Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Chuyện bản quyền bóng đá: Những chiêu trò về đàm phán

Thứ Tư 26/09/2012 20:31(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Các nhà đài của VN cuống lên sợ đối thủ hớt tay trên gói bản quyền truyền hình ngon nhất, nên sẵn sàng vung tiền mua ngay. Và nếu thế họ đã rơi vào một chiếc bẫy tinh vi...

Không ai có thể ngờ được những giải bóng đá trước đây vẫn được người ghiền bóng đá VN xem theo kiểu “cho không”, hoặc chỉ chịu chi phí kỹ thuật, nay có thể đóng gói chia nhỏ bán với giá hàng triệu USD. Đó một phần là hiệu ứng từ việc leo thang của bản quyền Giải ngoại hạng Anh, và còn là kết quả của chiến lược kinh doanh cực kỳ khôn khéo của nhà phân phối bản quyền MP&Silva.

Chiến lược “chia để bán”

Âm thầm xuất hiện trên thị trường VN năm 2009, thậm chí không có cả văn phòng đại diện tại Hà Nội hay TP.HCM, chỉ có người đại diện được ủy quyền, MP&Silva làm một cuộc ra mắt ấn tượng và ngoạn mục khi giành được quyền phân phối bản quyền Giải PML (tên viết tắt của Giải ngoại hạng Anh), quan trọng là bán được với giá “trên trời” tại thị trường VN vào thời điểm năm 2010. Từ 4 triệu USD cho ba mùa 2008-2010, MP&Silva đã nâng mức giá lên đến 19 triệu USD cho ba mùa 2010-2013. Không thể phủ nhận MP&Silva là một bậc thầy trong lĩnh vực kinh doanh bản quyền truyền hình. Họ đã làm giới truyền hình VN ngỡ ngàng khi nghe được tin trúng thầu ba mùa từ 2010-2013 với giá khủng 13 triệu USD. Làm sao công ty có xuất xứ từ Ý này có thể gỡ vốn được với cái giá khủng đó? Chính chiến lược chia nhỏ bản quyền ra để bán, nhặt nơi này vài triệu, nơi kia vài triệu nhưng cộng lại thì ngỡ ngàng khi thấy họ kiếm gọn ơ 6 triệu USD!

 

Chuẩn bị cho ba mùa bóng từ 2013-2016, MP&Silva vẫn tiếp tục chiến lược chia nhỏ để bán. Cụ thể MP&Silva đã gửi đến các đài, hệ thống truyền hình trả tiền tại VN các gói thầu nhỏ như sau:

Gói A: độc quyền tất cả các trận chủ nhật + gói C
Gói B: độc quyền một trận ngày thứ bảy + các trận còn lại của ngày thứ bảy không độc quyền
Gói C: không độc quyền tất cả trận ngày thứ bảy (trừ một trận thuộc gói B độc quyền).

Đưa ra các thông tin trên, MP&Silva đề nghị các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN suy nghĩ và cuối tháng 9-2012 cần ký các thỏa thuận với MP&Silva, trước khi họ chính thức tham gia đấu thầu với ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh. Nghĩa là chuyến này họ tính chuyện chắc ăn nắm phần cán, chứ không phiêu lưu như ba mùa từ 2010-2013.

Đụng đầu ở khách sạn Metropol

Ngày 11-7-2012, đại diện của MP&Silva đã từ Ý bay sang VN. Họ tìm ngay đến một đơn vị truyền hình trả tiền chưa thật sự nổi đình nổi đám, chứ không phải tìm đến đối tác số 1 đã quen thuộc từ ba năm qua là K+! Không quá khó hiểu về chuyện này: muốn nổi đình đám phải nắm bản quyền gói A Giải ngoại hạng Anh. Trước đây, VTC mới ra đời thì phải bằng mọi giá nắm bản quyền Giải ngoại hạng Anh. Kế đến K+ cũng thế. Và tiếp theo các đài X, Y, Z cũng phải vậy thôi.

Tuy nhiên, nghe cái giá quá choáng của MP&Silva đưa ra, đồng thời bài học K+ vẫn còn đó nên nhà đài này không mấy mặn mà. Thế là đại diện MP&Silva ra về nhưng không quên gửi lại một thông báo đến tất cả nhà đài VN: ngày 15-8-2012 sẽ gặp gỡ tại Hà Nội.

Đúng ngày 15-8-2012, đại diện các đài, hệ thống truyền hình trả tiền ở VN đã đến khách sạn Metropol, nơi đại diện MP&Silva có mặt. Tuy nhiên, đừng tưởng bở là một cuộc họp chung của MP&Silva với đại diện tất cả các đài. Họ chỉ dành cho mỗi đài 30 phút, và bố trí hết sức khéo léo để đại diện đài A vừa bước ra thì thấy ngay đài B bước vào, và cứ thế B ra thì C vào...

Tuy gặp riêng nhưng thông điệp mà MP&Silva đưa ra với các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN thì giống nhau: 99% MP&Silva tiếp tục giành quyền phân phối bóng đá Anh tại VN ba mùa giải từ 2013-2016. Các đài, hệ thống truyền hình trả tiền tại VN không nên cạnh tranh với MP&Silva trong việc tham gia cuộc đấu giá do ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh mở, vì làm như thế giá bản quyền sẽ tiếp tục tăng cao, các bên đều không có lợi, các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN nên đàm phán với MP&Silva và để đơn vị này đứng ra đại diện đấu giá với ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh!

Nếu các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN ký các thỏa thuận với MP&Silva thì MP&Silva sẽ chiếm lợi thế rất lớn trong cuộc đấu giá do Premier League mở vào ngày 2-10-2012. MP&Silva sẽ có đầy đủ tài liệu để chứng minh với Premier League về khả năng phân phối của MP&Silva (khả năng đưa bóng đá Anh đến với đông đảo quần chúng) và MP&Silva cũng đủ cơ sở để đưa ra một mức tiền đấu giá hợp lý với Premier League.

Và khi đó, ván bài bản quyền mùa 2010-2013 sẽ được lặp lại, với thế chủ động hoàn toàn thuộc về MP&Silva. Nhiều vị đại diện tham dự cuộc họp với MP&Silva cho biết nếu cộng tất cả các gói, bán cho tất cả những đài và những kênh có thể bán, số ngoại tệ mà VN phải tốn cho ba mùa Giải ngoại hạng Anh từ 2013-2016 lên đến khoảng 35 triệu USD!

Giải Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp đều tăng

Đại diện thương mại của một công ty môi giới bản quyền nhỏ ở VN đã kể lại cảm giác sững sờ “điếng người” của ông ta khi đi mặc cả bản quyền Giải Bundesliga năm 2010 tại chợ bản quyền Sport Tell: ung dung với mức giá 200.000 USD của mùa giải trước đó, cộng với 10% tăng giá theo thông lệ, cộng với 5.000 USD “cho chắc cú”, ông chết lặng khi có đối thủ (VN) đẩy một mạch lên 350.000 USD. Ra về tay trắng, nhưng điều lo lắng lớn hơn của ông đã thành hiện thực: có một bàn tay vô hình nào đó đang đẩy cuộc chiến bản quyền vào cuộc leo thang điên rồ.

Quả nhiên, Giải La Liga năm 2010 vẫn còn giá 150.000, giải Pháp gần như cho không vì chưa đến 100.000 USD, chủ yếu cho các chi phí kỹ thuật (vệ tinh, đầu thu), thì đến năm 2012 mỗi giải đã lên đến mức xấp xỉ 1 triệu USD tùy mức độ phát sóng các trận đấu. Đó là vì MP&Silva đã “đóng gói” bản quyền bốn giải Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp thành một gói “siêu bản quyền” bán với giá 4 triệu USD cho liên danh SCTV và VCTV. Chưa hết, hiện họ đang chào bán tiếp cho các đài Bình Dương, VTC, HTV trên các kênh Free TV (kênh quảng bá), với tinh thần “tận thu” cho một thị trường quá dễ tính. Với mức giá mới đó, chỉ trong vòng ba năm, bản quyền các giải bóng đá mạnh của châu Âu ở VN đã tăng gấp năm lần.

(Theo Tuổi Trẻ)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X