Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Chuyện World Cup 2014: Những đội bóng một người

Thứ Ba 24/06/2014 20:31(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Chẳng một tập thể nào thích phụ thuộc vào một cá nhân, nhưng nhiều khi những con người ấy không thể có được một sự lựa chọn tốt hơn.

ĐT Bồ Đào Nha là một ví dụ. Họ mong chờ những bàn thắng của Cristiano Ronaldo chẳng khác nào một đứa bé mong mẹ đi chợ về. Vấn đề ở đây không phải là đứa bé ấy không thể đi ra ngoài mua quà, cũng như Brazil châu Âu vẫn có thể ghi bàn khi không có CR7, nhưng quà mẹ mua, cũng như bàn thắng mà Ronaldo bao giờ cũng "ngon" và "dễ" hơn.

Bồ Đào Nha, Argentina, Brazil đang bị gọi là những đội bóng một người
Bồ Đào Nha, Argentina, Brazil đang bị gọi là những đội bóng một người

Bồ Đào Nha hẳn nhiên là đội bóng một người. 23 trái tim (tính cả HLV Paulo Bento) lúc nào cũng hướng về Ronaldo như một vị thần hộ mệnh. Họ sướng vì Ronaldo (khi anh lập hat-trick loại ĐT Thụy Điển ở trận play-off), khổ cũng vì Ronaldo (như lúc anh này không đạt thể lực tốt nhất trong trận thua ĐT Đức 0-4), và nói chung là cứ Ronaldo làm sao thì Bồ Đào Nha làm vậy.

Siêu sao của Real Madrid thăng hoa, cựu cầu thủ Man Utd ghi bàn ầm ầm, Quả bóng vàng FIFA 2013 làm tình làm tội hậu vệ đối phương, Bồ Đào Nha được hưởng lợi đầu tiên. Đúng như Chủ tịch Florentino Perez khẳng định: "Có Ronaldo trên sân, đội bóng của ông coi như đã thắng 1-0". Đội bóng một người như Bồ Đào Nha đích thị là một đội bóng trung bình, như chính Ronaldo đã thừa nhận trên Sky Sports. Khó có thể coi họ là một ông lớn của bóng đá thế giới.

Lại có những đội bóng một người khác, như Brazil hay Argentina chẳng hạn, họ có những ngôi sao có trình độ rất gần với trình độ của 2 cái tên hàng đầu Neymar và Messi. Selecao có Oscar, Marcelo, Dani Alves; Albiceleste có Aguero, Higuain, Di Maria. Nói tóm lại, nếu vứt 2 ông sao hàng hiệu qua một bên, phần còn lại của 2 đại gia Nam Mỹ cũng thừa sức vào tới vòng knock-out (dĩ nhiên là phần còn lại chơi đúng sức).

Thế nhưng Brazil và Argentina vẫn lại bị lệ thuộc vào Neymar cũng như Messi. Nếu như chân sút 22 tuổi có 4/7 bàn thắng của Selecao (chiếm 57%), thì người đàn anh của Neymar ở Barca còn "khủng khiếp" hơn khi chiếm tới 66% bàn thắng của Albiceleste (2/3 bàn).

Nếu như những đồng đội của Ronaldo không dám sút, điển hình là tình huống Almeida chuyền bóng cho CR7 ở vị trí khó hơn thì những đồng đội của Neymar và Messi lại không biết ghi bàn. Những Oscar, Hulk, Fred dễ dàng "mất điện" trước gã vô danh Guilermo Ochoa, còn hàng công đắt giá gồm Aguero, Higuain chỉ biết ôm đầu tiếc nuối trước đối thủ yếu nhất bảng F - ĐT Iran.

Sẽ thật nguy hiểm nếu bỗng nhiên Neymar hoặc Messi bất ngờ đổ bệnh. Brazil và Argentina gần như sẽ không thể tìm được một thủ lĩnh thay thế với những con người hiện tại. Đội hình một người như vậy, lúc nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Nhưng không phải đội bóng một người nào cũng ngày đêm phải nơm nớp lo sợ. Hà Lan của Louis van Gaal chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều ấy.

van persie van gaal
Louis van Gaal mới là ngôi sao đích thực của ĐT Hà Lan 

Nếu như trước World Cup 2014, người ta băn khoăn về chuyện Van Persie hay Robben sẽ là thủ lĩnh hàng công của Cơn lốc màu da cam thì đến khi 3 trận vòng bảng kết thúc, câu trả lời mà người hâm mộ nhận được là không ai cả. Thiếu Van Persie, Hà Lan vẫn đè bẹp được Chile. Không cần Robben, đội bóng Bắc Âu vẫn băng băng vượt qua những đối thủ giao hữu trước thềm World Cup.

Tất cả nói lên cái tài của Van Gaal, một người luôn biết cách "đãi cát tìm vàng" từ những cậu học trò vô danh. Lần lượt Blind, Depay đã được ông thầy 62 tuổi đưa ra ánh sáng.  Mất Van Persie cũng được, thiếu Robben cũng chẳng sao, ĐT Hà Lan không phải là đội bóng của những cầu thủ ngôi sao mà là tập thể của một HLV lỗi lạc.

Hy Lạp từng có một ngôi sao mang tên Otto Rehhagel giúp họ đăng quang ở Euro 2004 và giờ thì Hà Lan cũng có một ngôi sao tương tự mang tên Louis van Gaal. Dù người ta vẫn nói đội bóng một người sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, nhưng một người theo cách của Hà Lan bây giờ thì chẳng có đội nào không muốn.

Theo VTC

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X