Đêm nay bảng B tử thần sẽ khởi tranh. Hãy cố gắng theo dõi đầy đủ các trận đấu tại bảng đấu này, bởi đây có thể sẽ là “bảng tử thần” cuối cùng trong lịch sử các VCK EURO!
24 đội, hết bảng tử thần
Kể từ EURO tới được tổ chức tại Pháp vào năm 2016, thể thức thi đấu tại VCK EURO sẽ có sự thay đổi đáng kể khi tăng số đội tham dự lên 24. Đáng chú ý là thể thức sẽ hoàn toàn giống với VCK World Cup 1994, khi 24 đội được chia làm 6 bảng, lấy 2 đội nhất-nhì mỗi bảng cùng 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất lọt vào vòng 1/8.
ĐT Hà Lan có thể sẽ không còn bị vắt kiệt sức vì những lần nằm trong bảng tử thần nữa
LĐBĐ châu Âu hiện có 53 thành viên, như vậy sẽ có tới 23 đội lọt vào VCK EURO 2016 (không kể đội chủ nhà Pháp), chiếm… 43% số đội dự vòng loại. Điều này khiến VCK có thể sẽ xuất hiện nhiều đội “thường thường bậc trung” như Estonia, Kazakhstan, Armenia hay Georgia…, làm giảm đáng kể tính chọn lọc của giải đấu. Với những NHM trung lập châu Á, thật khó để thuyết phục họ thức giấc lúc nửa đêm để theo dõi cuộc so tài như giữa… Estonia và Armenia!
Hơn thế nữa, việc tăng số đội tham dự lên 24 cũng sẽ khiến vòng bảng gần như chắc chắn thiếu đi bảng tử thần. Tạm cho là châu Âu có 7 đội bóng lớn: Đức, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Ngoài đội chủ nhà Pháp, cả 6 đội còn lại cũng khó có khả năng trượt ngã ở vòng loại, nhất là khi có tới 23 suất vào VCK. Trong trường hợp có đủ 7 đội bóng trên, họ hầu như chắc chắn sẽ nằm trọn trong 2 nhóm đầu tại cuộc bốc thăm chia bảng cho VCK. Như vậy, khả năng xuất hiện bảng tử thần tại VCK EURO 2016 là rất thấp, nếu không muốn nói là hầu như không có.
Chỉ có Hà Lan Mừng
Có thể nói Hà Lan là đội tuyển kém may mắn nhất trong các cuộc bốc thăm chia bảng những VCK EURO gần đây, khi 4 giải đấu liên tiếp họ có tên trong bảng tử thần (xem bảng). Dù đội bóng áo da cam đều vượt qua vòng bảng ở 3 VCK gần đây (2000, 2004 và 2008), nhưng những cuộc đọ sức quyết liệt ở vòng bảng đã lấy đi của họ rất nhiều sức lực, dẫn tới việc Hà Lan chưa từng lọt vào tới chung kết.
Đây cũng có thể coi là lần cuối Hà Lan phải chung bảng với những đối thủ sừng sỏ nhất châu lục. Đội bóng áo cam có thể bớt căng thẳng ở những cuộc bốc thăm chia bảng sau này, nhưng NHM không khỏi luyến tiếc những cuộc đọ sức nảy lửa của họ trước Pháp (2000 và 2008), Italia (2008), Đức (2004 và 2012).
Hãy tận hưởng thật nhiều cảm xúc ở bảng B, bởi lần này có thể là lần cuối!
BẠN CÓ BIẾT?
“Bảng tử thần” (Group of Death) là thuật ngữ được giới truyền trông và giới chuyên môn dùng để ám chỉ bảng đấu gồm toàn những đội bóng rất mạnh, không có sự chênh lệch nhiều về thực lực. Bởi vậy, nên “tử thần” có thể ghé thăm bất kỳ đội nào trong bảng.
Khái niệm “Bảng tử thần” lần đầu xuất hiện tại World Cup 1970. Khi đó, báo giới TBN sử dụng cụm từ “Grupo de la Muerte” để nói về bảng 3, nơi tụ hội 4 đội bóng cực mạnh thời đó là Brazil (ứng viên vô địch), Anh (ĐKVĐ), Tiệp Khắc (á quân World Cup 1962) và Romania. Song ít ai biết rằng, một khái niệm tương đương bảng tử thần đã xuất hiện từ World Cup 1958, khi báo chí Thụy Điển gọi bảng 4 (gồm Brazil, Anh, Liên Xô và Áo) là “cuộc chiến của những người khổng lồ”.
Ăn theo “bảng tử thần”, người ta cũng sáng chế ra những thuật ngữ để ám chỉ tính chất riêng biệt của bảng đấu. Chẳng hạn như “Bảng sự sống” (Group of Life), nơi toàn các đội bóng yếu như bảng H World Cup 2002 (Nhật, Bỉ, Nga và Tunisia). Ngoài ra còn “Bảng buồn ngủ” (Group of Sleep) diễn tả những bảng đấu có diễn biến chán ngắt như bảng F World Cup 1986 (4 trận đầu chỉ có 2 bàn thắng).
Tại EURO 2012, giới truyền thông gọi bảng C là “Bảng nợ nần” nhằm ám chỉ 4 đội tuyển ở những nền kinh tế chìm trong nợ nần ở châu Âu gồm Italia, Ireland, TBN và Croatia.
(Theo báo Bóng Đá)