Chủ Nhật, 22/09/2024 Mới nhất
Zalo

Khám phá "biệt hiệu" của các đội bóng

Thứ Hai 19/02/2007 00:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mỗi đội bóng đều có những biệt hiệu riêng, biệt hiệu đó có thể được đặt dựa vào những yếu tố lịch sử và truyền thống nhưng cũng có thể được sinh ra từ sự kình địch giữa các đối thủ "không đội trời chung"...

Giới mộ điệu trái bóng tròn luôn rất nhạy cảm với những yếu tố thuộc về màu áo hay truyền thống đội bóng. Tuy nhiên, ít ai hiểu được tường tận lịch sử ra đời cũng như ý nghĩa của từng cái tên cúng cơm gắn liền với từng cầu thủ, từng đội bóng.

 

PHẦN I : BIỆT DANH CỦA CÁC CÂU LẠC BỘ


Xứ sở của những nickname

 

Anh không chỉ là quê hương của môn thể thao vua mà còn là "xứ sở" của những nickname (biệt hiệu). Từ những đội bóng thuộc Premiership đến những đội bóng ở giải hạng thấp, không một CLB nào lại không sở hữu những tên gọi thân mật khác nhau.

Rất nhiều nickname được đặt dựa vào màu áo truyền thống của CLB. Có thể gộp số màu từ các tên hiệu để xếp đủ thành một cầu vồng rực rỡ. Từ màu đỏ (The Reds) của Liverpool, màu xanh (The Blues) của Chelsea đến màu trắng (The Whites) của Leeds hay xanh da trời (The Sky Blues) của Coventry...

Với trí tưởng tượng phong phú, một số CLB đã làm khác với cách đặt tên dựa vào 2 sắc màu trên trang phục truyền thống. Newcastle ngoài biệt danh nổi tiếng là "Những chú chim chích chòe" (The Magpies) cũng tồn tại song song là "Đội quân đen - trắng" (The black and white).

Hay Watford được biết đến với nickname "Những chú ong" (The Hornets) còn được gọi với cái tên "Đội quân vàng - đen" (The yellow and black) dựa vào bộ trang phục truyền thống của CLB.

Ngoài những tên hiệu được đặt dựa theo màu sắc của bộ trang phục truyền thống, các CĐV tại xứ sở sương mù cũng có thói quen gọi đội bóng của mình bằng tên của những con thú đặc trưng.

Chính vì thế mà tại giải Hạng nhất Anh luôn diễn ra cuộc chiến giữa "Những con cáo" (The Foxes)  và "Những con bò" (The Owls) khi Leicester City đối đầu với Sheffield Wednesday hay "Những chú chim hoàng yến" (The Canaries) Norwich chỉ mong "thoát nạn" trước kình địch là "Những chú cáo" (The Wolves) Wolverhampton.

Với một số đội bóng có quá khứ ra đời khá đặc biệt, sự liên tưởng trên đã không còn mà thay vào đó là những hình ảnh tượng trưng cho lịch sử thành lập của đội bóng. Hai ví dụ điển hình nhất đến từ những đội bóng thủ đô London.

West Ham được biết đến với biệt danh "Những cái búa" (The Hammers) bởi tiền thân của CLB này là Thames Ironworks, đội bóng của một công ty sắt thép. Trong khi đó, cái tên "Những khẩu đại pháo" (The Gunners) được đặt với sự liên tưởng đến đội bóng của những công nhân của Royal Arsenal tại Woolwich vào cuối thế kỷ 19.

Khác với sự khô cứng trong nickname của West Ham và Arsenal, Everton dường như là đội bóng có cái tên ngọt ngào nhất tại xứ sở sương mù. "Những thanh kẹo ngọt" (The Toffees) là cái tên liên tưởng tới quá khứ của đội bóng vùng Merseyside khi họ từng phải... chịu nợ không chỉ 1 mà là 2 cửa hàng bán kẹo ngọt trong những ngày đầu thành lập.

Chuyện kể lại rằng, do ghi nợ nên Everton từng phải đồng ý cho một cửa hàng bán kẹo ngọt được bán hàng ngay trong SVĐ Goodison Park.

Cuối cùng, một trong những tên hiệu nổi tiếng nhất tại xứ sở sương mù lại không phải do các CĐV đặt ra mà là từ Sir Matt Busby xưng tên.

HLV huyền thoại của Manchester United từng gọi đội bóng của mình là "Những con quỷ đỏ" (The Red Devils), một cái tên mà khi đầu mới nghe gợi nhớ đến đội bóng láng giềng ở môn bầu dục, Salford. Tuy nhiên, cái tên đó giờ đây đã trở nên rất quen thuộc không chỉ với các CĐV tại Anh mà trên khắp Thế giới.


Tàu ngầm, Người làm đệm và Dải ngân hà

Tàu ngầm vàng luôn là vật cổ vũ không thể thiếu của các CĐV Villarreal

Những đội bóng tại Tây Ban Nha lại có xu hướng liên tưởng nhiều đến truyền thống hơn mỗi khi đặt tên hiệu. Màu áo truyền thống cũng là một cớ mà các đội bóng dựa vào để đặt nickname như "Đội quân xanh - trắng" (Verdiblancos) của Real Betis hay "hoành tráng" hơn như "Tàu ngầm vàng" của Villarreal (El Submarino Amarillo).

Với một chút phá cách, đội bóng thủ đô Atletico Madrid đang sở hữu một trong những tên hiệu kỳ cục nhất: Los Colchoneros - "Những người làm đệm". Biệt danh này được đặt cũng dựa trên màu áo truyền thống sọc đỏ - trắng của CLB nhưng có sự liên tưởng tới màu sắc của những tấm nệm truyền thống thời xưa tại Tây Ban Nha.

Một nét đặc trưng khác của những đội bóng tại Tây Ban Nha là những nickname của họ cũng thường xuyên được thay đổi qua từng thời kỳ của CLB.

Trong khi Barcelona luôn được biết đến với tên hiệu Blaugrana (Xanh và đỏ tươi) thì vẫn có những ngoại lệ khi đội quân của Johan Cruyff trong những năm 1990 đã được gọi là Dream Team  để thừa nhận một đội ngũ tài năng cùng lối chơi hấp dẫn mà đội bóng xứ Catalan đã trình diễn vào thời điểm đó.

Sau thành công kể từ năm 2003 cùng với cú đúp ở mùa giải trước, Barcelona của HLV Frank Rijkaard hiện tại cũng được gọi với cái tên Dream Team.

Tương tự là đội bóng từng 9 lần vô địch Champions League, Real Madrid. Kình địch "không đội trời chung" với Barcelona cũng có những tên hiệu liên tưởng đến màu áo trắng truyền thống (Casa Blanca, Merengues) nhưng trong một vài năm trở lại đây, "Dải ngân hà" (Galácticos) mới là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả.

Đây là điều không quá khó hiểu khi theo chính sách của cựu chủ tịch Florentino Perez, Real Madrid trở thành nơi quy tụ những ngôi sao hàng đầu của làng bóng đá Thế giới như Luis Figo, Zinedine Zidane, Ronaldo, Michael Owen, David Beckham, Roberto Carlos, Raul hay Robinho...


Chùm sao một thời của Real

Một đội bóng Real khác - Real Zaragoza cũng sở hữu những tên hiệu thú vị. Nếu như biệt hiệu "Đội quân vĩ đại" (Magníficos) được đặt ra để ghi nhận hàng loạt những danh hiệu mà CLB này đã giành được trong đầu những năm 1960 thì tồn tại song song nó cho đến thời điểm này, người ta vẫn còn biết đến Real Zaragoza với cái tên "Những quả trứng" (Blanquillos).

Việc đặt tên theo từng thời kỳ của đội bóng cũng được CĐV nhiều đội bóng ở khắp châu Âu áp dụng. Bayern Munich cũng từng được gọi bằng cái tên "Những ngôi sao Hollywood" (FC Hollywood) trong những năm 1990 để chỉ đội bóng xứ Bavaria luôn sở hữu rất nhiều ngôi sao của bóng đá Đức nhưng luôn tồn tại những mâu thuẫn trong nội bộ đội bóng.

Hay như Arsenal được gọi với cái tên "Arsenal buồn chán" (Boring boring Arsenal) trong những năm 1980 sau những màn trình diễn nghèo nàn của đội bóng thủ đô London vào thời gian đó.

Những góc nhìn khác

Hầu hết những tên hiệu của đội bóng đều do các CĐV nhà đặt tên và dựa vào một vài yếu tố liên quan lịch sử đội bóng. Tuy nhiên, điều này không còn đúng tại Argentina khi sự kình địch giữa các đội bóng là rất lớn và các CĐV nhà không còn là những người duy nhất có thể đặt nickname cho đội bóng con cưng của mình.

Sự kình địch giữa River Plate và Boca Juniors là một điển hình. Trong mắt các CĐV nhà, River được biết đến với cái tên "Những nhà triệu phú" (Milionarios) để chỉ cho một sự kiện lịch sử của đội bóng khi BLĐ CLB tung tiền để chiêu mộ chân sút Barnabe Ferreyra trong những năm... 1930 trong khi Boca được gọi là Xeneizes, một sự liên tưởng đến người sáng lập đội bóng đến từ Genoa của nước Italia xa xôi.

Tuy nhiên, trong con mắt của CĐV của đội bóng kình địch, những tên hiệu như MillonariosXeneizes dường như không được mảy may đoái hoài đến mà thay vào đó là  "Những chú gà" (Gallinas) và "Những người thộn" (Bosteros).

Tương tự giữa 2 kình địch tại Rosario. Rosario Central và Newell's Old Boys còn được biết đến bằng những cái tên xấu xa như "Những tên du côn" (Canallas) hay "Những tên hủi" (Leprosos).

May mắn hơn tại Brazil khi sự kình địch này còn thân thiện hơn nhiều. Những cầu thủ gia nhập đội bóng Sao Paulo ngay lập tức sẽ được các CĐV Corinthians gọi là "Những đứa trẻ" (Bambis) hay CLB Juventude bị CĐV của các đội bóng khác gọi là "Những kẻ to mồm" (Papos), để chỉ việc các cầu thủ Juventude thường... nói nhiều hơn đá trong mỗi trận đấu.


PHẦN II : BIỆT DANH CỦA CÁC ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA

 

Brazil - Nhà vô địch

Nếu như bất ngờ nghe một BLV giới thiệu về cặp đấu giữa NatiReprezentace thì ta có thể hiểu, đó là trận đấu giữa Thụy Sĩ gặp CH Czech theo cách gọi tên của quốc gia đó.

Tương tự, ta có ĐT Đức với nickname được biết đến trên khắp Thế giới là Nationalmannschaft (tiếng Đức là ĐTQG) hay El Salvador với tên hiệu La Selecta.

Tất nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ riêng của từng quốc gia sẽ khiến cho nhiều CĐV gặp trở ngại. Điều này đúng với cả trường hợp của Brazil và Bồ Đào Nha, hai đất nước sử dụng chung một ngôn ngữ.

Nếu dùng tên hiệu cho ĐTQG Bồ Đào Nha là Selecao, đội bóng tại bán đảo Iberia sẽ lập tức bị nhầm lẫn với đội tuyển từng 5 lần vô địch Thế giới Brazil.

Chính vì thế mà các CĐV Bồ Đào Nha đã gọi ĐTQG nước mình là Selecção das Quinas (ĐTQG của số 5), một nickname được đặt dựa vào số huy hiệu ở chính giữa biểu tượng lá cờ của Bồ Đào Nha.

Một trùng lặp ngẫu nhiên khi ĐT Anh cũng được đặt tên hiệu dựa vào những biểu tượng trong màu cờ quốc gia, Three Lions (3 chú sư tử).

Trở lại với Brazil, đội bóng hiện tại của HLV Carlos Dunga không chỉ là đội bóng giữ kỷ lục về số lần VĐTG mà còn đứng đầu trong cả số lượng những tên hiệu được đặt.

Có rất nhiều lựa chọn cho các CĐV của Selecao như Pentacampeões (Đội bóng 5 lần VĐTG), Canarinhos, Verdeamarelos (Xanh và vàng) hay Auriverdes (Xanh và vàng), trong đó,  3 tên hiệu cuối được đặt dựa vào màu của lá cờ quốc gia.

Không quá ngạc nhiên khi các đội bóng láng giềng của Brazil trong khu vực Nam Mỹ cũng có những nickname liên tưởng đến màu quốc kỳ. Amarillos (vàng) của Ecuador, Albirrojos (trắng và đỏ) của Paraguay, Albicelestes (xanh da trời và trắng) của Argentina, Roja (đỏ) của Chile, Blanquirroja (đỏ và trắng) của Peru hay Verde (màu xanh lá cây) của Bolivia.


Cuộc chiến giữa những màu xanh


 

Trong thuật ngữ bóng đá đa sắc màu, việc đặt một nickname mà không "đụng hàng" là không hề dễ dàng. Có rất nhiều đội bóng đã đặt tên hiệu dựa vào 2 màu cơ bản là đỏ và xanh, dựa vào màu cờ và cả màu áo truyền thống.

Chỉ riêng tại châu Âu, đã có rất nhiều "đội quân đỏ". Tây Ban Nha nổi tiếng với tên hiệu Furia Roja (màu đỏ hung tợn) trong khi Bỉ lại được biết đến với nickname Diables Rouges (quỷ đỏ). Xa hơn, ĐT Venezuela tại Nam Mỹ được biết đến với cái tên La Vinotinto (đội quân màu đỏ tía).

Tuy nhiên, màu đỏ vẫn chưa thể so sánh được với màu xanh da trời. Celeste của Uruguay, Plavi của Serbia hay Blue Samurais của Nhật Bản là những tên hiệu được đặt dựa trên gam màu này.

Trận chung kết World Cup 2006 vừa qua cũng đã chứng kiến cuộc chiến giữa hai màu xanh da trời, Les Bleus (Pháp) và Azzurri (Italia).

Nếu như màu xanh của nước Pháp không quá khó để giải thích bởi đó là 1 trong 3 màu của lá cờ quốc gia (đỏ, trắng và xanh) thì màu Thiên Thanh của Azzurri lại không có trong màu cớ Italia (đỏ, trắng và xanh lá cây). Lịch sử ghi lại, ở một trận cầu danh dự trong năm 1911, Italia đã ra sân trong trang phục màu xanh da trời và cũng từ đó, nickname Squadra Azzurra đã ra đời.

Có hoàn cảnh ra đời tương tự là màu da cam của Hà Lan. Biệt danh "cơn lốc màu da cam" được biết đến khi ĐT Hà Lan được dẫn dắt bởi HLV Rinus Michel tại World Cup 1974 với thuyết bóng đá tổng lực đầy quyến rũ, giúp Oranje vào tới trận chung kết.


Chúa tể của rừng xanh


“The 3 lions“ là biệt hiệu của đội tuyển Anh

Nếu nhắc đến sự sống động ở từng tên gọi trong làng túc cầu Thế giới thì khó châu lục nào có thể bì với Châu Phi. Cứ 2 năm một lần, giải VĐ châu Phi sẽ được tổ chức và đó được xem là ngày hội của những con thú từ khắp các vùng thảo nguyên tại lục địa đen.

Dù có khá nhiều đội bóng mang biệt danh Lions (sư tử) thì chức vô địch châu Phi CAN vẫn rất khó đoán và thường xuyên được đổi ngôi.

Đội bóng nổi tiếng nhất với tên hiệu liên tưởng đến loài sư tử đó là Indomitable Lions (những chú sư tử bất khuất) Cameroon. Nickname này của xuất phát từ một VCK World Cup hết sức ấn tượng của Cameroon trong năm 1990, khi họ vào tới tứ kết và chỉ chịu khuất phục trước ĐT Anh với tỷ số 2-3 sau hiệp phụ.

Xếp tiếp theo là Senegal với biệt hiệu Lions of Teranga (những chú sư tử vùng Teranga) khi họ cũng từng giành chiến tích vào tới vòng tứ kết tại World Cup 2002.

Tuy nhiên, cả 2 "chú sư tử" này đều bị Marốc, Atlas Lions (những chú sư tử Atlas) "qua mặt" khi đội tuyển bắc Phi này mới là đội bóng đầu tiên của châu Phi vượt qua vòng bảng một VCK World Cup (Mexico 1986).

Hi vọng gia nhập trào lưu này là ĐT CHDC Congo cho dù Lions in Swahili (những chú sư tử tại Swahili) chưa một lần vượt qua vòng loại World Cup.

Sư tử luôn là một biểu tượng cho sức mạnh và sự độc tôn nhưng vào thời điểm hiện tại, điều này đang bị đe dọa khủng khiếp bởi sự vươn lên mạnh mẽ của Bờ Biển Ngà, đội bóng mang biệt danh Elephants (những chú voi).

Cùng với Bờ Biển Ngà còn có Guinea, đội bóng được biết đến với nickname Syli - tên của một loài voi, hay Palancas Negras (những chú linh dương đen) của Angola.

Trong "thế giới hoang dã" chắc chắn cũng không thể thiếu những chúa tể của không trung, đó là lý do mà Sparrowhawks (chim bồ cắt) Togo và Carthage Eagles (Đại bàng Carthage) Tunisia xuất hiện. Năm 2006 cũng là một năm thành công của Togo và Tunisia khi cả 2 đều góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Điều này hứa hẹn một sự bùng nổ tại VCK World Cup 2010, khi giải đấu được tổ chức tại Nam Phi và tất nhiên, "Đại bàng" Mali và "Đại bàng xanh" Nigeria cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

Ai Cập và Ghana là 2 trường hợp ngoại lệ tại lục địa đen. ĐKVĐ châu Phi, ĐT Ai Cập được gọi theo một cái tên rất thiêng liêng là Pharaohs (những ông vua Ai cập cổ) để chỉ một nền văn hóa đặc trưng và một lịch sử đáng tự hào của quốc gia bắc Phi này.

Tương tự, Black Stars (những ngôi sao đen) Ghana là nickname được đặt dựa vào màu cờ cũng như lịch sử của một trong những nền bóng đá giàu nhất châu Phi này.


Theo Thể Thao Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X