Thất bại của Nam Mỹ tại World Cup 2018: Đâu rồi nguồn lực quốc nội?
Thứ Năm 12/07/2018 14:14(GMT+7)
Thất bại của Nam Mỹ tại World Cup 2018 tuy khác nhau về kịch bản nhưng lại có một điểm chung: Cái chất từng làm nên thương hiệu của bóng đá Nam Mỹ đang mất dần.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Đội tuyển châu Âu?
Lần gần nhất một quốc gia Nam Mỹ vô địch World Cup là năm 2002 với thế hệ thần thánh của Ronaldo Nazario, Ronaldinho, Rivaldo,... Thời đó, ĐT Brazil có đến 13 cầu thủ đang thi đấu trong nước, chiếm 56.5%. Trong quá khứ, các đội Nam Mỹ vô địch World Cup đều sở hữu đội hình với rất nhiều cầu thủ đang thi đấu trong nước.
|
ĐT Brazil đăng quang ngôi vô địch World Cup 2002 với rất nhiều cầu thủ đang thi đấu trong nước. |
Đó là Brazil 1994 (11/23), Argentina 1986 (16/23) và 1978 (21/23), Brazil 1970, 1962, 1958 và Uruguay 1950, 1930 đều sử dụng đội hình 100% cầu thủ đang thi đấu trong nước.
Trong khi đó tại World Cup 2018, các đại diện của Nam Mỹ sử dụng rất ít cầu thủ đang thi đấu trong nước. Peru là đội sử dụng nhiều cầu thủ đang thi đấu trong nước nhất cũng chỉ có 5 người, các đại diện khác còn ít hơn với Argentina (4), Brazil, Colombia (3) và Uruguay (2).
Thay vào đó, nòng cốt của các đại diện Nam Mỹ chủ yếu là các cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu. ĐT Brazil có 19 cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu đến từ 5 giải VĐQG khác nhau, con số này tương ứng với các đại diện khác là Argentina (17 - 6), Colombia (14 - 6), Uruguay (14 - 5) và Peru (5 - 5).
|
Brazil là điển hình cho thất bại của Nam Mỹ tại World Cup 2018. |
Đáng ngạc nhiên là Peru, đại diện bị đánh giá thấp nhất của khu vực Nam Mỹ lại là đội có lối chơi được đánh giá đậm chất Nam Mỹ hơn cả. Trong khi đó, những đại diện còn lại ít nhiều lối chơi đều bị ảnh hưởng lớn từ châu Âu, tiêu biểu nhất là Brazil hay Uruguay.
Ngoài ra, sự phụ thuộc quá lớn của các đại diện Nam Mỹ với những ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu cũng là nguyên nhân kìm hãm lối chơi tập thể của đội. Câu chuyện tiêu biểu nhất là thất bại của ĐT Argentina với sự phụ thuộc lớn vào Lionel Messi, những đại diện còn lại cũng phụ thuộc lớn vào một số cá nhân như Neymar (Brazil) hay cặp Cavani - Luis Suarez (Uruguay).
Thất bại vì tự đánh mất bản sắc
Thống kê cho thấy ngoài Brazil (1994 và 2002), năm nhà vô địch World Cup gần nhất không đến từ Nam Mỹ đều sử dụng đội hình có rất nhiều cầu thủ đang thi đấu trong nước. Đó là Đức (2014 - 16), Tây Ban Nha (2010 - 20), Italia (2006 - 23), Pháp (1998 - 10), Tây Đức (1990 - 18).
Giải vô địch quốc gia sẽ phần nào lột tả cách thi đấu điển hình của đội tuyển. Tiêu biểu như nhìn vào Premier League, người ta sẽ thấy ngay lối chơi bản sắc của ĐT Anh là dựa vào tốc độ và những pha bóng bổng. Nhìn vào Serie A, người ta sẽ thấy ngay sự toan tính chiến thuật cùng lối chơi kỷ luật của ĐT Italia,...
|
ĐT Đức vô địch World Cup 2014 với thành phần là rất nhiều cầu thủ đang thi đấu trong nước. |
Vì vậy, việc nhiều cầu thủ đang thi đấu trong nước giúp các huấn luyện viên dễ dàng định hình được lối chơi cho đội hơn. Ngoài ra, việc thường xuyên gặp nhau ở sân cỏ trong nước cũng khiến các cầu thủ hiểu về lối chơi của nhau hơn, qua đó dễ tạo nên sự kết dính.
Chính việc các cầu thủ phân tán ra khắp mọi nơi tại châu Âu một phần cũng trở thành rào cản với các đại diện Nam Mỹ. Họ không còn nhuyễn lối chơi đặc trưng của quốc gia nữa mà phụ thuộc rất lớn vào những cá nhân nổi bật.
Người hâm mộ muốn một lần nữa thấy được những điệu nhảy trên sân cỏ của người Nam Mỹ, thay vì lối chơi mang nhiều toan tính như các đội bóng châu Âu. Nhưng trong guồng quay của bóng đá hiện đại, chẳng biết đến khi nào điều đó mới quay lại.
Xem thêm những bài viết khác trên Xsbandinh.com về bóng đá Nam Mỹ tại World Cup 2018:
Như Đạt (TTVN)