Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Thống kê về World Cup 2014: "Vua chuyền bóng" Toni Kroos, "đại sát thủ" James Rodriguez

Thứ Năm 03/07/2014 17:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Ngày nay, những con số thống kê đã trở thành một phần không thể thiếu của môn thể thao Vua dù không phải lúc nào, nó cũng phản ánh đúng thực tế sân cỏ hay trình độ, đẳng cấp của cầu thủ bởi đơn giản, cái gì cũng chỉ mang tính chất tương đối của nó. Nào hãy cùng khám phá ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tính đến thời điểm này (sau vòng 1/8) qua những sự tính toán đơn thuần về mặt số học.

Khả năng chuyền bóng: Bậc thầy Đức

Kể từ Euro 2008, khi người TBN bắt đầu thống trị thế giới bằng lối chơi tiqui-taka truyền thống thì đương nhiên La Furia Roja luôn luôn đứng đầu ở tiêu chí này vì ai cũng rõ, cái "quốc hồn quốc tuý" của tiqui-taka chính là những màn chuyền ban đập nhả ở phạm vi hẹp mà đôi lúc trở nên nhàm chán và cực kỳ buồn ngủ. Tuy nhiên, đến World Cup 2014, Đức mới là đội chuyền bóng khủng nhất, vừa nhiều nhất lại còn chính xác nhất. Die Mannschaft thực sự đã "quay cuồng" 4 đối thủ họ chạm trán ở những vòng vừa rồi bằng ma trận chuyền bóng với sự tham gia của số đông, gồm cả các hậu vệ, khiến các chuyên gia cho rằng Đức đã phát minh ra tiqui-taka thế hệ mới.

Toni Kroos
Không ai chuyền nhiều mà lại đạt độ chính xác cao hơn Toni Kroos

Tổng cộng, sau 4 trận, ĐT Đức đã có tới 2.695 đường chuyền, hơn bất cứ đội bóng nào khác. Trong số đó, có 2.378 đường chuyền đúng địa chỉ (tỉ lệ 88%). Xếp thứ 2 là ĐT Argentina với 1.937 đường chuyền chính xác/2.219 còn "vị vua đã bị phế" TBN chỉ đứng thứ 5 về tổng số đường chuyền và thứ 4 về tỷ lệ chính xác. Nếu xét theo cầu thủ thì danh hiệu "vua chuyền bóng" tại World Cup 2014 đang tạm thời nằm trong tay Toni Kroos, một trong những tiền vệ chơi ổn định nhất giải đấu, với con số 394 đường chuyền (chính xác 360). Cộng thêm với phong độ mùa vừa rồi tại Bayern Munich thì xem ra, Kroos càng trở nên hot trên TTCN. Đứng thứ hai là Javier Mascherano, tiền vệ đánh chặn của Argentina (377/347). Đáng chú ý, trong top 10 cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất, còn có thêm 2 cầu thủ người Đức khác là Phillip Lahm (thứ 3, 377/340) và Per Mertesacker (thứ 5, 294/276). ĐT Argentina cũng đóng góp 3 cầu thủ trong Top 10 như ĐT Đức. Ngoài Mascherano còn có Fernando Gago (thứ 4, 335/306) và Angel Di Maria (thứ 10, 234/202).

Tận dụng cơ hội: Colombia và James Rodriguez "bá đạo"

"Hiện tượng" Colombia thực sự khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi là đội giỏi chuyển hoá cơ hội thành bàn thắng nhất sau 4 trận. Cụ thể, trung bình khoảng 10 cú dứt điểm nhằm tìm kiếm bàn thắng thì mành lưới đối thủ sẽ bị rung lên 3 lần (tỷ lệ 30,5%), cao hơn các đội đứng sau như Hà Lan (27,9%), Algeria (21,8%), Chile (18,7%),...Trong đó, cầu thủ tận dụng tốt nhất không ai khác ngoài James Rodriguez, phát hiện lớn nhất tính đến thời điểm này của World Cup. Dù thi đấu ở vị trí tiền vệ tấn công, ngôi sao 22 tuổi đang khoác áo CLB Monaco (Pháp) đã có 5 bàn thắng, nhiều nhất giải và hiệu suất chuyển hoá cơ hội của anh là 62,5%, hoàn toàn ăn đứt những ứng cử viên khác cho danh hiệu "Chiếc giày vàng World Cup" như  Van Persie (37,6%), Neymar (36,4%) hay Thomas Muller (36,4%). Không còn gì phải bàn cãi ở trận tứ kết sắp tới, Brazil sẽ phải vô hiệu hoá bằng mọi giá "ngòi nổ" này nếu không muốn phải nhận lấy trái đắng.

Đội dứt điểm kém nhất: Gọi tên Argentina

Tính tới thời điểm này của World Cup 2014, Argentina đã có được 7 bàn thắng, một số lượng không tồi. Tuy nhiên, thật thú vị khi Argentina lại là đội dứt điểm không trúng đích nhiều lần nhất (34) sau 4 trận. Dẫu vậy, nếu chia theo số trận thì Ghana còn "đỉnh" hơn Albiceleste nhiều bởi có tới 32 pha sút bóng chệch cầu môn chỉ sau 3 trận vòng bảng. Theo nguyên tắc "bắc cầu" thì hoàn toàn dễ hiểu khi Asamoah Gyan, chân sút chủ lực của "Những ngôi sao đen" Ghana là cầu thủ "ngắm bắn" kém nhất World Cup 2014 với 10 lần sút ra ngoài và xếp phía sau là Cavani (8 lần), Cristiano Ronaldo (7 lần). Còn trong thành phần ĐTQG Argentina, không quá khó hiểu khi "hạt nhân" Lionel Messi là người dứt điểm hỏng nhiều nhất (7 lần).

Argentina đã giành chiến thắng muộn màng trước Thuỵ Sỹ
 

Dứt điểm trúng mục tiêu: Bỉ và Benzema dẫn đầu

Tính tới thời điểm này, dù mới có được 6 bàn thắng nhưng bù lại, Bỉ chính là đội tung ra được nhiều pha sút bóng trúng đích (cầu môn) nhất bao gồm cả các tình huống bị thủ môn đối phương dắt dính (32 lần), hơn Pháp (31 lần), Đức (30 lần), Brazil (29 lần). Thực ra, không khó để lý giải vì sao Bỉ có được con số này. Tất cả nhờ vào trận đấu vòng 1/8 vô cùng sôi nổi với ĐT Mỹ khi mà riêng thủ môn Tim Howard đã có đến 15 pha cứu thua cả thẩy. Trong khi, ở hạng mục dành cho cầu thủ, thì Karim Benzema, cầu thủ quan trọng bậc nhất Les Bleus hiện nay là người dứt điểm đưa bóng đi đúng vào khu vực cầu môn nhiều nhất với 13 lần. Đấy là còn chưa nói đến chuyện, đâu phải lúc nào Benzema cũng được bố trí đá ở vị trí trung phong cắm mà nhiều thời điểm, anh phải dạt ra cánh hoặc sắm vai hộ công cho Oliver Giroud. Như vậy, tính ra, hơn 1/3 cú sút chính xác của ĐT Pháp thuộc về tiền đạo đang khoác áo Real Madrid. Đáng tiếc, chỉ 3/13 lần, Benzema đưa được bóng vào lưới, chứng tỏ hoặc thủ môn đối phương quá giỏi hoặc Benzema dứt điểm thiếu độ hiểm hóc để có thể hạ gục "thần gác đền".

Đội bóng kém may mắn nhất: Pháp

Lẽ ra, số bàn thắng ở World Cup 2014 của ĐT Pháp sẽ phải vượt qua con số 10 nếu như họ không bị thần may mắn quay lưng. Cụ thể, qua 4 trận đấu, các cầu thủ Les Bleus đã có đến 6 lần đưa bóng trúng khung gỗ (xà ngang hoặc cột dọc). Trong đó, Antoine Griezmann và Yohan Cabaye đã xuất sắc hai lần ghi tên vào danh sách "đen đủi" này. Ngoài ra, hậu vệ Stefan de Vrij của Hà Lan cũng nhất quyết không chịu thua kém khi cũng 2 lần tìm đến đường ranh giới giữa trong và ngoài cầu môn.

Kiến tạo thành bàn: Juan Guillermo Cuadrado "vô đối"

Không chỉ sở hữu "sát thủ" James Rodriguez mà Colombia còn có trong tay một cao thủ kiến tạo bàn thắng. Đó chính là tiền vệ Cuadrado đã chơi bùng nổ ở Fiorentina mùa vừa rồi. Cầu thủ chạy cánh 26 tuổi này đã 4 lần thực hiện các đường chuyền quyết định, giúp đồng đội lập công, hơn bất cứ một ngôi sao "hàng hiệu" nào khác mà đã nổi tiếng từ lâu trong lĩnh vực này như Mesut Ozil, Angel Di Maria, Eden Hazard hay Arjen Robben. Với phong độ như thế, bảo sao Cuadrado đang trở thành mục tiêu cực hot trên TTCN. Xếp thứ 2 sau Cuadrado cũng là một "gương mặt lạ": tiền vệ trẻ Daley Blind, một trong những "nhân tố bí ẩn" mà Louis Van Gaal trình làng ở World Cup năm nay, với 3 đường chuyền thành bàn, trong đó 2 pha xuất hiện ở trận thắng 5-1 ấn tượng trước ĐKVĐ vừa bị phế truất, TBN ở ngày ra quân.

Tim Howard đã có không ít pha cứu thua xuất sắc
Tim Howard đứng đầu về số pha cứu thua thành công

Thủ môn "siêu đẳng": Không thể vượt qua Tim Howard

Không còn nghi ngờ gì, World Cup 2014 đang trở thành sân khấu cho các "siêu thủ môn" phô diễn tài năng mà ấn tượng họ để lại sâu đậm không kém gì những đồng nghiệp ở các tuyến khác. Không khó để kể ra những màn trình diễn để đời của hàng loạt "thần gác đền" từ đầu giải đến giờ như Ochoa của Mexico ở trận gặp Brazil, Navas của Costa Rica ở trận gặp Hy Lạp, Enyeama của Nigeria ở trận gặp Pháp,....Tuy nhiên, tất cả đều phải ngã mũ thán phục Tim Howard, thủ thành đã 35 tuổi của tuyển Mỹ, ở trận thua Bỉ khi thủ môn từng khoác áo Man Utd và chơi bóng tại Everton từ năm 2007, đã thiết lập kỷ lục mới tại các kỳ World Cup với 15 pha cứu thua. Nhờ vây, Howard đã dẫn đầu giải đấu về số lần từ chối bàn thắng của đối phương.

Cầu thủ "rắn nhất": Fellaini dưới 1 người trên trăm người

Bỏ lại sau lưng mùa giải vô cùng tệ hại ở Man Utd, tiền vệ Fellaini đang gây thiện cảm trong màu áo ĐT Bỉ khi góp phần công sức giúp "Quỷ đỏ" giành vé vào tứ kết. Sau khi phải ngồi dự bị ở trận khai mạc nhưng lại lập công khi được vào thay người, Fellaini đã thi đấu không thiếu một phút nào trong 3 trận kế tiếp. Chơi bóng ở khu vực giữa sân nên không quá khó hiểu khi Fellaini thường xuyên va chạm với cầu thủ đối phương và tất nhiên khó tránh khỏi các pha vào bóng, truy cản quyết liệt. Cụ thể, tính tới thời điểm này, Fellaini đã có tới 14 tình huống phạm lỗi bị thổi phạt, chỉ kém Reza Ghoochannejhad (Iran – 16 lần). Nhưng không hiểu sao, Fellaini lại chưa một lần phải nhận thẻ vàng. Phải chăng kỹ nghệ "đốn người" của Fellaini đã đạt tới trình độ siêu đẳng nên mới không bị các trọng tài trừng phạt. Vậy thì, Man Utd cần gì phải tìm kiếm "cao thủ đánh chặn" mới khi đã sở hữu Fellaini. Song mới xuất hiện thông tin cho rằng, Van Gaal đã bắn tín hiệu tới ban lãnh đạo đội bóng rằng Fellaini không nằm trong kế hoạch chuẩn bị của ông cho mùa giải mới đồng nghĩa, Man Utd cần tìm cách bán Fellaini càng sớm càng tốt.

Thiên Bình  

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X