10 năm Man City thuộc về các ông chủ Ả Rập: Từ nhà vệ sinh không cửa tới siêu cường châu Âu

Tác giả CG - Thứ Sáu 14/09/2018 17:11(GMT+7)

Zalo

Từ các nhà vệ sinh không có cửa đến “Ngôi đền diệt vong”, Manchester City đang từng bước khiến các đội bóng hàng đầu khác phải sợ hãi về kỷ nguyên thống trị của họ ở nước Anh cũng như châu Âu.

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Từ các nhà vệ sinh không có cửa đến “Ngôi đền diệt vong”, Manchester City đang từng bước khiến các đội bóng hàng đầu khác phải sợ hãi về kỷ nguyên thống trị của họ ở nước Anh cũng như châu Âu.
10 năm Manchester City thuộc về các ông chủ Ả Rập hình ảnh
10 năm Manchester City thuộc về các ông chủ Ả Rập: Từ nhà vệ sinh không cửa tới siêu cường châu Âu
Hãy cùng quay trở lại quá khứ và nhìn vào khuôn mặt của Mark Hughes. Cuộc họp báo đầu tiên của ông là một ngày quan trọng – ngày 1 tháng 9 năm 2008 – khi Manchester City thuộc về quyền sở hữu của gia đình hoàng tộc Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Hughes đứng sau bàn làm việc ở văn phòng, suy nghĩ về mọi chuyện và thỉnh thoảng ngước nhìn lên cái bảng trắng. Ở đó, cái tên Robinho đã được thêm vào đội hình của ông cho trận đấu sẽ diễn rao vào cuối tuần. Robinho ư? Có lẽ chẳng cần phải nói thêm điều gì nữa.
 
Khi đó, mọi thứ ở Manchester City rất khác. Lời chào ở cổng chính là giọng Na Uy của Jim Corbett, một cựu pháo thủ, trong cái phòng mà ông trang trí bằng những poster của Ricky Hatton, chứ không phải chào đón bạn đến bằng tiểu đoàn bảo vệ nhỏ với bộ đàm, vest, tai nghe lủng lẳng và niềm hy vọng bạn có một ngày tốt đẹp.
 
Manchester City thậm chí còn không có phòng truyền thống khi họ chuyển tới sân vận động tổ chức Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung năm 2003. Tất cả bộ sưu tập của họ, bao gồm một con bò sứ, được cất trong một căn phòng tối tăm. Và cũng chẳng ai ngạc nhiên thời điểm Vincent Kompany đến, 10 ngày trước khi các ông chủ UAE tiếp quản, anh có thể nhớ nhà vệ sinh phòng thay đồ còn không có cửa. Người trông coi sân vận động, Lee Jackson, sẽ kể bạn nghe Manchester City nghèo tới nỗi ông không đủ sơn trắng để kẻ vạch sân.


Dù vậy vẫn có một điều gì đó khá đáng yêu, gần gũi của Manchester City trong những năm tháng trước khi kim tiền đổ vào. “Manchester City từ lâu được coi là một câu lạc bộ ‘thân thiện’,” Mark Hodkinson viết trong cuốn sách “Blue Moon” nhằm đưa độc giả những góc nhìn rõ nét nhất về cuối thập niên 90. “Trong định kiến của mọi người, United là một cái chợ lớn bên ngoài thành phố, không cá tính và tham lam đến mức trơ trẽn. Trong khi đó, City là cái cửa hàng nhỏ thân thiện, tất cả mọi người ai cũng sẽ hỏi ‘bạn có khỏe không?’ và ‘rất vui khi gặp bạn’ một cách đầy yêu thương.”
 
Tuy nhiên, Manchester City cũng là một đội bóng chìm sâu và sau đó thoát khỏi khủng hoảng trong hoàn cảnh khá hài hước. Trận đấu cuối cùng của họ ở mùa giải 2007/2008 là trận cầu “kinh dị” với tổng cộng 9 bàn thắng trên sân của Middlesbrough. Vấn đề đáng nói là Middlesbrough ghi tới 8 bàn. Gió rít, rèm cửa tung bay. Kompany có thể nhớ rõ tại sao không có nổi một chiếc máy pha cà phê ở sân tập. “Chúng tôi có thể pha cho bạn một tách trà,” anh nói. Nhưng còn cà phê? Không, không phải ở câu lạc bộ này.
 
Manchester City là Slapstick của bóng đá và việc họ trở thành đội bóng giàu có nhất hành tinh không khỏi khiến chúng ta – những người đã chứng kiến thời kì ảm đạm nhất của đội bóng này và luôn mang trong mình ký ức vàng son về danh sách đối thủ của Manchester United dưới kỷ nguyên Sir Alex Ferguson như Liverpool, Arsenal và Leeds – cảm thấy bối rối. Man City dường như sẽ chẳng được nhắc đến nếu như không có Paul Hince, người phụ trách mục thể thao của Manchester Evening News và là một cổ động viên trung thành của nửa xanh. 
Voi Pablo Zabaleta, Manchester luon la mau Xanh1
Pablo Zabaleta và Kompany
Nhưng 10 năm đã trôi qua, và chúng ta ngày càng dễ hình dung ra những điều mà Hughes bảo rằng Manchester City muốn “lớn hơn cả Big Four” (dù triều đại của ông không kéo dài quá lâu). Có lẽ Pelé đã quá khắc nghiệt khi nói Robinho “cần lời khuyên nghiêm túc” khi lựa chọn City. Các nhà báo đáng ra cũng không nên cười Garry Cook, cựu CEO của câu lạc bộ, khi ông bảo với chúng ta rằng họ sẽ là đội bóng số 1 ở Manchester. Cook nói những điều đó khi Manchester United đang thống trị Premier League và Champions League với một Cristiano Ronaldo sau đó giành danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Sau tất cả, rõ ràng Cook cho thấy ông biết nhiều hơn chúng ta.
 
Bernard Halford, Chủ tịch đời sống của câu lạc bộ, nhân vật có mặt vào cái đêm mọi thứ đổi thay, là người kí hợp đồng với Robinho. “Việc ký hợp đồng mất 10 phút, lúc đó là nửa đêm, và có rất nhiều người hâm mộ bên ngoài lái xe gây ồn ào quanh sân vận động,” ông nhớ lại. “Đối với City, việc chi 32 triệu bảng cho một cầu thủ là điều chưng từng có. 1 năm trước đó, chúng tôi còn dự kiến toàn đội chỉ có giá khoảng 32 triệu bảng.”
 
Mối quan hệ giữa Halford với Manchester City bắt đầu từ năm 1972 khi ông được bầu là thư ký đội bóng. Ông đã làm việc với 22 huấn luyện viên (bao gồm cả những người tạm quyền), người cuối cùng là Manuel Pellegrini, trải qua 5 lần xuống hạng, 5 lần lên hạng và trước năm 2008 chỉ có 1 danh hiệu duy nhất. Hiện nay ông đã 77 tuổi và là người phù hợp nhất để nói tới sự thay đổi của bóng đá ở thành Manchester.
 
Man City no HLV Pellegrini mot loi cam on
HLV Pellegrini ngày chia tay Man City

“Nơi tốt nhất để nói cho bạn biết về sự thay đổi của chúng tôi là trong xe hơi. Tôi từng lái xe từ Royton, nơi tôi sống, đến Maine Road (sân nhà cũ của Manchester City) và đếm xem mình thấy bao nhiêu áo hoặc khăn. Trẻ em đi trên vạch kẻ đường đến trường là một trường hợp. Đỏ hay xanh? United hay City? Họ áp đảo chúng tôi một cách đáng kể. Thế nhưng không phải bây giờ. Bây giờ tỷ số có thể là 10-0 hoặc thậm chí hơn.”
 
Tuy nhiên không phải cái gì cũng diễn ra như dự định kể từ khi Sheikh Mansour đưa đội bóng này vào danh mục đầu tư của mình. Bản kế hoạch dày 83 trang của Cook cam kết biến họ trở thành “Chòm sao Xử nữ của châu Á và thế giới” với dòng nước tăng lực của riêng mình, Mini Cooper mang thương hiệu Manchester City, xe máy, thẻ cào điện thoại, cửa hàng quần áo tự thiết kế và các cửa hàng đồ ăn nhanh.
 
Những kế hoạch đó chưa thành hiện thực và – xin lỗi khi phải lặp lại câu chuyện này – việc làm có ý nghĩa nhất của Cook được thực hiện sớm hơn khi ông thảo luận về mục tiêu chuyển nhượng với những ông chủ mới qua đường điện thoại khá bập bõm từ Abu Dhabi tới Manchester. Một lời nhận xét là “như một mớ lộn xộn” (It’s getting messy) bị nghe nhầm và Cook ngay lập tức đưa ra mức giá 30 triệu bảng với Barcelona. Rõ ràng, ông đã nghe nhầm thành lời ủy thác “phải có được Messi” (let’s get Messi).
 
Tương tự như thế, có lẽ bạn còn nhớ Sulaiman al-Fahim, người đã có mặt để tiếp quản và nói về việc chi ra số tiền 135 triệu bảng cho Cristiano Ronaldo cũng như mọi siêu sao khác khi đó. Ronaldinho, Thierry Henry lẫn Fernando Torres đều có trong danh sách. “Ronaldo nói cậu ấy muốn chơi cho câu lạc bộ lớn nhất thế giới. Vì thế chúng tôi sẽ xem liệu cậu ấy có nghiêm túc hay không,” Fahim nói.
 
manchester city
Các cầu thủ ăn mừng bàn thắng

Tuy nhiên để có được thành công, các thành viên chóp bu sống ở Abu Dhabi nhanh chóng nhận ra cần một phương cách khác. Fahim bị gạt ra ngoài và cùng với một chiến lược PR thông minh, Manchester City cho thấy họ đã đúng với sự phát triển của mình bằng 3 danh hiệu Premier League, 1 FA Cup, 3 League Cup, 11 lần tới Wembley thi đấu, bàn thắng “vàng” của Sergio Agüero ở phút 94, David Silva, Yaya Touré, Kevin De Bruyne, chiến thắng 6-1 ngay tại Old Trafford, Carlos Tevez với Welcome to Manchester, Pep Guardiola và Centurions, Mario Balotelli và Why Always Me?
 
Ở Manchester City bây giờ, biểu ngữ nổi bật nhất bên trong sân vận động là lời cảm ơn dành cho Sheikh Mansour. Còn Robinho, dù anh chỉ ở đây 15 tháng nhưng bản hợp đồng với tiền đạo người Brazil cũng khiến phần còn lại của thế giới bóng đá phải sửng sốt. The Citizens đã trả số tiền cao hơn Chelsea trong quá trình đàm phán và khiến Roman Abramovich lần đầu tiên phải chịu thất bại trên thị trường chuyển nhượng. Ngoài ra không thể không nhắc tới nỗ lực muộn màng – nhưng không thành công – để cướp Dimitar Berbatov khi cầu thủ này đang chuẩn bị chuyển từ Tottenham Hotspur tới Manchester United.
 
“Tôi nhớ việc tiếp quản được công bố trên truyền hình với toàn bộ tin tức chuyển nhượng và tiếp đó là việc chúng tôi đã ký hợp đồng với Robinho,” Kompany nói. “Ngay khi anh ấy ở đây, bạn sẽ nhìn và nghĩ: ‘OK, một người ngoài trái đất.’ Anh ấy khiến chúng tôi nhìn đầy hoài nghi khi tâng những chiếc tất được cuộn tròn lại. Tất cả chúng tôi tự nhủ: ‘OK, khi nào bọn tôi có thể đá đây?’ Nhưng rồi bạn biết rằng mình đang đứng trước một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Bạn nghĩ: ‘Các bạn biết không, tôi có thể làm được.’ Có một cầu thủ như vậy trong đội hình chúng tôi lúc đó là điều rất quan trọng và nó đã nâng tầm vị thế của câu lạc bộ.”
Vincent Kompany: 10 nam ven nghia ven tinh cung mau xanh5
Vincent Kompany: 10 năm vẹn nghĩa vẹn tình cùng màu xanh

Và chắc chắn giờ đây Kompany có thể hài lòng về lựa chọn của mình: “Nó giống như một chương trình thay đổi diện mạo trên truyền hình vậy, ở đó họ bắt đầu thay đổi các chi tiết và sau đó có một bật mí lớn. Khi chúng tôi rời đi trong quãng thời gian tập trung đội tuyển quốc gia, họ thay đổi mọi thứ ở sân tập. Tôi không biết tại sao họ làm nhanh như thế nữa. Điều kế tiếp là chúng tôi có một chiếc máy pha cà phê lớn từ Nespresso. Tôi nghĩ nó đã được dùng nhiều đến nỗi cần phải bảo dưỡng sau 2 tuần. Lúc đó tôi nói: ‘Tôi đã bảo với các bạn rằng rồi cà phê cũng sẽ tới đây mà.’”
 
Những cái sân ấy giờ đây được câu lạc bộ Bury của League Two thuê lại. Trong những ngày xưa cũ, cầu thủ Manchester City tập luyện ở Platt Lane, trung tâm Moss Side, nơi những gã say xỉn thường tụ tập lại để hét vào mặt những người đi bộ qua. Còn hiện tại, có một sân tập kích cỡ tương đương một ngôi làng nằm đối diện sân Etihad và như Halford nói thì đó là “nơi ồn ã” với đầy những cơ hội mới.
 
“Nó vượt ra khỏi ước mơ của một cổ động viên bóng đá, giống như Alice ở xứ sở diệu kỳ, và không còn chỉ là một đội bóng nữa, đó là tất cả mọi thứ mà Sheikh đã tạo rao cho thành phố Manchester,” Halford bày tỏ. “Chúng tôi đang dẫn đầu mọi thứ - các kế hoạch cộng đồng, tạo ra việc làm ở những khu vực bị lấy mất, học viện và sân tập của chúng tôi. Không chỉ là một bông hoa tuyết trôi trên sông, đó là chiến dịch dài hơi.”
 
Và thử tưởng tượng ra 10 năm sau sẽ như thế nào? Có lẽ đó sẽ là thời kỳ đáng sợ nhất đối với bất cứ đối thủ nào của Manchester City. “Bạn có thể nhìn thấy nhiều cúp hơn trên kệ và trước đó rất lâu sẽ là Champions League,” Halford nói thêm. “Đó là giấc mơ sau cùng. Và khi giành được nó rồi, chúng tôi sẽ nói: ‘Chúng tôi muốn vô địch lại vào năm sau? Chúng tôi có thể lặp lại thành tích đó không? Và còn điều gì nữa?’ Chúng tôi muốn sánh ngang với những đội bóng vĩ đại như Real Madrid và Barcelona.”

Lược dịch từ bài viết "Ten years on: how Abu Dhabi ownership transformed Manchester City" của tác giả Daniel Taylor trên The Guardian

CG (TTVN)
 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

X
top-arrow