Chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha gặp phải những khó khăn như ở thời điểm hiện tại. Trong khi Barcelona đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích với sự ra đi của Lionel Messi, thì ở bên kia chiến tuyến Real Madrid cũng gặp khó khăn trước thềm mùa giải mới.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!
Đến bây giờ thì chúng ta đã hiểu vì sao cả Barcelona và Real Madrid “cố sống, cố chết” với dự án Super League. Cùng với Juventus, họ chính là hai đội bóng cuối cùng không chịu rút lui khỏi dự án tai tiếng này, bất chấp những sự đe dọa đến từ UEFA về một án phạt thích đáng, thậm chí là cấm thi đấu tại đấu trường châu Âu. Vấn đề đơn giản là vì tiền!
Super League dự kiến sẽ đem đến cho những đội bóng tham dự một khoản thu khổng lồ, đủ để kéo họ ra khỏi vũng lầy tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra. Những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 khiến các nguồn thu nhập của đa phần các đội bóng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đối với các đội bóng lớn.
Không khó để giải thích cho vấn đề này. Lấy ví dụ ở trong một khu rừng, bất chợt vào một ngày lượng thức ăn bị vơi dần, thì những loài động vật “to xác” chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, bởi lẽ chúng đã quen với việc hấp thụ lượng thức ăn lớn hàng ngày. Khu rừng chúng ta đang nhắc tới chính là LaLiga, và những “loài động vật to xác” ở đây chắc chắn phải là Barcelona và Real Madrid, hai thế lực lớn nhất của bóng đá Tây Ban Nha.
BARCELONA – GÃ KHỔNG LỒ HAY CON NỢ LỚN NHẤT CHÂU ÂU?
Thời điểm đại dịch chưa xảy ra, doanh thu của Barcelona ở mùa giải 2018/2019 chạm ngưỡng kỷ lục trong vòng một thập kỷ với con số lên đến gần 1 tỷ euro. Điều này khiến cho cựu chủ tịch Josep Bartomeu và các bộ sậu của ông khi đó bỏ qua những lời cảnh tỉnh về thói quen mua sắm phung phí trên thị trường chuyển nhượng.
Cụ thể, Bartomeu đã chi ra tổng cộng hơn 300 triệu euro để chiêu mộ tân binh ở mùa giải 2019/2020 bất chấp CLB cũng đang nợ ngập đầu. Trong đó bộ đôi Antoine Griezmann và Frenkie de Jong cũng ngốn của Barcelona gần 200 triệu euro. Bartomeu tin rằng với mức tăng trưởng doanh thu ổn định như vậy, Barcelona sẽ không bao giờ đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn. Nhưng đùng một cái, đại dịch nổ ra, các khoản thu nhập cứ thế sụp giảm nghiêm trọng. Họ mất đến 14% doanh thu chỉ sau 1 năm (tương đương với 135 triệu euro) và chỉ thu về tổng cộng 855 triệu euro ở mùa giải 2019/2020.
Những hoạt động chuyển nhượng thiếu hợp lý dưới thời cựu chủ tịch Josep Bartomeu đã góp phần đẩy Barcelona đến khó khăn. Ảnh: Getty Images
Những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là thương mại (bị lỗ 9% so với mùa giải trước đó), do không thể hoàn tất một số thỏa thuận với các đối tác. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh từ sân vận động, bản quyền truyền hình và truyền thông cũng lần lượt giảm 67 triệu euro và 35 triệu euro. Hệ lụy là gì? Đội bóng xứ Catalunya thua lỗ 97 triệu euro trong mùa giải 2019/2020, khiến tổng số nợ ròng của họ tăng gấp đôi lên 488 triệu euro. Nợ ròng là các khoản nợ sau khi đã trừ đi các khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản tiền tương đương khác trên báo cáo tài chính.
Ở chiều ngược lại, quỹ lương của Barcelona lại đứng đầu châu Âu trong năm 2020, (theo công bố của hãng kiểm toán Deloitte) lên đến 443 triệu euro/mùa, do chính sách đãi ngộ cầu thủ quá tốt dưới thời Bartomeu. Mặt khác, việc thanh lý cầu thủ gặp vô vàn khó khăn vì rất ít các đội bóng đáp ứng được mức phí chuyển nhượng cùng yêu cầu lương bổng của các cầu thủ Barcelona.
Những nỗ lực muộn màng như đẩy Philippe Coutinho sang Bayern Munich theo dạng cho mượn, hay việc bán Malcom cho Zenit chỉ sau 1 mùa giải, không thể giải tỏa được áp lực tài chính đang ngày càng đè nặng. Một thống kê khác từ hãng kiểm toán Deloitte cho hay: đội bóng xứ Catalunya lỗ đến 847 triệu euro từ chênh lệch giữa việc mua và bán cầu thủ trong vòng 10 năm qua.
Và rồi điều gì đến cũng phải đến. Đầu năm 2021, các Cules đón nhận một thông tin cực sốc, sốc hơn cả việc đội nhà nhận trận thua 1-4 ngay tại Camp Nou trước Paris Saint-Germain tại Champions League. Đó là việc tổng các khoản nợ của Barcelona đã lên đến 1,2 tỷ euro (bao gồm 730 triệu euro nợ ngắn hạn). Điều này khiến đội bóng đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được cải thiện tương lai gần.
Sau cùng Bartomeu đã phải trả giá bằng việc bị bắt giam vì vô số những cáo buộc liên quan đến tham nhũng và rửa tiền, thế nhưng di sản tàn ác mà cựu chủ tịch này gây ra một lần nữa bị xướng tên trong cái ngày mà đội trưởng Messi tuyên bố chia tay Barcelona trong nước mắt. Messi đã chấp nhận giảm 50% lươn, để có thể ở lại ngôi nhà anh đã gắn bó suốt hai thập kỷ, nhưng cũng đành bất lực khi đội bóng không đủ tài chính để níu chân anh trước sức ép lớn của liên đoàn bóng đá xứ đấu bò.
Messi phải rời Barcelona vì những khó khăn tài chính CLB đang gặp phải. Ảnh: Getty Images
Messi phải ra đi trong khi Coutinho, Dembele và Griezmann được giữ lại, nghe thì có vẻ nực cười nhưng đó lại là sự thật, một sự thật cay đắng hơn bao giờ hết. Người hâm mộ Barcelona kéo đến sân Camp Nou biểu tình, họ hát vang tên Messi, họ muốn anh ở lại nơi này cho đến ngày anh giải nghệ. Nhưng đã quá muộn màng. Bầu trời tại Camp Nou lúc này đã trở nên đen tối và mù mịt hơn bao giờ hết!
REAL MADRID – KHI NHÀ GIÀU CŨNG PHẢI “KHÉP MÌNH”
Chưa đến mức bi đát như Barcelona, thế nhưng tình cảnh của Real Madrid cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bất giác người ta chợt nhận ra đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã không còn là “gương mặt thân quen” thường xuyên xuất hiện trên các trang báo ở mỗi kỳ chuyển nhượng. Tính đến thời điểm hiện tại của phiên chợ hè 2021, tân binh duy nhất của Real Madrid là David Alaba – cầu thủ cập bến Bernabeu theo dạng chuyển nhượng tự do. Nhìn xa một chút, trong vòng 2 năm trở lại đây, chủ tịch Florentino Perez cũng không chi ra bất cứ một đồng nào để chiêu mộ ngôi sao.
Ngược lại, Real Madrid sẵn sàng đẩy đi những bom tấn hay công thần một thời như James Rodriguez (tự do) và Gareth Bale (cho mượn), để giảm tải quỹ lương. Đồng thời những sao mai cực kỳ triển vọng như Achraf Hakimi, Sergio Reguilon hay Oscar Rodriguez, thay vì được giữ lại để phát triển cũng bị bán để cân bằng tài chính. Điều này giúp đội bóng thu về khoảng 100 triệu euro ở mùa giải 2020/2021, số tiền giúp họ bù đắp phần nào tổn thất vì đại dịch Covid-19.
Gần nhất, đội trưởng Sergio Ramos – biểu tượng hàng phòng ngự suốt gần hai thập kỷ, cũng đã nói lời chia tay vì ban lãnh đạo Real Madrid không đồng ý mức đãi ngộ cùng thời hạn hợp đồng mà trung vệ người Tây Ban Nha yêu cầu. Người đá cặp ăn ý với Ramos là Raphael Varane cũng vừa cập bến Manchester United với mức phí 45 triệu euro, kết thúc quãng thời gian tròn 10 năm chơi bóng trong màu áo trắng.
Trong mùa hè này, Real Madrid chia tay với cặp trung vệ số một của họ. Ảnh: Getty Images
Theo một thông báo chính thức từ trang chủ của Real Madrid hồi tháng 7 vừa qua, doanh thu của CLB đạt mốc 874 triệu euro ở mùa giải 2020/2021, dù cũng tổn thất khoảng 300 triệu euro theo ước tính (doanh thu bán vé, quảng báo thương hiệu, tài trợ,…). Tuy vậy, tín hiệu tính cực đối với các Madridista là việc nợ ròng của CLB đã giảm từ 240 triệu euro xuống chỉ còn 46,4 triệu euro, bất chấp tổng nợ vẫn đang ở ngưỡng rất cao: 900 triệu euro!
Điều này đồng nghĩa với việc Real Madrid vẫn phải tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” như hiện tại. Viễn cảnh Real Madrid trở lại với hình ảnh một mạnh thường quân trên thị trường chuyển nhượng trong mùa giải 2021/2022 là điều rất khó để diễn ra.
Real Madrid của hiện tại đã khác với hình ảnh của chính họ khi xưa. Họ chấp nhận chờ David Alaba thêm 1 năm để có thể ký hợp đồng với hậu vệ người Áo miễn phí. Điều tương tự cũng có thể xảy đến với Kylian Mbappe – ngôi sao chỉ còn 1 năm hợp đồng với PSG và rất nhiều nguồn tin khẳng định anh đang khao khát được khoác lên mình chiếc áo của Los Blancos
Hiện tại, chưa rõ khi LaLiga trở lại, tân HLV trưởng Carlo Ancelotti có chào đón thêm một bản hợp đồng chất lượng nào hay không? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Real sẽ chỉ chấp nhận chi tiền nếu như họ đẩy đi được những cái tên không còn quá quan trọng trong đội hình hiện tại là Gareth Bale, là Isco, hay một vài cái tên khác nữa.
Đã từ rất lâu rồi, bất cứ giải đấu nào có sự góp mặt của Real Madrid, họ luôn là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Tuy nhiên sau thành công với việc hoàn tất “cú hatrick” Champions League vào năm 2018, đội bóng áo trắng bắt đầu có dấu hiệu sa sút. Mọi thứ càng nghiêm trọng hơn ở mùa giải trước, khi họ thất bại trong cuộc đua tại LaLiga trước đại kình địch cùng thành phố Atletico Madrid, đồng thời phải dừng bước ở bán kết cúp châu Âu. Đó chính xác là sự đánh đổi khi Real Madrid buộc phải chi tiêu dè sẻn trên thị trường chuyển nhượng, phải đứng ngoài cuộc chiến kim tiền với Chelsea và Manchester City, hai đại diện nước Anh góp mặt ở trận chung kết Champions League mùa trước.
David Alaba là tân binh duy nhất đến thời điểm hiện tại của Real Madrid. Ảnh: Real Madrid CF
Rất nhiều người từng thắc mắc là vì sao Real Madrid bỏ qua hàng loạt những ứng cử viên sáng giá cho vị trí thuyền trưởng sau sự ra đi của Zinedine Zidane để lựa chọn Carlo Ancelotti, câu trả lời có lẽ đến từ việc không nhiều người cảm thấy mặn mà với dự án mà ban lãnh đạo Real Madrid đề ra trong tương lai gần. Thời hoàng kim của Carlo Ancelotti đã qua từ lâu, nhưng chiến lược gia người Italy vẫn luôn được biết đến là mẫu HLV ôn hòa trong cung cách hành xử với cầu thủ và giới thượng tầng, biết tận dụng tối đa chất lượng đội hình hiện có trong tay, thay vì liên tục yêu cầu cấp tiền để bổ sung lực lượng như Jose Mourinho.
Tuy nhiên với việc Real Madrid không thể giành được bất cứ chiến thắng nào trong 3 trận đấu giao hữu gần nhất trước thềm mùa giải, một lần nữa các Madridista lại có lý do để lo lắng cho tương lai của đội bóng.
Từ trước đến nay, trận El Clasico luôn được biết đến như một trận cầu đỉnh cao nhất tại Châu Âu, đặc biệt là trong giai đoạn Real Madrid sở hữu Cristiano Ronaldo và Barcelona có Messi trong đội hình. Thế nhưng giờ đây cả hai siêu sao kể trên đã rời đi. Họ ra đi mang theo những ký ức cháy bỏng về một thời hoàng kim của LaLiga.
Có lẽ kể từ mùa giải này, người hâm mộ sẽ phải quen dần với sự ảm đạm hơn một chút của trận “kinh điển” bóng đá Tây Ban Nha, trước khi một thế hệ ngôi sao mới nổi lên, hoặc khi cả Barcelona lẫn Real Madrid trở lại bản ngã của những ông lớn trên thị trường chuyển nhượng.
Trong số tất cả những điều Pep Guardiola nói về những khó khăn của Manchester City sau thất bại 1-4 trên sân Sporting Lisbon, có một câu trả lời của ông cho một câu hỏi không liên quan có lẽ là điều đáng chú ý nhất.