Hơn 130 cầu thủ tại World Cup đại diện cho một quốc gia khác với nơi họ sinh ra. Nhiều người trong số họ chuyển đội tuyển chỉ vài tháng trước World Cup.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Bryan Mbeumo không biết vì sao lại nhận được lời mời từ Samuel Eto’o. Nhưng anh biết nó không dễ để từ chối. Cơ hội để tham kiến một trong những tiền đạo xuất sắc nhất trong thế hệ của mình, đồng thời là một trong những cầu thủ châu Phi vĩ đại nhất lịch sử bóng đá không phải lúc nào cũng đến.
Năm nay 23 tuổi, Mbeumo đang chơi khá nổi bật tại Brentford, một CLB hạng trung ở Anh. Ngược lại, Eto’o được xếp vào hàng “huyền thoại của làng túc cầu”, như lời Mbeumo chia sẻ. Khi họ gặp nhau trong một bữa tối ở London, Mbeumo đã rất lo lắng.
Nhưng hóa ra, chính Eto’o mới là người cần tạo ấn tượng tốt. Tân chủ tịch LĐBĐ Cameroon đã đi vòng quanh châu Âu để thuyết phục các cầu thủ gốc Cameroon cống hiến cho ĐTQG nước này. Mbeumo, cầu thủ có cha là người Cameroon đứng đầu trong danh sách của Eto’o.
“Khi Samuel tiếp cận tôi, tôi không biết liệu mình có nên đồng ý hay không,” Mbeumo nói. “Nhưng trong cuộc trò chuyện, Samuel đã giải thích kỹ lưỡng dự án của Cameroon cho tôi, khiến tôi cảm thấy vô cùng hài lòng. Anh ấy đã cho tôi chút thời gian để suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Sau cùng, tôi quyết định sẽ chơi cho họ.”
Tiền đạo sinh ra ở Avallon, Pháp không phải là trường hợp duy nhất. Có hơn 130 cầu thủ tại World Cup đại diện cho một quốc gia khác với nơi họ sinh ra, một dấu hiệu cho thấy sự phức tạp ngày càng tăng trong việc xác định quốc tịch và bản sắc trong một thế giới phẳng.
Có những cầu thủ sinh ra ở một nước và chuyển đến một quốc gia khác khi còn nhỏ. Như Raheem Sterling, người đã trải qua những năm đầu đời ở Jamaica nhưng lại đại diện cho ĐT Anh ở cấp độ quốc tế. Có những người - Xherdan Shaqiri của Thụy Sĩ chẳng hạn - đã di cư như những người tị nạn và quyết định chơi cho đất nước họ xây dựng cuộc sống của mình.
Có một số cầu thủ như Nicola Zalewski dù sinh ra ở Italia nhưng vẫn chọn khoác áo Ba lan, quê hương của cha mẹ anh. Và cũng có nhiều người như Mbeumo chọn cống hiến cho đất nước có mối liên hệ với các thế hệ trước như cha mẹ, thậm chí là ông bà.
Điều khiến trường hợp của Mbeumo trở nên khác thường hơn một chút là thời điểm. Anh ra mắt cho Cameroon vào tháng 9. Chỉ vài tuần sau, HLV Rigobert Song đã triệu tập anh vào đội tuyển dự World Cup. Anh là một trong những cầu thủ có hai quốc tịch bắt đầu sự nghiệp quốc tế chỉ vài tháng trước giải đấu.
Raoul Savoy, một HLV người Thụy Sĩ đã có hai thập kỷ làm việc ở châu Phi cho rằng những trường hợp này có hơi hướm “chủ nghĩa cơ hội”. “Đột nhiên, một số cầu thủ nói rằng đất nước họ chơi bóng nằm trong trái tim họ, dù họ chưa bao giờ đề cập đến điều đó trước đây,” người hiện đang dẫn ĐTQG Trung Phi cho biết. “Đó có thể là một vấn đề gây chia rẽ nội bộ.”
Điều này cũng khá tế nhị đối với các cầu thủ. Có những người đã dành nhiều năm phấn đấu để dự World Cup, để rồi đến phút chót lại thấy mình bị thay thế bởi những cầu thủ song tịch. Ngay cả chính những cầu thủ thay thế cũng cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập với một đội bóng hoàn toàn xa lạ.
“Sẽ nảy sinh nhiều vấn đề với các cầu thủ mới,” Otto Addo, HLV của ĐT Ghana cho biết. “Nhất là khi họ đã đạt được những thành tựu nhất định. Bởi đội tuyển đã hình thành một nhóm mà bạn không muốn phá vỡ.”
Giống như Cameroon, Ghana đang ngày càng mạnh hơn nhờ việc nhập khẩu cầu thủ: Năm thành viên trong đội của Addo tại Qatar - bao gồm Tariq Lamptey của Brighton và Inaki Williams của Athletic Bilbao - đều được sinh ra ở nơi khác nhưng mới đây đã chọn cam kết sự nghiệp quốc tế của họ tại nơi sinh của cha mẹ.
Đã xuất hiện những nghi ngờ về động cơ cống hiến của họ. Andre Ayew, đội trưởng Ghana cho biết: “Tôi biết một số người nói rằng họ đến vì World Cup. Thành thật mà nói, chúng tôi sẽ không bao giờ biết được lý do đằng sau. Nhưng nếu họ có mục đích đúng đắn, quyết tâm sống chết vì đội bóng, chúng tôi sẵn sàng mở mọi cánh cửa mà chúng tôi có để giúp họ thoải mái.”
Asamoah Gyan tự hỏi điều gì sẽ đến sau giải đấu. “Sau World Cup, họ vẫn nên xuất hiện trên tuyển. Bởi đây không phải là đội tuyển chỉ tham gia vào một giải đấu,” tiền đạo sinh ra ở Accra, Ghana và đại diện cho đất nước này tại World Cup 2010 nói. “Một khi bạn đã nhập quốc tịch Ghana, bạn nên tỏ ra hoàn toàn cam kết.”
Bản thân các cầu thủ song tịch đã làm tất cả những gì có thể để xóa tan những nghi ngờ. Lamptey, cầu thủ sinh ra ở Anh và có cha mẹ là người Ghana đã thành lập một quỹ trẻ em ở Nuaso, phía bắc Accra. Còn Williams, người có cha mẹ rời Ghana khi đang mang thai anh đã dành thời gian với ông bà của mình ở nước này trong mùa hè.
Những nỗ lực đó đã thuyết phục người hâm mộ rằng mối quan hệ của họ với đất nước là có thật. Còn ở trên tuyển, họ đã phải áp dụng phương pháp khác để trấn an các đồng đội. Khi lần đầu tiên khoác áo ĐT Ghana trong trận giao hữu với Brazil vào tháng 9, Williams nói rằng việc đại diện cho Những ngôi sao đen là một cơ hội anh “không thể bỏ qua”.
Mặc dù Williams đã dành cả cuộc đời ở Tây Ban Nha - đến mức em trai anh, Nico cũng đến Qatar nhưng lại mang trên mình màu áo đỏ của Tây Ban Nha - anh cảm nhận rất rõ mối liên hệ với Ghana không chỉ qua cha mẹ, mà còn với ông bà của mình. “Tâm trí của tôi luôn hướng về những người thân ở Ghana từ khi bắt đầu chơi bóng,” anh nói. “Niềm tự hào của tôi không bắt nguồn từ việc nó có ý nghĩa như thế nào với bản thân, mà là với người thân của tôi.”
Tuy nhiên, Williams cũng hiểu rằng “cơ hội không thể bỏ qua” của anh dành cho tất cả. “Tôi không bao giờ quên những người đã đưa Ghana đến vị thế hiện tại,” anh nói. “Họ đã cống hiến tất cả để đưa Ghana đến World Cup.”
Những cầu thủ mà Williams biết trước khi gia nhập đội bóng của Addo đã giúp anh vượt qua cảm giác của một kẻ phá rối, một kẻ xen vào. Anh biết Thomas Partey và Joseph Aidoo từ giải VĐQG Tây Ban Nha. “Họ đã giúp tôi ổn định cuộc sống,” anh nói. Họ cũng biết Ghana có ý nghĩa như thế nào đối với cầu thủ thuộc biên chế Bilbao.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là anh có thể thoát khỏi nghi thức chào hỏi lâu đời của bóng đá: Biểu diễn một bài hát cho đồng đội nghe và bị đăng lên mạng xã hội ngay lập tức. “Tôi đã nhảy cho họ xem,” anh cười tươi.
Addo thừa nhận những khoảnh khắc đó đã làm quá trình hòa nhập của những người mới bớt khó khăn hơn. “Không dễ để những người mới hòa nhập,” Addo chia sẻ. “Họ chỉ có vài ngày cùng nhau trên sân, nhưng tất cả đều đã làm rất tốt. Họ hòa thuận với nhau. Thậm chí nhiều người trong số họ không phải là người lạ.”
Nhưng điều quan trọng nhất theo Ayew là sự chân thành. Anh hiểu rằng việc một cầu thủ ổn định lòng trung thành với đội tuyển mới chỉ là một phần. Ayew sinh ra ở Pháp, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc cống hiến cho đội tuyển nào khác ngoài Ghana. Là bởi cha anh, Abedi Pele là cầu thủ vĩ đại nhất Ghana.
“Việc họ coi mình là người Ghana, rằng họ sẵn sàng chơi cho Ghana nghĩa là họ được chào đón,” Ayew kết luận.
Lược dịch bài viết “At This World Cup, Nationality Is a Fluid Concept” của Rory Smith (The New York Times)