Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Đức – TNK từ góc độ xã hội: Bên lề thiên đường

Chủ Nhật 22/06/2008 09:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuối tháng Tư vừa qua, đạo diễn người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Akin đã giành một lúc 4 giải thưởng quan trọng của Lola – Giải thưởng điện ảnh Đức, được so sánh ngang hàng với giải Oscar của Mỹ, BAFTA của Anh hay César của Pháp, với bộ phim mang tựa đề “Auf der anderen Seite”, tạm dịch là “Bên lề thiên đường”. Đội bóng quê hương ông cũng đang đứng trước ngưỡng cửa thiên đường.

“Auf der anderen Seite” là câu chuyện xúc động về 6 nhân vật, gồm 4 người Thổ Nhĩ Kỳ và 2 người Đức mà cuộc sống của họ luôn đan xen giữa tình yêu và bi kịch nghiệt ngã, lột tả hành trình đầy xúc động đi tìm sự hòa hợp giữa hai quốc gia, hai nền văn hóa Đức và Thổ. Akin là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất tại Đức hiện nay, với hàng loạt giải thưởng nhận được từ các liên hoan phim danh tiếng trên thế giới.


Fatih Akin với 4 giải thưởng Lolo cho phim Auf der anderen Seite

Akin, có tên giống với tên của HLV đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ Terim, là một người Thổ sinh ra ở thành phố Hamburg, miền Bắc nước Đức. Ông chỉ là một trong số hơn 11 triệu “công dân thế hệ thứ hai” gốc Thổ được sinh ra ở Đức, chiếm hơn 1/10 dân số của quốc gia đông dân thứ hai tại châu Âu, với khoảng 82 triệu người, chỉ sau nước Nga. Số người Thổ nhập cư gốc, tức thuộc hàng cha mẹ của Fatih Akin đến từ thời Ottoman, lên đến hơn 5,6 triệu ở Đức, chiếm 80% tổng số dân nhập cư vào nước này. Nhờ luật nhập cư của Đức thay đổi theo hướng thông thoáng hơn, năm ngoái đã có thêm hơn 35.000 người Thổ sang Đức sinh sống, dẫn đầu làn sóng nhập cư vào Đức. Hamburg, nơi Akin đã sinh ra, là một trong 3 thành phố có rất đông người Thổ nhập cư sinh sống, cùng với Cologne và thủ đô Berlin.

Những “ốc đảo” người Thổ

Do số lượng người Thổ nhập cư quá đông, cộng với những khó khăn trong hoà nhập lối sống và văn hóa, tại Đức đã hình thành nên những khu vực dành riêng cho người Thổ, hệt như một nước Thổ Nhĩ Kỳ thứ hai trong lòng nước Đức.

Xin kể ra đây một câu chuyện dở khóc dở cười về chuyện nhập cư của người Thổ. Cuối năm 2004, phụ huynh của một nhóm gồm 4 học sinh người Đức ở trường trung học Eberhard Klein ở Berlin đã đến gặp ông hiệu trưởng để xin chuyển trường cho con em họ. Thuyết phục không được, ông Hiệu trưởng Bernd Boettig đành chấp nhận chia tay 4 em học sinh người Đức cuối cùng, biến Eberhard thành ngôi trường hoàn toàn của người nhập cư, gồm chủ yếu là trẻ em đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và cả Việt Nam. Ngôi trường Eberhard nằm ở quận Kreuzberg ở thủ đô Berlin, ngay cạnh tòa nhà quốc hội liên bang, giờ chỉ còn vang lên tiếng Thổ, tiếng Arabia hay tiếng Việt mỗi lúc ra chơi. Tiếng Đức chỉ có trong giờ giảng bài của các thầy giáo. Học sinh vẫn giao tiếp với giáo viên bằng thứ tiếng Đức lóng ngóng, nhưng ngay sau đó, các em lại quay sang nói chuyện với nhau trôi chảy bằng tiếng bản địa.

Ở quận Kreuzberg, người ta có thể thoải mái sống mà không cần biết một từ tiếng Đức nào. Ở đây, người ta nói với nhau bằng tiếng Thổ, đi chợ của người Thổ, lúc cần thì nhờ các bác sĩ hay luật sư đều là người Thổ. Hàng năm, người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có một lễ kỷ niệm hết sức đặc biệt diễn ra ở cổng Brandenburg, gọi là “Ngày Thổ Nhĩ Kỳ”. Ở đấy, những người Thổ nhập cư đã biến biểu tượng của nước Đức nằm ngay cửa ngõ Berlin thành một thế giới riêng của người thổ mà ở đó có thể thấy hình ảnh của một nước Thổ Nhĩ Kỳ thu nhỏ.

Không khí bóng đá ở quận Kreuzberg cũng như nhiều khu người Thổ khác đã nóng suốt thời gian qua, lại càng nóng hơn khi Đức sẽ gặp Thổ Nhĩ Kỳ ở bán kết EURO 2008.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X