Huyền thoại người Ý đã giải nghệ mà không còn gì phải vấn vương, đẳng cấp của anh đã được thừa nhận rộng rãi – anh trở thành một trong những cầu thủ được đặt tên riêng cho chính vị trí của mình. Ngày nay, “vị trí Pirlo” đã được ghi nhận ở phạm vi toàn cầu.
Andrea Pirlo rất thích được đá cặp với Gennaro Gattuso. Cặp đôi tiền vệ này đã sát cánh cùng nhau hơn một thập kỷ ở Milan và tuyển Ý, vô địch mọi danh hiệu từ Serie A cho đến Champions League và World Cup. Họ đã trở thành đôi bạn thân tín, nhưng điều này cũng không thể ngăn việc một ngày kia Pirlo ăn cắp điện thoại của Gattuso, nhắn tin cho người đại diện của tay tiền vệ hổ báo rằng sẵn sàng “biếu” chị gái của Gattuso như một phần “lại quả” cho việc xúc tiến hợp đồng.
Đó không phải là câu chuyện đùa, nó từng làm khổ Gattuso rất nhiều. Khổ hơn cả cái việc lương tâm giằng xé khi mỗi ngày phải tập luyện bên cạnh một tài năng như thế. Giống cách mà Gattuso bàn về chuyện này một lần: “Khi tôi xem Pirlo chơi bóng, và nhìn cái cách mà hắn giữ trái bóng trong chân, tôi phải tự vấn bản thân rằng liệu mình có phải là một cầu thủ bóng đá hay không đây.”
Pirlo giờ đây đã không còn là một cầu thủ nữa. Anh đã xác nhận chuyện giải nghệ trước phương tiện truyền thông sau khi hết hợp đồng với New York City FC, đội bóng mà anh đã cống hiến trong hai năm rưỡi vừa qua, và đã bị loại ở vòng play-off giải MLS.
Sáu tháng sau khi Francesco Totti nói lời chia tay, bóng đá Ý tiếp tục phải từ biệt một biểu tượng vĩ đại khác. Trong khi đội trưởng của Roma là một người gắn bó với một màu áo, thì Pirlo gần như là ngược lại: anh là một trong những trường hợp hiếm hoi chuyển đổi màu áo giữa các đại kình địch nhưng không bị ghét bỏ. Họ vẫn yêu anh ở Milan, cũng như khi anh ở thành Turin vậy. Và kể cả bất cứ đâu trên thế giới, thì tình yêu vẫn thế mà thôi.
Nhìn lại, thật khó mà xác định tiếng tăm của Pirlo vượt qua biên giới Ý để trở thành thương hiệu toàn cầu chính xác là vào lúc nào: một con người với nhiều biểu tượng khó quên. Có phải là khi anh vô địch World Cup 2006 với tuyển Ý, hay khi anh thực hiện quả Panenka vào lưới Joe Hart ở Euro 2012? Là khi anh ra mắt cuốn tự truyện? Hay là lúc gầy dựng lên vườn nho, hoặc thậm chí là để râu?
Có một thứ chúng ta nhận thấy rõ đó là anh đã đạt được sự thừa nhận của thế giới bóng đá. Là chủ nhân của cái tên “phong cách Pirlo,” cái tên gắn liền với công việc mà anh giỏi nhất: thư thái ở trước hàng phòng ngự, rồi tung ra một đường chuyền dài chính xác.
Thật dễ để quên rằng anh không phải khi nào cũng chơi ở vị trí ấy. Pirlo đã sớm phát tiết tài năng trước khi được đưa lên đội một Brescia vào năm 1994, nhưng lúc ấy anh chơi ở vị trí số 10. Chỉ khi những khó khăn ở Inter đẩy anh phải trở về câu lạc bộ quê hương vào đúng thời điểm Roberto Baggio đang là người đảm nhiệm vị trí số 10 thì mới có sự đổi thay.
Huấn luyện viên Carlo Mazzone, cố gắng đưa Pirlo xuống dưới hàng tiền vệ để có thể sử dụng cả anh và Baggio trong đội hình xuất phát. Để rồi cho đến nay, Baggio vẫn nói rằng bàn thắng ưa thích của anh chính là lúc làm tung lưới Juventus vào năm 2001 – bàn mà chính Pirlo đã kiến tạo từ đường chuyền dài 35-yard.
Có bao nhiêu cầu thủ phải tìm đến Pirlo để cảm ơn cho những khoảnh khắc làm bàn lịch sử mà họ thực hiện trong sự nghiệp? Không đếm được. Nhưng chắc chắn phải có Grosso, người đã giúp tuyển Ý đánh bại tuyển Đức trong thời gian hiệp phụ ở bán kết World Cup 2006, nơi mà anh nhận đường chuyền “không cần nhìn” từ người đồng đội của mình.
Khuôn mặt lãnh đạm của Pirlo là một biểu tượng, những kỹ năng của anh được nâng tầm bởi độ “ngầu” mà anh thể hiện mỗi khi phải đối mặt với những khoảnh khắc chịu vô vàn áp lực. Pirlo từng thừa nhận trong tự truyện của mình rằng anh có khả năng giấu đi cảm xúc của mình. Và bên cạnh đó, anh cũng tiết lộ ở trong cuốn sách là anh chưa bao giờ cảm thấy thích thú với việc buộc phải làm gì đó chỉ vì nó đem lại lợi ích.
“Một trong những việc mà tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú là làm nóng trước mỗi trận đấu” Pirlo viết. “Tôi ghét cay ghét đắng nó. Nó làm tôi tởm lợm. Nó chẳng đem lại lợi ích gì ngoài việc giúp các huấn luyện viên “tự sướng,” bọn họ thoả mãn khi chứng kiến cầu thủ phải nhọc sức.”
Đó sẽ là điều mà Pirlo không bao giờ quên, nhất là vì trong buổi phỏng vấn cùng Gazzetta, khi mà anh tuyên bố rằng mình chuẩn bị giải nghệ, Pirlo đã thẳng thắn thừa nhận rằng sự già hoá đang ảnh hưởng đến việc thi đấu và dần trở nên quá tải. “Bạn sẽ nhận thấy khoảnh khắc của bạn sẽ đến,” anh nói. “Mỗi ngày bạn đối mặt với những vấn đề về cơ thể, bạn không thể tập luyện bởi vì bạn luôn có những cơn đau. Ở tuổi của tôi, phải thừa nhận là “đã quá đủ rồi”.”
Đúng, là quá đủ rồi. Và anh cũng chả còn gì để phải chứng tỏ mình. Anh gần như rời xa đẳng cấp cao nhất sau khi thua trận chung kết Champions League 2015, nhưng không giống với những người đồng đội, Pirlo đã đoạt chiếc cúp bạc danh giá tới hai lần.
Cùng một danh hiệu Club World Cup và hai Siêu cúp châu Âu trong bộ sưu tập, Pirlo đã đạt được gần như trọn vẹn những danh hiệu mà một cầu thủ có thể có được. Và có thể bạn không biết rằng trận đấu trên sân Maracana cho tuyển Ý ở Confederations Cup 2013 đã gần như hoàn thiện tất cả những giấc mơ mà Pirlo từng mong ước. Quả sút phạt thành bàn ngày hôm ấy đã mang anh đến với sự thoả mãn cho những ước mơ tuổi ấu thơ.
Pirlo là một kẻ ganh đua đầy khao khát khi anh chưa một lần giữ được cảm xúc mỗi khi thất bại. Nhưng bên cạnh đó anh còn có sự tĩnh lặng và thích mơ mộng. Ở cả hai khía cạnh trái ngược này, Pirlo luôn thể hiện thực sự rất tốt.
Bạn có thể đã hiểu được một phần nguyên do tại sao mà một người như Gattuso, một cầu thủ thi đấu hoàn toàn ngược lại với Pirlo, lại có thể ngưỡng mộ tài năng của anh như thế. Một trong những lời nhận xét hay nhất về chàng tiền vệ này có thể là đến từ Gigi Buffon, cũng là một người được thừa nhận xuất sắc nhất ở vị trí thủ môn, sau khi Pirlo đến Juventus vào năm 2011.
“Khi tôi thấy anh ấy thi đấu,” Buffon nói. “Tôi tự nghĩ rằng, ‘Chúa đang hiện hữu đấy ư?’.”
NĂM KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ CỦA PIRLO
1. Kiến tạo cho Fabio Grosso, bán kết World Cup 2006.
Trận bán kết tuyệt vời ngày hôm ấy đáng lẽ ra đã phải dẫn đến loạt “đấu súng.” Nhưng Pirlo với đường chuyền không cần nhìn của mình đã xé toang hàng phòng ngự, giúp Fabio Grosso có được cú sút vào ngay góc chết khung thành.
2. Pha kiến tạo “bất ngờ” vào vai Pippo Inzaghi, chung kết Champions League 2007.
Pirlo có nhiều pha sút phạt hoàn hảo hơn, nhưng nói về tầm quan trọng thì có lẽ đây mới là nhất. Milan tiến vào chung kết năm ấy, với vết thương lòng thất bại trước Liverpool ở Istanbul vẫn còn hiện rõ. Khi mà quả bóng đạp vào vai Inzaghi, thì họ mới có thể tin vào một đêm dành riêng cho mình.
3. Bàn thắng vào lưới Parma vào năm 2010.
Đó không phải là một cú sút phạt như mọi khi. Cú vung chân khiến bóng đi không mạnh nhưng lại găm vào thẳng góc thượng khung thành Parma từ khoảng cách 40-yard.
4. Quả panenka vào lưới tuyển Anh, tứ kết Euro 2012
Ý bị dẫn 2-1 khi Pirlo bước lên, Riccardo Montolivo đã sút hụt loạt trước đó. Nhưng Pirlo vẫn thản nhiên thực hiện pha “xúc thìa” trước lời châm chọc của Joe Hart, và đẩy ngược áp lực về phía tuyển Anh, và tuyển Ý đã chiến thắng sau đó.
5. Bàn thắng từ quả sút phạt ở Maracana, Confederations Cup 2013.
Ngay từ ngày còn nhỏ, Pirlo đã ước mơ được ghi bàn ở Maracana. Và vào ngày anh có trận thứ 100 khoác màu áo thiên thanh, anh đã thực hiện được điều đó với bàn thắng từ quả sút phạt để giúp đội tuyển Ý vượt qua Mexico.
Lược dịch từ nguồn:
Paolo Bandini. Andrea Pirlo was a rare talent – a winner and dreamer who oozed creative cool. The Guardian.
PHƯƠNG GP (TTVN)