Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Phiếm đàm các "kịch sĩ" trên sân cỏ

Thứ Tư 13/12/2006 09:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nạn “kịch sỹ” trong thời gian qua đã lan tràn trong giới bóng đá như một loại bệnh truyền nhiễm, khiến các vị chức sắc kém vui còn nhiều đội bóng thua trong cái tức bầm gan tím ruột.

Tôi đồ rằng nếu cho Gareth Southgate 1 khẩu súng, 1 viên đạn và 1 lần được bóp cò, đích ngắm của ông sẽ là cái chân phải của Cristiano Ronaldo. Còn phải nói, 2 cú ngã của cậu chàng người Bồ tại Riverside đã “cướp” mất của Boro cái quyền được có điểm. 


 
Có ai làm gì đâu .....


Nếu như trước kia, cả cái châu Âu rộng là thế mà chỉ có mỗi Fillipo Inzaghi và Predrag Mijatovic xưng hùng xưng bá trên “sân khấu kịch” - thì nay, các divers (các cầu thủ chuyên ăn vạ, ngã vờ để kiếm phạt đền, để đối thủ bị phạt thẻ - tạm gọi là “kịch sỹ”) đã tạo được tiếng nói trên khắp hành tinh.

 

Lionel Messi bé bỏng, ngoan ngoãn cũng đã không dưới 1 lần khiến đàn chú Mourinho sôi gan lộn máu bằng một cú ngã đẹp như tranh vẽ của mình ở Champions League. “Voi hoang” Didier Drogba nổi tiếng mạnh bạo, lỳ lợm cũng đã tạo được tăm tiếng cho mình bằng những cú đổ mình nhẹ tựa lá vàng.

 

Thierry Henry, Zlatan Ibrahimovic, Ruud van Nistelrooy, Deco, Robinho… mỗi người một phong cách, nhưng đều giống nhau ở một “điểm yếu” chung: rất hay mắc bệnh “đứng không vững”.

 

Và còn nhiều, nhiều cái tên lắm muốn học theo họ để kiếm tìm lợi thế cho đội nhà. Bài học còn hôi hổi ra đó: Corradi nhận thẻ vàng thứ hai sau pha ngã vật sống sượng cuối trận derby thành Manchester, Drogba (lại Drogba) và Lehmann hằn học chia nhau 2 chiếc thẻ vàng khi âm mưu “ăn vạ” bất thành giữa trận derby London.

Cùng ý tưởng, song cái cách hiện thực hoá của mỗi người một khác. Và độ khéo léo trong những pha ngã (mức độ tự nhiên, khả năng chọn khóc khuất tầm mắt trọng tài, chọn thời điểm ngã, độ quằn quại trong những pha ôm mặt…) có ảnh hưởng quyết định đến phán quyết của trọng tài.


.... mà ngã "đẹp" thế Ronaldo!
 

Tất nhiên, là những nhà quản lý bóng đá, FIFA, UEFA hay bất kỳ liên đoàn nào cũng không muốn vấy bẩn môn thể thao vua bằng những màn kịch. Và như thường lệ, những lời phản đối lại vang lên, giống như cái cách mà họ đã làm với vấn nạn “đi đêm” trong chuyển nhượng, vấn đề xung đột giữa CLB và ĐTQG hay việc một số kẻ lắm tiền “phá giá” thị trường cầu thủ. Và họ đều thất bại, hoặc bất lực cả.

 

Không ai tán đồng những cú divings, nhưng ai cũng gọi bàn tay của Maradona là “bàn tay của Chúa”, ai cũng coi những bàn thắng được công nhận trong thế việt vị là “nhạy cảm”, hoặc tệ hơn là “một phần tất yếu của bóng đá”. Và thật tệ, đến ngài Chủ tịch FIFA trong một phút bốc đồng cũng thừa nhận rằng mình đã từng là một diver có hạng.

 

Vậy thì, mặc dù rất cảm thông với sự cay đắng của ông Southgate, tôi e rằng phản đối nạn “kịch hoá bóng đá” là một việc làm đúng trên lý thuyết về bóng đá, và là một nỗ lực bẻ nạng chống trời trong thực tế sân cỏ.

 

Bởi 2 lý do: 1. Những cú ngã dù là tiểu xảo, vẫn không làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng người chơi bóng đá như những cú tackle xấu, những cái cùi chỏ khéo léo hoặc vụng về đựoc chìa ra. 2. Bản thân cái việc ngã cũng là một nghệ thuật, trong đó “người nghệ sỹ” sẽ được tượng thưởng nếu vào vai xuất sắc, và bị trừng phạt thích đáng bằng chiếc thẻ màu vàng nếu diễn quá thô kệch. Đó âu cũng là một phép bù trừ.

 

Vì vậy, hay là cứ chấp nhận nó, như một sai số của đời sống bóng đá. Miễn rằng sai số đó đừng đi quá giới hạn của dung sai cho phép??!

 

Xưa nay, những sai lầm của trọng tài (tức bao gồm cả việc ăn quả lừa của “kịch sỹ”) vẫn chẳng được coi là “một phần của bóng đá” đó sao?

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X