Người Mỹ có một câu cực hay: "Điều ngu ngốc nhất ở những người thông minh là luôn cho rằng không có ai thông minh như mình".
Thường nó là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đến…thất bại. Hầu hết những người thông minh nghĩ: "ta đã tính toán mọi nhẽ, tại sao sự việc đến không như ý" hoặc "ta thông minh hơn, giỏi hơn đồng nghiệp, nhưng bằng cách nào đó, cơ hội thăng tiến và tiền đến với người kia một cách dễ dàng hơn".
Trong một cuộc luận đàm về bóng đá Italia gần đây, một trong những huyền thoại của bóng đá Italia là Arrigo Sacchi đã chỉ ra tính chất cơ bản của Italia. Ông nói rằng: "Người Italia chúng tôi đôi khi không chịu hiểu là có người khác hơn mình và do đó bị thua" và "Italia là một đất nước của thơ ca, nhạc, họa và nghệ thuật. Ấy vậy mà bóng đá không được coi là một cuộc trình diễn. Anh chơi tồi nhưng ghi được một bàn thắng ở phút thứ 90, thế là tất cả đều ăn mừng..."
Nhận định của Sacchi đúng một cách tuyệt đối với những gì mà tuyển Italia đang vướng phải ở EURO 2012 lần này.
Bàn thắng và bản chất nghệ sỹ nhất của Pirlo trong trận đấu với Croatia cũng trở nên không có giá trị vì có lẽ người Italia không cần cầu thủ làm thơ trên sân bóng, họ cần chiến thắng. Điều này cũng giải thích tại sao một Mario Balotelli chơi bóng như thể đang cố gắng giết chết cái đẹp và điệu bộ rất dễ khiến người khác bực mình lại vẫn được tin dùng.
Hóa ra, Italia cần nhiều hơn một Marco Materazzi ma mãnh một cách mafia như năm 2006.
Nếu điểm lại, dù có thế nào thì tuyển Italia vẫn thu hút được một lượng người hâm mộ đông, trong đó tỷ lệ nữ giới là rất lớn. Điều trớ trêu là lượng CĐV nữ ấy thích tuyển Italia bởi những cầu thủ nam tính, người đẹp như tượng chứ không phải vì cách chơi của đội bóng này.
Trên thực tế, Italia không phải là một ngoại lệ. Cống hiến và cố gắng trình diễn là điều không dễ gặp ở EURO lần này. Bóng đá đã bị nhuốm màu toan tính quá nhiều. Nó có thể là cơn ác mộng của người Italia nếu Tây Ban Nha và Croatia bắt tay nhau ở vòng đấu cuối- cơn ác mộng mà họ nếm trải ở EURO 2004.
Hôm nay, lượt đấu thứ 3 ở vòng bảng sẽ khai mào. Đó là cuộc chơi sinh tử mà có lẽ các đội bóng, thay vì nghĩ đến những màn trình diễn sẽ tìm cách "làm việc" với trái bóng. Nghĩa là sẽ có những tính toán chi tiết hơn và có thể, ít sáng tạo hơn.
Người ta vẫn nói với nhau: "Hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến". EURO, giá trị của nó là một ngày hội chứ chưa chắc đã là Cup vàng. Ở điểm này, về sự cống hiến, có lẽ người ta mới thực sự nhìn thấy ở tuyển Tây Ban Nha.
Nó không phải là câu chuyện của một đội bóng, và vì vậy, nếu nhìn vào những khó khăn mà tuyển Italia đang gặp phải, thay vì tính toán, xin hãy trình diễn đi.
(Theo VTC)