Thứ Tư, 13/11/2024 Mới nhất
Zalo

Góc chiến thuật: Italia đã sử dụng đội hình 1 tiền vệ cánh và hệ thống “trio-regista”

Chủ Nhật 15/06/2014 15:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Rạng sáng nay, người Ý lại thêm một lần nữa khiến người Anh phải “ôm hận” sau thắng lợi 2-1 của thầy trò HLV Cesare Prandelli trước Tam Sư. Không quá khó để nhận ra sự bản lĩnh cũng như kinh nghiệm trong nhiều thời điểm chính là chìa khóa quyết định giúp đội quân áo Thiên thanh đánh bại sức trẻ của ĐT Anh. Bên cạnh đó, những dấu ấn về mặt chiến thuật của Azzurri cũng là điểm nhấn đáng kể ở trận đấu này. 

Trước trận đấu, giới chuyên môn đã đưa ra rất nhiều dự đoán về đội hình của ĐT Italia trong cuộc đối đầu gặp ĐT Anh, từ sơ đồ chiến thuật 4-3-1-2, 4-3-2-1 cho đến 4-5-1 hay thậm chí là 3-5-2… Rồi các vị trí ra sân là những ai? hệ thống “doppio regista” sẽ vận hành ra sao? Cùng rất nhiều vấn đề khác.

Và rồi, cho đến rạng sáng ngày hôm nay, cả thế giới đã được biết câu trả lời từ HLV Cesare Prandelli. Không có nhiều sự thay đổi về nhân sự, vẫn là những con người ấy, những cái tên đã được các mặt báo “hâm nóng” trong nhiều ngày qua. Nhưng cựu chiến lược gia Fiorentina đã đưa ra một cách sắp xếp đội hình hoàn toàn khác biệt giúp cho ĐT Italia chơi hiệu quả hơn hẳn.

Italia
Marchisio với bàn thắng mở tỷ số đẹp mắt cho người Ý

Sơ đồ 4-1-4-1: De Rossi thay thế Pirlo?

Đầu tiên, chính là vị trí của Andrea Pirlo, ngôi sao được người Anh chú ý rất nhiều trước trận đấu này. Nhận thấy sự chú ý đặc biệt từ phía thầy trò HLV Roy Hodgson dành cho cậu học trò của mình, Prandelli đã khéo léo “đổi vai” giữa Pirlo và Daniele De Rossi cho nhau. Khác với mọi lần, cầu thủ đang khoác áo Roma sẽ thay Pirlo giữ vai trò chơi thấp nhất hàng tiền vệ.


Trong khi đó, Pirlo cùng với Verratti chính là 2 cầu thủ được bố trí đá dâng cao hơn khiến nhiều người liên tưởng đến hệ thống “doppio regista” từng được giới chuyên môn phân tích cách đây vài ngày. Ở phía trên, Candreva và Marchiso chính là 2 tiền vệ tấn công với mục đích hỗ trợ cho trung phong cắm duy nhất Balotelli. 
Tuy nhiên, cách vận hành sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1 của HLV Prandelli lại không hề giống như những sắp xếp ban đầu…

Italia
Pirlo bất ngờ được đẩy lên đá cao hơn ở hàng tiền vệ

Hệ thống “trio-regista”

Thực tế, việc kéo De Rossi chơi lùi sâu sát với hàng phòng ngự không chỉ giúp cho ĐT Italia tạo được sự chắc chắn ở tuyến giữa đồng thời giải phóng Pirlo, mà ngay cả ở vị trí của tiền vệ đang khoác áo Roma, Azzurri cũng sở hữu một nguồn phân phối bóng cực kỳ hiệu quả.

Cụ thể, De Rossi chính là một trong những nhân tố tham gia đầy đủ nhất vào cả 2 mặt trận tấn công cũng như phòng ngự của ĐT Italia. Theo thống kê, trong suốt trận đấu, tiền vệ 31 tuổi là 1 trong 2 cầu thủ chuyền nhiều nhất bên phía đội bóng áo Thiên thanh, 105 lần với tỷ lệ chính xác 94%. Người còn lại không ai khác, chính là “nhạc trưởng” Pirlo với 108 đường chuyền, đạt tỷ lệ chính xác 95%.

Ngoài ra, De Rossi cũng có 2 tình huống tắc bóng chính xác (chỉ kém Barzagli 3 lần và Chiellini 5 lần) cùng 3 pha tham gia đánh chặn thành công, nhiều nhất bên phía Italia (bằng với Barzagli), những con số phần nào thể hiện khả năng hỗ trợ phòng ngự tuyệt vời của anh.

Italia
De Rossi đã có màn trình diễn tuyệt vời 

Nhưng quan trọng nhất, là ngay cả khi Pirlo không còn được chơi ở vị trí “solo regista” sở trường thì De Rossi đã thay người đồng đội hoàn thành rất tốt nhiệm vụ phát động tấn công. Theo thống kê, trong cả trận, “lão tướng” của Roma đã thực hiện tổng cộng 13 đường chuyền dài với tỷ lệ chính xác 92,3% (12/13), nhiều hơn cả Pirlo (7/8 đường chuyền thành công).

Rõ ràng, sự kết hợp giữa bộ ba Verratti-Pirlo-De Rossi đã giúp cho ĐT Italia duy trì được khả năng kiểm soát khu vực trung tuyến một cách hết sức hiệu quả. Trận này, dù “cú nhỏ” Verratti chơi không quá ấn tượng nhưng anh cũng hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ của mình. Cụ thể, tiền vệ đang khoác áo PSG đã tung ra tất cả 61 đường chuyền trong suốt trận đấu với tỷ lệ chính xác lên đến 97%. Bên cạnh đó, Verratti cũng có 1 pha tắc bóng thành công cùng 2 lần phá bóng giải nguy hỗ trợ cho hàng thủ đội nhà.

Với một hệ thống “trio-regista” đầy biến hóa đến như vậy, việc Italia dù chơi chậm rãi nhưng vẫn giữ thế chủ động trước người Anh là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Chỉ sử dụng 1 tiền vệ cánh

Như đã nói ở trên, Marchisio và Candreva chính là 2 mũi nhọn hỗ trợ cho Balotelli trong trận này. Tuy nhiên, về bản chất mà nói, thì tầm hoạt động của 2 cầu thủ là rất khác nhau. Cụ thể, trong khi Marchisio chơi như một tiền vệ “con thoi” đồng thời thường xuyên bó vào trung lộ thì ngược lại, Candreva thi đấu như một cầu thủ chạy cánh thuần túy.

Theo như đội hình xuất phát, Marchisio là một tiền vệ trái nhưng trong suốt trận đấu, anh đã không hề chơi bám biên quá nhiều. Ngôi sao của Juventus đã di chuyển theo trục dọc của đội hình và thậm chí, anh thường xuyên lùi về hỗ trợ phòng ngự nếu cần thiết. Thống kê cho thấy trong suốt trận đấu, Marchisio có một pha tắc bóng chính xác cùng 3 tình huống giải nguy cho đội nhà, một điểm khác biệt hoàn toàn so với “đối tác” Candreva, người gần như không tham gia vào khâu phòng ngự.

Italia
Candreva đã "xuyên thủng" hàng lanh cánh trái của hàng phòng ngự ĐT Anh

Mặc dù vậy, trên khía cạnh tấn công, tiền vệ của Lazio đã thực sự trở thành “cơn ác mộng” với thầy trò HLV Roy Hodgson. Kết hợp cùng với hậu vệ phải Darmian, Candreva đã “cày nát” hành lang cánh trái của ĐT Anh, nơi có sự trấn giữ của Leighton Baines. Cụ thể, trong cả trận, Italia có 3 lần qua người thành công và 2 trong số đó đến từ những pha đi bóng tốc độ của “tên lửa” Candreva. Pha qua người còn lại là của Darmian, cũng là một cầu thủ chơi hết sức ấn tượng trong trận đấu rạng sáng nay.

Phải thừa nhận rằng việc HLV Prandelli bố trí 2 cầu thủ “hộ công ảo” chơi lệch so với vị trí xuất phát như trên đã giúp cho hàng công của Italia trở nên khó lường hơn rất nhiều. Trong khi hậu vệ phải Glen Johnson không biết phải kèm Marchisio ở đâu thì bên cánh đối diện, Leighton Baines đã trải qua một ngày “khủng khiếp”. Thực tế, những bàn thắng của Azzurri cũng đến từ sự đóng góp trực tiếp của cả Marchisio và Candreva, một dẫn chứng phần nào thể hiện tài cầm quân của HLV Prandelli. Với sự dũng cảm của mình, vị chiến lược gia người Ý xứng đáng nhận được thành quả tuyệt vời là chiến thắng đầu tay tại kỳ World Cup năm nay.

Kết luận

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng ĐT Anh vừa chơi một trong những trận đấu tiến bộ nhất dưới triều đại HLV Roy Hodgson. Nhưng rõ ràng, những điểm nhấn về mặt chiến thuật, về tính sáng tạo trong việc sắp xếp và vận hành lối chơi của cựu chiến lược gia Liverpool vẫn còn hết sức đơn giản. Đôi khi, người Anh không thể chỉ dựa vào “tốc độ” để hy vọng làm nên đột biến. Họ cần thêm một chút gì đó toan tính, một chút mạo hiểm và cả bản lĩnh ở những thời điểm quyết định thì mới có cơ hội thành công được.

Đêm qua, người Ý lại thắng, một chiến thắng hoàn toàn xứng đáng và như thường lệ, Italia vẫn luôn thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác biệt tại những giải đấu lớn. Trong trường hợp còn tiến xa tại World Cup năm nay, chắc chắn đội bóng áo Thiên thanh sẽ còn mang đến cho người hâm mộ nhiều điều bất ngờ.

NAM ANH        

             

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X