Bốn kỳ World Cup liên tiếp, cúp vàng nằm trong vòng tay của các quốc gia Tây Âu. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bóng đá Tây Âu liên tiếp thống trị giải đấu thế giới?
Pháp đánh bại Croatia đầy thuyết phục để nâng cúp vàng World Cup 2018, kéo theo đó là sự thống trị của bóng đá Tây Âu ở giải đấu cấp thế giới. Từ giờ cho đến World Cup 2022, bóng đá Nam Mỹ sẽ chờ đợi hai thập kỷ không được đón chiếc cúp vàng danh giá.
|
ĐT Pháp giành chức vô địch World Cup 2018 |
Trước giai đoạn này, Tây Âu chưa bao giờ vô địch World Cup hay kỳ liên tiếp, giờ là bốn rồi. Lần lâu nhất nền bóng đá Tây Âu giữ cúp là hai chức vô địch của ĐT Italia vào các năm 1934 và 1938.
Để thấy rõ sự thống trị của bóng đá Tây Âu tại World Cup trong kỳ hiện tại, hãy nhìn vào bốn giải đấu gần nhất. Ngoài bốn chức vô địch liên tiếp (Italia, Tây Ban Nha, Đức, Pháp), chỉ có hai đội không thuộc khối Tây Âu từng giành được huy chương là Argentina (Nam Mỹ - nhì 2014) và Croatia (Đông Âu - nhì 2018).
Dường như phần còn lại của thế giới chỉ đến World Cup để làm nền cho sự tỏa sáng của bóng đá Tây Âu.
Nguyên nhân chủ quan
Nhiều lời giải thích được đưa ra, bao gồm cả việc Tây Âu sở hữu những giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới, cũng như ở đây tập trung nhiều quốc gia giàu có. Lời giải thích này hoàn toàn đúng đắn bởi cả bốn nhà vô địch gần nhất đều sở hữu những giải VĐQG hàng đầu châu Âu và thế giới (Serie A, La Liga, Bundesliga và Ligue 1).
|
Bóng đá Tây Âu quy tụ những giải VĐQG hàng đầu thế giới. |
Việc sở hữu những giải VĐQG hàng đầu giúp cầu thủ của các quốc gia Tây Âu được so tài với những đối thủ đẳng cấp hàng tuần. Điều đó giúp trình độ của các cầu thủ nơi đây vô hình chung tăng lên, cũng như liên tục được cập nhật các xu hướng chiến thuật mới.
Cơ sở an sinh xã hội tốt cũng là nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh cho con cái tới Tây Âu theo diện di cư. Chức vô địch World Cup 2018 có đóng góp rất lớn của những cầu thủ gốc nước ngoài, với chỉ 4/23 cầu thủ của Les Bleus là người Pháp "gốc", 15/23 thành viên có gốc châu Phi.
Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào đó làm nguyên nhân thành công cho bóng đá Tây Âu là chưa đủ. Hai yếu tố này chỉ là điều kiện cần làm nên nền tảng cốt lõi, chưa phải là điều kiện đủ.
Bỉ (2018) hay Thổ Nhĩ Kỳ (2002) không có giải vô địch quốc gia được đánh giá cao nhưng vẫn gây ấn tượng bằng cách giành huy chương. Còn nếu nói đến việc quốc gia giàu có là có thể phát triển đội tuyển mạnh mẽ thì những ví dụ của Hoa Kỳ, Canada hay Trung Quốc cho thấy tiền không giải quyết được hoàn toàn vấn đề.
|
Bóng đá Tây Âu hoàn thiện được hệ thống đào tạo trẻ chất lượng. |
Một nguyên nhân quan trọng hơn cả là phần lớn các quốc gia Tây Âu hoàn thiện được hệ thống bóng đá theo bậc kim tự tháp. Sự nghiệp cầu thủ của những đứa trẻ bắt đầu sớm khi mới 6 tuổi, các cậu bé có thể tham gia đội bóng ở khu phố đang sinh sống.
Ngay cả những câu lạc bộ nghiệp dư ở những khu phố cũng có sân tập với chất lượng tốt, những huấn luyện viên đã qua đào tạo chuyên sâu về bóng đá. Họ có đủ khả năng để truyền thụ kiến thức cho những đứa trẻ, giúp chúng sớm hiểu được các vị trí trên sân, phải đá như thế nào cho đúng "bài",...
Những đứa trẻ tốt hơn sẽ được các câu lạc bộ lớn nhanh chóng đưa vào học viện. Từ đó, họ mài giũa để chọn ra những đứa trẻ tốt nhất. Đây là điều đa phần những khu vực còn lại trên thế giới chưa làm được.
Và cả yếu tố khách quan
Ngày nay, phần lớn các cầu thủ đều mơ được tới những giải đấu hàng đầu thế giới như Premier League, La Liga,... Điều đó khiến khi trở lại đội tuyển, họ mang về tư duy đá bóng của nhiều quốc gia khác nhau khiến huấn luyện viên trưởng mất thêm thời gian ráp nối cả đội lại với một cách chơi cốt lõi.
|
Việc bóng đá Tây Âu có nhiều đại diện hơn hẳn cũng giúp cơ hội vô địch cao hơn. |
Trong khi đó, các quốc gia Tây Âu lại có lợi thế khi phần lớn các cầu thủ đã quen với lối chơi được định hình từ giải VĐQG nước mình. Tiêu biểu là Tây Ban Nha (2010) lấy nòng cốt là các cầu thủ Barcelona và Real Madrid, Đức (2014) lấy nòng cốt từ Bayern Munich.
Từ khi lịch sử World Cup bắt đầu từ năm 1930, chỉ có 8 quốc gia từng vô địch thì 5 trong đó nằm ở khu vực Tây Âu (Đức, Italia, Pháp, Anh, Tây Ban Nha), 3 quốc gia còn lại ở khu vực Nam Mỹ (Brazil, Argentina, Uruguay).
Điều đó có nghĩa là cơ hội để Tây Âu vô địch luôn có tỉ lệ cao hơn ở các kỳ World Cup khi họ có nhiều ứng cử viên hơn, chưa kể đến Bỉ, Bồ Đào Nha hay Hà Lan cũng là những quốc gia có tiềm năng.
Trên cơ sở giải đấu có 32 đội, khu vực châu Âu đã chiếm đến 13 suất trong khi Nam Mỹ chỉ có 4-5 suất, các châu lục còn lại cũng vậy. Điều đó khiến châu Âu có nhiều cơ hội vô địch hơn hẳn khi đông đại diện tham gia hơn. Tính trên cơ sở toán học thuần túy, châu Âu có 40% cơ hội vô địch trong khi Nam Mỹ hay các khu vực khác chỉ có tối đa 13%.
Xem thêm những bài viết khác trên Xsbandinh.com về World Cup 2018:
Như Đạt (TTVN)