Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 13/12/2022 16:43(GMT+7)

Zalo

Trong tất cả những điều kỳ lạ mà bạn đã nghe về World Cup, tất cả những câu chuyện kỳ quặc và tuyệt vời về cách môn thể thao cổ lỗ sĩ này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người, hãy nghĩ xem liệu có bao nhiêu câu chuyện khiến bạn kinh ngạc như những gì đang diễn ra ở Bangladesh mà bạn sắp được nghe.  

Chuyện lạ World Cup Tôn giáo Argentina tại Bangladesh 1
 

 

“Cứ ngày nào có Argentina thi đấu, các màn hình lớn trình chiếu trận đấu đó nơi công cộng, và cứ như thể một lễ hội lớn đang được tổ chức vậy,” Soumik Saheb, một trong những người Bangladesh thừa nhận về cơn sốt World Cup cực mạnh đang diễn ra tại đất nước này, chia sẻ. “Và nếu Argentina giành chiến thắng, cứ mỗi lần như vậy lại có một cuộc ‘đi bão’ nổ ra trên đường phố.”

Xin được khẳng định rằng, đây không hề là một câu chuyện bình thường, và bạn sẽ nhanh chóng hiểu được lý do thôi.

Bangladesh, một quốc gia có 169 triệu dân giáp với Ấn Độ ở phía Bắc, Đông và Tây, vốn luôn nổi tiếng về môn cricket hơn là bất cứ điều gì liên quan đến bóng đá. Vậy, ai đó có thể giải thích tại sao, đặc biệt là trên các khu phố, những con đường của thủ đô Dhaka, nơi đây sẽ rất dễ khiến bạn nghĩ rằng mình đang ở một vùng lân cận của Buenos Aires?

Tại đây, có rất nhiều điều kỳ lạ đã và đang diễn ra. Các dãy nhà chung cư ở Dhaka được trang trí bằng màu quốc kỳ của Argentina. Khắp nơi đầy rẫy những bức tranh tường bày tỏ lòng kính trọng đối với Diego Maradona. Quốc kỳ của Argentina, Bandera Oficial de Ceremonia, xuất hiện ở khắp mọi nơi – những ban công, các ngọn tháp, cột đèn. Bạn thậm chí có thể dễ dàng bắt được một chiếc xe kéo đậm chất Argentina nếu thích ngồi lên một chiếc ghế được trang trí bằng hình ảnh Lionel Messi giương cúp Copa America. 

Đây không chỉ là một “tình yêu đơn phương”. Cả liên đoàn bóng đá Argentina (thông qua Twitter) và HLV trưởng của La Albiceleste là Lionel Scaloni (trong các cuộc họp báo) đều đã gửi lời cảm ơn đến người dân Bangladesh vì tình cảm nồng nhiệt của họ. Một số nhà báo Argentina đã bắt đầu đăng các đoạn tweet bằng tiếng Bengali và Tây Ban Nha để các độc giả từ đất nước này có thể tìm hiểu những tin tức mới nhất. 

Thậm chí nghiêm túc hơn, các fan La Albiceleste người Argentina đã quyết định họ phải làm điều gì đó để đáp lại tình cảm này. 

Chuyện lạ World Cup Tôn giáo Argentina tại Bangladesh 2
 

Gần đây, có người đã lập một group và một fanpage trên facebook mang chủ đề cổ vũ đội tuyển cricket quốc gia của Bangladesh và đặt tên chúng là “Fans Argentinos de la seleccion de cricket de Bangladesh” (hội những người Argentina hâm mộ đội tuyển cricket Bangladesh). Sau một chiến thắng của đội này trước Ấn Độ, các thành viên đã dành vài ngày để ăn mừng. Cho đến nay, chúng đã thu hút được một lượng follower đông đảo. Mặc dù có lẽ có một số người trong đó thậm chí chẳng biết gì về luật cricket, nhưng bạn đâu thể chê trách tấm lòng của họ. 

Nếu bạn muốn tìm hiểu về khởi nguồn của tất cả những điều này, trước tiên có một chi tiết đáng ghi nhớ là đội tuyển bóng đá quốc gia Bangladesh – thành thật mà nói – khá tệ hại. 

Bangladesh chỉ đứng thứ 192 (trong số 211 đội) trên bảng xếp hạng thế giới của FIFA, tuy nhiên năng lực của họ có khi còn thấp hơn thế và chưa bao giờ tiến gần đến được vòng loại World Cup. Vì vậy, khi không có những người hùng bóng đá của riêng mình, người dân Bangladesh đã phải tìm đến các đội bóng khác để cổ vũ cuồng nhiệt. 

Ban đầu, Brazil mới là ĐTQG có được tình cảm của phần lớn người Bangladesh. Những trận đấu của họ cũng thu hút lượng lớn khán giả và các cuộc “đi bão” trên đường phố, từ Dhaka, Khulna, Chattogram đến Rangpur và nhiều nơi khác. Nếu không nhìn thấy màu sắc Argentina trên một con phố, bạn có thể sẽ bắt gặp màu sắc của quốc kỳ Brazil. Thông thường thì là cả hai cùng xuất hiện. 

Tuy nhiên, giờ đây, có một chàng trai đặc biệt đã thay đổi cán cân đó. 

317546963_683725633128621_4038896106193644362_n
 

“Chúng tôi yêu Messi,” chia sẻ từ Shahbaj Ahmed, một chủ cửa hàng người Bangladesh chuyển đến Qatar vào năm 2017. “Argentina đứng thứ nhất, sau đó mới đến Brazil, bởi vì tất cả mọi người đều yêu mến Messi rất nhiều.”

Thế nhưng trên thực tế nguồn gốc của sự sùng kính Argentina tại Bangladesh còn lâu đời hơn thế. “Tôi đã hâm mộ Argentina từ khi còn nhỏ, kể cả ở World Cup 2002, cái thuở chưa được tiếp cận với internet,” Saheb kể. “Những gì đang diễn ra hiện nay chẳng phải chỉ bắt nguồn từ Messi đâu, dù cho rất nhiều người nghĩ như vậy.”

Anh bảo rằng, sự thật là thứ tình cảm ấy đã được di truyền qua nhiều thế hệ khác nhau, và luôn đạt được đà phát triển mạnh mẽ. “Vào đầu những năm 1980, ở Bangladesh không có tivi màu. Đối với nhiều người, cách duy nhất để biết về World Cup là qua báo chí. Sau đó, giải đấu năm 1986 diễn ra và có Maradona góp mặt – trong màu cờ sắc áo ấy. Giải đấu đó là sân chơi của Argentina, sân chơi của Maradona. Trái tim của chúng tôi đã hoàn toàn bị chinh phục.”

Có những đoạn video được đăng trên Internet ghi lại cảnh hàng nghìn fan Argentina tràn ra các con đường ở Bangladesh để ăn mừng những chiến thắng. Và có lẽ, nhiều người tin rằng, một phần lý do tạo nên tình yêu này là bởi sự kiện “Bàn Tay Của Chúa” của Maradona tại kỳ World Cup 1986 trước đội tuyển Anh, quốc gia từng biến Bangladesh thành thuộc địa. Người ta kể rằng không ít người Bangladesh đã đồng cảm với Argentina về cuộc chiến Falklands nổ ra 4 năm trước đó.   

Điều duy nhất có thể khẳng định chắc chắn là tình yêu của họ dành cho ĐTQG Argentina thực sự vô cùng cuồng nhiệt. 

“Có những người thức dậy lúc 2 giờ sáng để xem Argentina thi đấu,” Roy Nemer, người sáng lập Mundo Albiceleste, một trang Web dành cho các fan Argentina, chia sẻ. “Có những người sơn nhà của họ bằng 2 màu xanh da trời và trắng để thể hiện tình yêu. Thật đáng kinh ngạc.

“Scaloni đã nói về sự cổ vũ của chúng tôi trong cuộc họp báo của ông ấy, đây là điều chưa từng có. Thậm chí có những người dân ở Buenos Aires đã ăn mừng chiến thắng trước Australia bằng cách vẫy cờ của Bangladesh. Thể thao thực sự có thể hợp nhất các nền văn hoá khác nhau và mang mọi người lại gần nhau.”

Nemer nói đúng, mặc dù sẽ hơi khó để làm quen với cái ý tưởng rằng “những cổ động viên từ một nền văn hoá hoàn toàn khác, nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác, dành tình yêu cho một đất nước khác y hệt như tổ quốc của họ”. “Tại Bangladesh, và tại Ấn Độ, fan cứng của ĐTQG Argentina có khi còn nhiều hơn cả tại chính Argentina ấy chứ,” anh khẳng định. 

Mối quan hệ này hiện đã trở nên vững chắc đến mức El Destape, một trong các cơ quan truyền thông ở Argentina, đã đưa tin về trận đấu cricket giữa Bangladesh và Ấn Độ như sau: “Từ Argentina, chúng tôi xin chúc mừng Bangladesh về chiến thắng đáng tự hào này.”

Trong tuần đầu tiên của World Cup, một người dẫn chương trình truyền hình ở Bangladesh đã đọc tin tức trong khi mặc áo đồng phục của ĐTQG Argentina. Một người Bangladesh khác đã tạo ra một lá cờ Argentina – không đùa đâu nhé – dài hơn nửa dặm. Anh ta và một đội quân nhỏ gồm các CĐV Argentina đã diễu hành cùng nó qua các con đường ở Dhaka.

Chuyện lạ World Cup Tôn giáo Argentina tại Bangladesh 3
 

Tại thủ đô của Qatar là Doha, một trong những lý do tại sao các fan Argentina lại có thể có được lực lượng CĐV lớn nhất và ồn ào nhất so với bất kỳ đội bóng nào khác ở World Cup 2022 là do có một số lượng đáng kể người Bangladesh sống ở Qatar. Như đã nói, Brazil cũng có một lượng fan Bangladesh đông đảo, và nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt từ cộng đồng người Bangladesh tại nơi đây. 

Trong khi đó, cách Doha 4.000 km tại Bangladesh, trước khi Brazil bị loại khỏi cuộc chơi bởi Croatia, đã có những biện pháp an ninh đặc biệt được dự tính áp dụng nếu Argentina và Brazil gặp nhau ở vòng bán kết. 

Khi hai đội bóng này đối đầu nhau trong trận chung kết Copa America diễn ra năm ngoái, đã xuất hiện những cuộc ẩu đả nghiêm trọng giữa các CĐV của hai đội. Một số người đã bị thương. Tuy nhiên, điều này không diễn ra bên ngoài Maracana, sân vận động ở Rio de Janeiro, nơi diễn ra trận đấu. Không, những điểm nóng này nằm ở Bangladesh, cách đó hơn 15 nghìn km. 

“Cảnh sát sẽ phải chia Dhaka thành các khu vực khác nhau, nơi dành cho các fan Argentina, nơi dành cho các fan Brazil,” Saheb nói. “Dù cho cách rất xa nơi mà các trận đấu diễn ra, nhưng sự thù địch vẫn rất mạnh mẽ.”  

Theo Daniel Taylor, The Athletic

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow