Bài dự thi: Nước mắt nào cũng là quý giá

Trận chung kết giữa hai đội tuyển Anh và Italia đã khép lại một mùa Euro giàu cảm xúc với thật nhiều những giọt nước mắt. Đó là nước mắt trong niềm hân hoan, vui sướng tột độ của những người chiến thắng, của những nhà vô địch nhưng cũng là những giọt lệ của nỗi thất vọng khôn xiết lăn dài trên má những người thua cuộc.

Chắc hẳn, người xem vẫn không khỏi ám ảnh với hình ảnh cậu trai 19 tuổi - Bukayo Saka - òa khóc nức nở khi sút hỏng quả penalty quyết định, xé tan hi vọng của gần 60 triệu người dân xứ sương mù về danh hiệu lớn đầu tiên sau hơn nửa thế kỉ chờ đợi. Song, công bằng mà nói, dù ngạo nghễ thắng cuộc hay gục ngã thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường, giọt nước mắt nào đã rơi xuống thì cũng đều là quý giá.
Bukayo Saka không thể kìm nén cảm xúc khi sút hỏng quả 11m quyết định
Bukayo Saka không thể kìm nén cảm xúc khi sút hỏng quả 11m quyết định
Những câu chuyện về bóng đá và nước mắt vẫn luôn dày đặc trên mọi trang báo, trong mọi cuốn sách hay đơn giản là trong tiềm thức của mỗi khán giả khi nhớ về môn thể thao này. Nếu vào một ngày đẹp trời, bạn có tò mò nhập vào thanh tìm kiếm của Google cụm “emotional moments in football”, chắc hẳn bạn sẽ không bất ngờ với gần 70 triệu kết quả được trả về chỉ trong 0,56 giây. Bởi lẽ, bóng đá là cuộc chơi của cảm xúc, là nơi mà ranh giới giữa người hùng và kẻ tội đồ đôi khi chỉ cách nhau có vài mi-li-mét. 
 
Ngược dòng lịch sử, ta chẳng khó để tìm lại hình ảnh những cầu thủ trẻ hay thậm chí cả những cựu binh sụp đổ mà òa khóc khi thất bại trước ngưỡng cửa vinh quang. Họ là Cristiano Ronaldo 19 tuổi không thể ngừng bật khóc khi bại trận ở trận chung kết lớn đầu tiên trong sự nghiệp ngay trên chính quê nhà, là Messi 29 tuổi no nê danh hiệu cấp CLB, đã đá “bay” chiếc cúp đầu tiên cùng Argentina để nhận búa rìu từ người hâm mộ, là lứa cầu thủ trẻ Ajax nằm rạp xuống sân khi chỉ còn cách trận chung kết Champions League 18-19 danh giá đúng một vài giây.
Ronaldo bật khóc ở trận chung kết đầu tiên năm 19 tuổi
Ronaldo bật khóc ở trận chung kết đầu tiên năm 19 tuổi
Nhưng con người, họ đâu chỉ khóc khi thua cuộc, luôn có những giọt nước ứa ra từ đôi mắt của người chiến thắng. Là Neymar cùng tấm HCV Olympic Rio 2016, là Jordan Henderson ôm chầm lấy Jurgen Klopp mà nức nở sau chiếc cúp C1 thứ 6 trong lịch sử đội bóng. Hay ngay gần đây thôi, Jorginho bật khóc khi người đồng đội Donnarumma, với phong độ xuất thần, cứu anh khỏi những lời chỉ trích khi đem về danh hiệu Euro thứ hai cho đội bóng áo thiên thanh. 
 

Nhưng vì sao ai cũng khóc?

 
Theo quan niệm của Stephen Sideroff - chuyên gia tâm lý của Đại học California: “Khóc là một phản ứng cảm xúc tự nhiên, thường là do buồn hay đau. Nhưng người ta cũng khóc trước một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó”. Ví dụ, có người khóc vì quá mừng rỡ, quá xúc động. Nghiên cứu chỉ ra rằng nước mắt giúp giải phóng hormone gây căng thẳng và mang trong mình những chất giảm đau tự nhiên, nên suy cho cùng, khóc là một liệu pháp để điều tiết cảm xúc. Cá nhân tôi cho rằng nước mắt là một cách ta dùng để ghi nhớ một kỉ niệm khó quên, bởi thường thì những kỉ niệm thời thơ bé bạn nhớ nhất là những lần ngã đau điếng người hay những trận đòn roi làm bạn khóc thật to.
 
Trở lại với câu chuyện về bóng đá và về Euro 2020, mùa bóng năm nay, ta đã thấy nhiều giọt nước mắt rơi trên khắp các sân cỏ châu Âu, đặc biệt là từ những người trẻ. Họ mang đến sân chơi này những bộ óc với tài năng thiên phú và những trái tim ấm nóng bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Chính họ là chất xúc tác cho mọi bữa tiệc của cảm xúc mùa hè này.

Họ là Federico Chiesa với những bước chạy đầy nỗ lực để có một vị trí đá chính trong sơ đồ của Roberto Mancini, là Mikkel Damsgaard đóng thế Eriksen nhưng luôn chứng tỏ mình xứng đáng thủ vai chính với những màn thể hiện xuất thần, là Pedri 18 tuổi nhưng chơi bóng với nhãn quan và sự trưởng thành của một người 28. Nhưng họ cũng là Ruben Vargas sút vọt xà trong loạt “đấu súng” quyết định để rồi ôm mặt khóc, là Joakim Mæhle với một mùa Euro hoàn hảo trừ tình huống phạm lỗi thiếu may mắn với Raheem Sterling ở bán kết, và là Bukayo Saka, như đã nói ở trên, sút hỏng 11m với thứ áp lực khủng khiếp mà hàng triệu người dân Anh đặt lên vai cậu nhóc mới 19. Và còn rất nhiều những người trẻ khác, họ đều đã chơi bóng và đều đã rơi nước mắt dù theo cách này hay cách khác.
 

Nhưng tại sao lại khẳng định rằng nước mắt nào cũng là quý giá?


Có một câu danh ngôn thế này “Những gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Và nước mắt không phải thứ có thể giết chết chúng ta, ít nhất là về mặt thể chất. Dù từ cơ thể của người chiến thắng hay kẻ thất bại, bất kì giọt chất lỏng nào đã rơi xuống thảm cỏ thì đều đáng trân trọng, dù là máu, mồ hôi hay nước mắt. Lịch sử bóng đá đã chứng minh điều này.

Quay trở lại với những ví dụ ở phần trước, Ronaldo 19 tuổi ngày nào còn nức nở ở Dragão đã trở thành một trong những huyền thoại của làng túc cầu với đủ các danh hiệu lớn nhỏ ở cấp CLB lẫn ĐTQG, xô đổ mọi kỉ lục của thế giới bóng đá. Messi lỡ hẹn với World Cup 2014, với Copa America 2016, dằn vặt đến mức quyết định từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế, đã trở lại đầy mạnh mẽ với chức vô địch Copa America 2021 cùng hình ảnh chiếc mắt cá đỏ sẫm máu.

Hay Jordan Henderson với danh hiệu League Cup ngay mùa đầu tiên khoác áo The Kop, cùng danh xưng “Pirlo mới của nước Anh” được nhiều người ưu ái dành tặng, đã biến mất trong suốt một thời gian dài dưới sự chỉ trích của người hâm mộ và giới truyền thông. Jordan bỏ ngoài tai những lời gièm pha khó nghe đó, để dần trở thành một chiến binh, một người đội trưởng không thể thay thế tại Anfield cùng Liverpool chinh phục mọi đỉnh cao từ UEFA Champions League, UEFA Super Cup, Premier League đến FIFA Club World Cup.

Hay như câu chuyện ngay Euro 2020 vừa rồi, khi Christian Eriksen đột ngột ngã quỵ, tất cả cầu thủ trên sân đều đã rất sốc, những người đồng đội trong tuyển Đan Mạch đã không thể kìm lại những giọt nước mắt của mình khi nghĩ đến những chuyện không hay có thể xảy đến với Christian. Thật may, phép màu đã xuất hiện khi tiền vệ số 10 tỉnh lại và trải qua ca phẫu thuật thành công nhờ sự xử trí kịp thời của các nhân viên y tế tại Parken. Nhưng điều đáng nói ở đây là những chú lính chì Đan Mạch đã nén đau thương để chiến đấu hết sức, những giọt nước mắt chiều hôm ấy và người đồng đội nằm trên giường bệnh đã trở thành một nguồn động lực phi thường giúp đội bóng Bắc Âu trình diễn một thứ bóng đá hoa mỹ. Và rồi hai mươi, ba mươi năm nữa, khi nhắc lại về kì Euro đặc biệt này, về đội bóng áo đỏ trắng, họ sẽ nhớ nhiều hơn tới thứ bóng đá cống hiến đã đưa họ vào đến bán kết chứ không phải là sự kiện kinh hoàng xảy ra với chàng tiền vệ tài hoa của họ.
Đan Mạch chiến đấu kiên cường để vào tới bán kết
Đan Mạch chiến đấu kiên cường để vào tới bán kết
Nói như thế là để thấy, những ngôi sao, những huyền thoại sống của thế giới bóng đá đã lớn lên như nào từ những giọt nước mắt. Nước mắt cũng quý mà, chẳng việc gì phải buồn cả. Nếu đã đọc những gì tôi đã viết phần đầu rằng đôi khi người ta dùng nước mắt để khắc sâu một kỉ niệm khó quên, thì nhiều người sẽ tếu táo mà phản bác rằng chẳng phải “cuối cùng, thứ giết chúng ta là kỉ niệm” sao?
 
Chính xác, mấu chốt nằm ở đây. Sau những giọt nước mắt, sau những kỉ niệm buồn sẽ là khoảnh khắc một ngôi sao mai vụt sáng, hoặc vụt tắt. Hiển nhiên, những tài năng trẻ đã mang đến Euro lần này những thứ gia vị tuyệt vời làm trọn vẹn thêm bữa tiệc bóng đá vốn đã thật thịnh soạn. Nhiều người đã khóc vì những lỗi lầm của mình, vì thứ trách nhiệm quá lớn họ bị đặt lên vai. Nếu đứng dậy được, họ sẽ trở thành một cầu thủ giỏi, hoặc xa hơn là một huyền thoại như cái cách mà Ronaldo, Messi, Ronaldinho,… đã từng không bỏ cuộc. Công bằng mà nói, về lí thuyết, ai cũng sẽ đứng dậy được, miễn là họ bỏ ngoài tai mọi “gạch đá” từ dư luận, gạt đi quá khứ đáng quên, chăm chỉ tập luyện để trở lại ngày một mạnh mẽ hơn. Như câu chuyện những chàng trai Ajax gục ngã ở Johan Cruyff Arena ngày ấy, dù chậm rãi, nhưng họ đã đứng lên và dần khẳng định vị thế của mình ở những bến đỗ mới. Trách nhiệm của chúng ta, với tư cách là người hâm mộ, là người yêu bóng đá, hãy dành những lời động viên chân thành cho những chàng trai trẻ, như những người con, người cháu, người em hay người bạn đang trải qua khó khăn thay vì buông những dè bỉu, chỉ trích lên đôi vai vốn đã nặng trĩu trách nhiệm của họ, để mai kia, năm năm hay mười năm nữa, ta chẳng phải thốt lên hai chữ “giá như”.
 
Dẫu sao thì suốt một tháng qua, một bữa tiệc Euro thật đủ đầy với mọi loại dư vị từ ngọt ngào đến đắng cay đã được bày biện hết sức chu đáo và chuyên nghiệp. Tất thảy đều qua tay những người phụ bếp trẻ tài năng, dù đôi lúc non nớt, nhưng dưới sự dìu dắt của những đàn anh kinh nghiệm trong gian bếp ấm tình yêu thương gia đình, sớm thôi, họ sẽ trở thành những bếp trưởng tài ba.
 
Suy cho cùng, đó mới chính là bóng đá. Ngày trước tôi học IELTS được một người thầy dạy đi thi Speaking thì hãy paraphrase “football” bằng cụm "the beautiful game", vì người Anh hay gọi nó như thế. Thật vậy, môn thể thao này quá đỗi đẹp đẽ, xứng đáng với danh xưng ấy, vì bóng đá đưa con người ta đến từng cung bậc khác nhau của cảm xúc và rằng bóng đá không có cảm xúc là bóng đá chết. 
 
Câu chuyện về bóng đá và những giọt nước mắt sẽ luôn song hành cùng nhau cho tới khi môn thể thao vua không còn tồn tại trên quả đất này. Và cho tới lúc ấy, bất kì giọt chất lỏng nào một khi đã rơi xuống mặt cỏ xanh, dù là máu, mồ hôi, hay nước mắt thì cũng đều đáng trân trọng.
 
Tác giả dự thi: Anh Tú
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Xsbandinh.com tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: [email protected]. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!
 

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.