Bài dự thi: Hà Lan – Mắt Biếc

"Đội đó đá cuốn hút. Nó đá đẹp, nhưng không hiệu quả. Nội sợ nó chẳng bao giờ làm nên chuyện". Đêm qua, sau trận thua tan nát của đội tuyển Hà Lan trước CH Czech tôi lại nhận được được tin nhắn từ bạn bè thân thiết chọc ghẹo như vậy, như bao lần họ vẫn chọc ghẹo tôi sau mỗi lần thất bại của “Cơn lốc màu da cam”.

Họ biết tôi hâm mộ cuồng nhiệt Hà Lan và rất thích tác phẩm “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nên đã nhại theo câu nói của bà nội nhân vật Ngạn nói với Ngạn trong tác phẩm này để chọc tôi. Một lý do nữa là câu nói này để nói về nhân vật nữ chính trong tác phẩm mà nhà văn đặt theo đúng tên đất nước của loài hoa Tulip – cô bé Hà Lan.

Nếu có một lần nào được gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi sẽ hỏi ông rằng ông có phải là một tín đồ của môn túc cầu giáo và là người dành tình cảm cho quê hương của những chiếc cối xay gió hay không, mà ông lại sử dụng tên của đất nước này đặt cho nhân vật nữ chính trong tác phẩm nổi tiếng của mình. Cô bé Hà Lan mà ông xây dựng cũng có tính cách và nét đẹp như chính thứ bóng đá mà “Cơn lốc màu da cam” đã và đang thể hiện. Họ luôn quyến rũ, cuốn hút, làm say đắm bao nhiêu con tim của những người yêu thứ bóng đá đẹp. Nhưng sự kém hiệu quả đã để lại những nỗi buồn, những tiếc nuối cho chính bản thân họ và những ai đã lỡ dành tình yêu cho họ. 
 
Tác phẩm “Mắt biếc” cũng được ra đời vào những năm cuối thập niên 1990, những năm mà “Cơn lốc màu da cam” đã “đốn tim” không biết bao nhiêu người hâm mộ bóng đá thế giới bằng lối đá hào hoa, phóng khoáng, tổng lực đẹp mắt. Những năm đó tôi cũng độ tuổi của hai nhân vật Ngạn và Hà Lan trong tác phẩm, cũng ở một vùng quê nghèo như vùng quê của hai nhân vật này. Tôi bén duyên và dành tình yêu bóng đá đầu đời cho những người “Hà Lan bay” cũng vào một mùa hè đầy kỷ niệm của tuổi học trò.
 
Đó là mùa hè năm 1988. Khi đó gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, cả về kinh tế lẫn tình cảm. Cha mẹ tôi đã chính thức ly dị từ ba năm trước, liên tiếp sau đó là những thất bại trong làm ăn của mẹ tôi dẫn đến kinh tế gia đình suy kiệt hoàn toàn. Mẹ tôi đã phải cầm cố căn nhà đang ở để trả nợ mà vẫn không đủ. Năm đó người bà mà chúng tôi rất thương yêu cũng đột ngột qua đời, có lẽ bà không chịu nổi cú sốc trước những biến cố liên tiếp đến với gia đình tôi.
Nợ nần bao vây, phải chạy kiếm cái ăn cái mặc mỗi ngày, dù có cố gắng thì mẹ tôi cũng không thể nào sâu sát việc học hành của năm chị em chúng tôi. Thiếu thốn, khủng hoảng tinh thần khiến hai chị và đứa em kế của tôi bỏ học. Tôi cũng không tránh khỏi dao động, dù vẫn hoàn tất hết năm học nhưng kết quả học tập của tôi đã sa sút khá nhiều. Đã có lúc tôi cũng tính đến chuyện nghỉ học để kiếm một việc gì làm để phụ giúp gia đình.
 
Hè năm đó có lẽ là một mùa hè nặng nề nhất trong đời học sinh của tôi, nhất là vào những buổi tối. Bên ngọn đèn dầu leo lét, trong cái tĩnh mịch buồn hiu hắt của một vùng quê nghèo thời bao cấp, chị em tôi mỗi người một góc. Không tivi, không tiếng cười, không một trò giải trí mà chỉ có những tiếng thở dài, những cái giật mình thảng thốt và cả những giọt nước mắt của mẹ tôi vì nghĩ đến miếng ăn hàng ngày, đến những món nợ đang gánh.
 
Trong cái không khí nặng nề đến ngột ngạt ấy, tôi sẵn sàng chạy ra khỏi nhà nếu một nơi nào có thể đến được cho tới khi làng xóm đóng cửa ngủ hết mới về nhà. Nhưng quê tôi khi ấy buổi tối làm gì có nhiều thứ để giải trí, làm gì có nhiều nơi để đến. Thế là tôi thường xà vào những bàn trà, những bàn cờ tướng, những bàn cá ngựa và cả những bàn nhậu của mấy anh, mấy chú trong xóm. Chẳng để làm gì cả, chỉ để hết thời gian rồi về nhà ngủ. Nhưng cũng có khi tôi đã cầm một ly rượu của ai đó đưa, cũng tham gia cá ngựa hay đánh bài khi trong túi có tiền. Sau này nghĩ lại, tôi tự hỏi mình sẽ như thế nào nếu khi đó có một tụ điểm tệ nạn và tôi xà vào đó.
 
Có lẽ mùa hè cứ thế trôi qua nếu vòng chung kết EURO không tới. Tôi thấy mấy anh mấy chú khuya đến thường tập trung ở một nhà giàu nhất trong xóm xem bóng đá, khi chưa đến giờ thi đấu thì bàn tán rôm rả. Thật ra tôi đã biết đến bóng đá từ World Cup 1986, nhưng khi đó chỉ nghe loáng thoáng qua radio và cũng không hề biết ngoài World Cup còn thêm một giải hấp dẫn khác là EURO. Thế là như được cứu cánh, đã có chỗ để đi, tôi đã xem VCK EURO 1988 không bỏ trận nào mà tivi có trực tiếp. Từ chỗ xem để giết thời gian, tôi đã bị mê hoặc bởi lối đá quyến rũ và đẹp mắt của những người “Hà Lan bay”. Rồi khi “Cơn lốc màu da cam” nâng cao chiếc cup vô địch năm đó thì một thần tượng, một tình yêu bóng đá trong tôi đã hình thành.
 
Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ để đội bóng của xứ sở hoa Tulip in đậm trong trái tim tôi cho đến ngày hôm nay. Sau giải đó, bỗng nhiên cả xóm tôi từ già đến trẻ đều muốn khoát lên mình chiếc áo màu cam. Tụi choai choai chúng tôi thì bỏ hết những trò chơi khác để suốt ngày quần nhau với quả bóng nhựa. Mỗi ngày, kể cả buổi tối chúng tôi hóa thân thành những Gullit, Van Basten, Rijkaard, Koeman, Van Breukelen vật lộn với quả bóng ở bãi đất trống. Buổi tối nào không đá hoặc đêm xuống thì tôi đi sưu tầm các bài báo thể thao viết về những thần tượng của mình để đọc và lưu lại. Mùa hè vì thế đã đi qua bớt trống trải và nặng nề hơn với tôi.
Hà Lan
Đội tuyển Hà Lan
Hà Lan đẹp như thế, Hà Lan đã cho tôi những kỷ niệm sâu đậm như thế thì làm sao tôi có thể quên đi được “mối tình đầu” của mình, cho dù đến bấy giờ, ngoài một lần của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy thì chưa một lần họ đáp lại tình cảm của tôi. Nó như chính cái cách mà Ngạn và cô bé Hà Lan đã cùng lớn lên và có với nhau biết bao nhiêu kỷ niệm, nó như chính tình yêu của anh chàng Ngạn dành cho cô bé Hà Lan.
 
Cũng như cô bé Hà Lan có đôi mắt biếc, đẹp nhưng buồn. “Cơn lốc màu da cam” cũng là một hình ảnh tương tự, đẹp nhưng kém hiệu quả. Không phải đến vòng chung kết EURO này, khi mà lực lượng của họ suy yếu nhiều mà ngay cả khi có đầy một trời sao như tại VCK World Cup 1998, VCK EURO 2000 và 2008 hay VCK World Cup 2010 thì họ vẫn không thể đạt đến đỉnh vinh quang. Họ hoa mỹ nhưng lại không chắc chắn bằng người Brazil, họ không có được sự kỷ luật và bản lĩnh của người Đức, họ cũng không có được sự thực dụng và cái đầu lạnh của người Ý, thậm chí họ không có sự kiên cường ở những đội bóng nhỏ hơn như Hungary, Đan Mạch hay Thụy Sĩ vừa thể hiện.
 
Dường như người Hà Lan chỉ muốn cống hiến cái đẹp, còn hiệu quả phải đi sau. Năm 2010 khi HLV Bert van Marwijk áp dụng lối đá thực dụng để đưa Hà Lan đến trận chung kết World Cup thì ông vẫn bị người hâm mộ, giới chuyên môn và các huyền thoại bóng đá nước nhà chỉ trích dữ dội vì đã đánh mất bản sắc của “Cơn lốc màu da cam”. Đến VCK EURO này, dù lực lượng không mạnh nhưng có hẳn một hội cổ động viên thuê trực thăng kéo băng rôn yêu cầu HLV Frank de Boer sắp xếp đội hình thiên về bóng đá tấn công. Khi đang say nồng với cái đẹp thì người Hà Lan sẽ thật sự bay bổng mà ít để đôi chân mình về mặt đất. VCK EURO 2008 sau ba trận toàn thắng giòn giã ở vòng bảng, trong đó có những chiến thắng hủy diệt trước đương kim quán quân và á quân thế giới lúc bây giờ là Ý và Pháp, thì ở trận tứ kết ngay sau đó họ đã thua bạc nhược trước một đội Nga bị đánh giá yếu hơn rất nhiều.
 
Mỗi lần chuẩn bị vào một giải đấu lớn người hâm mộ lại hồi hộp dõi theo xem nội bộ Hà Lan có lục đục gì không. Mất đoàn kết, cầu thủ đều đặt cái tôi của mình lên trên dường như là “đặc sản” của bóng đá xứ sở hoa Tulip. 
 
Như bao lần khác, hoang mang trong cách chọn lối chơi, thói quen bay bổng sau những chiến thắng liên tiếp, nội bộ bất ổn là nguyên nhân chính để Hà Lan thua một trận không thể bào chữa trước CH Czech.
 
Đó chính là đôi “mắt biếc” của bóng đá Hà Lan. Nhưng tôi cũng như bao người hâm mộ họ, vẫn sẽ giống anh chàng Ngạn hiền lành chung thủy, vẫn giữ mãi trong lòng mối tình thuở học trò của mình. Bởi đôi mắt ấy tuy biếc nhưng đã gắn liền với một mùa hè kỷ niệm cùng những ký ức không thể nào quên trong cuộc đời của tôi.
 
Tác giả dự thi: Lê Minh Tuấn
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Xsbandinh.com tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: [email protected]. Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!
 

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.