Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Ngẫm từ chuyện Quốc Vượng đi bốc vác mưu sinh

Thứ Sáu 29/11/2013 10:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những ngày qua, người ta lại nhớ đến Vượng nhiều hơn khi câu chuyện anh phải làm bốc vác để có tiền lo cho gia đình, vợ con được đăng tải trên các trang báo. Chắc hẳn, nhiều người thấy mừng cho Vượng bởi anh đã biết trân trọng giá trị của đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt mà có.

1. Ở đời, cái gì dễ đến thì dễ đi, đồng tiền cũng vậy. Nói đến đây, liên tưởng đến giới cầu thủ Việt Nam, trong số họ cũng đang tồn tại một bộ phận “kiếm tiền không khó” nên tiêu xài xa xỉ, vào ra quán bar, vũ trường dễ như người ta ghé bên đường uống cốc trà đá. Cũng còn một số cầu thủ dính vào “đỏ đen” chưa dứt ra được.

Thẳng thắn mà nói, giá trị thực của giới cầu thủ Việt Nam không tương xứng với những đồng tiền họ đang nhận được từ các đội bóng. Cho nên, câu chuyện quản lý và giáo dục cầu thủ vẫn cứ là vấn đề muôn thuở ở bóng đá ta.

Quốc Vượng (trái) từng có thời là tiền vệ trung tâm hay nhất nhì Việt Nam
Quốc Vượng (trái) từng có thời là tiền vệ trung tâm hay nhất nhì Việt Nam

Ai cũng có những sai lầm. Điều quan trọng là bạn có đứng lên được sau những sai lầm đó. Trở lại với câu chuyện của Quốc Vượng, thu nhập 6 triệu đồng thời buổi bây giờ chẳng là gì so với cái thời anh làm ngôi sao với 30, 40 triệu/tháng.

Nhưng người ta vẫn thấy sự hăng say công việc ở Vượng. Đơn giản vì anh phải kiếm tiền nuôi vợ con, lo cho cuộc sống gia đình, nó khác với khi kiếm tiền quá dễ mà chẳng biết cách tiêu.

Giờ đây, Vượng không thể sống với ánh hào quang của quá khứ mà phải sống bằng những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, nước mắt, từ lao động. Vui vì Vượng đã nhận ra điều đó!

2. Và những ngày này, khi SEA Games đến gần, câu chuyện của Vượng hẳn là bài học thấm thía, là lời cảnh tỉnh cần thiết cho các cầu thủ trẻ.

Sẽ chẳng bao giờ thừa khi nhắc đến thái độ, tinh thần của các cầu thủ Việt Nam tại mỗi kỳ SEA Games, kể cả AFF Cup. Bởi sau sự kiện Bacolod 2005, biết bao lần bóng đá Việt Nam “chết trước cửa thiên đường” mà nguyên nhân vẫn là dấu hỏi nghi ngờ trong dư luận.

Mới đây thôi, một số tuyển thủ U21 “xé rào” đi quán bar. Điều đáng nói họ còn khoác trên mình chiếc áo ĐTQG. Nhưng sau đó, hình thức kỷ luật của BHL dành cho họ chẳng hề có tính răn đe chút nào, làm nổi sóng dư luận.

Cầu thủ mới tí tuổi đầu mà đã vào bar dùng rượu mạnh (chưa nói làm gì khác) thì còn lấy đâu ra sức mà đá đấm. Các cầu thủ trẻ, hãy nhìn vào tấm gương anh Vượng, một thời được ví như ông hoàng giữa sân ở khu vực Đông Nam Á, từng khiến Thonglao, Sakda của Thái Lan nhiều lần phải “nể”. Thế nhưng, có lẽ chính những cuộc chơi, những lần nếm “mùi đời” theo bản năng đã khiến Vượng chưa đến 30 tuổi đầu đã không thể tiếp tục thi đấu đỉnh cao.

Tài năng của Lê Quốc Vượng nhắc đến chỉ để cho người ta hoài niệm, tiếc nuối. Và có lẽ, chẳng ai muốn nhắc nhiều đến sai lầm của Vượng bởi giờ đây anh đã nhận ra giá trị cuộc sống, anh không ảo tưởng với ánh hào quang quá khứ mà ngày ngày bốc vác để lấy tiền nuôi vợ con.

Câu chuyện của Lê Quốc Vượng là bài học đắt giá mà U23, các cầu thủ trẻ và cả những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần chiêm nghiệm về cách đào tạo kiểu hớt ngọn như lâu nay.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X