Một người đàn ông đang quỳ gối trước bia mộ, hai bàn tay siết chặt và cầu nguyện. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên gương mặt anh trước khi hòa tan vào trong đất, nơi mà người thầy tuyệt vời của anh bây giờ đang yên nghỉ.
|
Bela Guttmann: Thiên tài lập dị và lời nguyền thế kỷ |
Dẫu vậy, chuyến viếng thăm lần này cũng chẳng phải vì mục đích tưởng nhớ người bạn cũ. Thay vào đó, chỉ là một sự khẩn cần lòng thương xót từ người đã khuất. Không ai khác, người đàn ông đang quỳ gối, chính là Eusebio và trên ngôi mộ khắc tên của vị chiến lược gia huyền thoại, Bela Guttman.
Từng tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ họng Eusebio xen lẫn những lời cầu nguyện với hy vọng người nằm dưới huyệt sẽ đồng ý giải thoát Benfica khỏi lời nguyền kéo dài suốt 30 năm. Không có câu trả lời nào được đáp lại, và ngày hôm sau, AC Milan đã vượt qua đội bóng Bồ Đào Nha chung cuộc 1-0 để đoạt danh hiệu vô địch Cúp C1. Chẳng có sự nhân nhượng nào từ Bela Guttmann cả. Và Benfica, vẫn là một đội bóng bị nguyền rủa.
Đây chính xác là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Trước thềm trận chung kết Cúp C1 năm 1990 giữa Benfica và AC Milan, được tổ chức tại Vienne (Áo), thành phố có ngôi mộ của cố HLV Bela Guttmann, các CĐV đến từ Bồ Đào Nha đã thực sự bị ám ảnh bởi “lời nguyền” mà nhà cầm quân người Hungary từng đặt ra cho CLB vào năm 1962. Đó là thời điểm mà Eusebio mới chỉ bắt đầu bước vào sự nghiệp bóng đá lẫy lừng của mình. Chấp nhận đến thăm mộ Guttmann và cầu xin người thầy cũ xóa bỏ lời nguyền đáng sợ kia, nhưng rồi tất cả những thành ý của Eusebio đều bị bỏ ngoài tai. Ngày hôm sau, Rijkaard đã ghi bàn thắng duy nhất cho AC Milan và những câu chuyện về việc Benfica phải chịu đựng một lời nguyền trăm năm vẫn tiếp tục kéo dài đến tận bây giờ.
SỰ NGHIỆP CHƠI BÓNG CỦA MỘT… VŨ CÔNG
Cuộc đời của Bela Guttmann đích thực là một chuyến phiêu lưu bất tận. Ông là một kẻ du mục trong lịch sử bóng đá thế giới, một gã lang thang với sự nghiệp huấn luyện trải dài trên ba châu lục và cũng là một nhà tiên tri xuất chúng. Xuất thân từ một gia đình người Hungary gốc Do Thái tại Budapest, cậu bé Guttmann từ nhỏ đã bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp của cha mẹ mình, ông Abraham và bà Ester, những giáo viên khiêu vũ. Suốt thời niên thiếu, học nhảy chính là lựa chọn duy nhất của Guttmann và đến năm 16 tuổi, ông đã trở thành một thầy giáo khiêu vũ có trình độ tương đối tốt.
Đầu thế kỷ XX, khi nền bóng đá Hungary bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, Guttmann thực sự bị quyến rũ bởi trái bóng tròn. Chàng thanh niên gốc Do Thái quyết định thay đổi cuộc đời mình bằng cách ký hợp đồng với Torekvas, một đội bóng địa phương. Đến năm 1919, Guttmann đã gia nhập MTK Budapest và tại đây, ông cũng giành được danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp, một chức VĐQG Hungary vào năm 1921. Đó cũng là một năm tốt lành đối với Guttmann khi ông được triệu tập lên ĐTQG, nơi mở đầu cho những trải nghiệm về tính cách “bốc lửa” và bất cần của người đàn ông này.
Được lựa chọn để tham dự Olympic 1924 nhưng Guttmann lại cảm thấy hết sức chán nản về cách làm việc quan liêu của LĐBĐ Hungary. Ông cảm thấy tức giận vì số lượng quan chức Hungary đi theo đội bóng với mục đích… du lịch, còn nhiều hơn cả số cầu thủ. Và khách sạn của đội tuyển dường như cũng phù hợp để tiệc tùng hơn là việc nghỉ ngơi sau khi luyện tập thể thao. Không thể kiềm chế nổi sự bất mãn của bản thân, Guttmann đã quyết định treo chuột chết trước cửa phòng các quan chức “ăn không ngồi rồi”. Đương nhiên, thái độ phản kháng không phải điều gì hay ho trong thời buổi bấy giờ và đây cũng là lần cuối cùng cái tên Bela Guttmann xuất hiện trong màu áo ĐTQG Hungary.
Đầu những năm 20 ở thế kỷ trước, Miklos Horthy lên nắm quyền đội tuyển và chiến dịch “bài Do Thái” sau đó đã nhanh chóng đẩy Guttmann khỏi MTK Budapest. Không còn nhiều lựa chọn, Guttmann buộc phải chuyển đến Hakoah Wien (Viên, Áo), một CLB có nguồn gốc Do Thái. Khoảng thời gian sau này, ông liên tục tham gia những chuyến du đấu khắp thế giới, thu hút hàng ngàn người hâm mộ Do Thái ở London, New York… Đây cũng chính là yếu tố xúc tác quan trọng cho sự phát triển không ngừng nghỉ trong suốt sự nghiệp của Guttmann.
Năm 1926, huyền thoại người Hungary đã chuyển tới Hoa Kỳ, nơi chứng kiến ông trải qua phần lớn quãng thời gian chơi bóng, lần lượt tại New York Giants, New York Hakoah, New York Soccer Club và Hakoah All-Stars. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall vào năm 1929 đã khiến Guttmann mất đi nhiều tài sản lớn và không thể tiếp tục theo đuổi phong cách sống hưởng thụ quen thuộc. Đến năm 1932, sau khi LĐBĐ Mỹ sụp đổ, Guttmann lại phải quay về châu Âu, đầu quân cho đội bóng cũ Hakoah Wien.
Xuất thân là một vũ công chuyên nghiệp, chẳng có gì bất ngờ khi phong cách chơi bóng của Guttmann được mô tả là thanh lịch và duyên dáng. Ông đã giành được tổng cộng 4 danh hiệu trong sự nghiệp cầu thủ, bao gồm 2 chức VĐQG Hungary (1919/20, 1920/21), một chức VĐQG Áo (1924/25) và Cúp Quốc gia Hoa Kỳ (1929), trước khi chuyển sang công việc huấn luyện. Ban đầu, Guttmann được giao phó nhiệm vụ huấn luyện đội bóng cũ Hakoah Wien trong hai giai đoạn (1933-35 và 1937-38). Xen giữa khoảng thời gian này, vị chiến lược gia người Hungary đã lựa chọn làm việc tại FC Twente, khi ấy còn được gọi là Twente Enschede. Không những giúp cho đội bóng Hà Lan tránh khỏi suất xuống hạng, Guttmann thậm chí còn đưa Twente kết thúc mùa giải ở thứ ba trên bảng xếp hạng chung cuộc, chỉ kém nhà vô địch Feyenoord vỏn vẹn 2 điểm.
TỪ NỖI ÁM ẢNH CHIẾN TRANH ĐẾN CUỘC PHIÊU LƯU TRÊN ĐẤT Ý
Sau thành tích vang dội này, Guttmann tiếp tục chuyển đến huấn luyện Ujpest, nơi ông ngay lập tức giúp cho đội nhà đoạt chức VĐQG Hungary đồng thời giành luôn cả Mitropa Cup (cùng năm 1939), một giải đấu ở quy mô khu vực dành riêng cho các CLB Trung Âu. Khoảng thời gian sau đó, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ và gốc gác Do Thái đã khiến Guttmann buộc phải chạy trốn khỏi nước Áo. Những chi tiết chính xác về cuộc “tị nạn” của Guttmann không bao giờ được tiết lộ. Nhiều người nói rằng ông đã chấp nhận sống lẩn khuất tại Thụy Sỹ suốt quãng thời gian chiến tranh, trong một trang trại khép kín. Mặc dù vậy, có rất nhiều thành viên trong gia đình, bao gồm cả anh trai của Guttmann đều phải bỏ mạng dưới tay Đức Quốc xã. Mỗi lần được hỏi về quá khứ kinh hoàng trong những năm tháng chiến tranh, ông thường trả lời cực kỳ đơn giản: “Chúa đã giúp đỡ tôi”.
Những nỗi ám ảnh chiến tranh có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến tính khí thất thường của Guttmann, tuy nhiên khi đã quyết định trở lại với bóng đá, vị chiến lược gia người Hungary cũng tỏ ra quyết tâm và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ban đầu, là công việc huấn luyện tại Vasas SC, nơi ông trở nên “nổi tiếng” nhờ việc yêu cầu ban lãnh đạo đội bóng thanh toán tiền lương cho mình chỉ để… trả tiền mua rau. Năm 1947, Guttmann tới Kispest, CLB bây giờ đã đổi tên thành Budapest Honved FC. Tại đây, ông trở thành người trực tiếp huấn luyện những nhân tố chủ chốt trong thế hệ Vàng của bóng đá Hungary ở thập kỷ 50, bao gồm Sandor Kocsis, Jozsef Bozsik, Zoltan Czibor và Ferenc Puskas. Giữa Guttmann và Puskas thường xuyên xảy ra những cuộc tranh luận căng thẳng về bóng đá. Để rồi, trong một trận đấu gặp Gyor, sau khi Puskas cãi lệnh Guttmann đưa đồng đội Mihaly Patyi vào sân thi đấu, nhà cầm quân người Hungary đã quyết định ra đi.
Thập niên 40, 50 từng chứng kiến nhiều thế hệ cầu thủ và HLV của Hungary đến thử sức trong môi trường bóng đá Ý và Guttmann cũng không phải ngoại lệ. Sau lần đổ vỡ với Honved, ông lần lượt dẫn dắt Padova và Triestina để học hỏi về chiến thuật của người Ý. Ngày 11/11/1953, Guttmann được bổ nhiệm trở thành chiến lược gia của AC Milan, nơi ông tiếp tục được làm việc cùng hai người trong bộ ba Gre-No-Li vĩ đại, bao gồm Gunnar Nordahl, chân sút đoạt danh hiệu Cannoniere (Vua phá lưới Serie A) hai mùa giải liên tiếp và Nils Liedholm. Người còn lại là Gunnar Gren đã chuyển sang khoác áo Genoa ngay trước khi Guttmann chuẩn bị đặt chân đến San Siro. Bên cạnh đó, Guttmann cũng được dẫn dắt một trong những cầu thủ sáng tạo vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, là huyền thoại người Uruguay, Juan Alberto Schiaffino.
Với tam tấu Nordahl, Liedholm và Schiaffino lĩnh xướng hàng công, Guttmann nhanh chóng đưa AC Milan lên ngôi đầu bảng xếp hạng sau 19 vòng đấu ở mùa giải 1954/55. Tuy nhiên, đằng sau cánh cổng đóng kín, lại âm ỉ một cuộc chiến giữa nhà cầm quân gốc Do Thái và ban lãnh đạo Rossoneri. Thật bất ngờ, Milan quyết định sa thải Guttmann. Cảm thấy quá cay đắng, ông phát trước báo giới: “Tôi đã bị sa thải ngay cả khi không phải là tội phạm, cũng không hề đồng tính”. Chính bởi sự kiện này mà từ đó về sau, Guttmann luôn luôn yêu cầu hợp đồng của mình phải có thêm một “điều khoản thòng” rằng nếu như đội bóng xếp đầu bảng thì ban lãnh đạo không được phép sa thải ông.
ĐỘI BÓNG CỦA NHỮNG KẺ LƯU VONG
Trải qua chuyến “du lịch dài ngày” ở Italia, Bela Guttmann quay trở lại dẫn dắt đội bóng cũ Honved, lúc này đang sở hữu những tài năng thượng thừa của nền bóng đá Hungary, như Puskas, Zoltan Czibor, Sandor Kocsis, Jozsef Bozsik, Laszlo Budai, Guyla Lorant hay Guala Grosics. Năm 1956, Honved giành quyền tham dự Cúp C1 châu Âu, chạm trán Athletic Bilbao. Đội bóng của HLV Guttmann để thua 2-3 trong trận lượt đi ở xứ Basque. Nhưng rồi trước thời điểm diễn ra trận lượt về, cuộc cách mạng Hungary đã sụp đổ, quân đội Liên Xô nắm quyền kiểm soát đất nước Trung Âu. Trong bối cảnh các cuộc giao chiến diễn ra liên miên tại quê nhà, ban lãnh đạo Honved buộc phải tiến hành tổ chức trận lượt về tại SVĐ Heysel, Bỉ. Tình cảnh bi đát tới mức thủ môn Lajos Farago dính chấn thương khi đang thi đấu, đội bóng hết người thay thế và Zoltan Czibor buộc phải đeo găng tay và đứng trước khung thành. Kết quả, tỷ số hòa 3-3 chung cuộc không đủ để thầy trò Guttmann đi tiếp.
Đội bóng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi các cầu thủ không muốn quay trở về quê hương nhưng đồng thời phải đối mặt với án phạt trục xuất khỏi giải quốc nội. Chưa kể, cơn khủng hoảng tài chính cũng đang đè nặng lên cả tập thể Honved. Trước vô vàn áp lực xung quanh, họ đành quyết định tham gia một chuyến du đấu nhằm mục đích gây quỹ tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý. Rất nhanh chóng, chuyến phiêu lưu này bị phản đối mạnh mẽ bởi cả FIFA và LĐBĐ Hungary, lúc này cũng đang bị kiểm soát bởi chính quyền Xô Viết. Thế nhưng, thầy trò Guttmann vẫn tiến hành công việc của mình. Tại Tây Ban Nha, đội bóng đã đánh bại Barca với tỷ số 4-3 và cầm hòa Real Madrid 5-5.
Do không chấp nhận tuân theo những yêu cầu từ phía FIFA nên Honved phải đối mặt với nguy cơ giải thể. Trong bối cảnh trên, LĐBĐ Mexico đã đồng ý cho CLB một suất tham dự giải VĐQG nước này để “tị nạn”, nhưng rồi họ quyết định từ chối. Thay vào đó, thầy trò HLV Guttmann tới Brazil để tham dự một giải đấu quy mô nhỏ hơn cùng Flamengo và Botafogo. Thực tế, vị chiến lược gia sinh năm 1899 từng đặt chân đến Nam Mỹ từ mùa Hè năm 1930 khi đi du đấu cùng Hakoah All-Stars, nhưng bây giờ, ông phải quay lại mảnh đất này theo một cách hoàn toàn khác, bên cạnh những siêu sao bóng đá Hungary đang bị lưu đày nơi đất khách quê người.
Sau một thời gian ngắn, FIFA cuối cùng đã tuyên bố sự tồn tại của đội bóng là bất hợp pháp và cái tên Honved nhanh chóng bị xóa sổ, qua đó chấm dứt số phận của một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất Hungary. Toàn bộ các thành viên đều quay trở về châu Âu và tìm kiếm tương lai trên những sân cỏ mới, ngoại trừ Guttmann, người tiếp tục tìm thấy ngôi nhà mới trong cái nóng của Sao Paulo.
Mùa giải 1957/58, nhà cầm quân người Hungary giúp CLB đoạt danh hiệu Paulista (vô địch bang Sao Paulo) nhờ công thức chiến thuật 4-2-4 lừng danh của mình. Hệ thống này sau đó đã tiếp tục được ĐT Brazil áp dụng để giành lấy chức vô địch World Cup 1958. Mặc dù gặt hái được những thành công vang dội nhưng Guttmann vẫn không muốn dừng lại. Rời Nam Mỹ, ông tiếp tục đặt chân đến Bồ Đào Nha, đảm nhiệm vai trò HLV trưởng của Porto. Thời điểm Guttmann đến Porto, đội bóng này vẫn còn kém Benfica tới 5 điểm trên bảng xếp hạng. Nhưng đến cuối mùa, họ đã vượt lên đối thủ để giành chức vô địch chung cuộc.
VINH QUANG CHO BENFICA VÀ LỜI NGUYỀN THẾ KỶ
Những thành công vang dội tại Hungary, Brazil và Bồ Đào Nha dần dần giúp cho Bela Guttmann định hình được “di sản chiến thuật” của mình. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm giúp Porto đăng quang, nhà cầm quân gốc Do Thái lại quyết định lựa chọn chuyển sang dẫn dắt Benfica, đội bóng mà chính ông vừa đánh bại trước đó một mùa giải. Mặc dù vậy, quyết định này cũng chưa thể gây sốc bằng việc Guttmann sa thải cùng lúc hơn 20 cầu thủ ngôi sao hàng đầu trong đội hình Benfica và thay thế họ bằng những tài năng từ đội trẻ.
Sau đó, là phần cuối cùng của trò chơi lắp ghép. Trong một lần đi cắt tóc với tuyển trạch viên người Brazil, Jose Carlos Bauer, vị chiến lược gia người Hungary đã được giới thiệu về một thiếu niên “nhanh như chớp” đang chơi bóng ở Mozambique, có tên là Eusebio. Ngay lập tức, Guttmann bay đến Mozambique để ký hợp đồng với mẹ và anh trai của cậu bé đến từ châu Phi. Phần còn lại hoàn toàn là lịch sử. Với “Báo đen” (biệt danh của Eusebio) sắm vai mũi nhọn cao nhất trong đội hình, cùng Mario Coluna chơi lùi sâu hơn, Guttmann đã thực sự tạo nên một tập thể tấn công đẹp đẽ và lãng mạn nhất mà thế giới bóng đá từng được chứng kiến. Khi ấy, triết lý của ông đơn giản là:
“Tôi chẳng bao giờ thèm quan tâm đến cách đối thủ ghi bàn, bởi tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi có thể ghi được nhiều bàn hơn họ”.
Bela Guttmann giúp Benfica đoạt hai chức vô địch quốc nội liên tiếp ở mùa giải 1959/60 và 1960/61, cũng như một danh hiệu Cúp quốc gia Bồ Đào Nha 1961/62. Tuy nhiên, thành tích huy hoàng nhất phải là hai chiếc Cúp C1 vào các năm 1961 và 1962, sau khi Benfica lần lượt đánh bại Barca 3-2 và giành chiến thắng 5-3 trước Real Madrid ở hai trận chung kết lịch sử. Cần phải nhấn mạnh rằng, đây là một thời kỳ mà Real đang hoàn toàn thống trị châu Âu. Chính bởi vậy, kỳ tích của Guttmann với những cầu thủ trẻ thực sự đáng kinh ngạc. Thời điểm kết thúc trận chung kết Cúp C1 năm 1962, người ta đã chứng kiến Puskas, siêu sao bên phía đội bóng Hoàng gia, là một học trò cũ của chính Guttmann, đổi áo cho tài năng trẻ Eusebio bên phía Benfica, một hình ảnh gần như mang tính chuyển giao quyền lực giữa hai thế lực bóng đá cũ và mới.
Kết thúc trận chung kết năm 1962, Guttmann đề xuất ban lãnh đạo Benfica tăng lương cho mình như một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng, nhưng rồi yêu cầu này cuối cùng lại bị từ chối một cách thẳng thừng. Trong suốt cuộc đời, với tính cách nóng nảy thường trực, Guttmann đương nhiên chưa bao giờ chấp nhận nể nang một ai và lần này cũng vậy. Trước khi nói lời chia tay đội bóng, ông đã để lại một lời nguyền: “Trong vòng 100 năm nữa, Benfica sẽ không bao giờ vô địch được Cúp châu Âu”.
|
Eusebio và Guttmann |
NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO BÓNG ĐÁ TỔNG LỰC
Trên thực tế, việc từ chối tăng lương có lẽ không phải lý do duy nhất khiến Guttmann rời Benfica. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì người ta vẫn thực sự nuối tiếc cho câu chuyện giữa nhà cầm quân người Hungary và Eusebio, hai huyền thoại lẽ ra đã có thể giúp Benfica thống trị châu Âu thêm một thời gian dài nữa. Không còn cảm tháy hứng thú với châu Âu, Guttmann từ chối những lời đề nghị từ Bồ Đào Nha và Anh quốc rồi lại chuyển đến Nam Mỹ. Lần này, ông lựa chọn Uruguay, dẫn dắt Penarol. Đây cũng chính là nơi chứng kiến Guttmann giành được danh hiệu cuối cùng trên cương vị HLV, một chức vô địch giải quốc nội Uruguay.
Khoảng thời gian về sau, Bela Guttmann còn làm việc tại khá nhiều đội bóng, trước khi trở về Porto và giải nghệ nghiệp huấn luyện. Năm 1981, ông qua đời ở tuổi 82. Là một con người có tính khí hơi nóng nảy thất thường, thậm chí hơi lập dị nên những phát kiến chiến thuật của Guttmann thường bị lu mờ bởi nhiều câu chuyện rắc rối xung quanh cuộc đời ông. Mặc dù vậy, trong trường hợp phải đánh giá một cách trọn vẹn và khách quan nhất, người ta có thể hiểu rằng Guttmann chính là một nhà tư tưởng vĩ đại đã mang đến những “chất xúc tác” nền tảng cho việc phát minh ra bóng đá tổng lực sau nay. Ngay từ những năm 30, Guttmann đã biết cách thay đổi vị trí giữa các cầu thủ nhằm tạo nên sự linh hoạt trong hệ thống chiến thuật vận hành lối chơi. Thậm chí, nhà cầm quân người Hungary còn là người đầu tiên áp dụng vai trò “số 9 ảo”, một vị trí chưa từng xuất hiện vào lúc bấy giờ.
Cho đến thời điểm hiện tại, ngay cả khi bóng đá thế giới đang liên tục phát triển và thay đổi không ngừng thì nhiều CLB lớn trên thế giới vẫn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nền tảng chiến thuật cũ của người Hungary, cụ thể là do Guttmann để lại, tiêu biểu như Barca dưới thời Pep Guardiola chẳng hạn. Trong bóng đá hiện đại, việc một HLV sở hữu quyền lực tuyệt đối cũng không phải điều gì quá bất bình thường, điển hình như Sir Alex Ferguson hay Jose Mourinho… một đặc điểm giống hệt như Guttmann trước đây.
Để nói về Bela Guttmann, người ta có thể sử dụng rất nhiều mỹ từ khác nhau: từ cuốn hút, người tiên phong, một phù thủy, cho đến kẻ du mục, kẻ lang thang hay… thiên tài. Cũng chẳng quá quan trọng, bởi sự thật thì vị chiến lược gia gốc Do Thái vẫn là một trong những người tiên phong vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá thế giới, nhưng lại vô tình bị lãng quên giữa biết bao câu chuyện kỳ lạ. Đến tận bây giờ, lời nguyền nổi tiếng mà Guttmann từng dành cho Benfica vẫn còn nguyên tác dụng. Sau khi Guttmann rời khỏi phòng họp CLB, Benfica đã 7 lần lọt vào các trận chung kết châu Âu (1963, 1965, 1968, 1983, 1988, 1990, 2013) và đều phải nhận thất bại cay đắng.
Một thiên tài sở hữu tính khí nóng nảy và lập dị như Bela Guttmann, tất nhiên sẽ chẳng bao giờ chấp nhận tha thứ cho những kẻ từng dám làm tổn thương mình. Chính bởi vậy, những lời nguyền rủa mà Benfica đang phải gánh chịu chắc chắn sẽ còn trở thành ám ảnh đối với người Bồ Đào Nha trong một thời gian rất lâu nữa…
Lược dịch: http://inbedwithmaradona.com/journal/2014/5/3/bla-guttmann-the-man-who-cursed-benfica
OLE(TTVN)