Sẽ có nhiều độc giả tự nhủ: “Tất nhiên rồi” khi chúng tôi đưa ra thông tin sau: giải Ngoại hạng là giải đấu thể thao có thương hiệu lớn nhất ngoài biên giới nước Mỹ. Nhưng chúng tôi đang nói đến giải Ngoại hạng Ấn Độ, không phải Ngoại hạng Anh.
Nói lại cho rõ
English Premier League (sau đây xin được gọi là Premiership để phân biệt) có thể đã đi vào ấn tượng của nhiều CĐV bóng đá và thể thao nói chung như giải đấu quốc nội nổi tiếng nhất hành tinh. Nhưng sự nổi tiếng mơ hồ ấy chưa chắc đã là giá trị thực. Trong mắt các nhà kinh tế, Indian Premier League, giải Ngoại hạng môn cricket của Ấn Độ mới là giải đấu có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới, nếu không tính các giải bóng rổ, bóng bầu dục và bóng chày Mỹ (vốn có lợi thế quá lớn từ nền kinh tế vĩ đại này). Nó được định giá 4,13 tỷ USD - khoảng gấp rưỡi giá trị của Premiership.
Đó dường như là một thực tế phi lý, bởi bất chấp việc Ấn Độ là nước đông dân thứ 2 thế giới, thì môn cricket được chơi không mấy phổ biến. Thị trường của cricket không thể so sánh với môn bóng đá. Chẳng phải Chelsea, M.U hay Liverpool luôn có một lượng CĐV đông đảo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và Bắc Mỹ hay sao? Nhưng đó chỉ là một trong số các ví dụ phũ phàng để nói rằng Premiership không hùng mạnh như người ta tưởng tượng.
Tại sao, Manchester?
Manchester United và Manchester City đã bị loại khỏi vòng bảng Champions League, rồi lại tiếp tục bị các đại diện từ bán đảo Iberia là Sporting Lisbon và Athletic Bilbao đá văng ngay lập tức khỏi Europa League. Đó không phải là một hiện tượng mang tính nhất thời.
M.U và Man City được coi là những đội bóng mạnh, đơn giản bởi giá trị đội hình của họ. Mức giá chuyển nhượng từ 15-20 triệu bảng của những cầu thủ như Ashley Young, Phil Jones, Barry, Adams hay Milner biến họ thành những ngôi sao. Nhưng thực chất, có một thực tế mà ai yêu bóng đá cũng nhận ra: mức giá chuyển nhượng của các cầu thủ tại Premiership luôn có xu hướng cao hơn phần còn lại của châu Âu.
Nhưng những con số thống kê trong trận Bilbao-M.U đã nói lên thực tế: đội hình của M.U không thể so sánh với đối thủ Tây Ban Nha về sức mạnh. Bilbao vượt trội ở khu vực giữa sân với những hảo thủ trẻ xứ Basque mà họ tự đào tạo. Sau 2 lượt trận, tỷ lệ cầm bóng trung bình chỉ là 53-47 nghiêng về phía Bilbao, nhưng tổng tỷ số các pha dứt điểm là 31-14, tỷ số phạt góc là 13-8, đều nghiêng về Bilbao. Thủ môn David De Gea đã có 11 pha cứu thua các loại. Một thực tế nữa cần xét đến là HLV Alex Ferguson, cho dù đã có những thay đổi, vẫn tung ra đội hình mạnh nhất có thể (ngoại trừ việc cho nghỉ Rio Ferdinand vì thể lực). M.U là đội yếu hơn, không nghi ngờ gì nữa.
Tương tự là Man City. Số tiền hàng trăm triệu bảng mà tỷ phú Sheikh Mansour chi ra để tuyển quân thực chất đã tạo ra một đội hình như thế nào? Có nhiều ngôi sao đẳng cấp thật sự, như Kompany, Aguero, Silva và Toure. Nhưng cũng có rất nhiều những cầu thủ bị đội giá: nhìn cách những Lescott và K.Toure thi đấu, hẳn đã có CĐV mơ ước sở hữu một trung vệ như Xandao trong đội hình. Mà Xandao và cú đánh gót giúp Sporting chiến thắng trong trận lượt đi có giá bao nhiêu? Miễn phí. Anh được Sporting mượn về từ Brazil.
Sức mạnh của Premiership đang được đong đếm quá nhiều bởi sự hào nhoáng vẻ ngoài.
Lòng tin đã mất ?
Quay trở lại với câu chuyện về giá trị thương hiệu của Premiership so với giải Ngoại hạng cricket Ấn Độ (hẳn đến lúc này vẫn có độc giả tự hỏi môn cricket là môn gì, chơi như thế nào). Nếu phải đi tìm nguyên nhân của điều đó, có một lý do đơn giản là Ấn Độ sở hữu một nền kinh tế lớn gấp đôi Vương quốc Anh. Các doanh nghiệp Ấn rót tiền không tiếc tay vào giải cricket nước này.
Tại sao họ lại rót tiền, trong khi doanh thu của một CLB cricket hàng đầu chỉ ở mức vài chục triệu USD, còn doanh thu của các CLB Premiership có thể lên tới hàng trăm triệu? Có thể vấn đề là lòng tin.
Chuyện “tiêu tiền như rác” ở Man City và Chelsea không đại diện cho lòng tin của giới đầu tư ở Premiership. Đó chỉ là thú chơi của một vài người thừa tiền. Để hiểu được lòng tin của giới đầu tư vào Premiership, phải nhìn vào Everton: đó là một thương hiệu bóng đá hàng đầu châu Âu và rất được yêu quý ở nước Anh. Nhưng ông chủ Bill Kenwright đã rao bán CLB suốt nửa thập kỷ nay mà vẫn chưa có người mua.
Những nhà đầu tư đã nhảy vào Premiership bây giờ đa số là những tay ma cô, cò mồi, hoặc nếu không cũng là các nhà đầu tư cực kỳ chặt chẽ. Các đời chủ của Portsmouth, ông chủ người Hongkong của Birmingham, đều chỉ hứa cuội và nhấn chìm CLB vào vũng lấy khủng hoảng. Ông chủ Mỹ của Aston Villa, Sunderland và Arsenal không đầu tư tiền túi vào CLB. Các ông chủ Anh của Everton, Fulham, Wolves đều không thuộc hàng những đại gia hàng đầu của đất nước này? Các doanh nghiệp Anh đã đi đâu, tại sao họ không làm như các đại gia Ấn Độ? Có lẽ Premiership không thực sự hấp dẫn như người ta nhìn vào…
(Theo VTC)