1. Báo chí Ba Lan "chặt đầu" Ballack
Các tờ báo lá cải Ba Lan đua nhau đăng các ảnh ghép điên rồ trước trận Đức-Ba Lan |
Trước trận Đức-Ba Lan ở vòng đấu bảng, báo chí Ba Lan đã cho đăng một bức ảnh ghép khiến cho những người có lý trí ở cả hai nước đều cực kỳ phẫn nộ. Trong bức ảnh là cảnh HLV ĐT Ba Lan Leo Beenhakker cầm trên tay hai cái đầu lâu của HLV ĐT Đức Joachim Loew và thủ quân Michael Ballack. HLV Beenhakker đã vô cùng tức giận và gọi đây là cái trò nhơ bẩn của "những kẻ điên loạn".
2. Cộng tác viên an ninh là ...Hooligans
Cho đến nay, các trận đấu của VCK EURO 2008 đều diễn ra một cách yên bình, không có nhiều sự cố trong và ngoài sân cỏ. Một trong những lý do dẫn đến thành công này là sự hiện diện với số lượng lớn của cảnh sát và các cộng tác viên an ninh ở trong SVĐ và các khu vực dành cho cổ động viên.
Chỉ có điều, trong một đợt rà soát danh sách nhân viên của các hãng an ninh của Đức có nhiệm vụ bảo vệ các vị khách đến với EURO 2008, người ta đã phát hiện 9 cộng tác viên an ninh vốn là Hooligans có hạng. Phải chăng, đây chính là phương thức "dùng độc trị độc" của các hãng an ninh ở Đức?
3. Sai cả quốc kỳ lẫn quốc ca
Trước trận Đức-Thổ Nhĩ Kỳ, đài truyền hình ARD của Đức đã truyền đi hình ảnh Quốc kỳ Đức có 3 màu đỏ-đen-vàng, chứ không phải 3 màu đen-đỏ-vàng truyền thống. Sau đó, ARD đã phải xin lỗi khán giả vì sự bất cẩn của hoạ sĩ thể hiện.
Tệ hại hơn, khi thể hiện Quốc ca của CHLB Đức, kênh truyền hình Thuỵ Sĩ SF2 đã đăng dòng phụ đề “Nước Đức, nước Đức là trên hết” , một câu trong bài hát "Deutschlandlied" vốn được coi là "quốc ca" dưới thời Đức Quốc xã. Dụng ý của việc đăng phụ đề này là nhằm phục vụ cho những khán giả truyền hình bị khiếm thính ở Thuỵ Sĩ.
4. Thể thức thi đấu mới của UEFA
Thể thức thi đấu mới của UEFA đã bị phản đối dữ dội và góp phần gây ra những trận đấu kém quyết liệt ở vòng đấu bảng. Theo thể thức này, 16 đội tham gia VCK EURO 2008 bị chia thành 2 giải đấu riêng biệt và mỗi giải có một đại diện xuất sắc nhất lọt vào trận chung kết. Do không còn thể thức "đấu chéo" như trước đây, các ứng cử viên nặng ký vào chức vô địch của mỗi bảng buộc phải loại nhau ngay ở vòng bán kết và không còn trường hợp hai đội từng ở cùng một bảng "tái ngộ" ở trận chung kết như Hy Lạp và Bồ Đào Nha tại VCK EURO 2004.
Không những thế, trong vòng đấu bảng, UEFA chỉ tính đến kết quả các trận đối mặt mà không tính đến hiệu số bàn thắng-bàn thua. Chính thể thức thi đấu này đã khiến cho các đội Croatia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không chịu thi đấu hết mình và biến một số trận đấu cuối cùng của vòng đấu bảng thành các trận „giao hữu“ và làm mất đi tính căng thẳng của giải.
5. Mất tín hiệu truyền hình do bão ở Vienna
BLV Đức thông báo mất sóng ở trận Đức-TNK |
Trong trận Đức-Thổ Nhĩ Kỳ, các khán giả xem truyền hình trên toàn thế giới đã bị "tra tấn" nhiều phút bởi các cảnh quảng cáo bị chèn vào chương trình tường thuật trực tiếp trận đấu vì... mất tín hiệu và một số bình luận viên truyền hình đã buộc phải nhanh trí biến thành bình luận viên của đài phát thanh.
Nguyên nhân dẫn đến việc mất tín hiệu này là do một cơn bão ở Vienna, khiến cho Trung tâm phát sóng quốc tế của UEFA ở Vienna bị mất điện. Theo qui định của UEFA, tất cả hình ảnh ghi được từ 8 SVĐ tổ chức các trận đấu của VCK EURO 2008 đều phải truyền về Trung tâm phát sóng quốc tế ở Vienna và sau đó mới được cung cấp cho các đài truyền hình trên thế giới.
Ban tổ chức EURO 2008 đã khiển trách một hãng cung cấp dịch vụ Internet vì cái tội... khuyến khích tình đoàn kết giữa các dân tộc. Số là hãng này đã cho đăng một biểu ngữ mang tên “Cuộc sống là một trò chơi”, trong đó đăng hình một người đàn ông vẽ lên mặt quốc kỳ Đức hôn cuồng nhiệt một phụ nữ vẽ lên mặt lá quốc kỳ Áo. Ban tổ chức này nêu lý do: “Việc quảng cáo ở không gian công cộng cũng phải chú ý đến trẻ em, tầng lớp xã hội chưa trưởng thành và thiếu vốn sống”. UEFA lo ngại “những hiệu ứng bắt chước không mong muốn” có hại cho trẻ em nhưng lại bỏ qua cái hiệu ứng cổ vũ cho tình đoàn kết giữa các dân tộc.
8. Đua nhau dùng tên HLV để đặt tên cho con
Ở nước Nga hiện đang xuất hiện một phong trào lấy tên HLV Guus Hiddink để đặt tên cho các bé trai được sinh ra trong và sau VCK EURO 2008. Đi đầu phong trào này là gia đình Gorodnikov ở thành phố Bolotnoje thuộc xứ Siberia. Sau khi ĐT Nga lọt vào vòng bán kết EURO 2008, gia đình này đã lấy tên Guus để đặt tên cho cậu con trai mới sinh. Tên đầy đủ của cậu bé là Guus Yevgenyevich Gorodnikov.
Các nhà trẻ Đức hãy coi chừng! Họ có thể sẽ phải đối mặt với một làn sóng bé trai mang tên “Jogi”, nếu đội quân của HLV Joachim (Jogi) Loew đoạt danh hiệu Vô địch bóng đá châu Âu.
9. Gây ra làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ ở Áo
Phụ nữ Áo sẽ làm gì khi các đức ông chồng chỉ cắm mặt vào màn hình trong thời gian diễn ra VCK EURO 2008? Câu trả lời khá phổ biến là họ đua nhau để cho người ta... phẫu thuật thẩm mỹ.
10. Đưa ngay dây buộc tóc vào… bảo tàng
Đôi nạng của Frei sẽ được đưa vào viện bảo tàng |
Bảo tàng Lịch sử Bern (Thụy Sĩ) có vẻ như biết nhìn xa trông rộng: Người ta cần sưu tầm các hiện vật ngay từ khi chúng còn chưa trở thành… lịch sử. Nữ phát ngôn viên của bảo tàng cho rằng đây là một việc làm cần thiết vì nếu không chỉ sau một thời gian ngắn, khó có thể kiếm lại những kỷ vật cần phải gìn giữ. Theo nguyên tắc đó, các nhân viên của bảo tàng đã hăng hái sưu tầm những vật dụng của các… tuyển thủ Thụy Sĩ dự VCK EURO 2008, như đôi nạng của thủ quân Alex Frei, người bị thương ngay trong trận ra quân, dây buộc tóc của anh chàng tóc dài Hakan Yakin hay găng của thủ môn Diego Benaglio. Chỉ có điều không biết về sau có ai quan tâm tới những “kỷ vật” đó không, bởi đội tuyển của nước chủ nhà Thụy Sĩ đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng và người Thụy Sĩ nào cũng muốn quên thật nhanh EURO 2008!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)