Có những thời điểm, cả nguồn sống của Bayern Munich bỗng chốc thu bé lại vừa bằng cái chân trái của Robben. Cái chân trái ấy giúp “Hùm xám” giành 7 Bundesliga, 4 Cúp Quốc gia, 1 Champions League, 5 siêu Cúp Quốc gia, 1 siêu Cúp châu Âu.
Chẳng có gì là mãi mãi, mối lương duyên nào rồi cũng có lúc chấm dứt. Ngày 23/1/2019, Arjen Robben chính thức 35 tuổi, anh sẽ đón sinh nhật cuối cùng trong màu áo Bayern Munich. 10 năm 1 mối ân tình, gói ghém cả niềm vui và những nỗi buồn.
|
Arjen Robben: Vì sẽ có lúc đôi chân mỏi mệt |
“Đây là mùa giải cuối cùng của tôi ở Bayern Munich. Tôi đã có 10 năm đáng nhớ, giờ là lúc phải ra đi thôi”, Arjen Robben thông báo về quyết định chia tay đội bóng chủ sân Allianz Arena hồi đầu tháng 12/2018. 10 năm hay 1 thập kỷ trôi qua thật nhanh. Chàng trai 25 tuổi ngày nào căng đầy sức trẻ, tràn đầy khát khao giờ đã là người đàn ông 35, nếm trải cả vinh quang, thất bại và đau đớn của sự nghiệp. 10 năm là quá đủ để chứng kiến những thay đổi của con người và xã hội.
Robben từng nói anh buộc phải rời Real Madrid vào năm 2009 vì đó là quyết định của Chủ tịch Florentino Perez dù cả anh lẫn HLV Manuel Pellegrini đều không muốn điều này xảy ra. Thế nhưng, “Kền kền trắng” cần tiền để chiêu mộ Cristiano Ronaldo, Xabi Alonso, Karim Benzema và Kaka. Và Robben, Wesley Sneijder cùng Klaas-Jan Huntelaar, những bản hợp đồng từ triều đại cũ của Ramon Calderon là những người phải khăn gói ra đi.
Robben phải tới Bayern Munich dù anh không hề muốn rời sân Santiago Bernabeu. Nhưng hóa ra, đó lại là một cuộc chuyển nhượng tuyệt vời nhất của cầu thủ người Hà Lan. Số phận đôi khi thật kỳ lạ, nó cuốn chúng ta vào những chuyến phiêu lưu mà ban đầu ta không hề mong muốn để rồi sau đó khiến ta nhận ra đó là chuyến đi tuyệt vời nhất cuộc đời mình.
Lão tướng người Hà Lan tiết lộ khi còn khoác áo PSV Eindhoven, anh từng đi ăn tối với Sir Alex Ferguson ở Manchester. Anh cũng đã tới tận sân tập của Manchester United nhưng rồi sau đó chẳng có một bản hợp đồng nào được đưa ra cả. Và Chelsea xuất hiện để đưa Robben tới thành London. Robben thừa nhận ngay sau buổi gặp gỡ với Sir Alex hôm ấy, nếu đội bóng chủ sân Old Trafford đưa ra một lời đề nghị, anh sẽ ngay lập tức đồng ý gia nhập “Quỷ đỏ”.
Nhưng cuộc đời không có chỗ cho từ “nếu”. Giống như sự nghiệp của anh vậy, nếu không có những chấn thương hay nghịch cản, có thể chúng ta sẽ chẳng được biết đến một Robben mạnh mẽ đến nhường nào. “Cầu thủ có đôi chân pha lê”, truyền thông và người hâm mộ chúng ta hay gọi anh như thế suốt 10 năm nay. Trong những năm đầu và giữa sự nghiệp, Robben quá mẫn cảm với chấn thương. Pha lê thì đẹp nhưng mong manh, Robben cũng thế. Đôi chân anh quá ma thuật nhưng đôi khi thật dễ gục ngã.
Robben từng buồn vì biệt danh đó. Mà quả thực, không buồn sao được. Là cầu thủ, ai chẳng muốn được nhắc tới với danh hiệu, thành tựu chứ đâu phải những chấn thương. “Khi bạn còn trẻ, bạn rất nhạy cảm. Có thể nếu mọi người gọi tôi như thế khi tôi già hơn một chút, tôi sẽ không quan tâm đâu. Nhưng tôi muốn chứng minh họ đã sai”, Robben chia sẻ.
“Với tôi, ‘cầu thủ với đôi chân pha lê’ nghe như thể họ nghĩ tôi là kẻ yếu đuối vậy. Thực tế là chẳng liên quan gì tới việc tôi yếu đuối hay không cả chỉ là thời điểm đó, tôi có một cơ thể quá mẫn cảm. Tôi tự nghĩ là ‘mình không thể vỡ vụn được’ và cuối cùng tôi đã chứng minh là họ đã sai. Có lẽ tôi mới là người nở nụ cười cuối cùng”.
Có một thực tế, càng lớn tuổi, Robben càng ít chấn thương hơn. Giống như một quy trình “lão hóa ngược”, giai đoạn về sau trong màu áo Bayern Munich, anh bùng nổ khủng khiếp. Một phần lý do là bởi anh tự ý thức được vấn đề của mình. Trong năm cuối cùng ở Real Madrid, Robben đã bắt đầu mời một bác sĩ nắn xương tới hỗ trợ cho mình.
Cựu giám đốc thể thao của Bayern Munich, Matthias Sammer, từng nói Robben là ví dụ hoàn hảo về cách một cầu thủ lớn tuổi vẫn có thể phát triển tài năng. Trong khi đó, HLV Pep Guardiola thì đùa rằng ông “phải lòng” với tiền vệ người Hà Lan vì “tâm lý vững vàng đến khó tin” của anh và nói chỉ có 1 đến 2 cầu thủ mà ông từng gặp trong sự nghiệp có thái độ chuyên nghiệp được như Robben.
Bỏ lại đằng sau những chấn thương, cái chân trái của anh tung hoành khắp cầu trường nước Đức cũng như sân cỏ châu Âu. Robben dành phần lớn thanh xuân để đi bóng từ cánh phải, ngoặt vào giữa và cứa lòng. Đó như là một công thức ghi bàn của Bayern Munich cũng như chính tiền vệ người Hà Lan. Mọi thứ lặp đi lặp lại như một thói quen. Các đối thủ cũng không còn lạ gì nữa, nhưng họ cũng không sao cản nổi. Vượt qua đối phương ngay cả khi họ đã bắt bài, đó mới là đỉnh cao của nghệ thuật bóng đá.
Robben làm được như vậy. Cái chân trái anh tuyệt diệu nhưng chân phải thì như của một cầu thủ bình thường. “Cậu ấy có tài năng xuất chúng và cái chân trái tuyệt vời nhưng chân phải thì được làm bằng socola”, đó là cách mà Johan Cruyff miêu tả về hậu bối. Huyền thoại người Hà Lan không phải người duy nhất nói về vấn đề này. Robben hiểu, nhưng anh thà chỉ biết đá bằng chân trái tuyệt hay còn hơn biết cách chơi bóng bằng hai chân một cách tầm thường.
“Các HLV hiện đại muốn cầu thủ trẻ thi đấu bằng 2 chân nhưng tôi không chắc đó là điều tốt. Có những cầu thủ có 1 chân rất hay và sau đó đứng trước câu hỏi: Biến nó trở thành cái chân đặc biệt hay tập luyện đều 2 chân và có thể chỉ là đôi chân tốt mà thôi? Có lẽ cầu thủ nên tập trung vào việc tối đa hóa tiềm năng từ chân thuận của họ phải không?”, Robben bộc bạch.
Và suốt sự nghiệp anh đã làm như thế. Có những thời điểm, cả nguồn sống của Bayern Munich bỗng chốc thu bé lại vừa bằng cái chân trái của Robben. Cái chân trái ấy giúp “Hùm xám” giành 7 Bundesliga, 4 Cúp Quốc gia, 1 Champions League, 5 siêu Cúp Quốc gia, 1 siêu Cúp châu Âu. Cái chân trái kỳ diệu là thế nhưng chính nó cũng từng sút bay hy vọng giành chiếc đĩa bạc Bundesliga mùa giải 2011/2012 trong “trận cầu 6 điểm” trước Dortmund khi thực hiện không thành công cú sút phạt đền.
Và cũng trên chấm 11m, chính Robben đã không thể chiến thắng thủ thành Petr Cech ở trận chung kết Champions League mùa giải 2011/2012. Năm đó, “Hùm xám” trắng tay trên mọi đấu trường còn với Robben, đó cũng là mùa giải thảm họa nhất của anh.
Dù sao đó cũng chỉ là nốt lặng hiếm hoi trong chương sự nghiệp huy hoàng của cầu thủ người Hà Lan tại sân Allianz Arena. Để trụ lại với một đội bóng tới 10 năm, đó chắc chắn không phải kẻ bình thường với tập thể ấy. Nhưng con chim bay nào rồi cũng phải tìm chỗ nghỉ, một ngôi sao bóng đá dù tung hoành đến mấy rồi cũng sẽ có lúc chùn chân mỏi gối.
|
Bundesliga 2017/2018
|
Bundesliga 2018/2019 (Tính đến vòng 18)
|
Ra sân (phút thi đấu)
|
19 (1518)
|
7 (536)
|
Bàn thắng
|
5
|
3
|
Kiến tạo
|
5
|
0
|
Đường chuyền quyết định/trận
|
1,6
|
1,7
|
Chuyền bóng chính xác
|
85%
|
80,1%
|
Dứt điểm/trận
|
2,4
|
1,8
|
Rê bóng/trận
|
1,2
|
0,7
|
Mất bóng/trận
|
0,7
|
1
|
Các thông số thống kê cơ bản của Arjen Robben tại Bundesliga trong 2 mùa giải 2017/2018 và 2018/2019. Nguồn: WhoScored
Các con số thống kê đã chỉ ra điều đó. So với mùa giải trước (2017/2018), mùa bóng năm nay anh dứt điểm ít hơn, tỷ lệ chuyền bóng chính xác thấp hơn và số pha đi bóng thành công cũng giảm đi.
Thế nhưng sự sa sút trong những màn trình diễn chẳng thể nào làm lu mờ hình ảnh của một tượng đài. Thử thách 10 năm, nếu Arjen Robben cũng tham gia trào lưu này hẳn anh sẽ hài lòng với những cống hiến của mình suốt thập kỷ qua cho “Hùm xám xứ Bavaria”. Sẽ thật là tuyệt, nếu trong mùa giải cuối cùng này, có một cái kết viên mãn cho mối tình Bayern – Robben.
CG (TTVN)