Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

World Cup 2014 - "cỗ máy in tiền" của FIFA

Thứ Ba 17/06/2014 11:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
     Theo tạp chí Forbes, World Cup Brazil sẽ đem về cho FIFA tổng doanh thu 4 tỉ USD, cao hơn kỳ World Cup 2010 đến 66%. Phần lớn số tiền trên đến từ việc bán bản quyền truyền hình (1,7 tỉ USD) và quảng cáo (1,4 tỉ USD).

 Brazil vẫn đang phải gồng mình tổ chức World Cup 2014 khi vấp phải sự phản đối của một nhóm người dân cho rằng chính phủ nên đầu tư tiền xây trường học, bệnh viện… thay vì sân bóng
     
     Các tập đoàn uy tín toàn cầu rất thích đổ tiền vào World Cup, bởi sức nóng của giải đấu này lan tỏa đến mọi ngóc ngách trên Trái đất và thu hút lượng người theo dõi khổng lồ.
 
     Tính đến nay, World Cup là "cỗ máy in tiền" cho cơ quan chủ quản FIFA hiệu quả hơn bất kỳ một sự kiện thể thao nào khác trên hành tinh, vượt qua Thế vận hội Olympic và Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl của Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia (NFL). Lợi nhuận World Cup đem lại cho FIFA lên đến 2 tỉ USD.
     Nghiên cứu FIFA - được tiến hành trong vòng 1 năm sau khi World Cup 2010 kết thúc tại Nam Phi - cho biết World Cup 2010 đã thu hút được 909 triệu người xem trận chung kết trên truyền hình tại nhà ít nhất 1 phút, 619,7 triệu người xem liên tục ít nhất 20 phút trận đấu Tây Ban Nha giành chiến thắng 1-0 trước Hà Lan tại Johannesburg. Hơn 3,2 tỉ người xem truyền hình trực tiếp toàn bộ giải đấu ít nhất 1 phút. Chỉ số người xem (rating) trung bình chính thức được công bố là 188,4 triệu người cho mỗi trận đấu.
 
     World Cup 2010 cũng là kỳ World Cup thu hút nhiều khán giả Mỹ nhất từ trước đến nay. ESPN công bố mức rating trung bình đạt 2,1 (2,29 triệu hộ gia đình và 3,26 triệu người xem), tăng 31% so với năm 2006. Trận chung kết giữa Hà Lan và Tây Ban Nha là trận đấu trong khuôn khổ World Cup có nhiều người theo dõi nhất với 15,6 triệu người.
 
     Thậm chí ở Mỹ, giá trị World Cup còn được nhân rộng nhờ mảng khai thác nội dung. Tháng trước, Fox Sports đã đánh bại ESPN, NBC để giành mua bản quyền tiếng Anh của World Cup 2018 (Nga) và 2022 (Qatar). ESPN bỏ 100 triệu USD để mua bản quyền World Cup 2010 và 2014. Dù Fox Sports không tiết lộ những con số chính thức trong phi vụ bản quyền truyền hình mới thì John Ourand thuộc Sports Business Journal cho biết Fox Sports đã phải bỏ ra 400-500 triệu USD. Con số này khá hợp lý vì Univision cũng mua bản quyền World Cup tiếng Tây Ban Nha tại Mỹ là 425 triệu USD cho 2 mùa bóng qua.
 
     Nhưng chi phí kinh doanh của World Cup cũng không rẻ. Đối với Brazil, FIFA phải chi tổng cộng 576 triệu USD cho các hiệp hội thành viên, các câu lạc bộ tham gia và các chương trình bảo vệ - con số này nhiều hơn mức chi cho World Cup Nam Phi là 37%. Khoản chi lớn nhất là 70 triệu USD cho giải thưởng - nhiều hơn World Cup 2010 là 75%.
 
     Tốc độ tăng trưởng trong mảng kinh doanh World Cup đã tăng mạnh kể từ cuối thập niên 1990 nhờ những bước nhảy lớn trong bản quyền phát sóng. Tiền bản quyền truyền hình bên ngoài nước Mỹ cho các kỳ World Cup 2002 và 2006 là 2 tỉ USD - gấp 6 lần so với khoản chi 310 triệu USD cho 3 kỳ World Cup thập niên 1990 của European Broadcasting Union, đơn vị đại diện cho quyền lợi và sức mạnh tài chính của các đài truyền hình công cộng ở châu Âu. Từ năm 1998, tổng doanh thu từ World Cup cho FIFA đã tăng 11 lần.
 
     Thành công về mặt tài chính của World Cup có ý nghĩa lớn cho tương lai phát triển của thể thao. Ngân sách FIFA giai đoạn 2015-2018 là 4,9 tỉ USD, trong đó 2,15 tỉ USD ưu tiên cho kỳ World Cup 2018 ở Nga. Tính chung, 78% của 4,9 tỉ USD (3,8 tỉ USD) sẽ được đầu tư trực tiếp vào môn bóng đá, như các dự án phát triển, các giải đấu, quản trị.

Nguồn: Tuoitre.vn

Có thể bạn quan tâm

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: Tôn giáo Argentina tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Trong tất cả những điều kỳ lạ mà bạn đã nghe về World Cup, tất cả những câu chuyện kỳ quặc và tuyệt vời về cách môn thể thao cổ lỗ sĩ này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người, hãy nghĩ xem liệu có bao nhiêu câu chuyện khiến bạn kinh ngạc như những gì đang diễn ra ở Bangladesh mà bạn sắp được nghe.  

Xem thêm
top-arrow
X