Phạt đền, hay Penalty, phạt 11m, luôn nằm trong danh sách những điều thú vị nhất của bóng đá. Thời khắc mà trọng tài chỉ tay vào vòng 16m50 là lúc mà mọi cảm xúc của bộ môn túc cầu thể hiện rõ ràng nhất. Hỷ, nộ, ái, ố đều có cả. Người phạm lỗi thì đau đớn, đồng đội thì chua xót, ban huấn luyện cau có la hét trọng tài. Bên kia chiến tuyến thì vui như thắng trận, hân hoan hồ hởi như bàn thắng đã được ghi. Trong một hỗn hợp cảm xúc đối lập đó, chỉ có một người có sự cá biệt, người được chọn để đương đầu với thử thách, để thực hiện việc hiện thực hóa giấc mơ của những cá thể ủng hộ mình.
|
Những cú sút phạt đền luôn đem lại cảm giác đặc biệt cho các khán giả |
Sự thú vị của bộ môn bóng đá không chỉ cuốn hút niềm say mê từ những con người làm việc bên trong bộ môn túc cầu, mà nó còn cuốn hút cả sự tò mò của những người thuộc những ngành mà có thể chúng ta cũng không ngờ tới, Kinh tế học. Một loạt những nghiên cứu, thống kê của những nhà kinh tế đã thành danh như Steven Levitt, Eleftherios Kellis và Athanasios Katis từ năm 2002 đến năm 2010 chỉ để giải thích được bí mật đằng sau những quả sút phạt đền trong bóng đá. Tại sao các cầu thủ lại quyết định thực hiện sút bên này mà không sút những hướng còn lại? Điều đó có phải là những tính toán chính xác hay không? Lựa chọn nào là tốt nhất khi bước lên chấm 11m? Tất cả những câu hỏi đó đã được các nhà khoa học đặt ra và tìm cách giải thích sao cho có lý nhất.
Theo Levitt (2010), thì khi một cầu thủ bước lên chấm đá phạt 11m, anh ta phải chịu một sức ép khủng khiếp về mặt tâm lý. Gánh nặng từ khán đài, sức ép từ đối thủ. Anh sẽ trở thành người hùng hay tội đồ? Tất cả đều tùy thuộc vào quyết định của anh.
Anh bước lên đối diện với thủ môn. Anh chuẩn bị thực hiện một cú sút mang tốc độ 80 dặm một giờ. Cú sút thủ môn không thể cản phá nếu bay sau khi anh vung chân sút. Vì vậy, anh biết rằng thủ môn thường sẽ quyết định trước.
Thủ môn sẽ chọn hướng nào? Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, một quyết định của người sút để thủ môn không thể cản phá, đó là sút với một lực vừa đủ vào hai bên góc của khung thành. Một cú sút đánh lừa được thủ thành, thì cơ hội thành bàn sẽ là 90%. Nhưng nếu chỉ cần một sai lầm, ví như trường hợp của Trezeguet, sút quá mạnh thì bi kịch sẽ xảy ra. Vì vậy, thủ môn thường biết rằng, người đối diện với mình chắc chắn sẽ chọn hai bên góc khung thành, và cú sút thường sẽ nhẹ chứ không mạnh đến đạt vận tốc như trên. Cơ hội cản phá tăng lên, và con số thống kê cũng chỉ ra điều đó, 41% thủ thành bay về bên trái và 57% là bay về bên phải. Và cũng chỉ 75% cú sút là thành bàn, tỷ lệ không quá cao như chúng ta thường lầm tưởng.
|
Roberto Baggio với cú pha sút penalty định mệnh tại chung kết World Cup 1994 |
75% để trở thành người hùng. Nếu thành công, thì anh sẽ trở thành ngôi sao lớn trong mắt mọi người. Anh sẽ biết đến là người mang về chiến thắng cho đội nhà. Nhưng nếu thất bại thì sao? Cái giá phải trả là rất lớn. Tỷ lệ này có đáng để hoan hỷ hay không. Quyết định sút về hai bên góc có phải là quyết định tốt nhất không? Điều này khiến cho anh phải đắn đo suy nghĩ. Góc sút nào, lực nào là vừa đủ. Thật là áp lực quá. Ủa? Nhưng khoan… Còn một quyết định nữa cơ mà.
41% là bên phải, 57% là bên trái, như vậy chỉ có 2% là thủ môn đứng yên chính giữa khung thành. Tức là có cả trăm quả, thì chỉ 2 quả là thủ môn đứng yên chờ bóng lao tới. Đó là chưa kể thủ môn thường đứng tại chỗ là do bị đánh lừa, hoặc cú sút quá tốt làm giật mình không kịp quyết định. Một pha sục bóng nhẹ, không cần phải quá mạnh vào giữa khung thành. Pha Panelka với kỹ thuật đơn giản nhất nhưng sẽ đem lại hiệu quả nhất. Vậy mà tại sao trên thế giới, chỉ 17% trường hợp quyết định như thế?
Chúng ta hãy giả tưởng đến hình tượng sau.
Phút thứ 7 của trận chung kết World Cup 2006, Zidane bước lên chấm 11m sau khi Malouda bị phạm lỗi trong vòng cấm. Trước mặt anh là chàng thủ môn xuất sắc nhất thế giới, Buffon. Dù cho Buffon có biết về bài nghiên cứu của Levitt hay không, thì Zidane cũng chắc chắn rằng gã thủ môn này sẽ bay về hai góc. “Góc nào đây? Thật là nhức đầu quá. Ông này là xuất sắc nhất đấy, sút vô thưởng vô phạt là ổng chụp được ngay thôi. Ủa? Hay là sút vào giữa. Chắc ăn nữa thì bắt chước ông già Panelka, sục nhẹ là vào lưới thôi. Nên hay không nên. Gánh nặng quốc gia đang đặt trên vai. Bàn thắng chung kết sẽ giúp quốc gia mình chiến thắng. Mình sẽ vang danh muôn thuở.
|
Zidane với cú cucchiaio vào lưới Buffon tại chung kết World Cup 2006 |
Thế nhưng, lỡ như thất bại. Sẽ trở thành một gã đáng ghét nhất trong mắt người hâm mộ. Gã điên khi đối diện một cơ hội ngon ăn như vậy mà lại quyết định thiếu trách nhiệm đến thế. Nghĩ sao mà gã dám đá vào giữa trong khi khung thành dài đến hơn 7m, chỉ cần chích chính xác vào hai góc thì tên Buffon còn cơ hội nào để đỡ nữa. Đúng vậy, dù cho sút vào hai góc không chắc ăn như sút vào giữa, nhưng như thế người hâm mộ sẽ cảm thông cho mình hơn. Dù sao thì mình cũng đã thể hiện là thực hiện cú sút an toàn nhất, chỉ là không gặp may thôi. Nhưng nếu quyết định thế thì cơ hội vô địch của nước Pháp sẽ giảm đi đáng kể”
Thế là anh đã quyết định. Quyết định mà ai trong chúng ta cũng đã biết. Và chúng ta cũng đã thấy được cú sút ấy, suýt chút nữa đã biến anh thành tội đồ. Nhưng không vì Buffon cản phá được. Mà có lẽ do căng cứng về tâm lý, một cầu thủ hoàn hảo như anh đã thực hiện cú sục bóng có lẽ là tồi nhất trong sự nghiệp.
Đúng vậy, các bạn à. Các nhà khoa học đã chỉ ra được tâm lý ích kỷ, sợ bị tổn thương của những cầu thủ đã khiến cho họ không chịu thực hiện những cú sục bóng điệu nghệ như vậy. Chỉ những gã điên như Totti hay Pirlo mới dám sử dụng đi, sử dụng lại kỹ thuật đó, và thực hiện nó trong những trận đấu quan trọng. Những con người đó đã cho chúng ta thấy hương vị nghệ thuật trong bóng đá. Nhưng bên cạnh đó, ngày hôm nay các bạn có thể biết được sự can đảm của họ đã được những nhà khoa học chứng minh là, dám đặt hình ảnh của cá nhân xuống dưới lợi ích của tập thể.
Phương GP (TTVN)