Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Nỗi niềm cầu thủ Việt

Thứ Năm 20/12/2012 09:01(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cũng là con người, nhưng cầu thủ luôn phải chịu sức ép lớn và đang bị các CLB chèn ép, trong khi VFF thờ ơ.

“Cứ mở báo ra đọc là thấy những thông tin chỉ trích cầu thủ. Bình thường không sao, chứ trước lúc thi đấu thì ảnh hưởng đến tâm lý nhiều lắm”, một cầu thủ tâm sự. Trong cơn khủng hoảng mà bóng đá Việt Nam đang đối mặt, cầu thủ đang phải nhận hậu quả nặng nề, không phải ai cũng có chỗ để chia sẻ.

Cầu thủ khốn khổ khi nền bóng đá khủng hoảng
Cầu thủ khốn khổ khi nền bóng đá khủng hoảng

Hàng trăm cầu thủ đang bị thất nghiệp nhưng họ không đáng phải nhận kết cục như vậy. Để trưởng thành, đủ điều kiện ra sân chơi bóng đá đỉnh cao, một cầu thủ đã được đầu tư nhiều công sức và tiền của. Bản thân họ khi chọn nghiệp quần đùi áo số, cũng đã đánh đổi rất nhiều. Vì thế, khi thất nghiệp, chính cầu thủ là người chịu thiệt và cảm thấy buồn nhất.

Nhiều cầu thủ tâm sự, họ thất nghiệp thật, nhưng chưa phải là thảm họa. Bóng đá lúc thắng lúc thua thì sự nghiệp cũng vậy lúc thế này lúc thế khác. Rất nhiều cầu thủ đã chuẩn bị cho mình cửa hậu để sau khi giải nghệ, sẽ chuyển hướng.

Chẳng hạn như Thành Lương dù đang thất nghiệp, nhưng đã có quán café rất hoành tráng ở Hà Nội. Hồng Sơn và Công Vinh cũng mở nhiều nhà hàng mang thương hiệu của bộ đôi này. Tấn Trường đầu tư vào sân cỏ nhân tạo. Hàng chục cầu thủ khác cũng có cửa hàng riêng hay đầu tư và kinh doanh, bất động sản... Với mức lót tay lên tới hàng tỷ đồng, cầu thủ nào biết tính toán, sẽ có đủ vốn để khi giải nghệ sẽ không phải lo nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

Thực tế, không phủ nhận việc một bộ phận không nhỏ cầu thủ có lối sống buông thả, đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí còn bán cả đồ đạc trong nhà để trang trải cuộc sống. Đó chính là bài học xương máu cho những cầu thủ vẫn đang chơi bóng nhìn vào.

Hôm qua, tiền đạo Công Vinh vừa hoàn tất hồ sơ học Đại học TDTT Từ Sơn Bắc Ninh. Thất nghiệp hay không giờ này chưa ai dám khẳng định, nhưng đảm bảo cầu thủ này đã chuẩn bị sẵn cho mình một “đầu ra”. Tại AFF Cup vừa qua, Công Vinh chính là một trong những người bị chỉ trích nặng nhất, nhưng có là người trong cuộc, mới hiểu cầu thủ này chỉ là tấm bia đỡ đạn. Chính vì có những góc khuất khó nói, nên cầu thủ nhiều khi bị sức ép, chịu búa rìu dư luận không đáng có. Đáng buồn hơn là ngay cả ở CLB, cầu thủ cũng bị đối xử ngày một thiếu công bằng.

Mới đây, lãnh đạo đội Ninh Bình đã trừ một tháng lương vì cầu thủ dám phản ứng chuyện CLB chậm lương 3 tháng. Chưa hết, lãnh đạo đội bóng thậm chí còn giảm mức lương cầu thủ xuống 50%. Trong cảnh đi chẳng ai nhận, mà lại phải đền bù hợp đồng, cầu thủ Ninh Bình bị đặt vào ở thế đã rồi, đi không được, mà ở thì phải cắn răng mà chịu sự bất công vô lý.

Ở CLB Sài Gòn Xuân Thành, cầu thủ bị bầu Thụy bán như những mớ rau ngoài chợ, còn ở Khánh Hòa, cả đội bị bán nhưng chỉ đến sát ngày mới được thông báo. Đặt vào hoàn cảnh của các cầu thủ, mới thấy khả năng chịu đựng của họ là rất lớn, dù chẳng phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự đối xử như vậy.

Cầu thủ bị CLB thiếu tôn trọng còn VFF hay VPF thì phó mặc. Ngay cả đến Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ đến giờ vẫn chưa được thành lập. Vì thế mà hầu hết cuộc tranh cãi, kiện cáo, cầu thủ luôn chịu thiệt. Bóng đá suy cho cùng cũng là một nghề và cầu thủ là những người lao động. Họ cũng cần được bảo vệ và chia sẻ khi gặp khó khăn, nhưng không phải ai cũng nghĩ được như vậy.

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X