Ở thời bóng đá hiện đại, hình ảnh một vị HLV máu lửa trên sân đấu, liên tục chỉ đạo các học trò hay thậm chí là hướng lên khán đài để "chỉ đạo" cả khán giả như Diego Simeone hay Jurgen Klopp đã trở thành hình mẫu. Tuy nhiên, vẫn cần phải đặt ra một câu hỏi: đâu là giới hạn cảm xúc của một HLV?
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Thế nào là đủ?
"Cái gã ồn ào nhất trong phòng thay đồ chính là Antonio Conte," Gordon Strachan nhớ lại khi Italia đối đầu Scotland vào năm 2016.
"Chưa bao giờ tôi nghe cái thứ đó trong đời. Hắn ta để mình và cái đội hình thi đấu ở hiệp 1 ở trong phòng, còn bọn không đá thì đứng ngoài hành lang. Thế rồi mọi thứ bùng nổ. Lúc đó, tôi chỉ nghe thấy tiếng của hắn ta, chẳng ai dám phản đối gì cả."
Conte, hiện đang là HLV Tottenham Hotspur, nổi tiếng vì thường xuyên thể hiện cảm xúc của mình, dù là trong phòng thay đồ, trên đường pitch hay trước truyền thông. Tuy nhiên, ông không phải người duy nhất làm điều đó. Jurgen Klopp của Liverpool cũng không lạ gì với những cơn bùng nổ ngoài đường pitch như thế. Một ví dụ khác đó là Diego Simeone, người đã ăn mừng đầy phấn khích trong trận đấu gặp Juventus ở Champions League hồi năm 2019 ?
"Hành động đó không hay chút nào, tôi phải thú nhận thế," Simeone chia sẻ sau khi màn ăn mừng "thiếu tế nhị" của ông được lan truyền. "Nhưng tôi cảm thấy mình phải làm thế. Đó là một trận đấu khó khăn...Tôi phải cho người ta biết tôi nghĩ gì. Tôi chỉ có thể xin lỗi nếu tôi làm ai đó thấy khó chịu, nhưng tôi chỉ làm những gì mình cảm thấy trong tim thôi."
Một số người thích màn ăn mừng đó, một số (bao gồm cả UEFA, những người phạt Simeone 20000 Euro) ghét màn ăn mừng đó, nhưng ai cũng phải công nhận tinh thần máu lửa với công việc của HLV người Argentina, nhất là khi ông có một đối trọng ở đầu bên kia của thang cảm xúc. "Sven Goran Eriksson bị chỉ trích vì ngồi trên băng ghế xuyên suốt World Cup" Strachan nhớ lại. "Người ta nói "ông ta không làm gì cả. Ông ta không đủ "nhiệt" với nghề." Thực sự, mấy cái thứ đó có thể vừa hỗ trợ anh vừa chống lại anh.
Vậy, đâu là giới hạn? Một HLV có thể bày tỏ cảm xúc của mình nhiều như thế nào? "Chẳng có câu trả lời rõ ràng nào cho vụ này," Brad Friedel, cựu thủ môn và HLV của New England Revolution trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019 chia sẻ. "Việc thể hiện bản thân và hình ảnh của anh cực kỳ quan trọng bởi nếu anh không làm thế, cầu thủ, ban lãnh đạo, người hâm mộ, câu lạc bộ sẽ nhìn thấu tâm can anh. Anh phải là chính mình. Tuy nhiên, nếu anh thường xuyên nóng giận, sẽ có lúc anh phải dừng lại để nghĩ trước khi mở lời. Chắc chắn sẽ phải mất một thời gian nếu anh là dạng người muốn nói gì thì nói."
"Conte là ví dụ hoàn hảo nhất cho việc thể hiện cảm xúc bên ngoài đường pitch. Nếu bạn thấy ông ta ngồi yên thì tức là có gì đó không ổn rồi. Khi ông ấy hoạt bát, khi ông ấy nói nhiều điều ở phòng họp báo, đó mới là lúc ông ấy tập trung vào nghề. Tôi nghĩ các cầu thủ biết rõ và tôn trọng điều đó bởi đó là cá tính của ông ấy.
Theo bác sĩ tâm lý Jamil Qureshi, người từng làm việc cho các CLB Premier League cũng như các cầu thủ của Man United, Man City, Liverpool hay Chelsea, cảm xúc giúp bạn kết nối với mọi người và thay đổi không khí. Cụ thể, ông chia sẻ: "Với một chút kiểm soát và hiểu biết về việc cảm xúc ảnh hưởng lên mọi người như thế nào, điều này có thể trở thành một thứ công cụ đầy hiệu quả trong giao tiếp."
Tuy nhiên, theo Qureshi, mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ tệ nếu sự kiểm soát và thấu hiểu lẫn nhau không tồn tại: "Chúng ta sẽ phải đối mặt với việc mọi người không tin vào quyết định của chúng ta. Thậm chí, có người tin rằng bạn đã để cảm xúc đi thái quá và không suy nghĩ kỹ. Có thể nói, việc suy nghĩ thấu đáo và bền vững chính là chìa khóa cho việc thi đấu đỉnh cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải gạt cảm xúc sang một bên, mà chúng ta nên suy xét kỹ lưỡng hơn về việc làm thế nào để sử dụng nó hiệu quả nhất có thể hay làm thế nào để kiểm soát được chúng khi cần."
HLV tác động lên cảm xúc của học trò nhiều như thế nào?
Vậy, cảm xúc của các HLV, đặc biệt là ở các pha tranh cãi nảy lửa như của Alan Pardew và Arsene Wenger hay giữa Arsene Wenger và Jose Mourinho, có thể ảnh hưởng nhiều lên các học trò của họ như thế nào? Liệu họ có để ý không? Nếu để ý, liệu họ có quan tâm không?
"Khi con người gặp phải áp lực hay bị stress, họ sẽ dõi theo HLV hay các cầu thủ hàng đầu để nắm bắt cảm xúc của người đó", chuyên gia tâm lý Qureshi chia sẻ. "Cảm xúc và thái độ rất dễ được lan truyền, vì vậy, phải hết sức cẩn thận. Nếu chúng ta muốn đưa ra quyết định đúng đắn nhất và tận dụng tối đa tài năng của mình, chúng ta cần phải hiểu rằng điều quan trọng nhất vẫn là giữ vững cảm xúc của mình."
Strachan thú nhận rằng ông thường xuyên gặp vấn để với điều đó trong hơn 20 năm cầm quân. "Tôi phải dành vài ngày thứ 2 để viết những lá thư xin lỗi các trọng tài, các HLV hoặc các trợ lý HLV, sau đó giải thích lý do của mình." Vậy, có bao giờ ông để cảm xúc của mình đi quá xa chưa? "Có chứ", Strachan chia sẻ. "Khi bạn nói gì đó tệ hại với người ngồi kế bên mình chẳng hạn."
"Thời còn làm ở một CLB hàng đầu, tôi đã từng làm thế. Đây đã là gã thứ 3 tôi làm điều đó khi trở thành cầu thủ kiêm huấn luyện viên. Ngay sau đó, tôi đã phải viết thư xin lỗi anh ta." Strachan chia sẻ.
Nói rất dễ, làm rất khó
Với một vài HLV, việc kiểm soát cảm xúc có thể mất một khoảng thời gian dài.
HLV của Wycombe Wanderers, Gareth Ainsworth, lựa ra hai vụ việc xảy ra khi ông còn làm ở CLB đã khiến ông bắt đầu quan tâm hơn cảm xúc của mình. "Tôi tranh cãi với một HLV và bị cảnh cáo. Lần đó, tôi đã nhận được một bài học. Sau đó, tôi bị đuổi khỏi sân ở trận gặp Crewe Alexandra. Khi đó tôi nói với trọng tài rằng ông ấy đã đưa ra một quyết định đáng xấu hổ."
"Nhưng tôi đã học được nhiều điều từ những khoảnh khắc đó. 10 năm sau, tôi nhắc lại với các học trò của mình rằng tôi sẽ ở bên họ theo nhiều cách khác nhau. Họ biết rõ tôi ở đây vì họ, kể cả khi tôi không hét thẳng mặt trọng tài hay "trút giận" lên cầu thủ đối phương. Hồi trước, tôi luôn làm thế để chứng minh với họ rằng tôi luôn ủng hộ họ. Có lẽ đó là sai lầm lớn nhất của tôi. Đáng lẽ ra, tôi phải làm điều đó theo cách hợp lý hơn."
Dù vậy, Ainsworth vẫn tự hào về việc mình là người thiên về cảm xúc. Theo ông, đó là chiếc chìa khóa của việc làm HLV. "Tôi chẳng cần phải thay đổi quá nhiều. Tôi chỉ phải đề ra giới hạn, sau đó kiểm soát bản thân trên đường pitch rồi nghĩ: "Mình phải trông ra sao với lũ học trò ?" "
"Ở thời điểm khó khăn, bạn mới thấy rõ bản chất của người khác. Tôi hy vọng rằng mình sẽ không phải nhận thêm cái thẻ đỏ nào khi làm HLV, bởi lẽ, đây là lời cảnh tỉnh cực lớn với tôi. Là một người lãnh đạo, nó thể hiện sự thiếu kiểm soát tâm lý, một điều tôi hay nói với các học trò. Một tấm thẻ đỏ vì một pha tắc bóng trên sân có thể chấp nhận được nhưng vì nổi nóng thì không." Ainsworth chia sẻ với The Athletic.
Cựu HLV West Ham và West Brom. Slaven Bilic, đã từng phải nhận thẻ đỏ hai lần trong sự nghiệp. "Lần đầu đó là một trận là ở Premier League, tiếp đó là một trận gặp Arsenal ở giải Châu Âu khi tôi dẫn dắt Besiktas," ông chia sẻ với The Athletic. "Ngay khi điều đó xảy ra, tôi đã nghĩ: "Chết tiệt, mình đã làm gì thế này ?" Tôi không hối hận, nhưng nghĩ lại, tôi cảm thấy thật sự tệ." Slaven Bilic chia sẻ với The Athletic ở cuối bài viết.
Dịch từ bài viết của tác giả Sarah Shephard cho trang tin The Athletic.