Cũng chẳng phải đâu xa, chỉ hơn tuần trước, giới hâm mộ bóng đá Việt Nam "ngẩn ngơ" khi siêu sao bóng đá Ronaldo cùng cô bồ Irina xinh như mộng tung tăng ở Thái Lan. Không phải ở chơi kiểu "lướt sóng" mà bộ đôi này ở Thái đến mấy ngày.
Ngẩn ngơ một phần là vì chuyến đi này của ngôi sao Real đã được bao trọn gói bởi hãng xe hơi rất quen thuộc ở Việt Nam: hãng Toyota. Ronaldo đại diện cho dòng xe mới.
Người Việt phải mua xe Toyota đắt vài lần giá trị thật, đắt hơn cả người Thái mua xe này vì thuế nhập khẩu và vị bị đội giá các dòng xe được lắp trong nước. Nghĩa là bị "chặt chém" mà không được Toyota mời Ronaldo ghé nửa bước chân.
Có người nói đùa rằng, Ronaldo không đến Việt Nam chẳng qua là do anh kỹ sư tên Tạch. Bỗng dưng, anh Tạch này công bố lỗi trong xe của hãng, kiện tụng tùm lum và dù những gì anh Tạch đưa ra rất có lý nhưng không lại được một tập đoàn lớn.
Ronaldo cùng cô bồ Irina xinh như mộng tung tăng ở Thái Lan.
Đến Ronaldo mà Toyota còn mua được thì sự thật có rõ đến mấy cũng có khả năng bị mua. Nhưng nói thế thì oan cho anh Tạch quá, có khi còn oan cho cả Ronaldo.
Sau EURO, Indonesia cũng tiếp Xabi Alonso. Nhà vô địch châu Âu đến xứ vạn đảo nhờ sự tài trợ một công ty chuyên xuất khẩu… lạc của Indonesia.
Quái quỷ thật, khi mà Thái, Malaysia, Indonesia, Singapore cứ tưng bừng đón những ông lớn như MU, Man City, Arsenal sang du đấu. Thậm chí lèng tèng như QPR - đội bóng mới tậu Park Ji-sung cũng vèo vèo ĐNA.
Nhưng mà không có Việt Nam.
Chuyện này không phải bây giờ mới nói mà tồn tại cả thập kỷ.
Thời báo cấp, người ta hay có món phở, gọi là phở… ngó. Nghĩa là không có tiền, đứng… ngó chơi.
Giờ đây cũng chẳng thiếu người hâm mộ Việt Nam bỗng phát hiện ra tại sao cổ mình lại dài thế bởi cứ phải liên tục nghển cổ… ngó sang các nước bên cạnh rồi tự hỏi tạo sao họ làm được, mình thì không.
Nói chuyện không có tiền? Không phải.
Ngay cả một doanh nghiệp cỡ bự như HAGL bị Standard & Poor- một trong những cơ quan xếp hạng tín dụng lớn của thế giới- đánh giá thấp vẫn có khả năng, bằng quan hệ và tiền mời thầy trò giáo sư Wenger sang Việt Nam.
Nhưng sau đó thu lại cái gì? Người làm kinh doanh không bỏ tiền ra chơi. Vấn đề là chúng ta thiếu những nhà tổ chức đủ tầm để tạo ra những sự kiện lớn. Thiếu những nhà tổ chức ấy, nghĩa là thiếu những đường băng cho các ông lớn hạ cánh.
Thế nhưng khi đặt vấn đề này ra, rồi sẽ lại có những ý kiến phản bác: bỏ ra cả triệu USD chỉ cho 90 phút của mấy ngôi sao thi đấu có đáng không? Nhất là ở thời điểm ai cũng nghe thấy lạm phát, khó khăn, khủng hoảng...
Việc nào ra việc đó, bởi chí ít sự xuất hiện của các sao là thật (một đội bóng gọi là có siêu sao gần nhất đến Việt Nam là Olympic Brazil 4 năm trước). Nó thật hơn cả việc cả nền bóng đá mỗi năm đổ vào tổng cộng 50-60 triệu USD để rồi đã có người nhận xét chua cay: V.League là… kịch ngoài nắng.
Ừ thì các đội bóng của Premier League, những Ronaldo, Alonso có đến thì cũng liên quan nhiều tới tiền tệ, quan hệ… và cũng vì các sao ấy ở quá xa.
Ấy vậy mà có những sao rất gần, đến rồi nhưng cũng phải chạy. Người hâm mộ Việt Nam vẫn phải nghía sang tận… Mỹ để trầm trồ: lại thêm một siêu phẩm của Lee Nguyễn ở giải nhà nghề.
Sao thế nhỉ? Và rồi chẳng biết hỏi ai. Chẳng lẽ thì thào: "Thôi nào, Tạch ơi"?
(Theo Thể Thao 24h)