Gabriel Batistuta bước vào phòng thay đồ của đội tuyển Argentina. Một số cầu thủ quay lại chào anh, phần còn lại tỏ ra dửng dưng. Mái tóc vàng đã cắt rất ngắn, gương mặt cũng hằn lên nhiều dấu thời gian, Batigol có thể hơi khác lạ ngày hôm nay nhưng không phải là không thể nhận ra.
"Tôi thích một cuộc đón tiếp tốt đẹp hơn, không phải vì tôi là ai, mà vì tôi đã từng thi đấu, từng ở trong phòng thay đồ này. Nhưng tôi sẽ không khóc vì điều đó..."
Bị lãng quên là một nỗi sợ thật sự với rất nhiều người. Dòng chảy lịch sử bóng đá đi qua hơn một thế kỷ, ghi dấu rất nhiều cầu thủ vĩ đại với những chiến công hiển hách, nhưng ai rồi cũng dần bị lãng quên. Nước mắt của Batistuta không rơi vì điều vị kỷ ấy, dù anh rất dễ khóc, người hâm mộ anh (trong đó có người viết) sẽ khóc thay vì những kí ức về huyền thoại vua sư tử là thứ đẹp đẽ mà chúng ta chỉ đôi lần có được trong đời.
Trước hết xét về góc độ chuyên môn, Batistuta là một trong những chân sút hay nhất ở thời hoàng kim của bóng đá Ý. Đó là thời kì mà giành danh hiệu Capocannoniere còn khó đoạt hơn là đua vô địch Serie A với những tiền đạo lừng lẫy như Marco Van Basten, Roberto Baggio, Christian Vieri, Filippo Inzaghi, Giuseppe Signori, Adriy Shevchenko, Hernan Crespo, David Trezeguet, Ronaldo...Cá nhân mỗi người đều có thể gọi lại huyền thoại nhưng Batistuta vẫn nổi bật theo cái cách của mình.
Những cú dứt điểm quyết đoán, dù gần hay xa, dù đơn giản hay kĩ thuật, tất cả đều toát lên sự mạnh mẽ, quyết liệt nhưng không thiếu tinh tế. Anh có thể đè bẹp hậu vệ đối phương, xoay sở trong vòng vây của nhiều người rồi tung ra cú dứt điểm sấm sét không cho thủ môn một cơ hội nào để chống đỡ. Bởi thế Diego Maradona mới ca ngợi anh là tiền đạo xuất sắc nhất ông từng thấy. 12 năm, 11 mùa giải trên đất Ý, khoác áo 3 đội bóng khác nhau, Batistuta ghi được 242 bàn thắng. Ở cấp độ đội tuyển, anh chính là người giữ kỉ lục ghi bàn cho Abiliceleste trước khi bị Lionel Messi cân bằng vào năm ngoái.
Khi được hỏi về việc này, Batistuta trả lời:
"Ồ, vậy à. Tôi chưa biết. Tôi chưa bao giờ quan tâm đến thống kê. Bây giờ Leo phá kỉ lục của tôi cũng có chút đau đớn đấy" (cười) "Nhưng nó cũng giống như không ai phá được vậy. Cậu ấy có phải người thường đâu - một người ngoài hành tinh đã vượt qua tôi. Điều này khiến tôi có lại chút thanh thản."
Thống kê - Batigol chắc không để tâm - cho thấy anh cần 78 trận để ghi được 56 bàn, tỉ lệ 0.71 bàn/trận, cao hơn rất nhiều so với Messi (0.49 bàn/trận), Maradona (0.37) và Hernan Crespo (0.56). Anh ghi đến 23 bàn ở các giải đấu lớn, 10 bàn qua 3 kì World Cup, người duy nhất lập hatrick ở 2 kì World Cup khác nhau. Các bàn thắng mang lại danh hiệu cho Argentina, đó là Copa America 1991, Confederation Cup 1992 và Copa America 1993. Những bàn thắng...không làm anh thanh thản:
"Khi tôi thi đấu, tôi không thực sự thưởng thức trận đấu nhiều lắm...nếu tôi ghi hai bàn, tôi sẽ muốn bàn thứ ba. Tôi luôn muốn nữa."
Chúng ta dễ nhận ra những người như Batistuta ở chung quanh. Vì họ có ngọn lửa trong mình. Ngọn lửa giữ họ làm mọi việc một cách say mê, hoàn hảo nhưng không bao giờ thoả mãn. Cái hạnh phúc của họ không ở đích đến, mà ở con đường đi. Batistuta có thể chỉ hạnh phúc vài lần ngắn ngủi trong 90 phút, nhưng đó là những niềm sảng khoái, tự hào đích thực của người đàn ông từng bước chinh phạt mục tiêu của mình.
Thứ duy nhất cản Batistuta đến sự vĩ đại trong tư cách cầu thủ bóng đá, đó là sự vĩ đại của lòng trung thành, đức hy sinh vô điều kiện của anh cho màu áo tím Fiorentina.
Batistuta gia nhập đội bóng thành Florence sau khi tạo được ấn tượng mạnh mẽ ở Copa America 1991, Argentina đoạt ngôi vô địch còn anh trở thành vua phá lưới. Mùa giải đầu tiên anh làm quen giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh bằng 13 bàn thắng. Mùa 1992-1993, Batistuta ghi được 16 bàn thắng, nhưng 16 cũng là thứ hạng của Fiorentina trên bảng tổng sắp. Đội bóng áo tim rớt xuống Serie B và chỉ có điều thần kì mới giúp họ giữ chân những ngôi sao trụ cột. Rốt cục thì chỉ mình Brian Laudrup chuyển đến nhà vô địch AC Milan, Batistuta ở lại sát cánh cùng cầu thủ cá tính từ Đức Stefen Effenberg với sứ mệnh đưa Fiorentina lên hạng. Họ bổ nhiệm Claudio Ranieri, người nhanh chóng lấy lại vị thế đội bóng, áp đảo ở Serie B, giành vé lên hạng và bắt đầu tham vọng ở Serie A.
Effenberg quay về Đức và nhà Vittorio Cecci Gori mang về tiền vệ kiến thiết nhiều tiềm năng là Rui Costa. Batistuta bùng nổ dữ dội với 26 bàn thắng, đoạt ngôi vua phá lưới đứng cách người đồng hương Abel Balbo 4 bàn. Sức hút từ Batistuta lan toả khắp châu Âu. Hai đội bóng thành Milan, Rome, Manchester Utd, Barcelona,...đều muốn có sự phục vụ của anh.
“Tôi thích có một danh hiệu với Fiorentina hơn là mười danh hiệu với đội bóng như Manchester Utd.”
Lời nói có thể hơi làm tổn thương người yêu mến Quỉ Đỏ, nhưng Sir Alex Ferguson chắc chắn là không. Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, ông không ít lần bị những danh thủ từ chối, nổi tiếng nhất là Alan Shearer. Điều đáng phục là dù bị từ chối, nhà cầm quân người Scotland chưa bao giờ bác bỏ tài năng của họ. Ở một góc độ khác, việc Sir Alex bỏ qua tự ái hết lần này đến lần khác tìm cách chiêu mộ là minh chứng cho tài năng của cầu thủ đó. Paul Gascoigne, Shearer, Ronaldinho và dĩ nhiên Batistuta chính là những cầu thủ như thế.
Và quả thật, Batigol chỉ có đúng một danh hiệu trong màu áo tím. Đó là chức vô địch Copa Italia 1995-1996. Ở Serie A, Fiorentina có thể nói là kẻ ngoài cuộc. Họ tạo ra chút ít dấu ấn ở mùa giải 1999-2000, dẫn đầu gần hết lượt đi nhưng hụt hơi ở lượt về, tụt xuống tận hạng bảy chung cuộc.
Trong hầu hết thời gian thi đấu cho Fiorentina, Batistuta và đồng đội ở thế yếu. Không ai ở thành Florence trách móc anh. Họ đều hiểu đã nợ anh quá nhiều. Từ một người hùng trẻ tuổi, Batistuta đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho họ với rất nhiều bàn thắng, mà điều quan trọng nhất, họ biết anh yêu màu áo tím dù có đến đâu đi nữa. Ngày tạm biệt, nước mắt anh làm lạnh tê tái chảo lửa Artemio Franchi. Rất nhiều người đã khóc cùng anh, trên sân vận động và trên sóng truyền hình, người hâm mộ anh và kể cả người hâm mộ trung lập cũng đã khóc.
Anh kể cảm giác của mình khi đó:
“Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi chuyển đến AS Roma, bởi vì tôi đã không thể hoàn thành tâm nguyện Florentines. Tôi luôn xem thành phố Florence như người bạn gái. Thật khó lí giải tình yêu của mình.”
Bất chấp bao nhiêu nghĩ suy chất chứa trong lòng, Batistuta lại đền đáp khoản phí chuyển nhượng khủng khiếp dành cho một cầu thủ ngoài ba mươi của AS Roma bằng danh hiệu Scudetto ngay mùa giải đầu tiên. Anh trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong thời gian ngắn, ghi bàn vào lưới Fiorentina rồi bật khóc, không lâu sau đó trở thành nhà vô địch Ý rồi chứng kiến Fiorentina bị giáng hạng vì tài chính yếu kém. Batistuta còn khoác áo một đội bóng Ý khác nữa là Inter Milan, khi đó anh đã 34 tuổi. Theo báo chí đồn đoán, nguyên nhân để Nerazzurri mượn anh từ AS Roma là vì chủ tịch Massimo Marotti cực kì hâm mộ Batistuta.
***
Sau giải nghệ Batistuta không theo nghiệp cầm quân. Có giai đoạn anh gần như sống ẩn dật, tìm niềm vui ở những môn thể thao mới như polo, đua ngựa, đánh golf. Mãi đến gần đây Batistuta trở lại và tiết lộ gây sốc về thời điểm đó:
“Sau khi rời khỏi bóng đá, tôi thậm chí không còn đi nổi mỗi tối. Tôi tiểu ngay trên giường dù nhà vệ sinh chỉ cách đó 3 mét. Lúc đó là 4 giờ sáng và nếu đứng dậy, tôi biết cơn đau ở đầu gối sẽ giết chết tôi.”
“Tôi nhìn thấy Pistorius (vận động viên điền kinh không chân nổi tiếng) và nghĩ đây là một giải pháp. Tôi đến bác sĩ và bảo hãy cắt chân tôi đi. Ông ấy nhìn tôi như thể bị điên. Tôi khẳng định tôi không thể tiếp tục như vậy nữa. Cơn đau liên tục khiến tôi có tâm trạng xấu. Tôi không thể diễn tả cơn đau của mình, tôi không thể truyền tải được nó thành lời.”
Không có một pha cưa chân nào được thực hiện và thật may mắn chúng ta vẫn nhìn thấy Batistuta lành lặn cho đến tận ngày nay. Dẫu có lúc tưởng như bị khuất phục nhưng huyền thoại về vua sư tử vẫn còn đó, người hùng mãi mãi bất bại của thành Florence, như bức tượng đồng của anh trước cổng sân Artemio Franchi và dòng chữ:
“Đây là một chiến binh không bao giờ đầu hàng, rắn rỏi trong chiến đấu và ngay thẳng trong tâm hồn.”
Lukasz (TTVN)