Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Gian nan nghề BLV bóng đá: Máu đổ mạng vong sau những dòng bình luận

Thứ Năm 11/10/2012 17:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

“Các cầu thủ không cho chúng tôi cơm. Báo chí mới làm điều đó” – trưởng ban biên tập tờ Marca nói toẹt vào ý định kiện ông của Jose Mourinho. Nếu bạn nghĩ rằng báo chí thể thao chỉ “theo đóm ăn tàn” và có rất ít tính tranh đấu, bạn đã nhầm. Rất nhiều nhà báo thể thao châu Âu đã từng đơn thương độc mã đứng ra chống lại những nhân vật, những tổ chức đình đám nhất của bóng đá thế giới...

VỤ KIỆN CỦA MOURINHO

Marca là một tờ báo thân Real Madrid, nghĩa là có thể coi các phóng viên và biên tập viên của tờ này như những CĐV của Real Madrid. Và cũng chính bởi điều đó, họ tin rằng mình cần phải bảo vệ những giá trị truyền thống của CLB này. Kẻ thù của họ là ai? Không phải Barca, mà chính là Jose Mourinho.

Ngày 17/9, trong một bài viết dưới nhan đề “Tay HLV không bao giờ nhận lỗi”, Roberto Palomar, trưởng ban biên tập tờ Marca, mô tả về Người đặc biệt như sau: “Đó là mẫu người bỏ chạy sau khi gây ra tai nạn”. Ông muốn nói về việc Mourinho luôn tìm cách lẩn tránh trách nhiệm sau mỗi thất bại, cuốn dư luận vào những chiêu bài gây hấn, đổ vấy lên người khác để họ không chỉ trích ông ta.

 

Hai ngày sau, Văn phòng luật Matamoros đưa ra một thông cáo về việc họ đã tiến hành một vụ kiện dân sự nhắm tới Roberto Palomar để đòi bồi thường 15.000 euro vì đã xúc phạm tới thân chủ của họ là “Quý Ngài” Jose Mourinho.

Các luật sư của “Quý Ngài” Mourinho đã rất khôn ngoan khi tư vấn cho ông ta không kiện tờ báo hay công ty phát hành, mà kiện người viết. Họ hiểu rằng một tờ báo được bảo vệ tối cao về quyền tự do ngôn luận, nhưng với động thái hướng mũi tên vào cá nhân nhà báo Roberto Palomar, các luật sư đã gián tiếp quy kết rằng bài báo trên xuất phát từ động cơ cá nhân của ông này – nghĩa là tính “báo chí” giảm bớt.

Roberto Palomar không sợ hãi. Ông tổ chức một cuộc đối thoại với các độc giả của Marca để nói về vụ kiện. Cương quyết và khéo léo, Palomar khẳng định rằng mình sẽ “viết ra những gì luật pháp quy định, chứ không phải do Mourinho yêu cầu” và tự tin rằng mình có thể chiến thắng vụ kiện này. Khi độc giả hỏi Palomar rằng ông có sợ bị trả thù không, nhà báo này tỏ ra đầy khinh bạc: “Tôi sẽ để ngực trần ra đường”.

Ngay lập tức, trên Internet đã xuất hiện một hội đòi “xử” Palomar, với hàng nghìn người tham gia. “Đây là ảnh của Roberto Palomar, hắn ta đang không có mặt ở đây vì bận viết những bài báo bẩn thỉu” – một nhân vật đưa ảnh của ông lên. “Một sự thối tha của báo chí” – một độc giả khác, đã lớn tuổi, cũng viết. Ngay cả những bạn đồng nghiệp cũng không hoàn toàn đứng về phía ông. Fede Quintero, một cây viết trứ danh khác của Marca, công khai bênh vực Mourinho trong vụ kiện và chỉ trích Palomar.

ĐÒN THÙ CỦA ĐÁM ĐÔNG

Sẽ phải chờ phán quyết của tòa án, và cả Thần May mắn (để giữ những cái đầu CĐV Real Madrid không manh động) mới biết được số phận của Roberto Palomar. Nhưng làng báo thể thao thế giới đã hơn một lần chứng kiến những ví dụ cho thấy rằng đây vẫn là một “Nghề nguy hiểm”, như mọi địa hạt khác của báo chí.

Bạn nghĩ rằng những bình luận về thể thao chỉ là vô thưởng vô phạt? Nếu Valerio Luiz de Oliveira còn sống, anh chắc sẽ cười nhạt trước quan điểm này. Oliveira chỉ là một BLV thuần túy, nghĩa là dẫn chương trình phát thanh, bình luận bóng đá cho các kênh truyền hình ở Brazil. Nhưng những nhận định thẳng thắn của anh cũng khiến cho nhiều CĐV Brazil, vốn nổi tiếng vì sự quá khích, không hài lòng. Họ gửi thư đe dọa đến cho Oliveira, nói rằng nếu còn tiếp tục công việc, anh sẽ phải “nghỉ hưu” sớm.

Ngày 10/7, Oliveira rời khỏi trụ sở của kênh phát thanh Radio 820 tại Goiania, nơi anh vừa thu xong một chương trình, vào xe ô tô để về nhà. Vừa đóng cánh cửa xe lại, một chiếc mô-tô phanh kít ngay sát sườn xe anh. Tiếng súng vang lên. Vợ của Oliveira trở thành một góa phụ.

Nam Mỹ vừa là thiên đường, vừa là địa ngục của báo chí thể thao. Thiên đường bởi chẳng mấy nơi trên hành tinh, có nhiều đội bóng đỉnh cao, nhiều CĐV trung thành như xứ sở Latin. Còn địa ngục, là bởi cùng với tỷ lệ bạo lực cao trong xã hội, tính mạng các nhà báo thể thao nước này cũng bị đe dọa.

Hồi năm 2007, phóng viên Rafael Serra của Brazil đã bị đánh thừa sống thiếu chết bởi một đám CĐV Gremio chỉ vì dám... bình luận về vấn nạn bạo lực của nhóm CĐV này. Ngày 3/5/2001, Yessid Marulanda bị hành quyết dã man ngay trên đường phố Cali. Sau khi bắn gục Marulanda, tay sát thủ đã nã đủ 6 phát đạn vào đầu BLV truyền hình này trước khi bỏ đi.

ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG ÔNG TRÙM

Bóng đá không chỉ là nơi dành cho những cảm xúc yêu-ghét quanh trận đấu. Nó còn là một sự kết hợp phức tạp của chính trị và kinh tế. Chính vì thế, “đòn thù” trút xuống đầu các nhà báo thể thao không chỉ đến từ các CĐV quá khích. Đôi khi, những viên đạn được bắn ra từ bóng tối, nơi các thế lực ngầm ngự trị.

Đã có hơn một người không bao giờ quay về nhà mình nữa như Oliveira. Jaafar Ali là một ví dụ. Ngày 31/5/2006, anh bị bắn ngay trước cửa nhà mình ở thủ đô Baghdad, Iraq. Không bao giờ người ta biết nguyên nhân của những phát súng ấy, khi mà Ali chỉ là một người dẫn chương trình thể thao bình thường.

William Soto Cheng, một phóng viên truyền hình Colombia đã dành nhiều công sức để điều tra về nạn tham ô trong làng thể thao nước này, cũng đã gục xuống trước cổng đài truyền hình của mình ngày 18/10/2003 sau một loạt đạn.

Cũng có những người may mắn thoát chết, như cây viết Ricardo Gabito Acevedo của Uruguay. Viên đạn “tri ân” cho những bài viết về nạn tham những trong làng bóng đá Uruguay của anh chỉ đi xuyên qua bắp chân. Hoặc Phillipos Syrigos của Hy Lạp. Chỉ vài tháng sau khi đội tuyển nước này làm nên điều thần kỳ tại EURO 2004, Syrigos bị 2 tay sát thủ đội mũ bảo hiểm đâm tới tấp trên phố. Rất may là anh đã được cấp cứu kịp thời.

Còn rất nhiều những phóng viên thể thao trên khắp thế giới đã phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng hay cả sự nghiệp của mình vì quyền được phát ngôn. Tất nhiên, bài viết này không mang mục đích khẳng định Roberto Palomar đã đúng trong cách nói của ông. Nhưng chỉ để hiểu rằng sau mỗi dòng viết ra, một người như Palomar phải chịu đựng nhiều hiểm nguy đến thế nào.

(Theo Bóng đá và cuộc sống)
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X