai gam màu đỏ-đen, màu đỏ của máu và màu đen của quyền lực.

Frank (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?

X
top-arrow