Đó là lời khuyên mà cựu tuyển thủ Anh Danny Mills dành cho Rio Ferdinand và John Terry, những trung vệ kỳ cựu của Tam sư nhưng đã quyết không đội trời chung, kể từ sau vụ scandal phân biệt chủng tộc liên quan đến hậu vệ Anton Ferdinand, em trai Rio, hồi năm ngoái.
Rio hay Terry? Đó chính là vấn đề lớn nhất mà Roy Hodgson phải đối mặt kể từ khi chính thức được bổ nhiệm làm HLV ĐT Anh. Trong thâm tâm, HLV này tất nhiên muốn có sự hiện diện của bộ đôi này, những người có số lần khoác áo ĐTQG lên đến trên 150. Nhưng để thuyết phục họ dẹp bỏ những thù hằn cá nhân để cống hiến cho ĐTQG thì quả thực khó như... lên trời. Sự hằn học của Rio chẳng khác gì Wayne Bridge khi anh này quyết tâm từ giã sự nghiệp quốc tế chỉ vì Terry, kẻ đã cắm sừng anh, vẫn nghiễm nhiên thi đấu cho ĐTQG, mà thậm chí còn được trao lại băng đội trưởng.
Với tư cách một người bình thường, tâm trạng của Rio hay Bridge là hoàn toàn có thể thông cảm được, nhưng điều mà Danny Mills muốn đề cập chính là văn hóa ứng xử trong phòng thay đồ của ĐT Anh. Khi những tư thù cá nhân được đặt cao hơn lợi ích của tập thể, đó được coi như một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp từ trong suy nghĩ. Và chính những cái tôi quá lớn ấy đã khiến cho Tam sư thường xuyên trở thành một con hổ giấy. Nên nhớ, bóng đá Anh có những mùa giải gần như thống trị Champions League, nhưng ĐTQG của họ thì không xứng với tầm vóc ấy.
Mills cho rằng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, một số đồng nghiệp chẳng ưa gì nhau, thậm chí còn thù ghét nặng, nhưng họ vẫn phấn đấu vì sự nghiệp chung (cố nhiên, cũng vì quyền lợi của chính họ nữa). Đó là những người lính, bác sĩ phẫu thuật, y tá, công nhân,... Người ta nói đó là thái độ chuyên nghiệp trong công việc. Song ở ĐT Anh, nơi quy tụ những ngôi sao sáng nhất xứ sương mù, sự chuyên nghiệp như thế thật xa xỉ.
"Các cầu thủ vẫn có thể thi đấu cùng nhau, dù họ chẳng ưa gì nhau", Mill khẳng định "Tôi chắc chắn rằng trên mỗi bước đường đời, bạn sẽ gặp khối kẻ mà mình không thích, nhưng hãy sống chung với điều đó. Bạn phục vụ tổ quốc, vào đúng độ chín của sự nghiệp. Bạn có thể không đi ăn tối, không nói chuyện với kẻ đó, nhưng trong 90 phút trên sân, bạn phải tỏ ra chuyên nghiệp với nhiệm vụ của mình"
Terry vẫn đang thất thế
Ngày 16/05 tới, Hodgson mới chính thức công bố danh sách ĐT Anh chuẩn bị cho VCK EURO 2012. Còn về vấn đề John Terry - Rio Ferdinand thì ông cho biết rằng chỉ có thể nói chuyện với hai cầu thủ này vào đầu tuần tới, sau khi kết thúc vòng cuối Premier League mùa này.
Thế nhưng theo những thông tin từ báo chí Anh thì có vẻ như trung vệ Chelsea đã mất điểm khá nhiều. Trong hai ngày qua, Hodgson đã liên hệ với Joe Hart, Wayne Rooney và Gerrard (người nhiều khả năng sẽ mang băng đội trưởng) nhưng Terry thì không hề nhận được một cuộc điện thoại nào cả. Ngoài những tì vết về mặt tư cách, phong độ của Terry, đặc biệt là ở trận thua thảm hại 1-4 trước Liverpool, cũng đang là một dấu hỏi lớn, và đó chính là lý do mà Hodgson băn khoăn. Nhưng giả sử Terry thi đấu xuất thần và trở thành người hùng khi Chelsea vô địch Champions League, không biết Hodgson có mang anh tới Ukraina?
Thật ra, xét về nhiệt tình cống hiến, cũng như sự lỳ lợm về mặt tinh thần sau những cú vấp thì Terry ăn đứt Rio Ferdinand. Ở World Cup 1998, Rio đã là một tài năng trẻ đầy sáng giá của bóng đá Anh. Bốn năm sau, anh là một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới trong khi phải đến năm 2003, Terry mới khoác lên mình màu áo Tam sư. Vài năm gần đây, Rio không còn nhiệt huyết với ĐTQG nữa. Anh chỉ tập trung cho việc thi đấu ở CLB, phát triển hệ thống nhà hàng, viết sách... Còn Terry chưa bao giờ từ chối ĐTQG, mỗi khi nhận được giấy triệu tập cả.
Rio nói rằng anh sẽ không bao giờ khoác áo Tam sư, một khi Terry có mặt ở đó. Cứ cho rằng quyết định ấy xuất phát từ hiềm khích cá nhân, thì rõ ràng nó cũng khẳng định một điều rằng khoác áo ĐTQG bây giờ chẳng còn là điều vinh dự và thiêng liêng đối với trung vệ M.U nữa rồi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)