Alexander Hleb: Lụi tàn vì giấc mơ danh vọng

Tác giả Ole - Chủ Nhật 01/05/2022 06:59(GMT+7)

Zalo

Có lẽ Alexander Hleb không phải cầu thủ đầu tiên mà người ta nghĩ tới khi nhắc về đội hình Arsenal từng lọt vào trận chung kết Champions League năm 2006. Tuy nhiên, trong màu áo Pháo thủ, tiền vệ người Belarus đã chơi thứ bóng đá hay nhất của cuộc đời mình, trước khi sớm lụi tàn bởi những giấc mơ danh vọng tại Barca.

hleb
 
Mùa Hè 2008, chàng trai 27 tuổi thực hiện một quyết định mà người ta vẫn thường cho là “trong mơ” đối với sự nghiệp của nhiều cầu thủ, đó chính là gia nhập Barcelona. Nhưng rồi hóa ra, giấc mộng tới Nou Camp chỉ là một thảm họa và cái tên Alexander Hleb vĩnh viễn không bao giờ có thể bước lên đỉnh cao thêm một lần nào nữa. “Tôi vẫn không thể giải thích nổi lý do vì sao mình rời Arsenal. Tôi hoàn toàn hạnh phúc vào thời điểm ấy. Mọi người, từ ban lãnh đạo đến huấn luyện viên và người hâm mộ đều dành cho tôi sự tin tưởng. Tất cả đều bình dị và hạnh phúc. Và rồi, thật khó hiểu khi tôi quyết định ra đi”, cầu thủ người Belarus thể hiện thái độ nuối tiếc khi trả lời phỏng vấn trước báo giới. 
 
“Tôi đang đi nghỉ và người đại diện thuyết phục tôi phải đến Barca vì cơ hội chỉ có một lần. Thành thật mà nói, tôi không thể hiểu nổi mình đã làm gì. Cho tới khi tôi nhận ra rằng mình sắp rời Arsenal, mọi thứ thật kinh khủng. Arsene Wenger đã làm mọi cách để giúp tôi ở lại CLB, ông ấy thậm chí còn nhắn tin cho tôi khi tôi đang đi câu, ‘Alex, tôi sẽ không để cậu ra đi, chúng tôi cần cậu ở lại’, và tôi đã khóc khi đọc tin nhắn ấy”, Hleb chia sẻ. 
 
Mặc dù cảm thấy cực kỳ hối hận vì quyết định chia tay Arsenal nhưng mối quan hệ gắn kết giữa Hleb và đội bóng thành London vẫn luôn tồn tại sau vụ chuyển nhượng, đặc biệt là người thầy cũ Wenger, “Đúng vậy, chúng tôi đã gặp nhau ở Minsk (thủ đô Belarus) vài tháng trước, khi Arsenal chạm trán BATE Borisov ở Champions League. Sự thật là Wenger giống như một người cha của tôi vậy. Được làm việc với ông ấy là một hạnh phúc, mọi thứ đều trở nên dễ dàng và bạn luôn cảm nhận được sự ủng hộ từ ông ấy”.

Alexander Hleb: Khi tiếc nuối là nỗi đau biết thở
 
Bên cạnh đó, Hleb cũng chia sẻ về việc vị chiến lược gia người Pháp đã giúp đỡ anh như thế nào trong giai đoạn khó khăn ở thời điểm mới gia nhập Pháo thủ, “Trong mùa giải đầu tiên tại Anh, tôi đã gặp phải một chấn thương khá nặng khi về chơi cho ĐTQG. Vì vậy, khi đang cố gắng phục hồi, tôi đã nói với Wenger về việc sẽ là hợp lý hơn nếu như tôi đến Đức hoặc một nơi nào đó và chơi theo dạng cho mượn. Nhưng rồi ông ấy ngay lập tức thể hiện thái độ quyết liệt, ‘Im ngay, tôi hoàn toàn tin tưởng cậu. Dẹp ngay những suy nghĩ vớ vẩn như vậy đi’, lúc ấy tôi cảm giác như mình được chắp thêm cánh để bay lên vậy. Wenger thực sự hiểu thấu tim gan của từng cầu thủ trong đội bóng. Ông ấy luôn nói chính xác những gì mà chúng tôi cần phải lắng nghe để trưởng thành và tiến bộ hơn. Tôi nghĩ rằng chẳng có ai không thích làm việc với Wenger cả. Mọi người đều muốn được ông ấy chỉ dạy nếu có cơ hội. Và hơn ai hết, tôi hiểu rằng những cầu thủ rời khỏi Arsenal cuối cùng đều hối hận vì điều đó”, ngôi sao người Belarus nhớ lại.   
 
Quay trở lại quá khứ, Alexander Hleb cập bến Arsenal vào năm 2005, chỉ đúng một năm sau mùa giải bất bại 2003/04 đã trở thành huyền thoại ở Premier League. Đối với một đội bóng vẫn đang sở hữu những Thierry Henry, Robert Pires hay Dennis Bergkamp, thật khó tin là một cầu thủ mới chỉ 24 tuổi, đến từ Belarus và chẳng biết một chữ tiếng Anh nào, có thể tìm kiếm cơ hội đá chính. Nghe thật là chuyện viển vông. “Khi tôi mới chuyển đến London, đội một vẫn đang trong kỳ nghỉ bởi họ kết thúc mùa giải muộn hơn so với ở Đức. Những ngày đầu tại Arsenal, tôi chủ yếu tập luyện và làm quen với các cầu thủ trẻ. Mọi thứ đều ổn nhưng tôi thấy buồn khi biết Patrick Viera chuẩn bị rời đi. Ý tôi là khi ấy tôi vừa mới đến Arsenal trong tâm trạng rất hào hứng và anh ấy cũng là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất nhưng lại sắp nói lời chia tay CLB”.
 
Hleb tiếp tục chia sẻ, “Đội một cuối cùng đã quay trở lại tập luyện nhưng tôi chẳng thể nói chuyện với bất kỳ ai vì tôi không biết tiếng Anh. Thực tế là tất cả các cầu thủ đá chính đều nói tiếng Anh hoặc Pháp. Chỉ có đúng hai người duy nhất mà tôi có thể trò chuyện cùng là Jens Lehmann, một người Đức và Philippe Senderos, một người… nói được 6 thứ tiếng”. 
 
Khoảng thời gian sau đó, để giúp cầu thủ người Belarus vượt qua những rào cản ngôn ngữ, Arsenal đã tìm kiếm cho cựu ngôi sao Stuttgart một giáo viên tiếng Anh, “Mọi việc trở nên tốt đẹp hơn khi CLB quyết định cử một giáo viên tới giúp đỡ tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn phải tập luyện chăm chỉ vì bóng đá tại Premier League yêu cầu cao hơn nhiều so với Bundesliga. Vào thời điểm ấy, Arsenal đang chơi thứ bóng đá một chạm và bạn phải luôn suy nghĩ thật nhanh để có thể đưa ra quyết định trước khi nhận bóng. Ai cũng cần thời gian để thích nghi nhưng thật may mắn khi tôi có Wenger, người thực sự tin tưởng tôi và giúp tôi tiến bộ rất nhanh”. 
 
Thi đấu tổng cộng 129 trận trong màu áo Arsenal, thậm chí còn trở thành một phần không thể thiếu của bộ tứ tiền vệ lừng danh (Fabregas, Flamini, Rosicky, Hleb), nhưng rồi ngôi sao người Belarus đã quyết định gia nhập Barca vào mùa Hè năm 2008, nơi anh tái ngộ người đồng đội cũ Henry. Ban đầu, mọi thứ giống như một giấc mơ có thật. 

Alexander Hleb: Khi tiếc nuối là nỗi đau biết thở
 
“Ở London, tôi thường đi chơi với những cầu thủ trẻ, như Fabregas, Flamini hay Rosicky. Trong khi Henry xuất hiện trong một nhóm khác cùng với Bergkamp và Pires. Tuy nhiên, khi tôi tới Barca, tôi và Henry đã trở thành những người bạn thực sự. Tôi thậm chí còn sống tại nhà anh ấy trong vài tháng. Khi biết tôi đang ở khách sạn, anh ấy chỉ nói, ‘Này, sao cậu lại sống trong khách sạn? Tôi đang ở một mình và bây giờ cậu có thể đến nhà tôi’. Henry là một người tuyệt vời như thế đấy. Khi nói chuyện về bóng đá, anh ấy tỏ ra nghiêm túc hơn một chút. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, anh ấy là người cực kỳ vui vẻ”, Hleb nhớ lại. 
 
“Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn xem các trận đấu của Arsenal cùng nhau. Thời điểm anh ấy lựa chọn rời CLB vào năm 2007, mọi người đều bị sốc. Henry muốn tìm kiếm một thử thách mới, những danh hiệu mới và cả chức vô địch Champions League nữa. Tôi không biết liệu anh ấy đã hạnh phúc ra sao khi được khoác áo Barca nhưng rõ ràng là anh ấy đã giành được mọi thứ. Đó là sự thật”.
 
“Bây giờ chúng tôi không còn liên lạc nhiều với nhau, một phần cũng do lỗi của tôi, khi tôi thường xuyên làm mất điện thoại, nghe thật ngớ ngẩn phải không. Người duy nhất từng chơi cùng tại Arsenal mà tôi vẫn hay nói chuyện là Cesc Fabregas. Ngoài ra, tôi cũng gặp lại Van Persie ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Phải thừa nhận rằng chúng tôi bây giờ đều là những người đàn ông của gia đình và không còn như trước nữa”, cựu tiền vệ Arsenal cho biết. 
 
Là một trong những bản hợp đồng đầu tiên được Pep Guardiola đưa về sân Nou Camp khi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện cùng Barca nhưng Alexander Hleb đã phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn tại xứ Catalonia. Khác với Henry, cầu thủ người Belarus không chịu học tiếng Tây Ban Nha và sớm cảm thấy mình bị cô lập với phần còn lại của đội bóng. Giai đoạn tiếp theo, khi mà những Xavi, Iniesta và Busquets tạo thành bộ ba tiền vệ xuất chúng bậc nhất trong lịch sử CLB, cũng chính là dấu chấm hết cho những cơ hội của Hleb, một cầu thủ thậm chí còn không thể nói chuyện cùng các đồng đội sau mỗi trận đấu. 
 
“Tất cả đều xuất phát từ lỗi của tôi. Tôi cảm thấy lo lắng vì những gì diễn ra trong cuộc sống của mình vào thời điểm đó và tôi không thực sự lắng nghe bất kỳ ai cả. Thực tế thì Guardiola là một huấn luyện viên trẻ và không có nhiều kinh nghiệm nên ông ấy chưa thể làm tốt như Wenger. Ông ấy cần nhiều sự hỗ trợ từ các cầu thủ. Tôi nhớ là Numancia đã đánh bại chúng tôi trong trận mở màn mùa giải mới. Sau đó, chúng tôi chuẩn bị quay trở về thi đấu cho ĐTQG và tôi đã hỏi Guardiola khi nào thì mình cần trở lại CLB. Và ông ấy trả lời, ‘Alex à, tôi thậm chí còn chẳng biết mình có ở đây đến khi cậu quay lại hay không’, nhưng cuối cùng thì Guardiola đã tìm thấy chỗ dựa, những người Tây Ban Nha, như Puyol, Iniesta hay Xavi…”, Hleb chia sẻ về khoảng thời gian khoác áo Barca.        

Alexander Hleb: Khi tiếc nuối là nỗi đau biết thở
 
Xuyên suốt giai đoạn chơi bóng ở Tây Ban Nha, cựu ngôi sao Arsenal đều phải vật lộn trước những thách thức. Tuy nhiên, có một khoảnh khắc mà anh luôn nhớ mãi, một khoảnh khắc được xem như sự kết thúc cho cuộc hành trình của Hleb cùng đội bóng xứ Catalona.
 
“Vào tháng 5/2009, chúng tôi gặp Man United trong trận chung kết Champions League và Guardiola loại tôi khỏi danh sách thi đấu. Đó là một sự thất vọng. Tôi nhớ là tôi đã nói chuyện với Henry và anh ấy khuyên tôi hãy mạnh mẽ lên. Nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy như mình bị một nhát dao đâm sau lưng vậy. Tôi không bao giờ còn nói chuyện với Guardiola sau đó nữa. Tôi có thể hiểu ông ấy làm như thế là vì tập thể, là bởi tôi đã không thể hiện được phong độ đủ tốt. Thế nhưng, cảm giác đó vẫn cực kỳ khó nuốt trôi”, cầu thủ người Belarus tâm sự.     
 
Mùa giải 2008/09 chính là bước khởi đầu cho kỷ nguyên thống trị của Pep Guardiola tại Barca nhưng trong suốt chiến dịch thành công ấy chẳng hề xuất hiện bóng dáng của Alexander Hleb. Những danh hiệu cuối cùng đã tìm đến với anh nhưng giấc mơ danh vọng ấy liệu có nghĩa lý gì nữa khi mà tiền vệ người Belarus chẳng khác nào một kẻ “sống mòn” tại Nou Camp.
 
Từ sâu thẳm trong ký ức, Alexander Hleb chắc chắn vẫn luôn cảm thấy hối tiếc vì từng quyết định chia tay Arsenal, quyết định xa rời khỏi vòng tay bao bọc của người thầy Wenger đáng kính, để rồi phải sớm lụi tàn sự nghiệp trong những giấc mơ danh vọng phù phiếm trên đất Tây Ban Nha. Và những người hâm mộ Pháo thủ, cũng luôn nuối tiếc cho thứ bóng đá hay nhất mà ngôi sao người Belarus từng trình diễn tại Premier League năm nào.
 
“Tôi đã không đến London trong một thời gian dài nhưng tôi vẫn nhớ Arsenal. Thật tuyệt với khi thức dậy mỗi ngày và được làm những gì mình yêu thích”.
 
     
  
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow