Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 26/03/2023 15:57(GMT+7)

Zalo

Tại sao gần như tất cả mọi người đều bỏ lỡ tài năng của Kvara? Thế quái nào anh lại phải chơi bóng ở một giải đấu như vậy? Và chúng ta có thể rút ra những bài học gì về bóng đá ngày nay từ sự nổi lên của chàng trai này?  

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

9
 

Một năm trước, những cầu thủ chạy cánh hay nhất thế giới đang chơi bóng ở đâu đó tại Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Đức hoặc Anh. Nói cách khác, đó là những nơi mà họ đã chinh chiến trong một thời gian dài, là những vùng đất thánh tụ hội các cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Khi ấy, Vinicius Junior đang có mùa giải đầu tiên trở thành một siêu sao thực thụ tại Real Madrid. Sadio Mane và Mohamed Salah đang có lần cuối cùng nhau trải qua một mùa giải đạt phong độ rực rỡ tại Liverpool. Và Kylian Mbappe vẫn là Kylian Mbappe.

Không thể không kể tới Rafael Leao, một trong những nhân tố chủ chốt đã đưa AC Milan đến với chức vô địch Serie A đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, và đây là những cầu thủ có khả năng định đoạt trận đấu tại một vị trí then chốt trong bóng đá hiện đại. Ít nhất là theo như những gì chúng ta được biết.

Trên thực tế, vào thời điểm này của mùa giải trước, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện tại có lẽ đang chẳng được chơi bóng chút nào. Sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina nổ ra vào tháng 3 năm ngoái, FIFA đã ban hành thông báo rằng, tất cả các cầu thủ nước ngoài ở Nga sẽ được phép đơn phương đình chỉ hợp đồng với CLB chủ quản và gia nhập các CLB mới ở những quốc gia khác. Và vào cuối tháng 3 năm 2022, một cầu thủ mà khi ấy bạn chắc hẳn chưa từng biết đến đã ký hợp đồng với một đội bóng mà bạn có lẽ (chỉ “có lẽ” thôi) đã từng nghe nói qua.

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 1
 

Sau 11 trận đấu chơi cho Dinamo Batumi tại quê hương Georgia vào cuối mùa giải 2021-22, Khvicha Kvaratskhelia đã gia nhập Napoli với mức phí chuyển nhượng 11,5 triệu Euro vào mùa hè năm ngoái. Gần như ngay lập tức, anh không chỉ trở thành một cầu thủ nổi tiếng; nhờ cái tên khó đọc và kỹ năng chơi bóng đầy sức cuốn hút của mình, chàng trai này còn trở thành một cầu thủ mà bạn không thể nào quên. Kvaratskhelia là cầu thủ đầu tiên – từ trước tới nay – chạm mốc 10 bàn và 10 pha kiến tạo ngay trong mùa giải đầu tiên chơi bóng ở giải VĐQG Italy. Nên nhớ, hiện tại mới chỉ là tháng 3. 

Bạn muốn gọi chàng trai này thế nào cũng được – Kvara, Kvaradona, Kvaravaggio, Che Kvara – nhưng những sự thật xoay quanh anh là vô cùng vững vàng. Cùng với tiền đạo Victor Osimhen, ngôi sao trẻ 22 tuổi Kvaratskhelia đang đưa Napoli đến rất gần với Scudetto đầu tiên của họ kể từ khi Diego Maradona vẫn còn khoác áo CLB này. Không chỉ vậy, theo nhận định từ FiveThirtyEight, họ chính là đội có khả năng lọt vào trận chung kết Champions League cao nhất ở mùa giải này. 

Đây là một thời đại mà Real Madrid đang chi ra hàng chục triệu đô la cho các cầu thủ trẻ Brazil mỗi năm, Barcelona đang ra sân với nhiều tiền vệ chưa thể thuê một chiếc xe hơi ở Connecticut, Kylian Mbappé ở tuổi 18 đã khiến PSG phải chi ra đến 180 triệu Euro để chiêu mộ, và những cầu thủ Premier League như Bukayo Saka và Trent Alexander-Arnold đã trở thành các huyền thoại tại CLB của mình khi còn chưa bước sang giai đoạn giữa độ tuổi nhị tuần. Tuy nhiên, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới – một ngôi sao chạy cánh cao lớn, không thể ngăn cản, nhìn thấy là nhận ra ngay – lại đang phải chơi bóng ở giải đấu xếp hạng 543 tại châu Âu là Erovnuli Liga (theo ClubElo.com) vào tháng 5 năm ngoái.

Tại sao gần như tất cả mọi người đều bỏ lỡ tài năng của Kvara? Thế quái nào anh lại phải chơi bóng ở một giải đấu như vậy? Và chúng ta có thể rút ra những bài học gì về bóng đá ngày nay từ sự nổi lên của chàng trai này?  

NHẠT NHÒA Ở NGA VÀ BẤT NGỜ NỔI LÊN

Sẽ không hoàn toàn đúng 100% nếu bảo rằng Kvaratskhelia chỉ là một kẻ vô danh trước khi nổi lên đình đám như hiện tại. Vào năm 2016, tờ The Guardian đã liệt kê anh vào danh sách 60 tài năng trẻ xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, bản chất của câu chuyện phát triển cầu thủ là hầu hết những “cậu bé” đó sẽ không bao giờ có thể vươn mình trở thành những ngôi sao thực sự, và một số thậm chí còn chẳng thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. 

Vào tháng 2 năm 2019, Kvara đã chuyển từ FC Rustavi ở Georgia đến Lokomotiv Moscow theo dạng cho mượn, ra sân 7 lần và ghi 1 bàn. Ban lãnh đạo Lokomotiv đã quyết định không mua đứt anh, điều này khiến cho vị HLV trưởng khi ấy của đội bóng này là Yuri Semin than thở rằng “việc mất đi cậu bé cực kỳ tài năng đó đã khiến tôi bật khóc.” Thay vào đó, anh đã gia nhập Rubin Kazan, một CLB tầm trung của Nga, vào mùa hè năm 2019.

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 2
Kvaratskhelia trong màu áo của Rubin Kazan

Tại Napoli mùa giải này, Kvaratskhelia đang đạt hiệu suất ghi bàn + kiến tạo trung bình mỗi 90 phút là 1,04. Tổng thành tích của anh hiện tại là 10 bàn thắng và 12 pha kiến tạo. Trong số tất cả các cầu thủ đang thi đấu ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu đã chơi ít nhất 1000 phút vào mùa giải này, chỉ có 4 người có “năng suất” tốt hơn Kvaratskhelia: Neymar, Erling Haaland, Osimhen và Lionel Messi. Quá ấn tượng, phải chứ?

Đọc tới đây, chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ rằng: “Chơi ở môi trường bóng đá đỉnh cao của châu Âu đã khủng tới vậy, hẳn là tay này đã hủy diệt giải VĐQG Nga hồi còn chơi ở đó nhỉ?”

Sai rồi. 

Kvara tại Nga là một Kvara hoàn toàn khác so với chàng trai mà chúng ta đang được chiêm ngưỡng tại Napoli: Chỉ là một cầu thủ tương đối tốt. Sau 4 mùa giải chơi ở Russian Premier League, anh đã có tổng cộng 10 bàn và có 10 pha kiến tạo. Tính theo thước đo hiệu suất trung bình mỗi 90 phút, con số của Kvara là 0,38 kiến tạo + bàn thắng trong khoảng thời gian đó. Đối với một cầu thủ chạy cánh, những con số này chỉ là mức “năng suất” trung bình tại các giải đấu hàng đầu châu Âu. 

Dĩ nhiên Russian Premier League không hề nằm trong số những giải đấu hàng đầu châu Âu. Về cơ bản, RPL vào thời điểm này đã bị loại bỏ khỏi phần còn lại của lục địa, đồng nghĩa rằng việc so sánh chất lượng của giải đấu này với các giải đấu khác sẽ khó khăn hơn trước đây một chút. Nhưng dựa trên bảng xếp hạng của ClubElo, có đến 12 giải đấu đứng trên RPL ở châu Âu. Thật hài hước, giải VĐQG của Nga được đánh giá là chỉ gần ngang hàng với giải Serie B của Italy.

Vậy là Kvaratskhelia đã bất ngờ vươn mình từ một cầu thủ tấn công trung bình ở một giải đấu kiểu Serie B thành một siêu sao tấn công ở Serie A – gần như chỉ sau 1 đêm. 

“Tôi không nghĩ có bất kỳ ai có thể đoán trước được rằng cậu ấy sẽ chơi cực tốt ở Serie A, hay việc cậu ấy sẽ thích nghi rất nhanh,” bình luận của Tim Keech, một trong những nhà đồng sáng lập của MRKT Insights, một công ty tư vấn về dữ liệu và trinh sát hợp tác với các CLB trên khắp thế giới. 

“Nếu chỉ nhìn vào thành tích ghi bàn và kiến tạo của cậu ấy trước mùa giải này, bạn sẽ nhận định cậu ấy là một cầu thủ chạy cánh thú vị nhưng thiếu ổn định. Cậu ấy đã luôn thể hiện được khả năng rê dắt bóng tuyệt vời và sẵn sàng thực hiện các nỗ lực qua người, nhưng chủ yếu làm điều đó ở những khu vực sâu hơn, rộng hơn trên sân đấu. Cậu ấy cũng sút rất nhiều, nhưng toàn là từ những khu vực có khả năng thành công rất thấp.”

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 3
Ngày thi đấu tại Nga, Kvaratskhelia còn bị đánh giá là thiếu đi sự hiệu quả

Tại Nga, Kvaratskhelia là kiểu cầu thủ có lối chơi tuy mang tính “thẩm mỹ” cao nhưng thiếu đi sự hiệu quả. Khả năng rê dắt bóng của chàng trai này giúp anh trở nên nổi bật trong mắt các tuyển trạch viên và HLV – nhưng cũng giống như rất nhiều “cao thủ” rê bóng trẻ tuổi khác, anh không thực sự có khả năng giúp đội mình giành chiến thắng. Khi bóng đến chân, Kvara khiến cho nhịp độ tấn công của đội bị chậm lại, và anh đã lãng phí rất nhiều cơ hội tại khu vực 1/3 cuối sân đối thủ với những cú sút xa khó có thể đưa bóng vào lưới. 

Bên cạnh những “siêu tiền đạo một mùa”, kiểu cầu thủ tấn công cánh này đã thường xuyên được các CLB trên khắp thế giới định giá quá cao trong xuyên suốt lịch sử. Tuy nhiên, trong hai năm qua, có 2 điều đã xảy ra và làm thay đổi “quỹ đạo” của Kvara.

Đầu tiên: Chuyến trở về Georgia.

Trong 2 tháng trở lại quê nhà, theo dữ liệu của MRKT Insights data, về cơ bản, Kvara đã trở thành một Lionel Messi phiên bản cao lớn hơn: Đi bóng qua các cầu thủ phòng ngự đơn giản như đang giỡn, chọc khe như cơm bữa, thường xuyên chạm bóng trong vòng cấm và đạt hiệu suất phá lưới gần như 1 bàn mỗi trận. Anh giỏi hơn tất cả mọi người trong tất cả mọi việc. Nhìn lại, đó mới là kiểu phong độ mà bạn đinh ninh rằng Kvara đã thể hiện tại Nga. 

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 4
Trở về quê nhà Georgia dường như giúp Kvara thi đấu thăng hoa hơn rất nhiều

Cứ cho là giải VĐQG Georgia thậm chí còn kém xa so với Serie B, nhưng ít nhất thì những gì Kvara làm được tại đó cũng đã mang đến một lời gợi ý nhỏ về việc anh có thể chuyển hóa tất cả những pha rê bóng điệu nghệ của mình thành các tình huống mang chiến thắng về cho tập thể. Mặc dù Napoli được cho là đã theo dõi Kvara trong 2 năm, nhưng có lẽ chính chuyến hồi hương ngắn ngủi đó của anh đã mang đến cho CLB này chút tự tin cuối cùng mà họ cần để thực hiện một thương vụ trị giá 11,5 triệu Euro trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái. Và bằng cách đưa anh đến Italy, họ đã tạo ra yếu tố thứ hai đã biến cầu thủ người Georgia trở thành một ngôi sao.

Đó là gì?

“Được chơi cho một đội bóng tốt hơn,” Keech nhận định. “Đây có lẽ là khía cạnh bị xem nhẹ nhất trong các cuộc bàn luận về những cầu thủ giỏi, và nó hoàn toàn không đáng bị như vậy.”

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM RA NHỮNG SIÊU SAO ẨN MÌNH

Cách dễ nhất để nghiên cứu về thế giới bóng đá là xem nó như một kim tự tháp. 

Ở phía dưới cùng, bạn có những giải đấu tương tự như giải VĐQG Georgia. Ở giữa là giải VĐQG Nga. Kế tiếp là Bồ Đào Nha, Hà Lan và có lẽ là Bỉ, sau đó là Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Cách đơn giản nhất để “khái niệm hoá” mối liên hệ giữa chúng là cứ di chuyển một bậc lên phía trên kim tự tháp thì “năng suất” của bạn sẽ giảm đi 1%, trong khi điều ngược lại sẽ diễn ra khi bạn di chuyển từ trên xuống dưới. Nói chung, đó chính là cách mà “kim tự tháp bóng đá” hoạt động. Hầu hết những phân tích về  “năng suất” của các cầu thủ trên sân đấu đều cho thấy điều tương tự.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bóng đá cũng hoạt động như vậy.

“Một trong những nhiệm vụ chính trong công tác phân tích là áp dụng vài trọng số cho các dữ liệu thô và xác định ‘giá trị hối đoái’ giữa các giải đấu,” Keech chia sẻ. “Vì lẽ đó, nếu chiêm nghiệm theo kiểu truyền thống, chúng ta có thể cho rằng một tiền đạo từ Hà Lan sẽ ghi bàn ít hơn khi đến chơi ở Premier League, tất cả những khía cạnh khác đều giữ nguyên. Nhưng không có chuyện mọi khía cạnh còn lại đều y nguyên đâu. Có rất nhiều yếu tố khiến một vụ chuyển nhượng thành công hoặc thất bại.”

Có lẽ ở Nga Kvara đã được yêu cầu thi đấu theo một cách đá nào đó khác hẳn hiện tại. Có lẽ năng lực của 10 cầu thủ còn lại xung quanh Kvara khiến anh chỉ có thể tìm thấy khoảng trống tại những khu vực dưới sâu và sau đó chẳng có phương án chuyền bóng nào tại khu vực 1/3 cuối sân đối thủ, vì vậy sự lựa chọn duy nhất dành cho anh là tự thân rê bóng từ phần sân đội mình và tung ra một loạt những cú sút mang tính cầu may. Tại Napoli, hiện Kvara đang được sát cánh cùng một trong những tiền đạo hay nhất thế giới (Osimhen), cùng một đội ngũ tiền vệ đầy tài năng, và được dẫn dắt bởi một vị HLV trưởng giỏi hơn nhiều là Luciano Spalletti.

“Được chơi trong một đội bóng tốt hơn đồng nghĩa rằng bạn sẽ có bóng nhiều hơn, được ở gần khung thành đối thủ hơn và chẳng cần phải cố gắng tự mình làm mọi thứ,” Keech chia sẻ. “Chúng ta có thể thấy trong các số liệu thống kê rằng: Cậu ấy chuyền bóng tại Napoli nhiều hơn 50% so với hồi ở Rubin Kazan, rê dắt bóng ít hơn 50%, và chủ yếu dứt điểm tại những vị trí nằm trong trung lộ và gần khung thành hơn.”

Những cú sút xa của Kvara không hề biến mất – và chúng vẫn không dẫn tới nhiều bàn thắng – nhưng đây chính là một phần nhiệm vụ của mọi cầu thủ chạy cánh trái kèo. Tuy nhiên, Kvaratskhelia cũng đã bổ sung thêm rất nhiều pha dứt điểm có khả năng thành bàn cao bên trong vòng cấm.

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 5
 

Tuy ngôi sao người Georgia đang rê dắt bóng ít hơn so với hồi ở Nga, nhưng số lượng vẫn là rất nhiều: Anh đang đứng trên tới 90% cầu thủ chạy cánh tại Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (bách phân vị 90) về số pha qua người thành công, và bách phân vị 92 về số lần kéo bóng, theo FBref. Và thay vì phải không ngừng tự mình rê bóng vào khu vực 1/3 cuối sân đối thủ, giờ đây Kvara đang thường xuyên  rê bóng từ đó vào vòng cấm. Nói tóm lại, mọi tiềm năng của chàng trai này đang được hướng (gần như) trực tiếp về phía khung thành đối thủ.

Dưới đây là tất cả các pha rê dắt bóng kết thúc bên trong vòng cấm của Kvara ở mùa giải này.

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 6
 

Ngoài những yếu tố do hoàn cảnh tạo nên, cũng có khả năng Kvaratskhelia chơi tốt lên vì anh đã già dặn hơn. Điều này luôn xảy ra với các cầu thủ ở đầu độ tuổi nhị tuần. Nếu Kvara vẫn đang chơi bóng ở Nga – hoặc một giải đấu hạng trung nào đó khác – có thể anh cũng sẽ hủy diệt các đối thủ như hiện tại. Và rồi khi chúng ta xem những đoạn video về chàng trai này vào mỗi cuối tuần, anh sẽ là một cầu thủ mà tất cả mọi người đều muốn đội bóng của mình ký hợp đồng vào kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2023. 

Nhưng ngay cả khi sự cải thiện của Kvaratskhelia hoàn toàn là do những phát triển nội tại của chính anh, điều đó cũng không hề thay đổi câu hỏi lớn, bao phủ toàn thế giới bóng đá, của chúng ta: Nếu một siêu sao của hiện tại cách đây một năm vẫn đang ẩn mình ở giải VĐQG Georgia, vậy thì có bao nhiêu tài năng cấp cao khác đang chờ đợi được phát hiện tại các giải đấu kém tiếng trên toàn cầu?

Ngoài sự nổi lên của Kvaratskhelia, những thành công của Brighton ở mùa giải này đã mang đến cho chúng ta câu trả lời là “có rất rất nhiều”. Tiền vệ Moises Caicedo đã được họ đưa về trực tiếp từ Ecuador khi còn là một cậu thiếu niên, trong khi Kaoru Mitoma cách đây không lâu vẫn còn là một cầu thủ chạy cánh người Nhật Bản ít danh tiếng đang chơi bóng ở Bỉ, phải mãi đến năm 23 tuổi mới trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Họ được Brighton mua về với tổng số tiền chuyển nhượng chỉ vỏn vẹn 8 triệu Euro, và hiện tại họ đang là 2 trong số những cầu thủ giỏi nhất tại giải đấu lớn nhất thế giới.

“Brighton thực sự là một trường hợp điển hình rất thú vị,” Keech nhận định. “Dữ liệu của Mitoma ở Nhật rất giống với của Kvaratskhelia ở Georgia, và cậu ấy cũng đã thích nghi rất nhanh với môi trường thi đấu mới, độ khó cao hơn, mặc dù đã phải thi đấu ở Bỉ một khoảng thời gian theo dạng cho mượn.”

Bài học đắt giá về công tác tuyển trạch từ sự nổi lên của gã vô danh Kvaratskhelia 7
Kaoru Mitoma là cái tên có nét tương đồng về dữ liệu với Kvara

Trinh sát toàn thế giới theo phương pháp truyền thống là việc bất khả thi, vậy nên các đội bóng, như Brighton, sử dụng mạng lưới dữ liệu để hỗ trợ công tác tuyển dụng sẽ có lợi thế rất lớn trong cuộc đua tìm kiếm những ngôi sao ẩn mình của thế giới bóng đá. “Bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ rằng thật tốt nếu có ai đó có mặt tại mọi trận đấu chuyên nghiệp trên thế giới, cặm cụi ghi chép lại tất cả mọi thứ mà một cầu thủ đã làm,” Keech nói. “Và đây chính xác là điều mà mạng lưới dữ liệu mang đến.”

Keech cũng đã chỉ ra rằng tiền vệ Aissa Laidouni – hiện đang khoác áo Union Berlin, trước đây đã đạt được những chỉ số rất ấn tượng tại đội bóng tệ nhất của Romania – và trung vệ Jakub Kiwior – hiện đang là người của Arsenal, cách đây không lâu đang chơi tại giải VĐQG Slovakia – là những cầu thủ khác đã sở hữu các thông số giúp họ được “khai quật” từ những giải VĐQG kém tiếng tăm. 

Nhìn vào việc đã có rất nhiều thương vụ từ “bom tấn” trở thành “bom xịt”, thật khó hiểu khi có rất ít CLB tỏ ra quan tâm đến phương pháp săn tìm tài năng có thể giúp họ xác định được những cầu thủ thực sự “ngon nghẻ” với mức phí của một thủ môn dự bị này. 

“Trong vòng vài năm, những tên ‘vô danh’ trước đây đã trở thành những cầu thủ được định giá rất cao, nhưng các CLB vẫn cảm thấy an tâm hơn với việc mua người từ những giải đấu cấp cao,” Keech chia sẻ. “Tuy nhiên, hãy nhìn vào trường hợp của Brighton: Mua 5 cầu thủ với tổng số tiền chi ra là 8 triệu bảng thay vì mua một cầu thủ có giá 40 triệu bảng. Đúng, bạn vẫn sẽ không tránh được vài thất bại, nhưng đây sẽ là một ván cược mà nếu thành công thì phần thưởng thu được là rất lớn, còn nếu thất bại thì mất mát cũng chẳng đáng kể.” 

Tuy nguy cơ bạn thu về một bản hợp đồng thất bại vẫn còn đó, nhưng có một nguy cơ khác thậm chí còn đáng sợ hơn thế nhiều: Phải đối đầu với một gã như Khvicha Kvaratskhelia – một siêu sao chẳng biết từ đâu chui ra – hết tuần này sang tuần khác.

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.

X
top-arrow