Nhật Bản chia tay World Cup 2018: Tiếng vọng từ châu Á
Thứ Ba 03/07/2018 19:02(GMT+7)
Đại diện cuối cùng của châu Á, Nhật Bản rời World Cup 2018 trong tiếc nuối nhưng tiếng vọng của lục địa đông đúc nhất thế giới vẫn còn dai dẳng, ít nhất cho đến bốn năm sau.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Ấn tượng Á châu
Từ chỗ bị coi là kẻ lót đường, nền bóng đá châu Á đang cho thấy những sự tiến bộ rõ nét tại World Cup 2018. Ngoài Australia vốn thuộc châu Đại Dương, cả bốn đại diện châu Á đều để lại ấn tượng nhất định tại giải đấu năm nay.
|
Hàn Quốc đánh bại Đức để loại nhà vô địch ngay từ vòng bảng World Cup 2018. |
Saudi Arabia dù thua tan tác trong hai trận đầu nhưng giành chiến thắng trước Ai Cập của ngôi sao mới nổi Mohamed Salah. Iran bị loại ở vòng bảng nhưng khiến Bồ Đào Nha thót tim đến tận những giây cuối cùng. Hàn Quốc thậm chí còn hoành tráng hơn khi đánh bại nhà ĐKVĐ Đức, kéo luôn cả "cỗ xe tăng" về nước sau vòng bảng.
Đại diện duy nhất của châu Á là Nhật Bản tiến vào vòng 16 đội dừng bước trong kiêu hãnh bởi họ suýt quật ngã Bỉ.
HLV Akira Nishino cho rằng điểm khác biệt của ĐT Nhật Bản tại giải đấu lần này so với trước kia là yếu tố thể lực. Các cầu thủ không hề kiệt sức khi chạm trán những đối thủ được đánh giá cao hơn về sức mạnh đến từ châu Âu hay châu Phi.
Điều đó giúp Iran suýt làm nên bất ngờ phút cuối trước Bồ Đào Nha, giúp Hàn Quốc ghi hai bàn vào lưới Đức ở thời gian bù giờ và Nhật Bản vẫn chạy ầm ầm cho đến những phút cuối trận gặp Bỉ. Tư duy chơi bóng của các đội bóng châu Á cũng có sự cải thiện lớn.
|
ĐT Nhật Bản làm nên bất ngờ khi dẫn trước Bỉ đến 2-0 tại vòng 16 đội World Cup 2018. |
Sở hữu đội hình tầm vóc, Iran tận dụng lợi thế trong những pha không chiến và tình huống cố định với thế trận phòng ngự chặt chẽ trước đối thủ. Nhật Bản sử dụng đội hình có chiều cao đứng thứ hai... từ dưới lên tại giải nhưng chơi pressing đầy hiện đại, sử dụng những đường tấn công nguy hiểm từ hai biên với các cầu thủ khéo léo.
Giới chuyên môn nhận định nếu các đội bóng châu Á giữ nguyên nhịp phát triển như hiện tại đến năm 2022, một trong số các đại diện có thể làm nên bất ngờ lớn hơn nữa. Bởi World Cup 2002 được tổ chức tại Qatar, một quốc gia châu Á.
Vẫn còn những điểm yếu
Cả 5 đại diện của châu Á tại World Cup 2018 đều bộc lộ điểm yếu về kinh nghiệm chơi bóng tại các giải đấu lớn. Saudi Arabia chơi quá màu mè thiếu hiệu quả để chủ nhà Nga đánh bại 5-0 trong trận ra quân, Hàn Quốc thua 2/3 bàn vì những quả phạt đền.
|
Nhật Bản rời World Cup 2018 vì thiếu kinh nghiệm hơn so với Bỉ. |
Hay cay đắng hơn là Nhật Bản. Họ dồn lên trong quả phạt góc ở phút bù giờ cuối cùng để rồi dính bẫy phản công của Bỉ. HLV Akira Nishino sau trận thừa nhận: "Tôi không ngờ họ phản công sắc bén đến thế, chỉ mất vài giây để đưa bóng sang phần sân đối diện".
Vấn đề tầm vóc cũng là điểm yếu cố hữu của phần lớn các đội bóng châu Á. Nhật Bản thua hai bàn trong trận gặp Bỉ bởi những pha không chiến, tính rộng ra cả giải, họ thủng lưới 4/7 bàn từ những tình huống xuất phát từ bóng bổng. Saudi Arabia cũng nhận 3/7 bàn thua từ bóng bổng.
Lưu ý là Nhật Bản và Saudi Arabia là hai đội có chiều cao trung bình thấp nhất giải.
|
Nhật Bản rời World Cup 2018 trong tư thế ngẩng cao đầu. |
Để cải thiện được điều này cần rất nhiều thời gian, thậm chí là 1-2 thế hệ cùng với tư duy làm bóng đá nhất quán. Nhật Bản và Hàn Quốc tạo nên những bất ngờ bởi họ đã thực hiện điều này trong nhiều năm, không phải mới bắt đầu nhưng đến giờ vẫn chỉ dừng ở mức hiện tượng.
Dù sao đi nữa, những gì các đại diện châu Á làm được tại World Cup 2018 vẫn là cơ sở tiếp thêm lòng tự tin cho lục địa giàu dân số nhất thế giới khi bước ra đấu trường thế giới trong tương lai.
Xem thêm những bài viết khác trên Xsbandinh.com về ĐT Nhật Bản tại World Cup 2018:
Như Đạt (TTVN)