Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Trọng tài - vết đen của kỳ World Cup sôi động

Thứ Ba 17/06/2014 16:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 World Cup 2014 chưa đi hết lượt đầu vòng bảng nhưng các trọng tài đẳng cấp FIFA đã có tới bốn trận bị chỉ trích dữ dội.

Trong 14 trận đã diễn ra, chỉ có hai trận kết thúc với ít hơn ba bàn thắng, một trận hòa (Iran 0-0 Nigeria). Tính riêng 12 trận đầu, có tất cả 41 bàn thắng được ghi, cao gấp đôi so với cùng giai đoạn tại World Cup 2010. "World Cup năm nay xem ra không dành cho các hậu vệ. Các cầu thủ phòng ngự như tôi sẽ phải tập luyện với cường độ cao hơn để bắt kịp nhịp độ", hậu vệ Thiago Silva của tuyển Brazil nhận xét.

Lối chơi chủ động, cống hiến của các đội tạo nên thế trận cởi mở và những cơn mưa bàn thắng. Trái bóng Brazuca của hãng Adidas cũng được đánh giá cao về chất lượng, nhờ độ xoáy ổn định giúp các cầu thủ kiểm soát tốt hướng dứt điểm. Tuy nhiên truyền thông và dư luận quốc tế cho rằng một số quyết định tồi của trọng tài cũng góp phần làm tăng lượng bàn thắng tại World Cup 2014.

 

Sau trận thua tan nát 0-4 trước Đức tối qua 16/6, các cầu thủ và ban huấn luyện Bồ Đào Nha đều chỉ trích trọng tài người Serbia, Milorad Mazic, đã chống lại họ bằng những quyết định thiên vị: phạt thẻ đỏ trung vệ Pepe cuối hiệp một, và từ chối quả phạt đền ở hiệp hai. Đức xứng đáng thắng khi kiểm soát thế trận và vượt lên dẫn 2-0. Nhưng việc thiếu người đẩy Bồ Đào Nha vào thế trận vỡ.

Tình huống trọng tài Mazic đuổi quân của Bồ Đào Nha chỉ ở mức gây tranh cãi, vì tiền đạo Thomas Mueller nếu có diễn kịch trong cú ngã thì trung vệ Pepe cũng đã sai khi hung hăng lao tới ghè đầu vào đối phương. Từng có nhiều cầu thủ phải nhận thẻ đỏ trong các pha gây hấn kiểu đó, và quyết định của Mazic cũng nhận được sự đồng tình của một cựu trọng tài nổi tiếng như Gramham Poll (Anh).

Nhưng ở mấy trận đầu, một số trọng tài đã có những quyết định sai rõ ràng. Trận mở màn, trọng tài Nhật Bản Yuichi Nishimura sai khi cho Brazil được hưởng phạt đền để nâng tỷ số lên 2-1. Tiền đạo Fred ngã trong cấm địa nhưng đó là một pha diễn kịch rất lộ. Đa số các trọng tài quốc tế và Việt Nam khi được hỏi đều cho rằng: "Thổi phạt đền với Croatia là quá nặng". Brazil kết thúc trận ra quân bằng thắng lợi 3-1, nhưng Croatia mới là đội mở tỷ số và đang duy trì được thế trận phòng ngự phản công tốt lúc tỷ số còn là 1-1.

Sau trận đấu thứ hai, Mexico đánh bại Cameroon với tỷ số 1-0, hàng loạt tờ báo lớn quốc tế đăng tiêu đề "Mexico chiến thắng trọng tài". Đội bóng Bắc Mỹ lẽ ra đã có chiến thắng ấn tượng hơn, nếu trọng tài người Colombia, Wilmar Roldan, không từ chối hai pha ghi bàn lẽ ra hợp lệ. Theo giới chuyên môn, vị trọng tài này đã tưởng tượng ra hai tình huống việt vị. Tiền đạo Diego Costa cũng đã ngã rất khéo trong pha tranh chấp với hậu vệ Hà Lan Stefan de Vrij giữa hiệp một, nhưng trọng tài Italy Niccola Rizzoli vẫn thổi phạt đền và Tây Ban Nha mở tỷ số trong trận thua thảm 1-5 ngày ra quân.

Truyền thông quốc tế không cho rằng các trọng tài cố tình điều khiển thiên vị, nhưng quy lỗi FIFA trong công tác tuyển lựa trọng tài. Những người được lựa chọn đều phải đạt chuẩn FIFA, sau khi trải qua các khóa tập huấn của tổ chức này. Các trọng tài được chọn cho World Cup là những người có chuyên môn tốt, thậm chí là tốt nhất ở những giải đấu mà họ từng tham gia điều khiển trước đó. Tuy nhiên FIFA không triệu tập theo dạng sàng lọc để có được những trọng tài giỏi nhất thế giới. FIFA lựa trọng tài theo định mức đối với từng khu vực bóng đá khác nhau trên toàn cầu, UEFA (châu Âu), AFC (châu Á), CONCACAF (Bắc, Trung Mỹ và Caribe), Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương.

Và không có quốc gia nào có hơn một trọng tài được điều khiển tại một kỳ World Cup, dù đó là Brazil, Tây Ban Nha, Anh hay Italy... Trong khi có nhiều cầu thủ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi có dịp được tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao khi chơi bóng cho các CLB nước ngoài ở giải Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Serie A, Bundesliga..., thì đa số các trọng tài được FIFA chọn đều chỉ từng tham gia điều hành ở giải quốc nội. Một trọng tài có thể được ngợi khen tại Nigeria, nhưng có thể không đủ khả năng điều khiển trận đấu dạng Manchester City - Chelsea hay trận đấu ở UEFA Champions League. Một tình huống tương tự nhau có thể bị phạt ở Paraguay, nhưng ở Đức thì không. Không công bằng nếu World Cup chỉ có các trọng tài giỏi đến từ những nền bóng đá phát triển mạnh như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italy..., nhưng FIFA cần cân nhắc lại quy định cứng nhắc về định mức trọng tài đối với các khu vực bóng đá thành viên. Một trọng tài giỏi nhất của châu Đại Dương khó có thể điều khiển trận đấu đỉnh cao tốt hơn một trọng tài giỏi thứ hai, thứ ba đến từ Italy.

Sau trận thua Brazil, các cầu thủ Croatia tố cáo trọng tài Yuichi Nishimura không trao đổi bằng tiếng Anh, chỉ dùng tiếng Nhật. Liên đoàn bóng đá Nhật thừa nhận không có yêu cầu về tiếng Anh đối với các trọng tài, nhưng cho rằng các khóa tập huấn của FIFA dành cho các trọng tài đều được tiến hành với ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Anh. Trọng tài 42 tuổi này cũng được Trưởng ban trọng tài của FIFA bênh vực: "Yuichi Nishimura đã có mặt đúng vị trí và quan sát rõ tình huống thổi phạt đền". Nishimura từng nhận danh hiệu Trọng tài số một Liên đoàn bóng đá châu Á 2012, và đã có kinh nghiệm quốc tế tại World Cup 2010 và Olympic London 2012, nhưng hằng tuần ông chỉ điều khiển các trận đấu của J-League (giải vô địch Nhật Bản).

Nhưng cũng có nhiều tờ báo nêu quan điểm rằng các cầu thủ hãy bỏ vấn đề trọng tài khỏi đầu và chỉ cần tập trung vào trận đấu, tập trung vào đối thủ. Tờ Guardian của Anh nhấn mạnh: "Kỳ World Cup hay Euro nào cũng có vấn đề liên quan tới trọng tài. Ngay cả các trọng tài hàng đầu của Anh như Graham Poll hay Howard Webb cũng từng mắc sai lầm lớn ở World Cup 2006 và chung kết World Cup 2010. Mới đây trọng tài của Serie A Nicola Rizzoli cũng sai khi cho Tây Ban Nha hưởng phạt đền trận gặp Hà Lan. Trọng tài là một phần của cuộc chơi".

Theo Vnexpress

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X