Phút 88 của trận đấu, tỷ số vẫn là 0-0, Arsenal đứng trước nguy cơ bị Juventus loại bởi luật bàn thắng trên sân khách. Đột nhiên, cầu thủ vào sân từ ghế dự bị Paul Vaessen sút cực mạnh vào góc xa khung thành.
Thủ môn của Juventus đứng sững, nhìn bóng bay vào lưới. Bàn thắng ấy làm câm lặng cả sân vận động, chấm dứt thành tích bất bại trong 25 năm của Juventus trước các đội bóng Anh trên sân nhà và đưa Arsenal vào trận chung kết Cúp C2 mùa 1979-1980 đầy vẻ vang. Nhưng đằng sau chiến tích đó là cả một thảm kịch lớn với cá nhân “người hùng” của trận đấu. Bắt đầu từ chấn thương, nỗi tuyệt vọng, ma túy và kết thúc bằng cái chết.
“Vũ điệu của Paul”
Paul Vaessen chỉ mới 18 tuổi khi ghi bàn thắng quyết định cho Arsenal ở Turin. Ngày sau đó, tên của chàng trai sinh ra ở London xuất hiện trên khắp các mặt báo. Vaessen được ca ngợi là người hùng, là thần đồng của Arsenal. Nhưng Vaessen không góp mặt trong trận chung kết, nơi Arsenal bị Valencia đánh bại trên chấm phạt đền. Sự vắng mặt đáng tiếc này chính là dấu hiệu đầu tiên cho nỗi đau lên đến cùng cực mà Vaessen phải gánh chịu những năm sau đó.
Ông buộc phải chia tay với bóng đá khi chưa đầy 21 tuổi. Chấn thương đầu gối khiến Vaessen bị ám ảnh rằng bản thân là một gã què quặt, vô dụng. Ông sợ hãi đối phó với nỗi sợ sẽ mất đi chân của mình. Đau khổ, bất lực, Vaessen tìm đến “cái chết trắng” để nhanh chóng biến mất khỏi cuộc đời. Tháng 8 năm 2001, Vaessen trút hơi thở cuối cùng, để lại một bi kịch đầy tang thương trong lịch sử bóng đá.
Câu chuyện của Vaessen mới đây đã được gợi lại như một lời cảnh báo với những hiểm nguy có thể đến từ nỗi tuyệt vọng của các danh thủ. Tất cả được gói gọn trong cuốn “The Ballad of Paul” (Vũ điệu của Paul) mới được phát hành tại Anh. Cuốn sách gợi lại tất cả về một người hùng trẻ tuổi bị biến thành một con nghiện và chết một mình trong căn nhà ở Bristol ở tuổi 39.
Cái chết & sự thức tỉnh
Mẹ của Vaessen, bà Maureen, nay đã 72 tuổi, tiếc nuối bảo rằng có lẽ con bà sẽ sống nếu như sống ở thời đại hôm nay. Ý bà Maureen muốn nói đến sự phát triển của y học. “Họ bó chân của nó lại trong vòng 4 tháng. Nó được chuẩn bị tâm lý để trải qua thử thách cuối cùng và kết cục con tôi bị què. Giá như có thể hiểu được tâm trạng của nó. Đang ở thiên đường, 15 phút của danh vọng, như nó vẫn thường nói, và ở tuổi 21 được thông báo rằng không thể chơi bóng nữa”.
Đau đớn hơn, ma túy và nỗi sợ hãi biến Vaessen thành một con người khác. Ông từng suýt chết trong một vụ đâm chém vì hiểu nhầm trong giao dịch ma túy, cuộc sống gia đình trong vai trò của người con và người cha cũng tan nát. Ma túy, thứ Vaessen tìm đến để mong xoa dịu nỗi đau càng khiến ông khổ sở hơn. Nó hành hạ về tinh thần và khiến vết thương ở chân bị loét trầm trọng.
Cựu thủ quân Arsenal, Tony Adams, xuất hiện trong buổi ký tặng sách. Adams cùng với Vaessen chơi thân với nhau từ khi còn là những đứa trẻ ở Highbury, sân cũ của Arsenal. Một khởi đầu, hai kết thúc nhưng quá trình của họ có nét tương đồng. Nếu Vaessen nghiện ma túy thì Adams ngập trong rượu. “17 năm trời tôi uống rượu như thể nó là đồ miễn phí”- ông nhớ lại. Vì “ma men”, Adams trải qua không ít rắc rối với cảnh sát, với CLB và từng suýt đột quỵ trên giường ngủ.
Ông thừa nhận, so với Vaessen mình là người may mắn. Cái chết của đồng đội đã thức tỉnh Adams. Khi tỉnh táo, ông nhận ra rằng rượu muốn ông chết, muốn gia đình phải khóc trước ngôi mộ của ông. Và Adams quyết tâm cai rượu.
Ông còn lập nên phòng khám Chance Sporting Clinic để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ và cựu cầu thủ. Với Adams, mục đích ra đời của Chance Sporting Clinic là để thế giới bóng đá không còn phải chứng kiến một Vaessen nghiện ngập. Trong suy nghĩ của mình, Adams ước ký ức về Vaessen chỉ có hình ảnh đẹp đẽ của nụ cười khi xé lưới Juventus.
Theo Thể Thao Văn Hoá