Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Tự truyện Sir Alex phần mới (Chương 2): Vai trò mới “quân sư quạt mo”

Thứ Sáu 21/11/2014 21:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ở chương đầu, bạn đọc được biết đến những hoạt động thường ngày của Sir Alex Ferguson sau khi ông rời Old Trafford. Chương hai miêu tả công việc của Sir Alex với vai trò đại sứ HLV cho UEFA và chia sẻ của ông về những người đồng nghiệp ở Premier League.

Bóng đá nay đã khác

Tất nhiên là tôi vẫn làm những thứ liên quan đến bóng bởi đó là cuộc sống của tôi quá nửa đời người. Sau khi giải nghệ, tôi được mời làm đại sứ HLV cho UEFA và giám đốc kỹ thuật cho M.U. Ngày trở lại Old Trafford, chỗ của tôi không phải là cabin HLV quen thuộc. Tôi ngồi rất gần khu vực khán giả. Mọi người đều chăm chú nhìn tôi. Cảm giác thật kỳ lạ bởi trước kia, đám đông hiếm khi nào tiếp cận tôi gần đến vậy. Cũng không rõ vì sao nữa, nhưng hình như tất cả đang cố gắng đọc suy nghĩ trong đầu tôi thì phải.

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở UEFA là tham gia buổi talkshow với hơn 200 HLV tới từ toàn cõi châu Âu tại Lisbon (Bồ Đào Nha) và Turin (Italia). Tại đây, tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình và muốn lưu tâm với các bạn đồng nghiệp rằng, bóng đá nay đã khác xưa rất nhiều rồi. Phòng ngự phản công là ví dụ cụ thể nhất. Theo lý thuyết bóng đá của người Mỹ-Latinh, chiến thuật này chỉ cần từ 1 đến 2 tiền đạo. Nhưng bây giờ, muốn ghi bàn thì các đội phải huy động tới 6 người cho mặt trận tấn công bởi một loạt hệ thống chuyển từ tấn công sang phòng thủ hay ngược lại đã ra đời.

 

Các HLV cũng cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, nhất là khi nói chuyện với các ông chủ. Đây là điều quan trọng nhất mà một người có ý định hoặc đang theo đuổi nghiệp huấn luyện cần nhớ. Giới chủ đầu tư giờ đây rất đa dạng. Họ làm đủ mọi ngành nghề, tới từ khắp ngõ ngách trên thế giới: Trung Đông, Malaysia, Nga, châu Mỹ…. Yêu cầu với người huấn luyện cũng khắt khe hơn rất nhiều. Bất kể danh tiếng của bạn ra sao, bạn cũng phải “khăn gói quả mướp” nếu đội nhà không giành kết quả như ý muốn. Không còn thời gian để các HLV kịp ổn định tinh thần và trí lực.

Hình mẫu như tôi gần như đã tuyệt chủng trong giới bóng đá. Chưa ai được tạo 26 cơ hội trong 26 năm liên tiếp. Cũng hiếm có ai được hậu thuẫn như tôi. Khi còn dẫn dắt M.U, tôi chưa bao giờ sợ báo chí. Khác với số đông HLV - những người thường bị truyền thông Anh dắt mũi, tôi luôn làm chủ cuộc chơi. Triết lý của tôi rất rõ ràng: M.U không sợ ai. Thú thực, tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc với nhiều con người đáng quý suốt gần 30 năm.

Vai trò người đi trước

Nghỉ hưu không khiến tôi bớt tò mò khi nghe đến hai từ “công việc”. Ở đâu có việc, ở đó có tôi. Nhưng thay vì chỉ đạo trực tiếp các cầu thủ thi đấu trên sân, tôi trở thành quân sư, đưa ra lời khuyên và góp ý cho những HLV khác tại giải Ngoại hạng.

Tony Pulis gọi điện cho tôi vài lần khi ông ấy được mời về dẫn dắt Crystal Palace. Tôi nói rằng nếu ông ấy biết phát huy lợi thế sân nhà, Palace sẽ thoát khỏi vòng xoáy nguy hiểm. Điểm mạnh của Pulis là khích lệ tinh thần các cầu thủ, mà điều này thì cực kỳ có ích khi đội được chơi ở sân đấu yêu thích với những CĐV cuồng nhiệt nhất. Thế nên, khi Pulis bị sa thải ngay trước thềm Premier League 2014/2015 thì tôi nghĩ, ông ấy chẳng có gì phải xấu hổ với danh hiệu “HLV xuất sắc nhất năm”.

Sean Dyche, HLV của Burnley cũng đôi lần tìm đến tôi. Tiềm lực tài chính của Burnley không mạnh. Chất lượng đội hình của họ không cao. Lời khuyên của tôi là: “Hãy cầu nguyện đi, và nói với người của ông rằng năng lượng của người chơi bóng chuyên nghiệp không bao giờ cạn”.

Cảm giác đứng ngoài

Ấn tượng với bất kỳ ai yêu thích bóng đá Anh bao giờ cũng là những cặp đấu trong nhóm các đội mạnh. Phải tới tận năm ngoái, tôi mới được theo dõi các cuộc đại chiến giữa nhóm “Big 5” trọn vẹn. Cảm giác của người ở ngoài như một khán giả bình thường thật thú vị và nhẹ nhõm.

Hồi tháng 2, tôi đã nghĩ Chelsea sẽ giành chức vô địch. Mourinho luôn thu hút được sự chú ý, với những phát ngôn thông thái đầy hiểm địa. Ông ấy liên tục tâng bốc đối phương và gọi các cầu thủ Chelsea là “những kẻ chiếu dưới”. Những điều chỉnh chiến thuật của Mourinho vẫn xuất sắc như ngày nào.

Đến tháng 4, Liverpool lại là ứng viên vô địch sáng giá nhất. Tiếc là chuỗi 11 trận thắng liên tiếp của họ bị Chelsea chặn đứng - bước ngoặt của mùa bóng. Và cuối cùng Man City mới là đội bước lên bục cao nhất, nhờ chiều sâu đội hình và tài thao lược của Manuel Pellegrini.

Nhưng trên tất cả, người khiến tôi khâm phục nhất lại là Arsene Wenger. Trước trận chung kết Cúp FA mùa trước, tôi cầu nguyện cho Hull vì Steve Bruce từng là học trò của tôi. Tiếc là Arsenal mới là đội chiến thắng, song đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực suốt 9 năm trời của Arsene Wenger. Những người làm bóng đá đều có cảm tình đặc biệt với Wenger. Ông ấy luôn có cách vượt qua áp lực. Ông ấy luôn kiên định với niềm tin của mình. Quan trọng nhất, ông ấy không bao giờ đầu hàng.

Cái hơn của Wenger so với những HLV khác là sự mạo hiểm. Wenger dám thử nghiệm những cầu thủ trẻ. Bóng đá ngày càng ít nhân tài do các HLV không đặt niềm tin vào lớp trẻ. Wenger thì khác, ông ấy phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài. Ai mà bằng được Wenger? Tôi không chắc là kỷ nguyên Wenger-Arsenal sẽ kéo dài tới năm thứ 26, nhưng dù sao thì Wenger cũng có tố chất để chạm đến cột mốc ấy.

Những năm trước, tôi chỉ cắm mặt ghi chép, xem băng video, chỉ đạo học trò. Bây giờ khi đã thảnh thơi hơn trước khá nhiều, đứng ngoài quan sát, tôi mới có được cái nhìn bao quát về những người bạn đồng nghiệp. Với một ông lão, những cảm quan chậm rãi thường dễ chịu và thích thú hơn nhiều so với việc ép bộ não đưa ra câu trả lời trong vòng 5 giây.

Theo choibong

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X