Tại EURO lần này và có thể là trong nhiều giải đấu lớn khác những năm tiếp theo, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự thoi thóp và thậm chí là “tuyệt chủng” của mẫu tiền đạo cắm cổ điển, hay được biết đến với một cái tên khác rất đáng yêu: Poacher, tạm dịch là “kẻ cắp trứng gà”.
Đó là thuật ngữ để chỉ một kiểu tiền đạo không tham gia nhiều vào lối chơi chung, mà chỉ đảm trách nhiệm vụ săn bàn thắng và làm mọi cách để cụ thể hóa mục tiêu ấy. Họ có thể không sở hữu kỹ thuật siêu đẳng, nhưng luôn là người thính nhạy đặc biệt với các cơ hội, có các kỹ năng đọc tình huống, di chuyển lẫn dứt điểm cực tốt. Gerd Mueller, Paolo Rossi, Gary Lineker, Filippo Inzaghi… là những đại diện tiêu biểu cho trường phái săn bàn này. Phạm vi hoạt động của họ khá hẹp (thường là trong vòng cấm), nhưng sức công phá thì rất khủng khiếp: Một “poacher” ở đẳng cấp cao có thể đảm bảo ghi trung bình từ 25-30 bàn mỗi mùa, và trong lịch sử các kỳ EURO, họ cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Gerd Mueller là vua phá lưới EURO 1972, Alan Shearer ghi nhiều bàn nhất ở EURO 1996, hay Patrick Kluivert là đồng vua phá lưới EURO 2000 cùng Savo Milosevic, tất cả đều là tiền đạo kiểu “poacher”.
Những mẫu “poacher” như Gerd Mueller, Vua phá lưới EURO 1972, đang dần biến mất trong bóng đá hiện đại
Nhưng một thập kỷ trở lại đây đánh dấu sự suy thoái nặng nề của mẫu tiền đạo cắm cổ điển. Inzaghi, một trong những báu vật của kho “poacher” thế giới, đã 38 tuổi và đang chơi những mùa giải cuối cùng trong sự nghiệp. Tại EURO lần này, một đại diện xuất sắc khác của mẫu chân sút kiểu này là Miroslav Klose cũng đã 33 tuổi. Mario Gomez của Đức và Klaas-Jan Huntelaar của Hà Lan đang là những “poacher” hiếm hoi còn chứng tỏ được năng lực của họ, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất dài nữa mà họ phải vượt qua để có thể đứng ngang hàng với những đàn anh.
Tiền đạo cắm cổ điển đang đứng trên bờ vực “tuyệt chủng”, và đó có lẽ là một điều không thể tránh khỏi dưới bánh xe khắc nghiệt của lịch sử. Như Victor Maslov, HLV huyền thoại người Nga (sinh năm 1910, mất năm 1977) đã sáng tạo ra hệ thống 4-4-2 và áp dụng lần đầu cho đội Dinamo Kiev của ông vào thập niên 60 thế kỷ trước, đúc rút: “Bóng đá giống như một chiếc máy bay phản lực. Muốn vận tốc tăng, bạn phải giảm lực cản không khí, bằng cách làm cho tuyến đầu trở nên linh hoạt hơn”. Đó là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng khác trên hàng công: Đa dạng hóa vai trò của tiền đạo, và mở rộng phạm vi hoạt động của họ.
Tư tưởng của Maslov sau này được bổ sung bởi Valeriy Lobanovskyi (Dinamo Kiev) và Arrigo Sacchi (AC Milan), cũng như tại Ajax Amsterdam và Bayern những năm 1970, những đội bóng bắt đầu đề cao hơn vai trò của các tiền đạo lùi, và nửa thập kỷ trở lại đây, triết lý ấy bùng nổ với sự xuất hiện của một vị trí rất đặc biệt: Số 9 ảo. Không còn bó hẹp phạm vi trong vòng cấm, mẫu cầu thủ này di chuyển rất rộng, hoán chuyển vị trí, tạo ra các khoảng trống, và kiến tạo lẫn ghi bàn. Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, hai cầu thủ tấn công được coi là xuất sắc nhất thế giới thời điểm này, đều chơi ở vị trí này, và cuộc chạy đua kinh khủng giữa họ về số bàn thắng lẫn danh hiệu những mùa bóng vừa qua đang khiến hình ảnh của những tiền đạo cắm cổ điển mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Nhưng sự chiến thắng của những trường phái tiền đạo lùi trước những “poacher” cũng sẽ khiến chúng ta phải nuối tiếc vì sắp mất một vẻ đẹp khác của bóng đá: Vẻ đẹp của sự đơn giản.
(Theo Thể Thao Văn Hoá