Nếu hỏi các tifosi của Italia rằng họ thèm được thấy gì nhất ở trận bán kết, nhiều người hẳn sẽ trả lời rằng "một đường chuyền độc đạo của Pirlo làm choáng váng người Đức như ở những phút cuối hiệp phụ trận bán kết World Cup 2006". Không nghi ngờ gì nữa, ngôi sao 33 tuổi vẫn sẽ là cầu thủ được kỳ vọng nhất của Italia đêm nay.
Phút 118 ở trận bán kết Đức - Italia sáu năm về trước, khi Pirlo có bóng từ một pha phạt góc của Del Piero mà chính anh kiếm được, trước mặt anh là một khoảng trống đủ để thực hiện cú sút xa. Nhưng Pirlo không sút như người ta tưởng, mà "thả" một đường chuyền vừa tầm xuống nách trái hàng thủ đội chủ nhà để Grosso "như từ dưới đất chui lên" cứa một cú chân trái siêu đẳng vào góc xa khung thành của Jens Lehmann. Đó là pha bóng hoàn toàn ngẫu hứng, nhưng được thực hiện hoàn hảo như thể đã được tập luyện hàng trăm lần. Pirlo là thế. Anh bỏ qua cơ hội mà ai cũng thấy, để nắm bắt cơ hội mà chỉ một mình anh nhìn ra. Cú "cucchiaio" làm bẽ mặt Joe Hart mới đây là quyết định chỉ trong một phần nghìn giây khi Pirlo nhìn thấy Hart mắc sai lầm (như anh đã tiết lộ), nhưng chỉ khoảnh khắc đó cũng đủ để anh hiểu đâu là cơ hội cho anh và cho đội tuyển.
Từ vài giây tính toán trước đường chuyền cho Grosso đến một ánh chớp lóe lên khi chuẩn bị sút quả "cucchiaio" là 6 năm trôi qua. Đó là thời gian đủ dài để biến một chàng trai 27 tuổi thành một "lão tướng" đã 33, nhưng ngược lại, tạo ra một thủ lĩnh lối chơi dạn dày và tinh tường hơn nhiều so với quá khứ. Ở World Cup 2006, Pirlo chơi cực hay, trở thành nguồn cảm hứng cho chiến thắng của Italia. Nhưng khi đó, anh không chỉ có một mình, bởi xung quanh anh, Totti, Perrotta và Camoranesi cũng chơi xuất sắc, gánh đỡ rất nhiều trách nhiệm điều phối và giúp cho Pirlo có rất nhiều bóng. Năm nay, Pirlo phải thay đổi vì anh hầu như phải một mình đảm trách vai trò dẫn dắt lối chơi và tạo ra các cơ hội. Ngoại trừ Cassano, không ai chia sẻ cùng Pirlo nhiệm vụ sáng tạo, mà Cassano lại chơi quá xa.
Nhưng điều tuyệt vời là Pirlo đã chơi rất hay khi được tự mình quyết định tất cả, thay vì phải "nhìn anh, nhìn em" như trước đây. Anh chơi kém dần và mất vị trí ở Milan trước đây bởi sự xuất hiện của Ronaldinho, người luôn muốn chiếm hữu mọi đường bóng. Chuyển tới Juventus, anh được đặt vào vị trí trung tâm và từ đó, anh hồi sinh. Italia bây giờ cũng cần Pirlo chơi như thế, và anh không phụ sự kỳ vọng. Với Pirlo, bóng đá thực sự là trò chơi, ngay cả khi anh phải gánh cả một đội bóng trên đôi chân dẻo dai nhưng mỏng manh của mình. Hãy nhìn các con số thống kê: trận hòa Tây Ban Nha 1-1, Pirlo chỉ chuyền được vẻn vẹn 32 đường chuyền thành công; trận hòa Anh 0-0, anh chuyền thành công tới 114 đường, gấp gần 4 lần. Nhưng hiệu quả chẳng khác nhau là bao, khi tuyến giữa Italia vẫn hoạt động tốt trong cả khâu tạo ra cơ hội lẫn ngăn cản đối phương. Với Pirlo, sự tự do luôn hiện hữu khi có bóng trong chân, bất kể trong thế trận nghẹt thở trước 6 tiền vệ Tây Ban Nha hay khoảng trống lớn trước hàng thủ dày đặc của người Anh. Dù ở hoàn cảnh nào, anh cũng tìm thấy sự chủ động cho mình và cho đội bóng.
Đối diện với Pirlo đêm nay sẽ là hàng tiền vệ khác hắn, không dày đặc và kỹ thuật như Tây Ban Nha, chẳng lùi sâu như Anh. Đó là hàng tiền vệ chơi thứ bóng đá đơn giản, sáng tạo và có tổ chức rõ ràng nhất tại EURO này, cùng một ngôi sao Oezil luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm. Song khi Pirlo có bóng trong chân, không có rào cản nào là đáng ngại cả.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)