- Pháp sư Brazil làm phép nguyền rủa ĐT Đức trước bán kết
- ĐT Đức và thế hệ sao mai 2009: Giờ là lúc hái quả
- Đức đối đầu Brazil: Cuộc chiến của hai gã khổng lồ
Người Đức đã chán những giấc mơ dang dở?
Với chiến thắng trước Pháp, tuyển Đức đã chính thức đi vào lịch sử với tư cách là đội bóng đầu tiên lọt vào bán kết ở 4 VCK World Cup liên tiếp. Trên thực tế, không chỉ ở World Cup, mà tại EURO người Đức cũng rất thành công. Họ cũng đã đi ít nhất đến bán kết trong cả 2 kì EURO gần nhất. Đấy rõ ràng là những thành tích rất đáng ngưỡng mộ, khiến bất kì đội bóng nào cũng phải ghen tị. Chỉ có điều, người Đức là chỉ thành công nửa vời. Bởi họ liên tục gục ngã ngay trước cửa thiên đường.
Kể từ năm 2002 đến nay, Đức đã thất bại ở 2 trận chung kết (World Cup 2002 và EURO 2008) và để thua ở 3 trận bán kết còn lại. Không một lần Die Mannschaft nhận được nụ cười của thần chiến thắng. Khi mà mọi thứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy thì khó có thể nghĩ rằng nó chỉ đơn thuần là một sự thiếu may mắn. Tuyển Đức hiện nay không chỉ thiếu chất thép như thế hệ đàn anh, mà quan điểm tận hiến, cởi mở của họ cũng là một điểm yếu chết người, nhất là ở những cuộc đấu knock-out sinh tử, một mất một còn.
Dĩ nhiên, chẳng ai có thể bằng lòng với những hành trình dang dở, đầy bi kịch như vậy. Sau quá nhiều lần hi vọng rồi lại thất vọng, người Đức đã quá chán ngán với những cái “chết” ngay trước vạch đích. Cái họ chờ đợi ở thày trò Joachim Loew không gì ngoài việc đi đến tận cùng khám phá. Thậm chí, ngay cả một chính trị gia như Thủ tướng Angela Merkel cũng không thể giấu nổi sự sốt ruột. Trước thềm trận đấu với Pháp, bà Merkel đã gửi 1 tin nhắn cá nhân đến HLV Joachim Loew: “Chiến thắng bằng mọi giá”. Và có vẻ như chính thứ áp lực từ mọi phía ấy đã khiến HLV Joachim Loew thức tỉnh và phải thay đổi.
“Cỗ xe tăng” đang rở lại
Trong trận tứ kết vừa qua người ta đã được thấy một Joachim Loew hoàn toàn mới trong một ĐT Đức mang dáng dấp của quá khứ. Vị thuyền trưởng của tuyển Đức không còn bảo thủ. Thay vì sơ đồ 4-1-4-1 đã theo đuổi từ đầu giải, Loew đã trở lại chiến thuật 4-2-3-1 vốn an toàn hơn với 2 tiền vệ phòng ngự.
Điều quan trọng hơn là cách vận hành lối chơi của Đức cũng rất khác. Họ không còn chơi thứ bóng đá tấn công vô tư, vô điều kiện. Ngược lại, các học trò của Loew chủ động kìm hãm tốc độ của trận đấu, giăng ra một thế trận chặt chẽ để triệt tiêu cảm hứng thi đấu của đối thủ, đặc biệt là sau khi đã có được bàn thắng mở tỉ số. Cách mà các học trò của Loew kết liễu đối phương cũng rất thực dụng, bàn thắng đến từ một trung vệ sau một tình huống cố định.
Tờ Sueddeutsche Zeitung đã không giấu nổi sự thích thú trước những thay đổi của ông thầy ĐT Đức. Ngay ở số báo ra sau cuộc đối đầu với Pháp, tờ này đã giật tít: “Loew đã thực hiện điều đó”. Lãnh đội của Die Mannschaft ở World Cup 2014, Oliver Bierhoff – người đã đăng quang tại EURO 1996 cũng đánh giá rất cao màn trình diễn của đội nhà: “Chúng tôi đã tổ chức tốt, có sự gắn kết trên sân. Chúng tôi đã chơi rất điềm tĩnh, và biết làm gì để đạt chiến thắng. Đó luôn luôn là sức mạnh của tuyển Đức”.
Sự thực thì thứ được Bierhoff gọi là “luôn luôn là sức mạnh của tuyển Đức” đã không tồn tại trong phần lớn thời gian từ khi ĐT Đức khoác lên mình một bộ mặt tươi mới, quyến rũ hơn. Và có lẽ chính sự trở lại của những phẩm chất đã là thương hiệu của bóng đá Đức đấy là nguyên nhân khiến Thomas Mueller tự tin khẳng định: “Chúng tôi là một đội bóng mạnh hơn nhiều so với năm 2010. Chúng tôi có nhiều sự lựa chọn hơn trong cách tiếp cận trận đấu”. Và một khi Loew không còn theo đuổi tư tưởng viển vông, đặt tính hiệu quả lên hàng đầu thì người Đức có quyền mơ về những chiến thắng sẽ trở lại cùng hình ảnh “cỗ xe tăng”.
Theo Thể Thao Văn Hoá